GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

Pope Francis in St. Peter's Square Nov. 14, 2018. Credit: Marina Testino/CNA.

 

"Chúng ta đều là thành phần tội nhân, và hãy buông bỏ khỏi bàn tay của chúng ta những gì là phỉ báng, lên án, nhảm nhí,

mà đôi khi chúng ta muốn tung ra phạm đến người khác. Khi chúng ta nói xấu người khác là chúng ta ném đá"

 

2019.04.07 Angelus

 

"Hết mọi cuộc hoán cải thật sự đều vươn tới một tương lai mới,

một sự sống mới, một sự sống mỹ lệ, một sự sống thoát khỏi tội lỗi, một sự sống quảng đại"

 

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Trong Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay này, phụng vụ cống hiến cho chúng ta tình tiết về người đàn bà ngoại tình (xem Gioan 8:1-11). Trong tình tiết này có 2 thái độ ngược nhau: một đàng là thái độ của thành phần Luật Sĩ và Pharisiêu, đàng kia là thái độ của Chúa Giêsu, thái độ trước thì muốn lên án người đàn bà này, vì họ coi họ là những kẻ bảo quản Lề Luật và trung thành áp dụng nó. Trái lại, Chúa Giêsu thì muốn giải cứu người đàn bà này, vì Người là hiện thân của lòng thương xót Chúa, Đấng cứu chuộc bằng việc tha thứ và canh tân bằng việc hòa giải.

Vậy chúng ta hãy nhìn vào biến cố này. Trong lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy trong Đền Thờ thì những người Luật Sĩ và Biệt Phái mang đến cho Người một người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Họ đặt chị ở giữa họ và hỏi Chúa Giêsu xem chị có cần phải ném đá hay chăng, đúng như qui định của Luật Moisen. Vị Thánh ký nói rõ hơn rằng họ đặt câu hỏi này là "để thử Người, nhờ đó họ có lý do cáo buộc Người" (câu 6). Chúng ta có thể nghĩ rằng mục đích của họ là như thế này - chẳng hạn cái gian ác của những con người này là: nếu nói "không" ném đá sẽ là lý do cáo tội bất tuân phục Lề Luật của Chúa Giêsu. Trái lại, nếu nói "có" thì tố cáo Chúa Giêsu với chính quyền Roma, thẩm quyền duy nhất có thể kết tội, chứ quần chúng không được phép. Chúa Giêsu cần phải trả lời.

Những kẻ chất vấn Chúa Giêsu tỏ ra thiển cận nơi chủ trương duy luật hẹp hòi của mình, và muốn khóa Người Con Thiên Chúa lại vào chiều hướng phán quyết và kết án của họ. Tuy nhiên, Người không đến thế gian này để phán quyết và lên án mà là để cứu độ và cống hiến cho con người một sự sống mới. Vậy Chúa Giêsu đã phản ứng ra sao trước thử thách này? Trước hết, Người giữ thinh lặng một chút, và Người cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất như muốn nhắc nhở rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất Lập Luật và là Quan Tòa, Đấng đã viết Lề Luật trên đá. Sau đó Người nói: "Ai không có tội trong quí vị thì hãy ném đá chị ta trước đi" (câu 7). Vậy Chúa Giêsu nhắc nhở lương tâm của những con người cảm thấy mình là "quán quân về công lý", nhưng Người khiến họ nhận thức về thân phận con người tội lỗi của họ, nên họ không thể chiếm bậy lấy cho mình quyền sống chết trên một trong những người đồng loại của mình. Đến bấy giờ, hết kẻ này đến người kia, bắt đầu từ người già nhất - tức là những kẻ chuyên môn hơn về nổi khốn khổ của họ - rút lui, không ném đá người đàn bà này nữa. Cảnh tượng này cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy biết ý thức rằng chúng ta đều là thành phần tội nhân, và hãy buông bỏ khỏi bàn tay của chúng ta những gì là phỉ báng, lên án, nhảm nhí, mà đôi khi chúng ta muốn tung ra phạm đến người khác. Khi chúng ta nói xấu người khác là chúng ta ném đá; chúng ta giống như những con người này.

Cuối cùng, chỉ còn lại Chúa Giêsu  với người đàn bà này, ở đó, giữa "nỗi khốn cùng và lòng thương xót", như Thánh Âu Quốc Tinh nói (In Joh 33:5). Chỉ có Chúa Giêsu là Đấng duy nhất không có lỗi lầm, Đấng duy nhất có thể ném đá người đàn bà này, thế nhưng Người đã không làm như vậy, vì Thiên Chúa "không vui sướng nơi cái chết chóc của kẻ gian ác, nhưng vui thấy kẻ gian ác trở về mà được sống" (cf 33:11). Và Chúa Giêsu đã để người đàn bà này đi bằng những lời kỳ diệu này: "Chị hãy đi. Và đừng phạm tội nữa" (câu 11). Như thế là Chúa Giêsu mở ra một con đường mới cho chúng ta tiến lên, một con đường được lòng thương xót kiến tạo, một đường lối cần dấn thân không tái phạm tội nữa. Nó là một lời mời gọi áp dụng cho từng người chúng ta: khi Chúa Giêsu tha thứ cho chúng ta thì Người luôn mở ra cho chúng ta một con đường mới để chúng ta tiến lên. Trong thời gian Mùa Chay này, chúng ta được kêu gọi nhận biết mình là tội nhận và xin Thiên Chúa tha thứ. Trái lại, sự tha thứ, trong khi hòa giải chúng ta và cống hiến cho chúng ta an bình, làm cho chúng ta bắt đầu lại một lịch sử mới. Hết mọi cuộc hoán cải thật sự đều vươn tới một tương lai mới, một sự sống mới, một sự sống mỹ lệ, một sự sống thoát khỏi tội lỗi, một sự sống quảng đại. Chúng ta đừng sợ xin Chúa Giêsu ơn tha thứ, vì Người là Đấng mở cửa cho chúng ta tiến tới với sự sống mới này.

Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta thấy được tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa với tất cả mọi người, Đấng trong Chúa Giêsu tha thứ cho chúng ta và ban cho chúng ta cuộc hiện hữu mới, khi cống hiến cho chúng ta các cơ hội hằng mới mẻ.

https://zenit.org/articles/angelus-address-on-the-episode-of-the-woman-caught-in-adultery/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên