Đức Thánh Cha Phanxicô

 

GIÁO LÝ VỀ PHỤNG VỤ CỬ HÀNH THÁNH THỂ

 

 

BUỔI TRIỀU KIẾN CHUNG THỨ TƯ 7-2-2018

 

Bài 9 

 

"Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, được diễn tiến nơi Phụng Vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ,

tiến đến tột đỉnh của mình nơi việc công bố Phúc Âm".

Pope Francis speaks at the Wednesday General Audience

 

 "... buồn chán bởi một bài giảng dài dòng, hoặc thiếu mạch lạc hay khó hiểu... xin đừng giảng quá 10 phút nhé"

 

Xin chào Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta tiếp tục loại bài giáo lý về Thánh Lễ. Chúng ta đã tiến đến các Bài Đọc. Cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, được diễn tiến nơi Phụng Vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ, tiến đến tột đỉnh của mình nơi việc công bố Phúc Âm. Việc này được mở đầu bằng việc hát Alleluia - hoặc bằng một câu xướng khác vào Mùa Chay - nhờ đó "cộng đoàn tín hữu tiếp đón và ngỏ lời chào Chúa, Đấng sắp lên tiếng trong Bài Phúc Âm" (1). Như các mầu nhiệm của Chúa Kitô làm sáng tỏ toàn thể mạc khải thánh kinh thế nào, cũng vậy, nơi Phụng Vụ Lời Chúa, bài Phúc Âm trở thành ánh sáng cho thấy ý nghĩa của các đoạn bài thánh kinh trước đó, thuộc Cựu Ước hay Tân Ước. Thật vậy, Chúa Kitô là tâm điểm và là trọn vẹn của toàn thể Thánh Kinh cũng như của tất cả việc cử hành phụng vụ (2). Chúa Giêsu bao giờ cũng là tâm điểm, bao giờ cũng thế.

Bởi thế, chính phụng vụ làm cho Phúc Âm nổi bật hơn các Bài Đọc khác và tỏ ra đặc biệt tôn kính Phúc Âm (3). Thật vậy, việc đọc Phúc Âm được giành cho thừa tác viện thánh chức, kết thúc bằng việc hôn Cuốn Sách; chúng ta đứng nghe Phúc Âm và làm dấu Thánh Giá trên trán, trên miệng và trên ngực; những cây nến sáng và hương tôn kính Chúa Kitô là những gì, bằng việc đọc phúc âm, làm âm vang lời gây tác dụng của Người. Qua những dấu chỉ ấy cộng đoàn nhìn nhận sự hiện diện của Chúa Kitô là Đấng cống hiến cho họ một "Tin Mừng" hoán cải và biến đổi. Đó là một cuộc đàm đạo trực tiếp đang xẩy ra, như những câu xướng được đáp lại việc công bố này chứng thực: "Lạy Chúa, vinh danh Chúa" và "Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa". Chúng ta đứng để nghe bài Phúc Âm, nhưng chính Chúa Kitô đang nói với chúng ta ở đó. Bởi vậy mà chúng ta mới chuyên chú, vì nó là một cuộc đàm đạo trực tiếp. Chính Chúa là Đấng đang nói với chúng ta.

Thế nên chúng ta không đọc bài Phúc Âm trong Thánh Lễ để biết cách thức xẩy ra các sự việc, mà chúng ta nghe Phúc Âm để ý thức những gì Chúa Giêsu đã từng nói và làm; và Lời ấy đang sống động, Lời Chúa Giêsu, ở trong Phúc Âm, đang sống động và tiến đến cõi lòng của chúng ta. Đó là lý do tại sao việc lắng nghe Phúc Âm hết sức quan trọng bằng một tấm lòng cởi mở, vì đó là Lời hằng sống. Thánh Âu Quốc Tinh (Augustino) đã viết: "Phúc Âm là môi miệng của Chúa Kitô. Người ngự trị ở trên Trời, thế nhưng vẫn không thôi lên tiếng trên trái đất" (4). Nếu quả thực Chúa Kitô công bố Phúc Âm lần nữa (5) nơi phụng vụ thì khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta cần phải đáp ứng Người. Chúng ta lắng nghe Phúc Âm và chúng ta cần phải đáp ứng trong cuộc sống của mình.

Trong việc công bố sứ điệp của mình, Chúa Kitô cũng sử dụng cả lời của vị linh mục giảng giải sau bài Phúc Âm nữa (6). Như được Công Đồng Chung Vaticanô II hết sức khuyến cáo thì, vì là một phần của chính phụng vụ (7) mà bài giảng không phải là một bài thuyết trình theo hoàn cảnh hay là một bài giáo lý, như tôi hiện đang chia sẻ đây -, hay là một hội nghị hoặc thậm chí cũng chẳng phải là một bài học nữa; bài giảng là một cái gì khác hẳn. Bài giảng là gì? Nó là việc tái tục cuộc đối thoại đang diễn tiến giữa Chúa và dân Ngài, nhờ đó cuộc đối thoại được nên trọn trong cuộc sống. Việc dẫn giải đích thực Phúc Âm được thể hiện ở nơi đời sống thánh đức của chúng ta! Lời Chúa kết thúc hành trình của mình khi trở thành hiện thực nơi chúng ta, được chuyển thành các việc làm, như đã xẩy ra nơi Mẹ Maria và Chư Thánh. Hãy nhớ lại những gì tôi đã nói ở lần vừa rồi, Lời Chúa nhập vào qua tai, tiến đến tâm can và trở ra đôi tay, thành các việc lành. Bài giảng cũng theo Lời Chúa và theo tiến trình như thế nữa để giúp chúng ta, nhờ đó Lời Chúa, bằng ngang qua cõi lòng thì tiến đến đôi tay.

Tôi đã nói đến vấn đề về bài giảng ở trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, ở đó tôi đã nhắc nhở rằng bối cảnh phụng vụ "mời gọi việc giảng giải qui cộng đoàn cũng như giảng viên về mối hiệp thông với Chúa Kitô nơi Thánh Thể, một mối hiệp thông biến đổi cuộc đời".

Con người giảng giải cần phải làm trọn thừa tác vụ của mình một cách tốt đẹp - vị giảng giải, linh mục hay phó tế hoặc Giám Mục - là người cống hiến một việc phục vụ thực sự cho tất cả những ai đang tham phần vào Thánh Lễ, thế nhưng những ai nghe các vị cũng cần phải thực hiện phần của mình nữa. Trước hết, bằng việc chăm chú, tức là có những tâm tình đúng đắn, không có những đòi hỏi chủ quan, biết rằng hết mọi vị giảng giải đều có công và đều có những giới hạn của họ. Nếu đôi khi có lý do buồn chán bởi một bài giảng dài dòng, hoặc thiếu mạch lạc hay khó hiểu, trái lại, ở những trường hợp khác, bài giảng có tính cách thiên kiến là những gì gây chướng ngại. Người giảng giải cần phải ý thức rằng mình không làm điều gì đó của riêng mình; mà là giảng giải, là lên tiếng cho Chúa Giêsu, là giảng dạy Lời của Chúa Giêsu. Bài giảng cần phải soạn dọn cẩn thận; nó cần phải ngắn gọn, ngắn gọn thôi! Có vị linh mục đã nói với tôi rằng có lần ngài đi đến một thành phố khác, nơi cha mẹ ngài ở và ngài nghe người cha nói với ngài rằng: "Con biết không, bố cảm thấy vui vì cùng với bạn bè của bố, chúng tôi đã tìm được một nhà thờ có lễ mà không có giảng!" Biết bao lần chúng ta thấy trong bài giảng có một số thiếp ngủ, có người thì nói chuyện hay đi ra ngoài hút thuốc... Bởi thế, xin làm ơn giảng ngắn thôi, nhưng phải được soạn dọn đàng hoàng. Quí linh mục, phó tế và Giám Mục thân mến, một bài giảng cần phải được soạn dọn ra sao? Cần phải được soạn dọn như thế nào? Bằng việc cầu nguyện, bằng việc học hỏi Lời Chúa và bằng việc thực hiện một tổng hợp rõ ràng và vắn gọn; xin đừng giảng quá 10 phút nhé.

Để kết thúc chúng ta có thể nói rằng, qua bài Phúc Âm và Bài Giảng trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, Thiên Chúa đối thoại với dân của Ngài, thành phần lắng nghe Ngài một cách chăm chú và trân trọng, đồng thời, nhận biết rằng Ngài đang hiện diện và tác động. Bởi vậy, nếu chúng ta lắng nghe "Tin Mừng" thì chúng ta sẽ được tin mừng hoán cải và biến đổi, nhờ đó chúng ta mới có thể biến đổi bản thân và thế giới. Tại sao? Vì Tin Mừng, Lời Chúa nhập vào lỗ tai, sang qua cõi lòng và tiến tới đôi tay để thực hiện các việc lành thánh.

[1] Ordinamento Generale del Messale Romano, 62

[2] Introduction to the Lectionary, 5.

[3] Cf. Ordinamento Generale del Messale Romano, 60 and 134.

[4] Sermon 85, 1:PL 38, 520; Cf. also Treatise  on the Gosep of John, XXX, I: PL 35, 1632; CCL 36, 289.

[5] Second Ecumenical Vatican Council, Constitution Sacrosanctum Concilium, 33.

[6] Cf. Ordinamento Generale del Messale Romano, 65-66; Introduction to the Lectionary, 24-27.

[7] Cf. Second Ecumenical Vatican Council, Constitution Sacrosanctum Concilium, 52.

(Sau bài giáo lý và những lời chào hỏi cùng nhắn nhủ khác, ĐTC nói đến Thế Vận Hội Mùa Đông 2018 ở Nam Hàn như sau:)

Năm nay, thời gian nghỉ ngơi cho Thế Vận Hội truyền thống có được một tầm vóc quan trọng, đó là các đại biểu của hai miền nam bắc Hàn quốc sẽ diễu hành cùng với nhau dưới cùng một ngọn cờ và sẽ thi đấu như là một đội tuyển duy nhất. Sự kiện này cống hiến niềm hy vọng là các cuộc xung khắc trên thế giới có thể được giải quyết bằng đối thoại và tương kính, như thể thao cũng dạy con người ta thực hiện.

Tôi xin gửi lời chào tới Tiểu Ban Thế Vận Hội, tới những anh chị em lực sĩ tham dự các Môn Chơi ở PyeongChang, tới quí vị Thẩm Quyền và tới nhân dân Đảo Quốc Triều Tiên. Tôi xin đồng hành với tất cả mọi người bằng lời cầu nguyện, đồng thời tôi cũng lập lại việc dấn thân của Tòa Thánh trong việc hỗ trợ hết mọi khởi động hữu ích cho hòa bình cũng như cuộc hội ngộ giữa các dân tộc. Chớ gì những Thế Vận Hội này là một cử hành trọng đại Tình Thân Hữu và thể thao! Xin Thiên Chúa chúc lành và bảo vệ các bạn!

 

South Korean workers put finishing touches on the Ice Arena ahead of the Pyeongchang Winter Olympics

Việc sửa soạn vẫn đang tiếp tục cho tới giây phút cuối cùng ở sân trượt tuyết cho Thế Vận Hội Mùa Đông ở Pyeongchang,

được khai mạc vào Thứ Sáu mùng 9/2/2018, với 92 quốc gia tham dự.

 

https://zenit.org/articles/popes-full-general-audience-on-the-gospel-homily/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu