GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐTC PHANXICÔ - SỨ ĐIỆP HÒA BÌNH 2019
Ngày Hòa Bình Thế Giới Lần Thứ 52
Chính trị mà tốt đẹp thì phục vụ hòa bình
"Chính trị mà tốt đẹp thì phục vụ hòa bình.
Nó tôn trọng và cổ võ các quyền lợi căn bản của con người,
các thứ quyền lợi đồng thời bao gồm cả các thứ trách nhiệm hỗ tương,
giúp tạo nên một mối liên hệ về lòng tin tưởng và lòng biết ơn giữa thế hệ hiện tai và tương lai".
"Hòa bình là ở chỗ tôn trọng từng người, cho dù họ là ai,
tôn trọng luật pháp và công ích,
tôn trọng môi sinh được ký thác cho chúng ta chăm sóc cũng như
tôn trọng sự phong phú của truyền thống luân lý được thừa hưởng từ các thế hệ trước".
1- "Bình an cho nhà này"!
Khi sai các môn đệ của mình đi truyền giáo, Chúa Giêsu đã nói với các vị rằng: "Các con vào bất cứ nhà nào thì trước tiên hãy nói 'Bình an cho nhà này!' Và nếu nhà đó có con cái của sự bình an thì bình an của các con sẽ ở với họ, bằng không, nó sẽ trở về với các con" (Luca 10:5-6).
Việc mang lại bình an là tâm điểm nơi sứ vụ của các môn đệ Chúa Kitô. Bình an ấy được cống hiến cho tất cả mọi con người nam nữ đang mong đợi hòa bình, giữa những thảm họa và bạo lực hằn dấu lịch sử của con người (Cf. Lk 2:14). "Ngôi nhà" được Chúa Giêsu nói tới đây là hết mọi gia đình, cộng đồng, xứ sở và lục địa, nơi tất cả mọi tính chất đa dạng và lịch sử của nó. Trước hết và trên hết nó là chính mỗi một cá nhân con người, không phân biệt hay kỳ thị. Thế nhưng nó đồng thời cũng là "ngôi nhà chung", tức là thế giới, nơi Thiên Chúa đã đặt để chúng ta ở đó và là nơi chúng ta được kêu gọi để chăm sóc và vun trồng.
Bởi thế mà lời chào đầu năm mới của tôi đó là: "Bình an cho nhà này!"
2- Cái thách đố của thứ chính trị tốt đẹp
Hòa bình giống như niềm hy vọng được thi sĩ Charles Péguy tán tụng (Cf. Le Porche du mystère de la deuxième vertu, Paris, 1986). Nó giống như một bông hoa tinh tế đang cố gắng triển nở nơi mảnh đất sỏi đá của bạo lực. Chúng ta biết rằng nỗi khát vọng quyền lực với bất cứ giá nào là những gì gây ra lạm dụng và bất công. Chính trị là một phương tiện thiết yếu để xây dựng cộng đồng cùng các cơ cấu của nhân loại, thế nhưng khi đời sống chính trị không trở thành một hình thức để phục vụ toàn thể xã hội, nó có thể biến thành phương tiện đàn áp, loại trừ, thậm chí hủy diệt.
Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng "nếu ai muốn làm đầu thì họ cần phải trở nên người rốt bét trong mọi người và là đầy tớ của mọi người" (Marco 9:35). Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói: "việc đảm nhận một cách nghiêm cẩn chính trị ở các cấp độ khác nhau - địa phương, khu vực, quốc gia và quốc tế - đó là việc khẳng định nhiệm vụ của mỗi một cá nhân trong việc thừa nhận thực tại và giá trị của tự do được cống hiến cho họ để hoạt động cùng một lúc cho thiện ích của thành phố, quốc gia và toàn thể nhân loại" (Apostolic Letter Octogesima Adveniens [14 May 1971], 46).
Bởi thế, vai trò chính trị và trách vụ chính trị là những gì liên lỉ thách thức tất cả những ai được kêu gọi phục vụ xứ sở của họ trong việc hết sức cố gắng bảo vệ những ai sống ở đó và tạo nên những điều kiện cho một tương lai xứng đáng và công bằng. Nếu được thực thi bằng việc tôn trọng nền tảng đối với sự sống, tự do và phẩm giá của con người, thì đời sống chính trị mới có thể thực sự trở nên một hình thức bác ái trổi vượt.
3- Đức bác ái và các nhân đức nhân bản: căn bản của chính trị là để phục vụ nhân quyền và hòa bình
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã ghi nhận rằng "hết mọi Kitô hữu được kêu gọi để thực hiện đức bác ái một cách tương xứng với ơn gọi của mình và tùy theo mức độ ảnh hưởng mà họ có được nơi thành đô / pólis... Một khi được tác động bởi đức bác ái, việc dấn thân vì ích chung cho một giá trị cao cả hơn là một vị thế thuần trần tục và chính trị có được... Hoạt động trần thế của con người, khi được đức bác ái gợi hứng và nâng đỡ thì góp phần vào việc xây dựng cái thành đô hoàn vũ của Thiên Chúa, một thành đô là đích điểm của lịch sử gia đình loài người" (Encyclical Letter Caritas in Veritate [29 June 2009], 7). Đó là bản thảo chuơng mà tất cả mọi chính trị gia, bất kể văn hóa hay tôn giáo của mình, có thể đồng ý, nếu họ muốn cùng nhau hoạt động cho thiện ích của gia đình nhân loại, và thực thi những nhân đức nhân bản ấy, giúp duy trì tất cả mọi hoạt động chính trị lành mạnh: công bằng, bình đẳng, tương kính, thành thực, lương thiện, trung tín.
Về vấn đề này, thật là hữu ích khi nhắc lại "Các Phúc Đức của Chính Trị Gia", được ĐHY Việt Nam Phanxicô Nguyễn Văn Thuận liệt kê, một chứng nhân trung thành với Phúc Âm qua đời năm 2002:
Phúc cho chính trị gia có một cảm quan cao quí và sâu xa ý thức được vai trò của mình.
Phúc cho chính trị gia tỏ ra cho thấy bản thân khả tín.
Phúc cho chính trị gia hoạt động cho công ích chứ không cho tư lợi của mình.
Phúc cho chính trị gia biết một mực nhất trí.
Phúc cho chính trị gia hoạt động cho mối hiệp nhất.
Phúc cho chính trị gia nỗ lực hoàn thành những gì cần phải sâu xa thay đổi.
Phúc cho chính trị gia biết lắng nghe.
Phúc cho chính trị gia không biết sợ hãi.
(Cf. Address at the “Civitas” Exhibition-Convention in Padua: “30 Giorni”, no. 5, 2002)
Hết mọi cuộc tuyển chọn hay tái tuyển chọn, cũng như hết mọi giai đoạn của đời sống chính trị, đều là một cơ hội để trở về với những cứ điểm chính yếu làm nên công lý và luật lệ. Một điều chắc chắn đó là chính trị mà tốt đẹp thì phục vụ hòa bình. Nó tôn trọng và cổ võ các quyền lợi căn bản của con người, các thứ quyền lợi đồng thời bao gồm cả các thứ trách nhiệm hỗ tương, giúp tạo nên một mối liên hệ về lòng tin tưởng và lòng biết ơn giữa thế hệ hiện tai và tương lai.
4- Các thói xấu chính trị
Đáng buồn thay, cùng với những nhân đức của mình, chính trị cũng có những thói xấu nữa, gây ra do bởi thiếu khả năng cá nhân, hay bởi những khiếm khuyết nơi hệ thống và các cơ cấu của nó. Hiển nhiên là các thứ thói xấu ấy nói chung làm cho uy tín chính trị bị tác hại, bao gồm cả những quyết định cùng hoạt động của những ai tham gia chính trị. Những thói xấu gặm nhắm lý tưởng của một nền dân chủ chân chính này khiến cho đời sống công chúng không được hài lòng và đe dọa mối hòa hợp xã hội. Chúng ta nghĩ đến tình trạng băng hoại ở các hình thức khác nhau của nó: nào là biển thủ các nguồn lợi chung, nào là khai thác các cá nhân con người ta, nào là chối bỏ các quyền lợi, nào là coi thường các qui tắc cộng đồng, nào là chiếm thủ bất chính, nào là chứng tỏ quyền lực bằng võ lực hay độc đoán vị quốc, nào là chối từ việc từ bỏ quyền lực. Chúng ta còn có thể thêm vào đó nào là bài ngoại, nào là chủng tộc chủ nghĩa, nào là chẳng quan tâm gì đến môi trường thiên nhiên, nào là tước đoạt các nguồn nhiên liệu vì lợi ích mau chóng, nào là coi thường những con người buộc phải sống lưu vong.
5- Chính trị mà tốt đẹp thì cổ võ việc tham phần của giới trẻ và tin tưởng vào người khác.
Khi mà việc thực thi quyền lực chính trị chỉ nhắm đến chỗ bảo vệ lợi lộc của một số nhỏ cá nhân đặc biệt nào đó thì tương lai bị tổn thương và giới trẻ có thể đi đến chỗ mất lòng tin tưởng, vì chúng bị đẩy ra ngoài lề xã hội không còn cơ hội để giúp vào việc xây dựng tương lai. Thế nhưng thứ chính trị cụ thể nuôi dưỡng tài năng của giới trẻ và các khát vọng của chúng, thì bình an nẩy nở nơi ánh mắt của chúng và trên khuôn mặt của chúng. Nó trở thành như một thứ bảo đảm đầy tin tưởng mà rằng "tôi tin tưởng vào quí vị và cùng với quí vị tôi tin tưởng" rằng tất cả chúng ta có thể cùng nhau hoạt động cho công ích. Chính trị mà tốt đẹp thì phục vụ hòa bình nếu nó thể hiện nơi việc nhận biết được các tặng ân và các khả năng của từng cá nhân. "Còn gì đẹp hơn là một bàn tay giơ ra chứ? Tức là Thiên Chúa muốn bàn tay cống hiến và nhận lãnh. Thiên Chúa không muốn bàn tay sát hại (cf. Gen 4:1ff), hay bàn tay giáng họa, mà là chăm sóc và giúp đáp cho đời. Cùng với tấm lòng của chúng ta và trí thông minh của mình, cả đôi tay của chúng ta cũng có thể trở thành phương tiện đối thoại" (BENEDICT XVI, Address to the Authorities of Benin, Cotonou, 19 November 2011).
Hết mọi người có thể đóng góp viên đá của mình vào việc xây dựng ngôi nhà chung này. Đời sống chính trị đích thực, được đặt nền tảng nơi luật lệ cũng như nơi các mối liên hệ thẳng thắn và công bằng giữa các cá nhân, thì cảm nghiệm thấy đổi mới bất cứ khi nào chúng ta xác tín rằng hết mọi con người nam nữ và thế hệ biết ôm ấp những gì là hứa hẹn của những năng lực mới về liên hệ, tri thức, văn hóa và tinh thần. Thứ tin tưởng ấy chẳng bao giờ lại là chuyện dễ dàng đạt được, vì các mối liên hệ của con người thì phức tạp, nhất là trong thời đại của chúng ta đây, đang hằn lên một thứ khí hậu bất tin tưởng bắt nguồn từ nỗi sợ hãi kẻ khác hay những kẻ xa lạ, hoặc từ mối lo âu về mối an toàn bản thân. Thảm thay, nó cũng xẩy ra ở lãnh vực chính trị nữa, nơi những thái độ loại trừ, hay những hình thức chủ nghĩa dân tộc đặt lại vấn đề tình huynh đệ là những gì rất cần đối với thế giới toàn cầu hóa của chúng ta đây. Ngày nay, hơn bao giờ hết, xã hội của chúng ta cần "các nhà tiểu công nghệ hòa bình", thành phần có thể trở thành những sứ giả và chứng nhân đích thực của Thiên Chúa Cha, Đấng muốn thấy gia đình nhân loại được thiện ích và hạnh phúc.
6- Chối bỏ chiến tranh và chiến thuật sợ hãi
Một trăm năm sau Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, lúc chúng ta nhớ lại giới trẻ bị chết trong các trận chiến ấy và cảnh thường dân trở nên tan hoang, chúng ta ý thức hơn bao giờ hết về bài học kinh hoàng được cống hiến bởi các cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn: hòa bình không bao giờ chỉ có thể là mức quân bằng giữa quyền lực và sợ hãi. Việc đe dọa người khác là hạ thấp họ xuống thân phận của các sự vật và chối bỏ phẩm giá của họ. Đó là lý do tại sao chúng ta muốn lập lại rằng việc leo thang dọa nạt và việc phát triển bất khả kiểm soát các thứ vũ khí, là những gì phản luân lý và việc tìm kiếm hòa bình đích thực. Nỗi kinh hoàng xâm chiếm những ai mềm yếu nhất là những gì góp phần vào tình trạng lưu vong của cả khối dân chúng muốn tìm kiếm một nơi bình an nào đó. Các bài diễn từ chính trị có khuynh hướng đổ lỗi cho hết mọi sự dữ nơi thành phần di dân và lấy đi niềm hy vọng của người nghèo là những gì bất khả chấp. Trái lại, cần phải tái khẳng định rằng hòa bình là ở chỗ tôn trọng từng người, cho dù họ là ai, tôn trọng luật pháp và công ích, tôn trọng môi sinh được ký thác cho chúng ta chăm sóc cũng như tôn trọng sự phong phú của truyền thống luân lý được thừa hưởng từ các thế hệ trước.
Chúng ta đặc biệt nghĩ đến tất cả những trẻ em hiện đang sống ở những vùng xung đột, và tất cả những ai đang hoạt động để bảo vệ đời sống của mình cũng như để bênh vực các quyền lợi của mình. Cứ 1 trong 6 trẻ em trong thế giới chúng ta bị ảnh hưởng bởi bạo lực chiến tranh, hay bởi các tác dụng của chiến tranh, ngay cả khi các em không ghi danh đầu quân làm thứ lính con nít, hoặc bị giữ làm con tin bởi các nhóm vũ trang. Chứng từ của những ai hoạt động để bênh vực các em cũng như phẩm vị của các em là những gì quí báu nhất cho tương lai của nhân loại.
7- Một dự án cao cả của hòa bình
Vào những ngày này, chúng ta đang mừng kỷ niệm 70 năm Tuyên Ngôn Phổ Quát về Nhân Quyền, được thừa nhận sau Thế Chiến Thứ Hai. Theo chiều hướng này, chúng ta cũng nên nhớ lại nhận định của Đức Giáo Hoàng Gioan XXXIII: "Việc con người nhận thức về các quyền lợi của mình dẫn họ tới chỗ bất khả tránh là nhìn nhận cả các nhiệm vụ của họ nữa. Việc sở hữu các quyền lợi này bao gồm cả nhiệm vụ áp dụng các quyền lợi ấy, vì các quyền lợi này là những gì thể hiện một thứ phẩm giá bản vị của con người. Và việc sở hữu các quyền lợi này cũng bao gồm cả việc họ nhìn nhận và tôn trọng các quyền lợi người khác" (Encyclical Letter Pacem in Terris [11 April 1963], ed. Carlen, 24).
Hòa bình thực sự là hoa trái của một dự án cao cả về chính trị, được đặt nền tảng trên mối tương trách và liên thuộc giữa con người. Thế nhưng nó cũng là một thách đố đòi phải được tiếp tục một cách mới mẻ hơn. Nó cần có một tấm lòng và một tâm hồn hoán cải; nó bao gồm cả nội tâm và cộng đồng; nó có 3 chiều kích bất khả phân ly:
- hòa bình với bản thân, bằng cách loại trừ những gì là bất khả uyển chuyển, giận dữ và bất nhẫn; như lời của Thánh Phanxicô Salêsiô nói là hãy tỏ ra "một chút dịu dàng với mình" để cống hiến "một chút ngọt ngào cho người khác";
- hòa bình với người khác: đó là các phần tử trong gia đình, bạn hữu, kẻ xa lạ, người nghèo và người khổ đau, bằng cách không sợ gặp gỡ họ và lắng nghe những gì họ cần nói;
- hòa bình với tất cả mọi tạo vật, bằng cách tái nhận thức được tính chất cao cả của tặng ân Chúa ban, cùng với trách nhiệm chung riêng của chúng ta, như thành phần cư ngụ trên thế giới này, thành phần công dân và là kiến tạo viên tương lai.
Nền chính trị hòa bình, bằng ý thức và sâu xa quan tâm đến hết mọi trường hợp khiến con người bị tổn thương, bao giờ cũng có thể xuất hứng từ Ca Vịnh Ngợi Khen, thánh vịnh của Đức Maria, Mẹ của Chúa Kitô Cứu Thế và là Nữ Vương Hòa Bình, đã hát lên nhân danh toàn thể nhân loại: "Ngài đoái thương đến những ai kính sợ Ngài qua mọi thế hệ. Ngài đã vung cánh tay ra oai quyền lực; Ngài đã đánh tan người kiêu ngạo với những ý nghĩ kiêu căng của họ. Ngài đã hạ người quyền hành xuống khỏi tòa cao, và đã nâng người hèn mọn lên;... vì Ngài đã nhớ lại lới hứa hẹn thương xót của Ngài, lời hứa hẹn Ngài đã thực hiện với cha ông chúng ta và con cái của các vị cho đến muôn đời" (Luca 1:50-55).
Tại Vatican ngày 8/12/2018
Phanxicô
Đaminh Maria Cao
Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng
mầu