GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2018

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 20-3-2019

 

 

Kinh Lạy Cha - Bài 10: "Ý Cha thể hiện"

 

 

 

"Ý muốn của Thiên Chúa được hiện thân nơi Chúa Giêsu là gì?

Là tìm kiếm và cứu vớt những gì hư vong.

Còn chúng ta, khi cầu nguyện, xin cho việc tìm kiếm Thiên Chúa được thành tựu,

dự án cứu độ phổ quát của Người được nên trọn,

trước hết nơi mỗi một người chúng ta, rồi sau đó trên toàn thế giới".

 

2019.03.20 Udienza Generale

 

"Khi nguyện 'Ý Cha thể hiện' là chúng ta không được mời gọi để chúi đầu xuống như một tôi tớ,

như thể chúng ta là thành phần nô lệ...

Thật vậy, Kinh Chúa Dạy là kinh của con cái chứ không phải của thành phần nô lệ;

thế nhưng của những đứa con biết được cõi lòng cha của mình

và là những đứa con thuộc về dự án yêu thương của Ngài".

 


"Kinh Chúa Dạy là một kinh nguyện làm bừng lên trong chúng ta

tình yêu giống như của Chúa Giêsu đối với ý muốn của Chúa Cha,

một ngọn lửa thôi thúc chúng ta biến đổi thế giới này bằng tình yêu thương".

 

 

"Kitô hữu không tin vào một thứ 'vận số' bất biến.

Chẳng có gì là tình cờ ngẫu nhiên nơi đức tin của Kitô hữu:

trái lại, có một thứ cứu độ đang đợi chờ thể hiện trong đời sống của hết mọi con người nam nữ và nên trọn trong cõi vĩnh hằng.

Sở dĩ chúng ta cầu nguyện chính là vì chúng ta tin rằng

Thiên Chúa có thể và muốn biến đổi thực tại bằng việc khống chế sự dữ bằng sự lành".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về "Kinh Lạy Cha", hôm nay, chúng ta tập trung vào ước nguyện thứ ba là "Ý Cha thể hiện". Ước nguyện này cần phải đọc một cách liên kết với 2 ước nguyện đầu tiên - "Danh Cha cả sáng" và "Nước Cha trị đến" - nhờ đó cả ba ước nguyện làm nên một cái kiềng ba chân: "Danh Cha cả sáng", "Nước Cha trị đến", "Ý Cha thể hiện".

Trước khi con người thực hiện việc chăm sóc thế giới này, Thiên Chúa đã tỏ ra chăm sóc con người và thế giới này. Tất cả Phúc Âm đều phản ảnh tính cách đảo ngược của quan niệm ấy. Chàng tội nhân Giakêu trèo lên một cái cây vì chàng muốn nhìn thấy Chúa Giêsu, thế nhưng, chàng đã không ngờ rằng, trước đó lâu lắm Thiên Chúa đã tìm kiếm chàng. Khi đến nơi, Chúa Giêsu đã bảo chàng rằng: "Hỡi Giakêu, hãy xuống ngay. Hôm nay Ta cần phải ở nhà của anh". Cuối cùng Người đã tuyên bố rằng "Vì Con Người đến để tìm kiếm và cứu với những gì hư vong" (Luca 19:5-10). Đó là ý muốn của Thiên Chúa, một ý muốn chúng ta ước nguyện được thể hiện. Ý muốn của Thiên Chúa được hiện thân nơi Chúa Giêsu là gì? Là tìm kiếm và cứu vớt những gì hư vong. Còn chúng ta, khi cầu nguyện, xin cho việc tìm kiếm Thiên Chúa được thành tựu, dự án cứu độ phổ quát của Người được nên trọn, trước hết nơi mỗi một người chúng ta, rồi sau đó trên toàn thế giới. Anh chị em có bao giờ nghĩ đến việc Thiên Chúa tìm kiếm tôi có ý nghĩa gì hay chăng? Mỗi người chúng ta có thể nói: "Thế nhưng, Thiên Chúa là Đấng đang tìm kiếm tôi?" - "Phải! Ngài đang tìm kiếm anh chị em! Ngài đang tìm kiếm tôi": Ngài đang tìm kiếm từng người một cách riêng tư. Thế nhưng Thiên Chúa là Đấng cao cả! Đằng sau tất cả những sự ấy là tình yêu thương biết là chừng nào.

Thiên Chúa không mập mờ, Ngài không ẩn mình đi ở đằng sau những gì là nan giải, Ngài không ấn định tương lai của thế giới này một cách bất khả giải đoán. Không, Ngài tỏ ra minh nhiên rõ ràng. Nếu chúng ta không hiểu được vấn đề này thì chúng ta có nguy cơ không nắm bắt được ý nghĩa của ước nguyện thứ ba trong Kinh Chúa Dạy. Thật vậy, Thánh Kinh đầy những tỏ hiện cho thấy ý muốn tích cực của Thiên Chúa liên quan đến thế giới này. Trong Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, chúng ta thấy tổng hợp những trích dẫn chứng tỏ ý muốn thần linh trung tín và nhẫn nại này (xem 2821-2827). Thánh Phaolô, trong Thứ thứ nhất gửi cho Timothêu, đã viết rằng Ngài "muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Timothêu 2:4). Đó thực sự là ý muốn của Thiên Chúa: ý muốn cứu độ con người, cứu độ hết mọi người chúng ta. Thiên Chúa, bằng tình yêu của Ngài, gõ cửa lòng của chúng ta. Tại sao? Để thu hút chúng ta; để hấp dẫn chúng ta tới với Ngài và để dẫn lối mở đường cho chúng ta trên con đường cứu độ. Thiên Chúa là Đấng gần gũi với hết mọi người chúng ta bằng tình yêu thương của Ngài, dắt dìu chúng ta đến ơn cứu độ. Như thế mới thấy được Ngài yêu thương chúng ta biết bao!

Bởi thế, khi nguyện "Ý Cha thể hiện", là chúng ta không được mời gọi để chúi đầu phục vụ như một tôi tớ, như thể chúng ta là thành phần nô lệ. Không! Thiên Chúa muốn chúng ta được tự do; chính tình yêu của Ngài giải thoát chúng ta. Thật vậy, Kinh Chúa Dạy là kinh của con cái chứ không phải của thành phần nô lệ; thế nhưng của những đứa con biết được cõi lòng cha của mình và là những đứa con thuộc về dự án yêu thương của Ngài. Khốn cho chúng ta nếu, khi ngỏ những lời này, chúng ta đã nhún vai tỏ ra đầu hàng trước một định mệnh cự tuyệt chúng ta đến độ chúng ta không thể nào thay đổi được nó. Trái lại, nó là một lời nguyện đầy nhiệt liệt tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng muốn những gì là thiện hảo, sự sống và cứu độ cho chúng ta. Nó là một lời cầu nguyện can trường cho dù đấu tranh, vì trong thế giới này có rất nhiều trường hợp không theo dự án của Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều biết đến những trường hợp ấy. Chú giải tiên tri Isaia chúng ta có thể nói rằng: "Đây, lạy Cha, nào là chiến tranh, nào là quanh co gian dối, nào là khai thác; thế nhưng chúng con biết rằng Cha muốn những gì tốt đẹp cho chúng con, bởi vậy chúng con van xin cho Ý Cha thể hiện! Lạy Chúa, xin hãy lật nhào các dự án của thế giới này, hãy biến gươm đao thành lưỡi cầy và giáo mác thành lưỡi hái; để không còn ai thực hiện nghệ thuật chiến tranh nữa!" (xem 2:49). Thiên Chúa là Đấng muốn hòa bình.

Kinh Chúa Dạy là một kinh nguyện làm bừng lên trong chúng ta tình yêu giống như của Chúa Giêsu đối với ý muốn của Chúa Cha, một ngọn lửa thôi thúc chúng ta biến đổi thế giới này bằng tình yêu thương. Kitô hữu không tin vào một thứ "vận số" bất biến. Chẳng có gì là tình cờ ngẫu nhiên nơi đức tin của Kitô hữu: trái lại, có một thứ cứu độ đang đợi chờ thể hiện trong đời sống của hết mọi con người nam nữ và nên trọn trong cõi vĩnh hằng. Sở dĩ chúng ta cầu nguyện chính là vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa có thể và muốn biến đổi thực tại bằng việc khống chế sự dữ bằng sự lành. Thật là hợp lý khi tuân phục và phó mình cho Thiên Chúa ngay cả trong những giờ phút khó khăn nhất.

Đó là trường hợp của Chúa Giêsu trong Vườn Nhiệt, khi Người cảm thấy sầu thương nên cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn thì xin hãy cất chén này khỏi Con; nhưng đừng theo ý của Con mà xin cho ý Cha được thể hiện" (Luca 22:42). Chúa Giêsu bị sự dữ của thế gian này chà đạp, thế nhưng Người tin tưởng phó mình cho đại dương yêu thương của ý muốn Chúa Cha. Ngay cả các vị tử đạo, trong cơn thử thách của mình, cũng không tìm cái chết; các vị đã tìm kiếm những gì xẩy ra sau khi chết, đó là phục sinh. Thiên Chúa, vì yêu thương, có thể dẫn chúng ta bước đi trên những nẻo đường khốn khó, cảm thấy những thương tích đớn đau và gai nhọn nhức nhối, thế nhưng Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Người sẽ luôn ở với chúng ta, gần chúng ta, trong chúng ta. Đối với một tín hữu thì đó không phải là niềm hy vọng mà là một niềm tin tưởng. Thiên Chúa ở cùng tôi. Chúng ta thấy đúng như thế trong dụ ngôn của Phúc Âm Thánh Luca là phúc âm chú trọng tới nhu cầu luôn cầu nguyện. Chúa Giêsu phán: "Thiên Chúa lại chẳng minh oan cho những kẻ được Ngài tuyển chọn hay sao, thành phần ngày đêm kêu lên Ngài? Chẳng lẽ Ngài mặc kệ họ hay sao? Tôi nói cho quí vị biết: Ngài sẽ mau chóng trả lại công lý cho họ" (18:7-8). Đó là cách thức Chúa yêu thương chúng ta, Ngài chăm sóc chúng ta như vậy. Thế nhưng, tôi muốn mời gọi tất cả anh chị em giờ đây hãy cùng nhau cầu Kinh Chúa Dạy. Những ai không biết tiếng Ý thì cầu bằng thổ ngữ của mình. Nào chúng ta cùng nhau cầu nguyện: Lạy Cha chúng con ở trên trời....

https://zenit.org/articles/general-audience-of-march-20-2019-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên

BỎ KINH LẠY CHA

Hôm nay, 20/3/2019, theo cơ quan truyền thông 9 News, thì quốc hội ở bang Victoria Úc Châu đang cứu xét một dự thảo bỏ việc đọc Kinh Lạy Cha mở màn cho các cuộc họp hằng ngày, ở quốc hội liên bang, ở quốc hội mỗi tiểu bang và ở miền, một thói quen có từ năm 1918. Trong đó có 2 tín hữu Công giáo có chức sắc trong chính quyền tỏ ra ủng hộ, đó là thủ tướng tiểu bang Victoria Daniel Andrews và nữ Bộ Trưởng Thân Chủ Vụ là Marlene Kairouz.

Tòa án ở bang Victoria đã luận tội Đức Hồng Y Pell là ấu dâm nhưng đã bị đặt nhiều nghi vấn do những mập mờ về tiến trình xét xử cùng luận tội, bao gồm cả chứng cớ, trong đó có 1 trong 2 được cho là "nạn nhân" của ngài trước khi chết đã nói với mẹ của mình rằng mình không phải là nạn nhân của ngài, có nghĩa là vụ án của ngài có thể đã theo chiều hướng chống Công giáo rất mạnh ở bang này. Ở bang bên cạnh bang Victoria thuộc Miền Nam Úc Châu này đã từng xẩy ra việc luận tội vị nguyên Tổng Giám Mục ở Adelaide là Philip Wilson cũng đã bị lật ngược khi ngài chống án, và vị thẩm phán đã khám phá ra tính cách chống Công giáo đã đóng vai trò quyết định trong quyết định ban đầu của việc luận tội ngài.

Tín hữu Công giáo nói riêng và Giáo Hội Công giáo nói chung, chính ngay trong thời đại con người đã lên tới tột đỉnh về văn hóa liên quan đến nhân bản và nhân quyền, lại là thời điểm Giáo Hội và Kitô hữu bị bách hại và sát hại chưa từng thấy trong lịch sử đạo giáo của mình, chẳng những bị bách hại và sát hại ở các nước Hồi giáo hay Cộng sản, mà còn ở ngay thế giới văn minh Tây phương Kitô giáo nữa. Phải chăng đó là lý do Tây phương văn minh Kitô giáo vì đang bị khủng hoảng đức tin nên văn hóa đã bị phá sản hết sức thảm hại như ngày nay?

Phải chăng đó là lý do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngay khi mở đầu giáo triều dài thứ ba trong lịch sử Giáo Hội của mình, chẳng những đã kêu gọi toàn thể thế giới càng văn minh càng bạo loạn và tự diệt trong bài giảng đăng quang giáo hoàng của mình ngày 22/10/1978 rằng: "Đừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô - Don't be afraid, open wide the doors for Christ", và trước khi chết 1 tháng rưỡi, vào ngày 22/2/2005, còn trăn trối cho riêng Âu Châu qua tác phẩm di chúc "Hồi Niệm và Căn Tính / Memory and Identity" của mình rằng Âu Châu hãy nhớ lại căn tính Kitô giáo của mình, để không còn sợ chính "Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần - Redemptor Hominis" (Nhan đề Thông Điệp đầu tay của ngài, ban hành ngày mùng 4 tháng 3 năm 1979) của mình, bằng không Âu Châu có nguy cơ mất gốc đến mất tích trong lịch sử nhân loại, như lịch sự hiện đại đang cho thấy cả một Khối Hiệp Nhất Âu Châu đang có những dấu hiệu càng ngày càng tan rã, gây ra bởi tình trạng di dân và chiều hướng chính trị tương phản nhau, chia rẽ nhau và đối nghịch nhau trong nội bộ của mình, trong khi đó các lực lượng thù địch (Nga sô, Trung cộng và Hồi giáo v.v.) đang muốn nhào tới thống trị Âu Châu cả về chính trị (Nga sô), kinh tế (Trung cộng) và tôn giáo (Hồi giáo).

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL