ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Nếu một ngày trên quê mình không còn bóng tre xanh?
 

Hương sắc Việt Nam là món quà của ban biên tập Nghệ thuật Đại Kỷ Nguyên dành tặng những người con đất Việt gắn bó với văn hóa truyền thống nên thơ của nước nhà và mong muốn vẻ đẹp này được lưu giữ mãi không phai với thời gian…
Cuộc sống thanh bình, giá trị của tre đâu chỉ đơn thuần là màu xanh cây lá. Tre thủy chung son sắt với người quê, tình quê. Cứ nghĩ nếu một ngày nào đó không xa nữa,ngay trên mảnh đất mình chôn nhau cắt rốn sẽ không còn bóng dáng lũy tre xanh, ai không khỏi chạnh lòng?
Ảnh: pixabay.com
Từ những cái nhỏ nhất như cái tăm, đôi đũa, tới những cái lớn hơn như cái cột, cái kèo… cũng từ tre mà nên. Tre làm cái đòn kẽo kẹt trên vai mẹ, tre làm cán cuốc, cán cày cho cha vỡ đất. Tre làm rá, rổ, nong, nia, tre làm chõng, làm phên, tre bắc giàn, làm hàng rào…
Ảnh: pixabay.com
Với trẻ thơ tre ưu ái dành tình thương trọn vẹn. Thật kỳ diệu những cây tre khô khẳng, qua bàn tay chịu thương chịu khó của người đã hóa thành những chiếc nôi êm chở che, ru vỗ giấc mơ con trẻ. Cùng với trẻ thơ, những mụt măng tre lớn lên, tre là niềm vui thú.
Chiếc lá mỏng manh, xanh tươi của tre hóa thành con cào cào đỏm dáng. Chiếc lá khô vàng hóa thành “chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Còn những đốt tre bóng mượt lại hóa thành những que chuyền nhịp nhàng.
Ảnh: pixabay.com
Tre vững chãi chống đỡ tuổi già, tre bắc nhịp cầu đôi lứa. Dưới ánh trăng thanh treo đầu ngọn tre, những chàng trai cô gái trao nhau biết bao lời yêu thương: “Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng. Tre non đủ lá đan sàng được chưa” (ca dao).
Người nặng lòng với quê, thương nhớ lũy tre làng, nhớ những buổi mai thức dậy chạy quanh kiếm tìm trong khóm tre xanh con chim gì đang kêu lích rích. Buổi trưa trốn ngủ cùng đám bạn tinh quái nấp bên khóm tre chơi trò cút bắt. Buổi chiều về thong thả trên lưng trâu nghe tre hát khúc ca tự tình.
Ảnh: pixabay.com
Giữa thanh âm của muôn ngàn chiếc lá, nghe phảng phất một mùi hương khó tả. Nó không giống với mùi lá tre khi nấu cùng nhiều loại cây lá trong nồi nước xông của mẹ giúp ta giải cảm, mà dìu dịu thanh mát, gần như mùi hương trong chiếc nồi hông làm giá đỗ lá tre.
Ảnh: pixabay.com
Trong ký ức của những đứa trẻ quê, vào mỗi thời khắc sắp chuyển giao năm cũ, cây tre sẽ thành cây nêu, hiện lên sừng sững, lý thú và đầy mê hoặc. Nhằm đúng ngày thần linh về trời, tụi con nít lẽo đẽo theo cánh người lớn ra vườn chặt tre.
Cây tre ưng ý phải là những cây tươi tốt, cao chừng năm, bảy mét, ngọn cây uốn cong như hình lưỡi liềm. Vì “tre ôm tre níu” lấy nhau, lá cành đan rậm rạp nên phải vất vả lắm mọi người mới chặt được tre, lôi tre ra khỏi bụi.
Ảnh: pixabay.com
Rồi nội, ba, sẽ chẳng khác nào ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ khoan thai “phù phép” cho cây tre ấy biến thành cây nêu – một “bảo bối” linh thiêng đầy quyền uy và sức mạnh. Ông cầm con rựa sắc ngọt thoăn thoắt tỉa bay tất thảy những lá cành, rồi lần lượt cột lên ngọn cây một nắm lá dứa dại, một cái liềm và vài ba chiếc khánh đất. Những vật dụng ấy khiến chúng tôi tò mò hết sức.
Ảnh: pixabay.com
Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi thì mọi người xúm lại, người giữ gốc, người nâng ngọn từ từ dựng nêu lên. Nội tự tay kè đất đá cho cây nêu đứng vững trước sân, và không quên vốc nắm vôi bột rắc một vòng quanh chân nêu. Nội bảo với con cháu rằng, có “bảo bối” này rồi lũ quỷ sẽ không còn dám bén mảng tới đây quấy nhiễu nữa.
Ảnh: pixabay.com
Cây nêu trong trí tưởng tượng của lũ trẻ bỗng hiện lên sinh động trước mắt. Với tất cả tâm niệm trịnh trọng gọi nó là “cây thần”. Cây thần uy nghi chĩa thẳng mũi liềm. Những chiếc khánh đất bắt đầu đón gió, chạm vào nhau phát ra tiếng kêu leng keng, leng keng vui tai. Trong thời khắc nổi nêu trẻ nhỏ háo hức đã đành nhưng người lớn cũng không giấu được niềm vui. Cảm giác được che chở, an yên dâng ngập hồn người.
Ảnh: pixabay.com
Song, cùng với tốc độ phát triển của “nông thôn mới”, lũy tre làng cứ thưa thớt dần.
Những bức tường xây, những công trình bê tông cốt thép mọc lên san sát không còn đủ chỗ cho tre nữa. Người ta đốn chặt tre để thay vào đó những loại cây trồng mang lại lợi ích kinh tế cao hơn. Những vật dụng thân thuộc bằng tre bao đời nay gắn bó lại được thay thế bằng đủ loại chất liệu tiện lợi như nhôm, nhựa, inox…
Rồi đây, không xa nữa, các thế hệ con cháu của chúng ta có lẽ sẽ chỉ còn nhìn thấy hình ảnh của tre qua những lời kể, những trang sách báo, hay những thước phim tư liệu mà thôi!
Thương bóng tre làng
Bóng tre làng ngày xưa
Che tuổi thơ mát rượi
Để lại niềm tiếc nuối
Khi người ta trưởng thành
 

Ngày tháng đi qua nhanh
Dòng thời gian hối hả
Thế giới to rộng quá
Đời cũng nhiều đổi thay
 

Làm thân cánh vạc bay
Lạc loài nơi phố thị
Đêm từng đêm mộng mị
Ngày qua ngày bon chen
 

Những phận người lạ quen
Quay trong vòng cơm áo
Hơn nửa đời dông bão
Kiếp nhân sinh xô bồ
Về quê giờ như phố
Đường nắng lóa bê-tông
Bước chân nghe lạc lõng
Vấp gốc tre, ngỡ ngàng
 
Thương quá bóng tre làng
Mát rượi vùng ký ức
Kỷ niệm tràn rạo rực
Tuổi thơ ơi! Ngày xưa…
Cho tôi xin giấc mộng bình thường
Bên lũy tre làng đẫm gió sương
Gà gáy gọi bình minh thức giấc
Hai thôn trai gái bước vang đường
Cho tôi xin tiếng hát nằm nôi
Nhịp võng đong đưa giấc mộng đời
Hơi ấm ca dao lời cuốc gọi
Ru hời …tình Mẹ mãi đầy vơi
Cho tôi xin giấc mộng quê hương
Ngọn cỏ, bờ đê lúa trổ đồng
Bên Mẹ nồi cơm thơm gạo mới
Ngọt ngào tình nước mãi mênh mông …
Giọt nắng hôm nay tựa lá vàng
Thu về sao thấy nhớ miên man
Nhớ về thu nào nơi xa ấy
Nhớ nhiều chiếc áo ấm mẹ đan.
Giọt nắng nép sau luỹ tre làng
Bỗng đâu tiếng sáo lại âm vang
Cánh diều bay cao cùng năm tháng
Hoà lẫn tiếng chim hót rộn ràng .
Giọt nắng ơi sao lại đến vội vàng
Để rồi nghe tiếng gió thở than
Mơ về đất mẹ cùng năm tháng
Tuổi thơ cùng tiếng hát ngân vang .
Về nương dưới lũy tre làng
Vọng ru tiếng võng vắt ngang trưa hồng
Về ươm vuông đất cha ông
Bao đời chiu chắt nên bông lúa vàng
Về chiêm ngưỡng ngôi chùa làng
Ngàn năm hưng thịnh bình an tốt lành
Về chăm mái ấm gia đình
Yêu thương ấp ủ yêu thương cuộc đời
Hoàng hôn thêm đẹp khung trời
Về say con chữ dệt lời thơ yêu.
Di Hân – Hà Phương