Đức Thánh Cha Phanxicô
ĐTC Phanxicô - Giảng Lễ Mẹ Thiên Chúa Thứ Hai 1-1-2018
"Việc gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về điều ấy: Thiên Chúa gần gũi với nhân loại, như một con trẻ gần với người mẹ cưu mang nó trong lòng".
Một năm được mở màn nhân danh một Người Mẹ. Mẹ Thiên Chúa là danh hiệu quan trọng nhất của Đức Mẹ. Thế nhưng chúng ta có thể hỏi tại sao chúng ta lại nói là Mẹ Thiên Chúa mà không nói Mẹ của Đức Giêsu. Trong quá khứ, một số người chỉ muốn chấp nhận danh hiệu sau, thế nhưng Giáo Hội đã tuyên bố Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta phải cảm tạ vì những chữ này chất chứa một sự thật cao cả về Thiên Chúa cũng như về chúng ta. Từ giây phút Chúa nhập thể nơi Đức Maria, và đối với tất cả mọi thời đại Người đã mặc lấy nhân tính của chúng ta. Không còn vị Thiên Chúa thiếu vắng con người nữa; xác thịt Đức Giêsu mặc lấy từ Mẹ của Người là của chúng ta, giờ đây cho đến vô cùng bất tận. Việc gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta về điều ấy: Thiên Chúa gần gũi với nhân loại, như một con trẻ gần với người mẹ cưu mang nó trong lòng.
Chữ mẹ (mater) liên hệ với chữ matter (chất thể). Nơi Mẹ của mình, Vị Thiên Chúa của trời cao, Vị Thiên Chúa vô cùng, đã biến mình thành nhỏ bé, Ngài đã hóa thành chất thể, chẳng những để ở với chúng ta mà còn nên như chúng ta nữa. Đó là một phép lạ, một sự mới mẻ trọng đại! Con người không còn lẻ loi một mình nữa; không còn mồ côi, mà vĩnh viễn là một người con. Một năm được mở màn với sự mới mẻ này. Và chúng ta tuyên xưng nó bằng lời: Mẹ Thiên Chúa! Niềm vui của chúng ta là ở chỗ chúng ta biết rằng tình trạng lẻ loi cô độc của chúng ta đã được chấm dứt. Thật là tuyêt vời khi biết rằng chúng ta là thành phần con cái yêu dấu, biết rằng vai trò làm con này của chúng ta không bao giờ bị lấy mất khỏi chúng ta. Đó là những gì phản ảnh bản thân chúng ta nơi Vị Thiên Chúa mỏng dòn và bé mọn ở trong đôi cánh tay của người mẹ, và nhận ra rằng nhân loại là những gì quí báu và linh thánh đối với Chúa. Bởi thế, phục vụ sự sống con người là phục vụ Thiên Chúa. Tất cả mọi sự sống, từ sự sống trong lòng mẹ cho đến sự sống của vị lão thành, của người khổ đau và của người yếu bệnh, và cho đến cả sự sống của kẻ gây rắc rối, thậm chí của kẻ gây rối loạn, cũng phải được đón nhận, yêu thương và giúp đỡ.
Giờ đây chúng ta hãy để Bài Phúc Âm hôm nay hướng dẫn. Chỉ có một điều duy nhất được nói về Người Mẹ của Thiên Chúa, đó là: "Maria đã lưu giữ tất cả những điều ấy mà suy niệm trong lòng mình" (Luca 2:19). Mẹ đã lưu giữ chúng. Mẹ chỉ lưu giữ thôi; Đức Maria không nói. Phúc Âm không tường trình một lời nào của Mẹ trong toàn bộ Giáng Sinh. Cả ở đây nữa, Người Mẹ là người ở với Con của mình: Giêsu là một "hài nhi", một con trẻ "không nói năng gì được". Lời của Thiên Chúa, Đấng "từ lâu trước đã nói bằng nhiều cách khác nhau" (Do Thái 1:1), giờ đây, vào lúc "thời gian viên trọn" (Galata 4:4) lại thinh lặng. Vị Thiên Chúa mà trước nhan Ngài tất cả đều lặng thinh đã biến mình thành môt con trẻ câm nín. Vẻ uy nghi của Ngài không thể diễn tả; mầu nhiệm của tình Ngài yêu thương được tỏ hiện một cách thấp hèn. Cảnh thinh lặng và thấp hèn này là ngôn từ của vai trò làm Chúa của Ngài. Mẹ của Ngài hợp cùng Con mình bằng việc lưu giữ những điều ấy trong thầm lặng.
Việc thinh lặng ấy nói cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta muốn "giữ" mình thì chúng ta cần phải thinh lặng. Chúng ta cần lặng thinh khi chúng ta ngắm nhìn máng cỏ. Khi ngắm nhìn máng cỏ chúng ta nhận thức lại rằng chúng ta được yêu thương; chúng ta nếm hưởng được ý nghĩa thực sự của đời sống. Khi chúng ta thinh lặng ngắm nhìn là chúng ta để cho Chúa Giêsu nói với lòng của chúng ta. Cảnh thấp hèn của Người hạ bệ cái kiêu hãnh của chúng ta xuống; cảnh bần cùng của Người thách đố những cái trưng diện bề ngoài của chúng ta; tình yêu êm ái dịu dàng của Người tác động cõi lòng chai đá cứng cỏi của chúng ta. Việc giành ra giây phút thinh lặng mỗi ngày với Thiên Chúa là việc "gìn giữ" linh hồn của chúng ta; là việc "gìn giữ" tự do của chúng ta khỏi bị tác hại bởi tính cách tầm thường của hưởng thụ, khỏi cảnh ầm ĩ của những thứ buôn bán, khỏi luồng ngôn từ rỗng tuyếch cùng với những đợt sóng ào ạt truyện trò trống rỗng và la lối om sòm.
Phúc Âm tiếp tục nói rằng Mẹ Maria đã lưu giữ tất cả những điều này mà suy niệm trong lòng mình. Những điều này là những điều nào? Chúng là những niềm vui và nỗi buồn. Một đàng là việc hạ sinh của Chúa Giêsu, là tình yêu thương của Thánh Giuse, là việc viếng thăm của các mục đồng, là một đêm rạng ngời. Thế nhưng, đàng khác, là một tương lai bất định, là cảnh vô gia cư "vì không có nơi cho các vị trọ đêm" (Luca 2:7), là cảnh cô độc vì bị ruồng rẫy, là cảm giác không hài lòng khi phải hạ sinh Bé Giêsu trong một chuồng bò lừa. Những niềm hy vọng cùng với những lo âu, ánh sáng và bóng tối: tất cả những điều này đều ở trong cõi lòng của Đức Maria. Mẹ đã làm gì? Mẹ đã ngẫm nghĩ về chúng, tức là Mẹ ở với chúng trong lòng Mẹ trước nhan Thiên Chúa. Mẹ không giữ gì lại; Mẹ không thu mình lại vì thương hại bản thân hay vì cảm thấy đắng cay. Trái lại, Mẹ đã dâng tất cả mọi sự lên Thiên Chúa. Đó là cách Mẹ "đã lưu giữ" những điều ấy. Chúng ta "lưu giữ" những điều chúng ta phó dâng chúng: không phải bằng việc để mình thành mồi cho nỗi sợ hãi, buồn phiền hay tin nhảm, không phải bằng việc đóng cửa lòng mình lại hay cố gắng quên đi, mà bằng việc biến tất cả mọi sự thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Thiên Chúa, Đấng lưu giữ chúng ta trong lòng của Ngài, để rồi đến ngự trong cuộc đời của chúng ta.
Đó là những bí mật của Mẹ Thiên Chúa: bằng việc thinh lặng trân quí tất cả mọi sự và dâng chúng cho Thiên Chúa. Điều này đã xẩy ra trong cõi lòng của Mẹ, như bài Phúc Âm kết thúc. Cõi lòng làm cho chúng ta nhìn vào cái cốt lõi của con người, vào những cảm tình của họ, và vào đời sống. Cả chúng ta nữa, là Kitô hữu trong cuộc hành trình của mình, ở vào lúc mở màn cho một năm, cũng cảm thấy cần phải khởi hành lại từ tâm điểm, bỏ lại những gánh nặng của quá khứ để bắt đầu lại từ những điều thật sự thiết yếu. Hôm nay, trước mắt chúng ta là cái khởi điểm: Mẹ Thiên Chúa. Vì Mẹ Maria thực sự là những gì Thiên Chúa muốn nơi chúng ta, là những gì Thiên Chúa muốn nơi Giáo Hội, đó là trở thành một Người Mẹ dịu dàng và khiêm hạ, nghèo nàn về sản vật thể lý và phong phú về tình yêu thương, không vướng lây tội lỗi và hiệp nhất với Chúa Giêsu, lưu giữ Thiên Chúa trong lòng mình và tha nhân của chúng ta trong cuộc đời mình. Để bắt đầu lại, chúng ta hãy nhìn vào Người Mẹ của chúng ta. Trong trái tim của Mẹ đập nhịp tim của Giáo Hội. Ngày lễ hôm nay nói với chúng ta rằng nếu chúng ta muốn tiến tới chúng ta cần quay trở lại, ở chỗ bắt đầu lại từ máng cỏ, từ Người Mẹ ẵm bế Thiên Chúa trong cánh tay của mình.
Việc tôn sùng Mẹ Maria không phải là một thứ tập tục thiêng liêng; nó là một đòi hỏi của đời sống Kitô giáo. Khi nhìn lên Người Mẹ này, chúng ta được kêu gọi hãy bỏ lại tất cả mọi thứ hành trang vô dụng và hãy tái nhận thức được những gì thực sự thiết yếu. Tặng ân Người Mẹ này, tặng ân hết mọi người mẹ và hết mọi người nữ, là tặng ân quí báu nhất đối với Giáo Hội, vì Giáo Hội cũng là mẹ và là nữ giới. Trong khi nam nhân thường trừu tượng, cứng mạnh và áp đặt ý nghĩ, thì một người nữ, một người mẹ, biết cách "lưu giữ", biết qui tụ các sự lại trong lòng mình, biết cống hiến sự sống. Nếu muốn cho đức tin của chúng ta không bị biến thành một ý nghĩ hay một thứ tín lý thuần túy, thì tất cả chúng ta cần tấm lòng của một người mẹ, một tấm lòng biết cách lưu giữ tình yêu êm ái dịu dàng của Thiên Chúa và cảm thấy nhịp đập của tất cả mọi người quanh chúng ta. Chớ gì người Mẹ này, con người tạo vật đẹp nhất của Thiên Chúa này, canh chừng và gìn giữ năm nay, và ban hòa bình của Con Mẹ cho lòng của chúng ta cũng như cho thế giới của chúng ta.
https://zenit.org/articles/pop
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và những chỗ tự ý nhấn mạnh bằng mầu