GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
SỨ ĐIỆP CHO NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG 2018
"Chân lý sẽ giải phóng các người" (Gioan 8:32)
Tin Giả và Nghề Báo phục vụ Hòa Bình
Anh Chị Em thân mến,
Việc truyền thông thuộc về dự án của Thiên Chúa cho loài người và là cách thức thiết yếu để cảm nghiệm được mối thân hữu. Được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Đấng Hóa Công của mình, chúng ta có thể bày tỏ và chia sẻ tất cả những gì là chân, thiện và mỹ. Chúng ta có thể diễn tả các thứ cảm nghiệm riêng về mình cũng như về thế giới quanh chúng ta, nhờ đó kiến tạo nên ký ức lịch sử và kiến thức về các biến cố xẩy ra. Thế nhưng, khi chúng ta chiều theo tính kiêu hãnh và vị kỷ của mình, chúng ta có thể làm méo mó đi cách thức chúng ta sử dụng khả năng của chúng ta để truyền đạt. Điều này đã từng được thấy xẩy ra vào những thời xa xưa nhất, nơi các câu truyện thánh kinh về anh em Cain Abel, và về Tháp Babel (xem Khởi Nguyên 4:4-16; 11:1-19). Khả năng để xoay vặn chân lý là một thứ triệu chứng nơi thân phận của chúng ta, cả với tư cách cá nhân cũng như đoàn thể. Trái lại, khi chúng ta trung thành với dự án của Thiên Chúa thì việc truyền đạt trở nên một biểu hiện hữu hiệu nơi việc tìm kiếm chân lý có trách nhiệm của chúng ta và việc chúng ta theo đuổi sự thiện.
Trong thế giới biến chuyển mau chóng về các thứ truyền thông cùng với các thứ cơ chế về số, chúng ta đang chứng kiến thấy tình trạng lan tràn những gì từng được cho là "tin giả". Cần phải suy nghĩ đến vấn đề này, một suy nghĩ khiến tôi quyết định trở lại với vấn đề chân lý ở Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông này, một vấn đề đã được lập đi lập lại bởi các vị tiền nhiệm của tôi, bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong Sứ Điệp Năm 1972 ở đề tài: "Các Thứ Truyền Thông Xã Hội là để Phục Vụ Chân Lý". Nhờ đó tôi muốn đóng góp vào việc dấn thân chung của chúng ta trong việc ngăn chặn việc phổ biến các tin giả cũng như trong việc phục hồi phẩm giá cho nghề làm báo cũng như trách nhiệm bản thân của thành phần phóng viên ký giả truyền đạt chân lý.
1- Đâu là "giả" ở nơi tin giả?
Từ ngữ "tin giả - fake news" đã từng là đối tượng của nhiều cuộc bàn luận và tranh cãi. Nói chung, nó ám chỉ đến vấn đề phổ biến các tin tức thêu dệt trên mạng điện toán hay nơi các phương tiện truyền thông truyền thống. Nó liên quan đến tín liệu sai lạc vô căn cứ hay các dữ kiện bị bóp méo cố ý đánh lừa và mạo dụng độc giả. Việc phổ biến tin giả có thể giúp gia tăng các mục đích đặc biệt, ảnh hưởng tới các quyết định về chính trị cũng như giúp cho lợi lộc về kinh tế.
Hiệu năng của tin giả chính yếu là do khả năng của nó trong việc rập khuôn (mimic) tin thật, có vẻ hợp tình hợp lý. Sau nữa, cái tin giả nhưng có vẻ khả tín này là một thứ "xảo trá ngụy biện (captious)", vì nó thu hút sự chú ý của dân chúng bằng cách khơi lên những gì là khuôn mẫu và những thành kiến tai hại chung về xã hội, và khai thác những cảm xúc nhất thời như lo âu, khinh bỉ, giận dữ và thất vọng. Khả năng phổ biến tin giả như vậy thường dựa vào một thứ mạo dụng các cơ cấu xã hội và đường lối các cơ cấu này vận hành. Các câu chuyện không đúng có thể được lan truyền nhanh chóng đến nỗi ngay cả những phủ nhận có thẩm quyền cũng không thể nào ngăn chặn được cái tác hại của nó.
Cái khó khăn trong việc lật tẩy và loại trừ tin giả cũng ở sự kiện là nhiều người giao liên với nhau trong các môi trường đồng nhất về con số không bị ảnh hưởng trước các quan điểm hay ý nghĩ khác. Bởi thế vấn đề thêu dệt tin tức phát triển nhanh do sự thiếu vắng việc đương đầu lành mạnh bằng các nguồn tín liệu có thể thách đố một cách hiệu năng những thành kiến tai hại và làm phát sinh ra cuộc đối thoại xây dựng; trái lại, nó có nguy cơ biến dân chúng thành những tòng phạm vô tình trong việc phổ biến những ý tưởng thiên kiến và vô căn cứ. Thảm nạn thêu dệt tin tức là ở chỗ nó làm cho người khác mất uy tín, cho họ là thành phần thù địch, cho đến độ quỉ quái hóa họ, khiến xung đột bùng lên. Tin giả là dấu hiệu của những thái độ bất nhẫn và quá nhậy cảm, chỉ dẫn tới chỗ làm lan truyền những gì là ngạo mạn và thù hằn ghen ghét. Đó là hậu quả cuối cùng của những gì sai sự thật.
2- Chúng ta làm thế nào để nhận ra tin giả?
Không ai trong chúng ta có thể cho mình được châm chước khỏi nhiệm vụ đương đầu với các tính trạng sai lạc này. Việc làm ấy không phải là chuyện dễ, vì tin tức thêu dệt thường được dựa vào thứ ngôn từ cố ý đánh lừa một cách lẩn tránh đầy tinh quái, và có những lúc sử dụng cả đến các đường lối phức tạp về tâm lý nữa. Các nỗ lực đáng khen đang được thực hiện để tạo ra các chương trình giáo dục nhắm đến chỗ giúp cho dân chúng biết dẫn giải và tiếp cận tín liệu do truyền thông cung cấp, và dạy cho họ đóng vai chủ động trong việc lật tẩy những gì là sai lạc, hơn là vô tình góp phần vào việc tuyên truyền những thứ tin tức thêu dệt ấy. Cũng có những khởi động đáng khen nữa, những khởi động có tổ chức và hợp pháp, nhắm đến việc phác họa những điều lệ để kiềm chế ngăn chặn hiện tượng này, không nói gì đến công việc đang được thực hiện bởi các hãng kỹ thuật và truyền thông đại chúng, khi đề ra các tiêu chuẩn mới để có thể chứng thực những lý lịch cá nhân bị che dấu bởi hàng triệu hồ sơ số.
Tuy nhiên, việc ngăn tránh và nhận diện đường lối thực hiện việc thêu dệt tin tức cũng cần đến tiến trình nhận thức sâu xa và thận trọng. Chúng ta cần lật tẩy những gì có thể được gọi là "snake-tactics (mánh khóe quỉ quyệt)" được những kẻ bịt mặt sử dụng để tấn công bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Đó là sách lược được sử dụng bởi "con rắn tinh quái" trong Sách Khởi Nguyên, con rắn mà, vào thuở ban đầu của loài người, đã tung ra cái tin giả đầu tiên (3:1-15), một thứ tin giả mở màn cho lịch sử thê thảm của tội lỗi con người, mở màn bằng cảnh huynh đệ tương tàn (xem Khởi Nguyên đoạn 4), và gây ra vô vàn những sự dữ khác phạm đến Thiên Chúa, đến tha nhân, đến xã hội cũng như đến thiên nhiên tạo vật. Sách lược của Cha những thứ dối trá" (Gioan 8:44) khéo léo này chính là việc bắt chước (mimicry), một hình thức dụ dỗ quỉ quái và nguy hiểm có thể len lỏi vào tâm can con người bằng những lập luận sai trái và hấp dẫn.
Trong trình thuật về cái tội đầu tiên, tên cám dỗ đã tiến đến với người nữ, làm bộ thân tình với nàng, chỉ quan tâm đến phúc hạnh của nàng, và bắt đầu nói một điều chỉ đúng có bán phần: "Phải chăng Thiên Chúa đã thực sự bảo các ngươi rằng các ngươi không được ăn bất cứ cây nào trong khu vườn này?" (Khởi Nguyên 3:1). Thật vậy, Thiên Chúa đâu có bao giờ bảo Adong không được ăn ở bất cứ cây nào, mà chỉ duy có một cây thôi: "Ngươi không được ăn ở cây biết lành biết dữ" (Khởi Nguyên 2:17). Người nữ lên tiếng chỉnh sửa con rắn, nhưng lại bị dính vào việc hắn xúi giục: "Về trái cây ở giữa vườn Thiên Chúa mới phán 'Ngươi không được ăn hay đụng đến nó kẻo chết'" (3:2). Câu trả lời của người nữ được diễn đạt bằng những từ ngữ có tính cách luật phép và tiêu cực; sau khi nghe tên lừa đảo này và chấp nhận lời giải thích về các sự kiện của hắn, người nữ đã bị đánh lừa. Vậy là nàng nghe theo lời bảo đảm của hắn: "Người sẽ không chết!" (3:4).
Vậy "việc tái cấu trúc" của tên cám dỗ mặc hình dáng của sự thật: "Thiên Chúa biết rằng ngày nào ngươi ăn nó thì mắt của ngươi sẽ sáng tỏ và ngươi sẽ nên như Thiên Chúa, cũng biết lành biết dữ" (3:5). Lệnh truyền của Thiên Chúa là cha nhắm đến những gì là thiện hảo cho họ, bị mất uy tín trước cái hấp dẫn gian trá lọc lừa của kẻ thù: "Người nữ thấy cây ấy tốt đẹp để ăn, bắt mắt và đáng thèm" (3:6). Tình tiết Thánh Kinh này làm sáng tỏ một yếu tố thiết yếu để chúng ta suy nghĩ, đó là không có vấn đề tin tức thêu dệt mà lại là những gì vô hại; trái lại, tin tưởng vào những gì sai trái phải chịu những hậu quả tàn khốc. Cho dù chỉ hơi lệch lạc với sự thật đi nữa cũng có thể phải hứng chịu những hậu quả nguy hiểm.
Cái nguy hiểm ở đây là lòng tham của chúng ta. Tin giả thường có vi khuẩn, lan tràn rất nhanh đến độ khó lòng và chặn lại được, không phải vì cái cảm quan chia sẻ thúc đầy phương tiện truyền thông xã hội, mà vì nó khêu gợi lòng tham khôn nguôi quá dễ dàng bừng lên nơi con người. Những mục tiêu về kinh tế và thao tác là những gì dung dưỡng tin tức thêu dệt, được bắt nguồn từ một nỗi khát vọng quyền lực, một ước muốn chiếm hữu và hoan hưởng, cuối cùng biến chúng ta thành nạn nhân của một cái gì đó thật là thảm hại hơn nữa, đó là quyền lực lừa đảo của sự dữ, đi từ gian dối này đến gian dối khác, để cướp đi tình trạng tự do nội tâm của chúng ta. Đó là lý do tại sao việc dạy biết sự thật nghĩa là dạy cho dân chúng biết cách nhận thức, thẩm định và hiểu biết những ước muốn và khuynh hướng sâu xa của chúng ta, kẻo chúng ta lạc hướng khỏi những gì là tốt lành và chiều theo hết mọi chước cám dỗ.
3- "Chân lý sẽ giải phóng các người" (Gioan 8:32)
Tình trạng liên lỉ bị ô nhiễm bởi ngôn ngữ lừa đảo có thể tiến đến chỗ mù tối hóa nội tâm của chúng ta. Nhận định của Dostoevsky ở đây là những gì sáng tỏ: "Con người ta dối trá với chính mình và nghe theo cái dối trá của mình thì họ đã đi quá đà, không thể phân biệt được chân lý ở trong họ hay quanh họ nữa, và vì thế họ bị mất đi tất cả những gì là trân trọng đối với bản thân mình cũng như với người khác. Không còn biết trân trọng nữa, họ cũng hết yêu thương, rồi để chiếm cứ bản thân mình và phân tán bản thân mình ngoài yêu thương, họ mở đường cho các đam mê nhục dục và cho các khoái cảm thô tục, và lặn ngụp theo thú tính ở những tính mê nết xấu của họ, tất cả đều xuất phát từ việc dối trá liên tục với người khác cũng như với chính bản thân mình" (The Brothers Karamazov, II, 2).
Vậy thì chúng ta làm cách nào để bênh vực bản thân chúng ta đây? Chất giải độc chính yếu nhất đối với vi khuẩn của những gì sai lạc đó là việc được chân lý thanh tẩy. Theo Kitô giáo, chân lý không chỉ là một thực tại có tính cách ý niệm liên quan đến cách thức chúng ta phán định về các sự vật, cho chúng là đúng hay sai. Chân lý chẳng những làm sáng tỏ những gì bị che đậy, là "thực tại tỏ hiện (revealing reality)", theo từ ngữ cổ xưa của Hy Lạp là aletheia (từ chữ a-lethès, nghĩa là "không bị ẩn giấu") dẫn chúng ta đến chỗ tin tưởng. Chân lý bao gồm tất cả đời sống của chúng ta. Theo Thánh Kinh, nó kèm theo ý nghĩa nâng đỡ, liên kết và tin tưởng, như được bao hàm bởi cái nguyên ngữ 'aman, nguồn gốc chữ Amen trong phụng vụ của chúng ta. Chân lý là một điều anh chị em có thể tin cậy để khỏi bị té ngã. Theo ý nghĩa hợp lý này thì chỉ có Đấng thực sự đáng cậy dựa và tin tưởng - Đấng chúng ta có thể tin tưởng cậy trông - đó là vị Thiên Chúa hằng sống. Thế nên Chúa Giêsu mới có thể nói "Thày là sự thật" (Gioan 14:6). Chúng ta khám phá và tái khám phá thấy chân lý khi chúng ta cảm nghiệm thấy nó nơi bản thân mình lòng trung thành và khả tín của Đấng yêu thương chúng ta. Chỉ duy có điều này mới có thể giải phóng chúng ta: "Chân lý sẽ giải phóng các người" (Gioan 8:32).
Thoát khỏi những gì là sai lầm và tìm kiếm mối liên hệ: hai yếu tố cấu hợp này là những gì bất khả thiếu nếu những gì chúng ta nói và các cử chỉ của chúng ta tỏ ra đều chân thực, chính truyền và khả tín. Để nhận thức chân lý, chúng ta cần nhận thức hết mọi sự phấn khích cho mối hiệp thông và việc cổ võ cho sự thiện hảo từ bất cứ cái gì, thay vì cô lập, chia rẽ và phản chống. Bởi thế, chân lý không thực sự được nắm bắt khi nó bị áp đặt từ bên ngoài như là một điều gì đó bâng quơ, mà chỉ khi nó xuất phát từ những mối liên hệ tự do giữa các cá thể, từ việc lắng nghe nhau. Chúng ta cũng không được thôi tìm kiếm sự thật, vì sự sai lạc bao giờ cũng có thể lẻn vào, thậm chí ngay cả khi chúng ta nói những điều chân thực. Một lập luận hoàn hảo thực sự có thể dựa vào các sự kiện bất khả chối cãi, thế nhưng nếu nó lại được sử dụng để gây tổn thường đến người khác và làm cho người đó mất uy tín trước mắt người khác, cho dù có đúng chăng nữa, cũng không có tính cách chân thực. Chúng ta có thể nhận thấy sự thật nơi các câu phát biểu ở hoa trái của chúng, ở chỗ, chúng có gây ra tình trạng cãi lộn, làm phát sinh chia rẽ, phấn khích thái độ thoái bộ hay chăng; hoặc ngược lại, chúng phát triển việc suy tư có ý thức và chín chắn, dẫn đến việc đối thoại xây dựng và những thành quả tốt đẹp.
4- Hòa Bình là tin thật
Những chất trừ độc tốt nhất đối với những gì là sai lạc không phải là các thứ sách lược mà là con người ta, một con người không tham lam nhưng sẵn sàng lắng nghe, một con người cố gắng tham gia vào việc chân thành đối thoại để chân lý hiện lộ; một con người được thu hút bởi sự thiện hảo và lãnh nhận trách nhiệm về cách thức họ sử dụng ngôn từ. Nếu trách nhiệm là câu trả lời cho việc làm lan truyền tin giả, thì trách nhiệm nặng nề ở trên vai của những ai làm việc cung cấp tín liệu, tức là thành phần phóng viên ký giả, thành phần bảo vệ tin tức. Trong thế giới ngày nay, công việc của họ, ở hết mọi ý nghĩa, không phải chỉ là một việc làm; mà là một sứ vụ. Giữa việc nung nấu những gì là mê loạn với việc vội vàng cuồng nhiệt để phổ biến bài vở trước nhất, họ cần phải nhớ rằng tâm điểm của tín liệu không phải là ở tốc độ tường trình hay gây ảnh hưởng nơi khán thính giả, mà là con người. Việc thông tin cho người khác nghĩa là việc hình thành người khác; nghĩa là đụng chạm đến đời sống của con người ta. Đó là lý do tại sao việc bảo đảm tính chất chính xác về nguồn tin và việc bảo vệ việc truyền thông là phương tiện thực sự trong việc cổ võ sự thiện, làm phát sinh lòng tin tưởng, và mở đường cho mối hiệp thông và bình an.
Bởi thế, tôi muốn mời gọi hết mọi người hãy cổ võ phát động một thứ nghề báo của hòa bình (a journalism of peace). Nói như thế tôi không có ý nói đến một loại ngọt ngào của nghề báo không nhìn nhận việc hiện hữu của các vấn đề trầm trọng hay những mùi thoang thoảng của thứ chủ nghĩa duy tình cảm. Trái lại, tôi muốn nói đến một nghề báo có tính cách chân thật và chống lại những gì là sai lạc, những khẩu hiệu có tính cách ngôn từ, và các nhan đề gây cảm xúc. Một nghề báo được kiến tạo bởi con người cho con người, một nghề báo phục vụ tất cả mọi người, nhất là những ai - và họ là thành phần đa số ở trên thế giới này - không có tiếng nói. Một nghề báo ít tập trung vào tin giật gân hơn là tập trung vào việc dò tìm các căn nguyên sâu xa của các cuộc xung khắc, để phát triển việc hiểu biết sâu xa hơn và góp phần vào việc giải quyết của họ, bằng cách đề ra sẵn sàng các tiến trình tốt đẹp. Một nghề báo dấn thân vạch ra những phương cách thay thế cho tình trạng leo thang của các cuộc đối chọi nhau chan chát và cuộc bạo động về ngôn từ.
Để đạt được đích điểm này, chúng ta, lấy cảm hứng từ một kinh nguyện của Thánh Phanxicô, hãy hướng về chính Chân Lý, như sau:
Lạy Chúa, xin hãy làm cho chúng con nên dụng cụ bình an của Chúa.
Xin giúp chúng con nhận ra sự dữ đang tiềm tàng ẩn nấp nơi một thứ truyền thông không xây dựng hiệp thông.
Xin giúp chúng con loại trừ đi những gì là nham hiểm nơi phán đoán của chúng con.
Xin giúp chúng con nói về người khác như là anh chị em của chúng con.
Chúa là Đấng trung thành và khả tín; xin cho ngôn từ của chúng con là những hạt giống thiện hảo cho thế giới này:
Nơi đâu la hét thì chúng con biết lắng nghe;
Chỗ nào lầm lẫn thì chúng con phấn khích thuận hòa;
Nơi đâu mờ ám thì chúng con làm cho sáng tỏ;
Chỗ nào loại trừ thì chúng con mang lại đoàn kết;
Nơi đâu duy cảm thì chúng con tỏ ra điềm đạm;
Chỗ nào nông nổi thì chúng con khơi lên vấn nạn thực hữu;
Nơi đâu thành kiến thì chúng con phát động tin tưởng;
Chỗ nào hận thù thì chúng con tạo niềm tôn kính;
Nơi đâu sai lạc thì chúng con mang lại chân lý.
Amen.
Phanxicô
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch, kèm theo những chỗ tự ý nhấn mạnh bằng mầu.