GIÁO HỘI HIỆN THẾ 2018
(Ở phần dẫn nhập, trong đoạn đầu tiên, ĐTC chào chúc chung ngoại giao đoàn, và riêng các vị lãnh sự mới, cùng tưởng nhớ vị qua đời. Và ở đoạn thứ hai, ngài nhặc lại các chuyến tông du của ngài đến một số nước trên thế giới trong năm 2017. Ở phần thân, nhân dịp kỷ niệm đúng 100 năm kết thúc Thế Chiền Thứ Nhất (1918) và 70 Năm Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc (1948), ĐTC Phanxicô đề cầp chính yếu tới Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, một văn kiện có nội dung hợp với giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII trong Thông Điệp Hòa Bình trên Trái Đất" của vị tiền nhiệm này).
Quí Vị Lãnh Sự thân mến,
Năm nay là năm đánh dấu đúng 100 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất, một cuộc xung đột đã làm thay đổi bộ mặt Âu Châu và toàn thế giới bằng cuộc xuất hiện của những nhà nước mới thay thế cho các đế quốc xưa. Từ đống tro tàn của Cuộc Đại Chiến này, chúng ta có được hai bài học đáng buồn mà nhân loại không nắm bắt lấy ngay, nên trong vòng 20 năm lại tiến đến một cuộc xung đột mới còn thảm khốc hơn nữa. Bài học đầu tiên đó là chiến thắng không bao giờ có nghĩa là hạ nhục một đối thù bị thảm bại. Hòa bình không phải là những gì được xây dựng bằng việc vênh vang cái quyền lực của kẻ thắng trên người bại. Những hành động hung hăng sau đó không bị luật sợ hãi làm thất đảm, trái lại, bằng quyền lực của lý lẽ trầm lắng giúp phấn khích việc đối thoại và thông cảm nhau như phương tiện giải quyết những gì là khác biệt (Cf. JOHN XXIII, Encyclical Letter Pacem in Terris, 11 April 1963, 90). Từ đó mới có bài học thứ hai, đó là hòa bình được củng cố khi các quốc gia có thể ngang hàng bàn luận với nhau về các vấn đề. Điều này đã được nắm bắt một trăm năm trước đây - vào chính ngày hôm nay đây - bởi vị Tổng Thống Hoa Kỳ bấy giờ là Woodrow Wilson, người đã đề nghị thiết lập một liên minh chung chư quốc với mục đích cổ võ cho tất cả mọi quốc gia, lớn cũng như bé, những bảo đảm hỗ tương về quyền độc lập cũng như về tính cách toàn vẹn lãnh thổ. Điều này đã đặt nền tảng về lý thuyết cho việc ngoại giao đa dạng, một thứ ngoại giao qua giòng thời gian càng đóng vai trò và gây ảnh hưởng hơn trong cộng đồng quốc tế nói chung.
Các mối liên hệ giữa chư quốc, như tất cả mọi mối liên hệ của con người, "cũng cần phải được hòa hợp với các qui định của chân lý, công lý, việc hợp tác tự nguyện và tự do" (cùng nguồn vừa dẫn, 80). Điều này bao gồm "nguyên tắc là tất cả mọi quốc gia tự bản chất đều bình đẳng về phẩm vị" (cùng nguồn vừa dẫn, 86), cũng như việc nhìn nhận các quyền lợi của nhau cùng với việc hoàn thành các trách vụ xứng hợp của mình (cùng nguồn vừa dẫn, 91). Cái căn cốt của phương sách này đó là việc nhìn nhận phẩm vị của con người, vì việc gạt bỏ và khinh thường đối với cái phẩm vị ấy đã gây ra các hành động dã man khiến lương tâm con người uất hận (Cf. Universal Declaration of Human Rights, 10 December 1948). Thật vậy, đúng như Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền khẳng định: "việc nhìn nhận phẩm vị bẩm sinh và các quyền lợi bình đẳng bất khả tước đoạt của tất cả mọi phần tử của gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới" (Ibid. Preamble).
Tôi muốn giành cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay cho văn kiện Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền quan trọng ấy, 70 năm sau khi nó được chuẩn nhận vào ngày 10 tháng 12 năm 1948 bởi Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Đối với Tòa Thánh thì việc nói về nhân quyền, trước hết, có nghĩa là lập lại tính chất trọng tâm của con người là loài được Thiên Chúa mong muốn và đã tạo dựng nên theo hình ảnh Ngài và tương tự như Ngài. Chính Chúa Giêsu, khi chữa lành cho người phong cùi, phục quang cho người mù lòa, nói năng với người thu thuế, cứu mạng người đàn bà bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và muốn thấy người lữ khách bị thương được chăm sóc, giúp cho chúng ta hiểu được rằng hết mọi con người đều đáng tôn trọng và quan tâm, bất kể thân phận của họ về thể lý, tinh thần hay xã hội. Theo quan điểm của Kitô giáo thì có một mối liên hệ quan trọng giữa sứ điệp Phúc Âm và việc nhìn nhận các quyền lợi của con người theo tinh thần của những ai đã soạn thảo bản Tuyên Ngôn Chung Nhân Quyền này.
Các thứ quyền lợi này được căn cứ vào bản tính khách quan chung của nhân loại. Chúng được công bố để loại trừ đi những cản trở gây chia rẽ gia đình nhân loại và thích hợp với những gì giáo huấn về xã hội của Giáo Hội kêu gọi việc phát triển toàn vẹn con người, vì giáo huấn này bao gồm việc nuôi dưỡng "vấn đề phát triển của từng con người và của một con người toàn vẹn... cũng như của nhân loại nói chung" (PAUL VI, Encyclical Letter Populorum Progressio, 26 March 1967, 14). Trái lại, một thứ nhãn quan giảm thiểu về con người lại mở đường cho tình trạng gia tăng bất công, bất bình đẳng xã hội và băng hoại.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý là qua năm tháng, đặc biệt là sau cuộc biển động về xã hội ở thập niên 1960, việc giải thích về một số quyền lợi càng ngày càng thay đổi, bằng việc bao gồm của một số "các quyền lợi mới" thường xung khắc với nhau. Điều này đã không phải luôn luôn giúp vào việc cổ võ các mối liên hệ thân tình giữa chư quốc (Cf. Universal Declaration of Human Rights, Preamble), vì những quan niệm gây tranh cãi về nhân quyền đã gia tăng đến độ trở thành những gì ngang trái với nền văn hóa của nhiều xứ sở; và những xứ sở này cảm thấy rằng mình không được tôn trọng ở những truyền thống về xã hội và văn hóa của họ, trái lại, chúng bị gạt bỏ vì các thứ nhu cầu thực hữu chúng cần phải đối diện. Ở đây xẩy ra một thứ mâu thuẫn làm sao ấy, có nguy cơ là nhân danh chính nhân quyền chúng ta sẽ thấy xuất hiện các hình thức thực dân hóa về ý hệ (ideological colonization) tân tiến bởi thành phần mạnh hơn và giầu hơn, gây tác hại thành phần nghèo hơn và dễ tổn thương. Đồng thời cũng cần phải nhắc lại là các truyền thống của các dân tộc cá thể không thể được dùng làm tấm bình phong để coi thường việc tôn trọng tương đáng đối với những thứ quyền lợi căn bản được công bố trong Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền này.
Ở vào khoảng cách 70 năm này thật là nhức nhối khi thấy biết bao nhiêu là thứ quyền lợi căn bản đã tiếp tục bị vi phạm hôm nay đây. Trước hết, trong số những thứ quyền lợi này, là quyền của hết mọi người được có sự sống, tự do và an ninh bản thân (Cf. ibid., Art.3). Không phải chỉ có chiến tranh hay bạo động đang vi phạm đến các quyền lợi này. Trong thời điểm của chúng ta đây, còn có những cách thức tinh xảo hơn thế nữa: tôi nghĩ đến chính yếu các trẻ em vô tội bị loại trừ trước khi các em được sinh ra, có những lúc bất chấp chỉ vì các em yếu đau hay dị dạng, hoặc bởi lòng vị kỷ của thành phần người lớn. Tôi nghĩ đến các vị lão thành, thường bị loại trừ, nhất là khi yếu bệnh và bị coi như là một gánh nặng. Tôi nghĩ đến những người phụ nữ thường chịu đựng bạo lực và bị đàn áp, nhất là những ai tháo chạy bởi nghèo nàn và chiến tranh, đã làm mồi cho một thứ thương vụ bất hợp pháp của những cá nhân bất lương.
Việc bênh vực quyền có sự sống và toàn vẹn về thể lý cũng có nghĩa là việc bảo đảm quyền có được sức khỏe nơi cá nhân cũng như gia đình của họ. Ngày nay, quyền lợi này đã bao gồm những hàm ý vượt ra ngoài những ý hướng nguyên thủy của Bản Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền, một văn kiện tìm cách khẳng định quyền lợi của hết mọi cá nhân trong việc được chăm sóc y tế cùng với các dịch vụ xã hội cần thiết (Cf. ibid., Art. 25.) Về vấn đề này, tôi hy vọng rằng sẽ có những nỗ lực trong các cuộc hội đàm quốc tế để trước hết làm dễ dãi hơn về phương cách thuận lợi cho tất cả mọi người được chăm sóc và chữa trị về y tế. Cần phải hợp lực để áp dụng các chính sách bảo đảm, ở một giá phải chăng, cái dự khoản về những vấn đề y khoa thiết yếu cho việc sống còn của những ai cần thiết, mà không lơ là với lãnh vực nghiên cứu cùng phát triển việc chữa trị thiết yếu cho việc cứu vãn mạng sống con người, cho dù chẳng lợi lộc gì về tài chính.
Việc bênh vực quyền có sự sống cũng bao gồm việc chủ động tranh đấu cho hòa bình, một thứ hòa bình được phổ quát nhìn nhận như là một trong những thứ giá trị tối hậu cần phải tìm kiếm và bênh vực. Tuy nhiên, các cuộc xung đột ở địa phương tiếp tục bùng nổ ở những miền khác nhau trên thế giới. Các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, các hoạt động nhân đạo của các tổ chức quốc tế và những thỉnh nguyện hòa bình liên tục xuất phát từ những mảnh đất bị xâu xé bởi bạo động dường như càng ngày càng ít công hiệu hơn trước lý lẽ cố chấp của chiến tranh. Thảm trạng này không thể nào làm cho chúng ta giảm suy lòng ước muốn và nỗ lực cho hòa bình của chúng ta. Vì không có hòa bình thì cũng chẳng có vấn đề khả đạt nơi việc phát triển con người toàn vẹn.
Việc giải giới toàn vẹn và việc phát triển toàn vẹn gắn bó chặt chẽ với nhau. Thật vậy, việc tìm cầu hòa bình như là điều kiện tiên quyết cho vấn đề phát triển đòi phải chiến đấu chống lại bất công và loại trừ đi, bằng đường lối bất bạo động, các nguyên nhân bất hòa dẫn đến chiến tranh. Tình trạng tăng bội các thứ vũ khí rõ ràng là càng trầm trọng hóa những trường hợp xung đột và kéo theo những giá phải trả khủng khiếp về con người cũng như về vật chất, làm soi mòn vấn đề phát triển và việc tìm kiếm một nền hòa bình bền vững. Thành quả lịch sử đạt được năm vừa rồi bằng việc chấp thuận Bản Hiệp Định Cấm Các Thứ Vũ Khí Nguyên Tử ở vào cuối Hội Nghị Liên Hiệp Quốc trong việc thương thảo với nhau về một biện pháp bó buộc theo pháp lý trong việc loại trừ các thứ vũ khí nguyên tử, là những gì hùng hồn chứng tỏ cho thấy ước muốn hòa bình tiếp tục vẫn còn đó. Việc phát động một nền văn hóa hòa bình cho việc phát triển toàn diện cần phải có những nỗ lực liên tục hợp với việc giải giới và giảm bớt vấn đề sử dụng lực lượng võ trang để giải quyết các vấn đề quốc tế. Bởi thế, tôi xin phấn khích một cuộc tranh luận rộng rãi và chân thành về đề tài này, một đề tài để tránh đi tình trạng phân cực cộng đồng quốc tế về một vấn đề tế nhị như thế. Hết mọi nỗ lực theo chiều hướng ấy, dù có chừng mực tới đâu, cũng cho thấy một bước tiến quan trọng của nhân loại.
Về phần mình, nhân danh và thay cho Quốc Đô Vatican (Vatican City State), Tòa Thánh đã ký kết và phê chuẩn Hiệp Định Cấm Các Thứ Vũ Khí Nguyên Tử. Tòa Thánh làm như vậy ở chỗ tin tưởng rằng, như Thánh Gioan XXIII viết trong Thông Điệp Hòa Bình trên Trái Đất / Pacem in Terris, "công lý, lý lẽ chính đáng và việc nhìn nhận phẩm vị của con người liên lỉ vang tiếng xin ngừng lại cuộc chạy đua các thứ vũ khí. Các kho trang bị vũ khí đã được thiết lập ở các xứ sở khác nhau cần phải được giảm bớt lại tất cả, cũng như đồng thời bởi những bên liên quan" (Pacem in Terris, 112). Thật vậy, thậm chí "khó lòng tin được rằng bất cứ ai dám lãnh trách nhiệm về việc khởi động cuộc tàn sát và hủy hoại kinh hoàng gây ra bởi chiến tranh, thì cũng không thể chối cãi là mối họa cả thể này lại có thể đột phát bởi tình cờ hay bởi hoàn cảnh bất ngờ nào đó" (Ibid., 111).
Bởi thế mà Tòa Thánh lập lại niềm xác tín mạnh mẽ "là bất cứ cuộc tranh luận này xẩy ra giữa các quốc gia đều cần phải được giải quyết bằng việc thương thảo và thỏa ước, chứ không phải bằng việc sử dụng các thứ vũ khí" (Ibid., 126). Việc liên lỉ sản xuất vũ khí tân tiến và "tinh chế" hơn bao giờ hết, và việc kéo dài nhiều cuộc xung đột - điều mà tôi cho rằng như "một thế chiến thứ ba đãng xẩy ra từng mảnh" - dẫn chúng ta tới chỗ tái khẳng định câu phát biểu của Thánh Gioan XXIII là "trong thời đại hãnh diện về quyền năng nguyên tử lực của mình này, nó không còn nghĩa lý gì khi chủ trương rằng chiến tranh là một phương tiện thích hợp nhờ đó mới sửa chữa được những gì vi phạm công lý... Tuy nhiên, chúng ta hy vọng rằng, bằng việc thiết lập mối giao tiếp với nhau cũng như bằng một chính sách thương thảo, các quốc gia sẽ tiến tới chỗ nhìn nhận hơn nữa các mối liên hệ tự nhiên ràng buộc họ lại với nhau như là những con người. Chúng tôi cũng hy vọng rằng họ sẽ tiến tới chỗ hiện thực tốt đẹp hơn một trong những phần vụ chính xuất phát từ bản tính chung của chúng ta, đó là yêu thương, chứ không phải sợ hãi, cần phải làm chủ các mối liên hệ giữa cá nhân với nhau cũng như giữa chư quốc với nhau. Chính cái chủ trì này của tình yêu mới là những gì lôi kéo con người lại với nhau bằng đủ mọi cách thức, mới chân thành liên kết bằng các liên hệ về tâm trí cũng như về thể chất; và đó là một mối hiệp nhất có thể làm tuôn tràn ra vô vàn phúc lành" (Ibid., 127 and 129).
(Tới đây ĐTC Phanxicô áp dụng vấn đề đối thoại khẩn trương ở các châu lục, như ở Á Châu: có bán đảo Triều Tiên, có Syria (liên quan đến làn sóng di cư, đang được một số quốc gia láng giềng cứu trợ như Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ), có Iraq, đặc biệt là có Trung Đông giữa hai dân tộc Do Thái và Pha Lệ Tinh (Palestine); ở Mỹ Châu: có Venezuela; ở Phi Châu: có South Sudan, có Cộng Hòa Dân Chủ Congo, có Somalia, có Nigeria và có Cộng Hòa Trung Phi; ở Âu Châu: có Ukraine. Ngoài ra, ngài cũng đề cập đến các gia đình, theo chiều hướng của Ban Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, một cơ cấu đang bị khủng hoảng nhất là ở Tây phương, bao gồm cả các gia đình tản mác bởi nghèo khổ, chiến tranh và di dân cũng đã xẩy ra ở Âu Châu)
Hôm nay đây có nhiều điều cần phải nói về thành phần di dân và vấn đề di dân, có những lúc xẩy ra chỉ để tạo nên các mối sợ hãi chính yếu mà thôi. Không được quên rằng vấn đề di dân bao giờ cũng có. Theo truyền thống của Kitô Do Thái giáo thì lịch sử cứu độ chính thực là một lịch sử của việc di dân. Chúng ta cũng không được quên rằng vấn đề tự do di chuyển, chẳng hạn như khả năng rời bỏ xứ sở của mình và trở về đó, là một thứ nhân quyền căn bản (Cf. Universal Declaration of Human Rights, Art. 13). Thế nên cần phải loại trừ ngôn từ quen thuộc và bắt đầu từ việc quan tâm thiết yếu là trước hết chúng ta đang đối xử với những con người.
Đó là những gì tôi đã tìm cách lập lại trong Sứ Điệp
cho Ngày Thế Giới Hòa Bình được cử hành vào ngày 1/1 vừa qua, với đề tài: "Những
con người di dân và tỵ nạn là những con người nam nữ đang tìm kiếm hòa
bình". Trong khi nhìn nhận
rằng không phải hết mọi người đều được tác động bởi những ý hướng tốt lành
nhất, chúng ta cũng không được quên rằng đa số những người di dân thích ở
lại quê hương của mình. Thế mà, họ lại họ bị "việc kỳ thị, bách hại, nghèo
khổ và thoái hóa môi trường buộc
phải" lìa
bỏ nó mà đi... "Việc
đón nhận những người khác đòi phải tỏ ra dấn thân một cách cụ thể, một công
cuộc trợ giúp và thiện chí, một chú tâm thao thức và cảm thương, một điều
hành hữu trách về những trường hợp mới mẻ và phức tạp, có những lúc cấu kết
nhiều vấn đề đang xẩy ra, để chẳng đề cập gì tới các nguồn trợ giúp là những
gì bao giờ cũng hạn hẹp. Bằng việc thực hành nhân đức khôn ngoan, các vị
lãnh đạo chính quyền cần phải thực hiện các biện pháp cụ thể trong việc tiếp
nhận, cổ võ, bảo vệ và hội nhập, và "trong giới hạn cho phép theo sự hiểu
biết đúng đắn về công ích, cho phép họ được thuộc về một xã hội mới" (Pacem
in Terris,
57). Các vị lãnh đạo rõ ràng là có trách nhiệm đối với các cộng đồng riêng
của mình, thành phần có các quyền lợi hợp pháp, cùng với việc phát triển hòa
hợp các vị cần bảo đảm, kẻo các vị trở nên như thành phần kiến thiết viên
cẩu thả, tính toán sai lầm nên thất bại việc hoàn tất cái tháp mà các vị đã
cất công xây dựng (cf. Lk 14:28-30)". (FRANCIS,
(Tới đây ĐTC ngỏ lời cám ơn các chính quyền đã tiếp nhận các người di dân, ở cả Á Châu, như Bangladesh, hay Âu Châu, như Ý Đại Lợi, Hy Lạp và Đức quốc, ngài phấn khích Âu Châu hãy "tái nhận thức di sản văn hóa và tôn giáo của nó" theo nhận thức vốn có của nó về các thứ giá trị chân chính để trở thành "một nơi đón nhận, một sứ giả hòa bình và phát triển". Ngài cũng nhắc lại nỗ lực của cộng đồng quốc tế nơi tổ chức Liên Hiệp Quốc để cùng nhau giải quyết vấn đề di dân này, qua Bản Tuyên Ngôn Nữu Ước 2016 về Những Người Tỵ Nạn và Di Dân, và Hai Global Compacts về các người tỵ nạn và sự an toàn năm 2017).
Trong số các nhân quyền tôi cũng muốn đề cập đến hôm nay đó là quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo, bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo (Cf. Universal Declaration of Human Rights, Art. 18). Buồn thay, thật là quá rõ ràng cho thấy quyền tự do tôn giáo thường bị gạt bỏ, và tôn giáo thường trở thành một cơ hội biện minh theo ý hệ cho các hình thức mới của chủ nghĩa cực đoan hay trở thành một tấm bình phong cho việc khai trừ khỏi xã hội thành phần tín hữu, nếu không muốn nói là việc họ bị bách hại thẳng mặt. Điều kiện để xây dựng các xã hội bao gồm là một thứ nhận thức toàn vẹn về con người, thành phần có thể cảm thấy bản thân mình thực sự được chấp nhận khi được nhìn nhận và chấp nhận ở tất cả mọi chiều kích làm nên căn tính của họ, bao gồm cả chiều kích tôn giáo. (Sau cùng ĐTC nhắc đến tầm vóc quan trọng của quyền có được công ăn việc làm)
Quí Vị Tôn Nữ Tôn Nam,
Trong việc nhắc lại một số quyền lợi được chất chứa trong Bản Tuyên Ngôn Chung 1948, tôi không có ý coi nhẹ một trong các khía cạnh quan trọng của nó, tức là việc nhìn nhận rằng từng cá nhân đều có phận vụ đối với cộng đồng, "trong việc đáp ứng các đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và tình trạng phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ" (Cf. Universal Declaration of Human Rights, Art. 29).
Việc kêu gọi chính đáng cho các quyền lợi của từng con người cần phải lưu ý tới sự kiện là hết mọi cá thể đều thuộc về một thân thể lớn lao hơn. Cả các xã hội của chúng ta nữa, như thân thể của con người, đều hoan hưởng một sức khỏe lành mạnh nếu mỗi một phần tử thực hiệp việc góp phần của mình với ý thức rằng việc đóng góp ấy là việc phục vụ công ích.
Trong số các phận vụ đặc biệt khẩn trương ngày nay đó là phận vụ chăm sóc cho trái đất của chúng ta. Chúng ta biết rằng thiên nhiên tự nó có thể là những gì ác nghiệt, cho dù không liên quan gì tới trách nhiệm của con người. Chúng ta đã thấy điều ấy trong năm vừa qua, nơi các trận động đất xẩy ra ở các phần đất khác nhau trên thế giới của chúng ta, nhất là những trận động đất mới đây ở Mễ Tây Cơ cũng như ở Iran, kèm theo con số nạn nhân lên cao, cũng như nơi các cơn bão lụt dữ dội tàn phá các xứ sở khác nhau ở Caribbean, tiến đến cả miền duyên hải của Hoa Kỳ, và gần đây nhất là Phi Luật Tân. Cho dù là thế, người ta không được coi thường tầm quan trọng nơi trách nhiệm của mình trong việc giao hệ với thiên nhiên. Các thứ thay đỗi về khí hậu, nơi sự kiện gia tăng toàn cầu nhiệt độ cùng với các tàn hại, cũng là một thứ hậu quả gây ra bởi hoạt động của con người. Bởi thế, trong một nỗ lực liên kết, cần phải đảm nhận trách nhiệm lưu lại cho các thế hệ mai hậu một thế giới mỹ miều và đáng sống hơn, và hoạt động, theo chiều hướng quyết tâm ở Paris năm 2015, để giảm thiểu những khí thải tác hại đến bầu không khí và sức khỏe của con người.
Tinh thần cần phải hướng dẫn chi phối các cá nhân và chư quốc trong nỗ lực này có thể được so sánh với tinh thần của những thiết kế viên của các ngôi vương cung thánh đường thời trung cổ là những gì tạo nên phong cảnh của Âu Châu. Những dinh thự gây ấn tượng tuyệt vời này cho thấy tầm quan trọng của mỗi một cá nhân tham phần vào một công việc vượt các giới hạn về thời gian. Các thiết kế gia những ngôi vương cung thánh đường đều đã biết rằng họ không thể nhìn thấy việc hoàn thành nơi công cuộc của họ. Tuy nhiên họ cũng tận tâm làm việc, với ý thức rằng chúng thuộc về một dự phóng sẽ được lưu lại cho con cháu của mình hoan hưởng. Trái lại, con cháu của họ sẽ trang điểm và vươn rộng dự phóng ấy cho thành phần con cháu riêng của chúng. Mỗi một con người nam nữ trong thế giới này - nhất là những ai nắm trách nhiệm trong chính quyền - được kêu gọi để vun trồng cái tinh thần phục vụ này và mối liên đới liên thế hệ ấy, nhờ đó trở thành một dấu hy vọng cho thế giới bị trục trặc của chúng ta.
Với
những ý nghĩ này, tôi xin lập lại cùng từng người trong quí vị, cùng
gia đình của quí vị cũng như nhân dân của quí vị, những lời nguyện chúc
tốt đẹp
cho một năm tràn đầy niềm vui, hy vọng và bình an. Xin cám ơn anh chị em.