HỘI THÂN HỮU ĐỒNG CÔNG DÒNG MẸ CHÚA CỨU CHUỘC

 

 

Non ministrari sed ministrare (Mathêu 20:28)

 

 

ANH CẢ - MỘT CON TRẺ

 

Tâm Phương Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Biệt chú của người viết:

 

Trong cuộc Hội Ngộ II 23-26/6/2016, em được mời chia sẻ về Anh Cả, như lần hội ngộ I – 6/2012. Bởi thế, như  lần trước, em đã soạn bài viết đàng hoàng sẵn sàng. Tuy nhiên, vào giây phút cuối cùng, mục Tâm Sự Gia Đình, từ 5 đến 7 giờ chiều không đủ giờ 20 phút như ấn định cho em nói. Mục Tâm Sự Gia Đình này diễn tiến như sau:

 

Từ 5 đến 6 giờ chiều là để các vùng chia sẻ về 4 chi tiết: vùng nào trong 30 vùng, được thành lập từ bao giờ, hiện có bao nhiêu người và đang sinh hoạt ra sao, và 

 

Từ 6 đến 7 giờ chiều là để Về Nguồn với Anh Cả, được mở màn bằng mục chia sẻ về Anh Cả do em được Anh Đặng Minh Trần, CMC, đang đặc trách GĐTHĐC nhờ thực hiện, sau đó đến màn trình chiếu về Một Ngày Sống của Anh Cả, dài 31 phút 22 giây, được chính anh em dòng quay làm tài liệu để đời cho dòng, do em xin Anh Vũ Kim Ngân, CMC, cựu đặc trách GĐTHĐC, và được anh gửi qua email rồi được Anh Trần Trung Đan, CMC, tải xuống máy PC và in ra cho em một DVD cho màn trình chiếu này, và sau hết là màn tưởng niệm Anh Cả 10 phút bằng nghi thức phụng tế với hương nhan cùng chiêng trống qua một số anh chị em GĐTHĐC thuộc Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Arlington TX.

 

Vì mục Tâm Sự Gia Đình 1 tiếng đầu đã lấn sang mục Về Nguồn với Anh Cả 1 tiếng sau đó 10 phút, và mục Tưởng Niệm Anh Cả cuối cùng chiếm thêm 5 phút nữa, nên màn trình chiếu về Anh Cả bị mất đi 10 phút và mục chia sẻ về Anh Cả của em bị hụt mất 5 phút. Do đó, em đã phải biến báo ngay lập tức, bằng cách rút gọn bài chia sẻ của em, và nói rất nhanh những điểm chính yếu, thật chính yếu về Anh Cả mà thôi, trong vòng 15 phút thay vì 20 phút như dự tính ban đầu.

 

Sau đây là trọn vẹn nội dung và bố cục bài chia sẻ của em về Người Anh Cả rất thân yêu đáng kính phục và đáng chúng ta noi gương bắt chước, tuy nhiên, em đã khai triển thêm nhiều chi tiết để bổ túc cho bài nói rất vắn tắt nhưng vẫn đầy đủ cho kịp thời lượng này. Để bắt đầu, em đã quì một chân xuống trước Di Ảnh của Anh một chút và sau đó làm dấu Thánh Giá, rồi đứng lên, quay xuống cử tọa đang ngạc nhiên không biết em làm thế để làm gì và bắt đầu chia sẻ:

 

Kính thưa quí anh chị, 

 

Vào ngày Thứ Sáu mùng 7/7/2006, vào lúc 4:30 chiều, em cũng đã quì xuống trước mặt Anh Cả, ngay trong phòng ngủ của Anh Cả, để xin Anh ban phép lành cho em trước khi em từ giả Anh, sau 30 phút (thay vì chỉ được 5-6 phút như mọi người theo qui định chung), dịp em cùng gia đình về thăm Anh để mừng Anh 100 tuổi (29/11/1906-2006), một lần gặp Anh đầu tiên từ sau 1975 cũng là lần cuối cùng được ở bên Anh. Quả thế, đúng 1 tháng sau, vào ngay ngày quan thày Đaminh của Anh, ngày 8/8/2006, Anh đã được đưa vào bệnh viện, và qua đi vào ngày 21/6/2007, ngày mà đúng 43 năm trước em được trở thành một trong những người môn đệ bắt đầu theo đuổi Lý Tưởng Thánh Đồng Công của Anh và với Anh.

 

Sản Phẩm Đồng Công

 

Bởi thế, khi lãnh phép lành của Anh, Người Anh đã tận tình huấn thánh cho em, em đã khóc, bởi biết rằng sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại Người Anh đã được Thiên Chúa sử dụng để chẳng những sáng lập nên Dòng Đồng Công của người Việt Nam và cho người Việt Nam đầu tiên, mà còn là vị linh hướng tuyệt vời nhất của đời em, đến độ, nếu không có Tâm Phương ngày xưa thì cũng chẳng có một Cao Tấn Tĩnh bây giờ. 

 

Đó là lý do bất cứ lúc nào được ai khen tặng, dù anh em dòng hay anh em thân hữu Đồng Công hoặc anh chị em GĐTHĐC hay người ngoài, về những công việc làm em hay danh tiếng em có được nhờ các việc làm đó, em đều thú nhận và tuyên xưng: "vốn liếng em có được tất cả đều xuất phát từ Anh Cả, từ Dòng Đồng Công". Có thể nói và phải nói, như em tự cảm nhận hết sức sâu xa rằng: "Em là Sản Phẩm Đồng Công". Ở chỗ nào, nếu không phải ở ít là 3 phương diện chính yếu sau đây: tôn sùng Đức Thánh Cha (1), tôn sùng Mẹ Maria (2) và tinh thần tận hiến (3).

 

1- Tôn sùng Đức Thánh Cha: Một trong 3 lòng tôn sùng đặc biệt của Dòng Đồng Công đó là lòng tôn sùng Đức Thánh Cha. Như Dòng Tên là dòng đặc biệt tuân phục Đức Thánh Cha, và Dòng Don Bosco là dòng cũng vốn có chủ trương đề cao và gắn bó với Giáo Hội nói chung và Đức Thánh Cha nói riêng. Nếu ai vốn nhận được emails của em thì thấy rõ em chuyên môn dịch các bài nói của Đức Thánh Cha, nhất là bài Giáo Lý hằng tuần của ngài vào mỗi Thứ Tư và bài Huấn Từ Truyền Tin của ngài vào mỗi Chúa Nhật, thậm chí còn có những bài viết bênh vực bảo v Đức Thánh Cha khi em đọc thấy những tài liệu chống đối và phỉ báng Đức Thánh Cha bởi một số anh chị em đồng đạo, ngoại quốc hay Việt Nam, có khuynh hướng bảo thủ cực đoan tung ra những bài viết, qua emails, chụp mũ, xuyên tác, tấn công chính vị chủ chăn tối cao của họ, vị thừa kế Thánh Phêrô và đại diện Chúa Kitô trên trần gian này.

 

2- Tôn sùng Đức Mẹ: Dòng Đồng Công, mang danh một tước hiệu của Mẹ, có lòng đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ là điều không thể chối cãi. Như Dòng Đaminh phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ Mân Côi, Dòng Chúa Cứu Thế phổ biến lòng tôn sùng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và Dòng Don Bosco đặc biệt tôn sùng Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu, Dòng Đồng Công đặc biệt tôn sùng Mẹ Fatima. Như được tỏ hiện trong Kinh Tuần Ba của Nhà Dòng, cũng như qua Nguyệt San Trái Tim Đức Mẹ là cơ quan truyền bá 3 mệnh lệnh Fatima, hay qua Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ là Đền Thánh có Thánh Tượng Mẹ Fatima Thánh Du Quốc Tế, một Thánh Tượng đã về trụ sở Chi Dòng Đồng Công Hoa Kỳ vào chính Ngày Thánh Mẫu lần thứ năm, năm 1982, một Ngày Thánh Mẫu hằng năm rõ ràng tôn vinh Đức Mẹ Fatima. Trong khi đó, trong thời gian sống giữa đời, em bất ngờ được Mẹ kêu gọi phục vụ Phong Trào Thiếu Nhi Fatima ở TGP LA với vai trò Liên Đoàn Trưởng 5 nhiệm kỳ (1991-2005), và Phong Trào Tông Đồ Fatima với vai trò chủ tịch trung ương Hoa Kỳ 2 nhiệm kỳ (1997-2017), nhất là được hai vị linh mục Trưởng Ban Ngày Thánh Mẫu của Chi Dòng là Anh Vũ Minh Nhiên, CMC và Anh Nguyễn Huy Châu, CMC, mời thuyết trình về Mẹ Fatima 6 năm liền trong Ngày Thánh Mẫu (2009-2014).

 

3- Tinh Thần Tận Hiến: Tinh thần tận hiến là một trong 3 tinh thần chính yếu của Dòng Đồng Công, một tinh thần đặc thù làm nên đặc sủng và linh đạo Đồng Công, và vì thế phải nói là tinh thần quan trọng nhất liên quan đến đời sống nội tâm và nên thánh của anh em tu sĩ Đồng Công, một tinh thần tận hiến được tỏ hiện qua đời sống tin tưởng phó thác cậy trông hoàn toàn nơi Chúa Mẹ như một trẻ thơ. Trong khi đó, khi bước chân ra khỏi dòng sau 18 năm 2 tháng tu trì (21/6/1964 - 20/8/1982), em cũng đâu ngờ rằng, từ năm 2009, từ Mẹ Fatima, như Nhờ Mẹ đến Chúa - Per Mariam as Jesum, em quả thật đã được bất ngờ đẩy tới với Lòng Thương Xót Chúa vào Tháng 4/2008, dịp kỷ niệm 3 năm qua đời của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, và đã thành lập Nhóm Tông Đồ Chúa Tình Thương (TĐCTT) vào tháng 4/2009, dịp 5 năm qua đời của cùng vị giáo hoàng, tại Đền Thánh Mẹ Dâng Con Corona CA, rồi từ đó em cùng với Nhóm TĐCTT đã liên tục loan truyền Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) hằng năm bằng việc tổ chức các cuộc tĩnh tâm cho cộng đồng dân Chúa ở khắp nơi. Mà Sứ Điệp LTXC chính yếu là gì, nếu không phải là "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa!", cốt lõi của tinh thần tận hiến và đời sống "trở nên như trẻ nhỏ" (Mathêu 18:3).

 

Di Sản Đồng Công

 

Để chuyển từ phần dẫn nhập trực tiếp về bản thân em nhưng gián tiếp về Dòng Đồng Công trên đây, em tiến sang phần về chính Anh Cả, Đấng Sáng Lập Dòng Đồng Công, bằng 3 câu hỏi then chốt (có phần thưởng là tập sách "Các em hãy đi để giữ lấy Dòng và để truyền giáo", một tập sách được em biên soạn theo tài liệu nghiên cứu sẵn có và tặng cho anh em thân hữu Đồng Công nhân dịp Đại Hội lần đầu tiên ở Trụ Sở Chi Dòng trong thời khoảng 4-7/9/2015). Ba câu hỏi then chốt đó là:

 

Lý tưởng của Anh Cả là gì? (1) - là Lý Tưởng Thánh

Tinh thần chính yếu của Anh Cả để theo đuổi lý tưởng này là gì? (2) - là Tinh Thần Tận Hiến

Đời sống thiêng liêng của Anh Cả nổi bật nhất là gì? (3) - là Đời Sống Bé Nhỏ

 

1- Anh Cả - Lý Tưởng Thánh

 

Có thể nói và phải nói rằng, nều không có Lý Tưởng Thánh cũng chẳng bao giờ có Dòng Đồng Công. Vì Anh Cả sáng lập Dòng Dồng Công với một chủ đích duy nhất là để Việt Nam có Thánh như Tây phương.

 

Bởi thế, Lý Tưởng Thánh đã trở thành nền tảng cho cơ cấu tổ chức của Dòng, được thể hiện qua cách xưng hộ anh em, bất phân biệt là linh mục hay tu sĩ, vì tất cả, khi theo đuổi ơn gọi tu Đồng Công, đều là anh em với nhau, cùng nhau theo đuổi mục đích duy nhất là Nên Thánh, trước hết và trên hết, chứ không phải tìm kiếm thiên chức linh mục hay bằng cấp học vấn, nên Đồng Công không có hai bậc linh mục và tu sĩ.

 

Do đó, Lý Tưởng Thánh cũng chi phối cả Linh Đạo Đồng Công, một linh đạo bao gồm 3 tinh thần chính yếu của hội dòng là Bỏ Mình, Yêu Nhau và Tận Hiến. Thật vậy, không thể nào nên thánh nếu không sống Tinh Thần Tận Hiến cho Chúa, hoàn toàn tin tưởng cậy trông phó thác vào Chúa. Muốn thế, muốn sống cuộc sống hoàn toàn tận hiến như vậy, tu sĩ Đồng Công không thể nào không Bỏ Mình, nhất là ở chỗ bỏ ý riêng của mình để có thể tuân phục bề trên trong mọi sự, đặc biệt là những gì trái với ý nghĩ, ý thích và ý muốn của mình. Và có Bỏ Mình như vậy để sống trọn ý Chúa, tu sĩ Đồng Công mới có thể "không hưởng thụ nhưng phục vụ" theo khẩu hiệu của dòng, nhờ đó đạt đến Đức Ái Trọn Hảo là chính bản chất của đời sống tận hiến tu trì và cũng chính là tột đỉnh của Lý Tưởng Thánh, Lý Tưởng Thánh Đồng Công.

2- Anh Cả - Tinh Thần Tận Hiến

 

Dòng Đồng Công được Anh Cả sáng lập có những tục lệ liên quan đến tận hiến và tỏ hiện đời tận hiến. Chẳng hạn như sáng nào anh em dòng cũng đọc chung Kinh Dâng Đoàn để dâng bản thân và chung anh em dòng cho Mẹ Maria. Năm tập cũng được bắt đầu bằng nghi thức tận hiến cho Đức Mẹ. Trong năm tập, tập sinh học hỏi cuốn "Thành Thật Sùng Kính Mẹ Maria" về tinh thần và đời sống tận hiến của Thánh Louis Montfort (Long Mộng Phố). Vào ngày lễ quan thày dòng 15/9 hằng năm, cũng có nghi thức dâng quyền thủ lĩnh cho Mẹ Maria mỗi khi có ban phục vụ mới, bao gồm cả trung ương lẫn địa phương.

 

Tinh Thần Tận Hiến theo chiều hướng Nhờ Mẹ Đến Chúa - Per Mariam Ad Jesum của Dòng Đồng Công, từ Anh Cả, xuất phát từ Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort). Đó là lý do tập sinh cần phải học hỏi tác phẩm Thánh Mẫu thời danh này của ngài. Tác phẩm "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" của thánh nhân, từ đầu thế kỷ 18, mà tập sinh Đồng Công học hỏi, đã ảnh hưởng đến một vị giáo hoàng thời đại, đó là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (16/10/1978 - 2/4/2005), với khẩu hiệu "totus tuus", được lấy từ đoạn 233 của tác phẩm này, nghĩa là "tất cả của con là của Chúa nơi Mẹ Maria". 

 

Tinh Thần Tận Hiến chẳng những được tỏ ra bằng các hình thức tận hiến bề ngoài như được kể đến trên đây, mà nhất là còn được thực hiện trong đời sống nên thánh của tu sĩ Đồng Công nữa, bằng đời sống bé nhỏ như gương sống của chính Anh Cả. Thật vậy, cốt lõi của tinh thần tận hiến là lòng hoàn toàn tin tưởng cậy trông phó thác vào Chúa, được thể hiện qua hai phương diện ngang (từ bỏ mình để sống cho tha nhân bằng tình yêu thương) và dọc (tuân theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự).

 

Thực tế cho thấy Anh Cả không lo lắng cho chính bản thân mình, thậm chí Anh có tiền được ai cho thì lại cho lại người khác khi có dịp. Anh Cả còn tìm dịp để cho nữa chứ không phải chỉ những ai đến xin Anh mới cho. Điển hình là Anh đã bảo anh em dòng xây cất các trường Đồng Công miễn phí, như Trường Toàn Mỹ ở Mỹ Chánh Qui Nhơn, vào giữa thập niên 1960, Trường Đồng Công ở Nhà Đá Bình Định, vào cuối thập niên 1970, Trường Đồng Công ở Lương Sơn Phan Rí, vào đầu thập niên 1970, Cư Xá Rạng Đông Đà Lạt miễn phí cho sinh viên theo học ở Đại Học Thụ Nhân Công Giáo gần Đồi Cù vào đầu thập niên 1970. Ngoại trừ Trường Đồng Công ở Thủ Đức từ hạ bán thập niên 1950, bao gồm cả ký túc xá lẫn ngoại trú thì lấy học phí, nhưng nhẹ nhàng. 

 

Chính Đệ tử viện Đồng Công mà em vào tu năm 1964 cũng thế, so với các dòng tu khác, toàn là dòng ngoại quốc bề ngoài có vẻ giầu có sang trọng, mà phải con nhà giầu hay có tiền mới vào tu được. Em đã đến xin tu ở các dòng Sư Huynh Lasan ở Tân Định, Dòng Don Bosco ở Thủ Đức, Dòng Phanxicô ở Đa Kao Gia Định, Dòng Đaminh ở Gò Vấp v,v. đều không hội đủ điều kiện về tài chính. Nhưng Dòng Đồng Công thật nhẹ nhàng về tiền bạc đã trở thành nơi tu thân của em, một nơi đã được chính em đến xin tu nửa năm trước, 12/1963, khi em mới có ơn gọi, nhưng được hẹn vào mùa hè cho năm học mới, 6/1964, cũng là nơi cha linh hướng Bùi Vĩnh Phước của em khuyên em gia nhập sau khi em trình bày cho ngài bức thư nhận em từ Dòng Khổ Tu Mỹ Ca ở Ba Ngòi Nha Trang.

 

Vấn đề thường được đặt ra là làm thế nào Anh Cả có nhiều tiền, ngoài tiền cho anh em dòng ăn mặc, đ có thể xây cất nhiều cơ sở giáo dục như thế, mà lại chẳng lấy lệ phí thì lấy đâu ra mà sống và phát triển hoạt động tông đồ truyền giáo, trong khi những việc làm ăn của nhà dòng, như ao cá ở ngoài Nhà In Trái Tim Đức Mẹ và trại gà Thiện Chí ở Khu Kitô Vương kiếm chác cũng chẳng được dồi dào cho lắm. Thế mới nói Tinh Thần của Anh Cả là Tinh Thần Tận Hiến. 

 

3- Anh Cả - Đời Sống Bé Nhỏ

 

Đời sống bé nhỏ của Anh Cả là đời sống thể hiện Tinh Thần Tận Hiến của Anh Cả, ở lòng tin tưởng cậy trông phó thác hoàn toàn vào Chúa, để Chúa muốn làm gì thì làm tùy ý Chúa, cho vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Bởi thế, đời sống bé nhỏ đầy tin tưởng của Anh Cả gắn liền với đau khổ thử thách là những gì Anh chẳng những không sợ mà còn dám hiên ngang xin Chúa ban cho Anh, như Kinh Tuần Bảy Kính Đức Mẹ Ngày Thứ Hai cho thấy:

 

"Lạy Trái Tim rất đau khổ thống thiết Mẹ Maria. Chúa đã đặt Mẹ làm Đấng Đồng Công Cứu Chuộc loài người, làm Mẹ sinh ra các giáo hữu, nên Chúa đã ban cho Mẹ một Trái Tim đầy đau khổ, như bể rộng mông mênh,tích chứa mọi nỗi đắng cay chua xót, Trái Tim Mẹ đã bị gươm sắc thâu qua khi Chúa Giêsu chịu thương khó, chịu tử hình trên Thánh Giá, Trái Tim Mẹ đã phải chịu đâm xé giày vò, vì tội lỗi loài người hằng xúc phạm đến Chúa. Ôi! Sự đau đớn khốn cực của Trái Tim Mẹ rất cả thể lớn lao, cả thể hơn mọi sự đau đớn các Thánh đã chịu xưa, lớn lao hơn mọi khốn cực của loài người, Con đến nài xin Mẹ - vì sự đau đớn của Trái Tim Mẹ, vì lời Mẹ đã phán hứa, ban cho con một trái tim ham ước đau khổ, ưa thích hy sinh hãm mình trong mọi trường hợp, để an ủi Mẹ, để nên con cái mến thương Trái Tim Mẹ. Amen".

 

Điển hình cho cuộc đời đau khổ của Anh Cả có thể kể đến 3 trường hợp: đối ngoại khi mới lập dòng, đối nội khi huấn thánh anh em, và trước khi Anh qua đời.

 

Anh Cả đã chịu đau khổ khi mới lập dòng, ở chỗ, Anh bị các cha trong giáo phận Bùi Chu chống đối và gây trở ngại rất nhiều. Nhưng nhờ ơn Chúa và niềm tin tưởng sống đời tận hiến hoàn toàn phó mình cho Chúa là Đấng đã soi sáng cho Anh lập dòng, hội dòng thuở sơ khai ấy chẳng những không bị bóp chết ngay trong trứng nước mà còn phát triển khi Anh còn sống, nhất là sau khi Anh như hạt lúa miến mục nát đi trong lòng đất từ năm 2007.

 

Anh Cả chịu đau khổ khi huấn thánh anh em dòng, ở chỗ, vì anh hết sức thiết tha với lý tưởng thánh và lo huấn luyện anh em nên thánh, nhưng thấy anh em vẫn tỏ ra lơ là làm sao ấy, thậm chí còn sống nghịch lại với lý tưởng thánh, khiến anh quặn thắt cõi lòng, đến độ dám dứt khoát với anh em dòng, bằng cách mở sổ khấn vào năm 1968, để cho ai muốn ra thì ra, Anh sẽ xin tháo lời khấn cho mà đi lấy vợ, bằng không, còn tu thì cho ra tu, tu phải nên thánh, tu phải làm thánh, chứ không có lưng chừng hay lừng khừng. Từ năm 1968 mới có lệ (nhất là từ lớp khấn 9 A trở xuống, lớp khấn dòng năm 1967 ở Qui Đức Qui Nhơn) Kiểm Thảo 12 Điều về Lý Tưởng Thánh Đồng Công mỗi tối khi họp lớp khấn, và phải qui tụ lại để cùng nhau tuyên thệ trung thành với Lý Tưởng Thánh Đồng Công mỗi sáng sau Thánh Lễ.

 

Anh Cả chịu đau khổ trước khi qua đời, ở chỗ, hội dòng được anh thành lập từ đầu thập niên 1940, được Tòa Thánh công nhận ngày 2/2/1952 và đã chính thức khai dòng vào ngày 2/2/1953, thế mà, hơn một nửa thế kỷ sau, một hai năm trước khi Anh nhắm mắt lìa đời vào tuổi thượng thọ bách niên, Anh đã chứng kiến thấy hội dòng ấy như thể sắp bị tan vỡ, bởi một cơn sóng thần chưa từng có, mà nếu không có Chúa ở trong thuyền thì kể như Dòng Đồng Công đã biến mất cả 10 năm trước đây. Chưa hết, thân xác bệnh tật của Anh càng ngày càng trở nên tàn tệ, đến độ không còn nhận ra dung nhan thực sự của Anh nữa, như một Chúa Kitô đã biến hình thành dị dạng, như tấm hình dưới đây cho thấy:

HinhAnhQPthayrodau3.jpg

(nếu so sánh với tấm hình nguyên dạng dung nhan sau đây:)

Anh Ca 01.jpg

Trở Nên Như Trẻ Nhỏ   

 

Tạ ơn Chúa đã cho em cái hân hạnh được trực tiếp huấn thánh bởi chính Anh Cả. Vì Lý Tưởng Thánh mà Anh đã thẳng tay cắt tỉa những gi ngăn trở tu sĩ Đồng Công nên thánh, trong đó có em. Thật vậy, vào đầu Tháng 6/1972, sau điểm tâm sáng hôm ấy, Anh Cả đã gọi em đến để cho em một trận nên thân, ở chỗ, sau khi cho em biết 3 lỗi phạm của em liên quan đến 3 lời khấn dòng của em, Anh đã lệnh cho em: sáng làm vườn (bơ, mít, trà và cà phê ở Trại Thiên Mẫu Xã Đồng Lạc, Quận Di Linh, Tỉnh Lâm Đồng), chiều hồi tâm (cầu nguyện trong nhà nguyện) và tối câm miệng (không được nói năng phát biểu khi họp đội khấn).

 

Nhờ cả tháng trời sống trong tăm tối như thế, em đã thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa của một câu Phúc Âm, đó là câu: "Hãy đến mà ngồi vào chỗ rốt bét" (Luca 14:10). Thế là bình an tràn ngập tâm hồn em hơn bao giờ hết. Ánh sáng đã bừng lên trong đêm tối. Ngay thời điểm ấy, em lại được Anh Cả gọi vào mà trao cho em một nhiệm vụ, đúng hơn là một sứ vụ ngoài khả năng và tư cách của em, đó là sai em đến phục vụ trong Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt, một vai trò cần bằng cấp (trong khi em chỉ mới có bằng tú tài 1 và chẳng có tài sinh hoạt gì hết, như nhiều anh em khác chẳng những có bằng cấp mà còn có tài hơn em). 

 

Cho dù em có từ chối. một hành động mà chưa bao giờ em làm như thế với Anh Cả, trái lại nhiều lần còn tình nguyện làm nhiều thứ không ai làm, và cho dù chính Anh Cả cho em biết rằng có nhiều anh em can Anh đừng sai em đi, Anh vẫn tin tưởng nơi em: "Em cứ đi, Chúa sẽ giúp em!". Vâng, chính lòng tin của Anh Cả vào Chúa cũng như vào một người em đã biết phận mình đến ngồi vào chỗ cuối rốt thì lại được mời lên trên như thế, đã làm cho em biến đổi hẳn con người đạo đức nhưng đầy kiêu căng tự ái, ham danh và quyền bính, nhờ đó 2 năm phục vụ của em ở Tiểu Chủng Viện Simon Hòa Đà Lạt đã trở thành một cuộc trắc nghiệm về Tinh Thần Tận Hiến và đời sống bé nhỏ của em, một cuộc trắc nghiệm không ngờ kết quả tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của loài người... Một cuộc trắc nghiệm tu đức còn âm vang cho tới ngày nay, qua các sinh hoạt tông đồ giáo dân của em.

 

Sau khi em xin vâng để thi hành sứ vụ Anh Cả trao phó, em đã xin Anh Cả viết cho em một bản luật sống bé nhỏ, và Anh Cả đã bỏ giờ ra viết cho em, ở cuối Anh Cả đề ngày 8/7/1972. Bản viết tay của Anh Cả em đã nộp lại cho văn phòng Chi Dòng vào cuối thập niên 1970. Tuy nhiên, em vẫn còn lưu lại trong tác phẩm "Trở Nên Như Trẻ Nhỏ" (xuất bản năm 1994) của em, ở những trang cuối cùng (trang 219-224), và tác phẩm này em đã tặng cho từng anh chị em trong GĐTHĐC dịp Hội Ngộ II - 2016, Năm Thánh Thương Xót của Giáo Hội. 

 

Cuối cùng, để kết thúc một giờ Về Nguồn với Anh Cả nói chung và 10 phút tưởng niệm 9 năm qua đời của Anh nói riêng, em đã xướng lên bài hát (mà em đã tập qua cho anh chị em trước đó) được Anh Linh Mục Nguyễn Văn Hưởng, vị linh mục đầu tiên của dòng, chịu chức năm 1962, phổ nhạc lời than thở của Anh Cả liên quan đến Chúa Hài Đồng và đời sống bé nhỏ, một bài hát vẫn được anh em dòng hát vào dịp Giáng Sinh, Tết Chúa Hài Đồng hằng năm:

 

"Hỡi Chúa Hài Đồng, xin cho con biết hạ mình xuống, khiêm nhượng và đơn sơ như trẻ con, để con được làm bạn thân của Chúa!"