GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2019
ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 27-3-2019
Kinh Lạy Cha - Bài 11: "Xin Cha lương thực hằng ngày"
"Chúa Giêsu không đòi hỏi những lời thỉnh cầu trau chuốt, trái lại, toàn thể cuộc sống con người, với những vấn đề thường ngày cụ thể nhất của nó, có thể trở thành một lời nguyện cầu".
"Thứ bánh được Kitô hữu xin trong lời cầu nguyện không phải là bánh 'của con' mà của 'chúng con'...
Nếu người ta không cầu theo chiều hướng ấy thì Kinh 'Lạy Cha' không còn là kinh nguyện Kitô giáo nữa"
"Bánh mà chúng ta xin Chúa trong lời cầu nguyện cũng chính là thứ bánh mà một ngày kia sẽ cáo tội chúng ta...
Nó là thứ bánh được ban cho nhân loại mà lại chỉ có một ai đó ăn nó: tình yêu thương không thể chấp nhận như thế"
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta sang đến phần thứ hai của Kinh "Lạy Cha", trong phần này chúng ta trình bày cùng Thiên Chúa các nhu cầu của chúng ta. Phần thứ hai được bắt đầu bằng một từ ngữ xông hương vị hằng ngày là bánh ăn.
Lời cầu nguyện của Chúa được mở đầu bằng một nhu cầu khẩn trương, một nhu cầu rất giống với lời khẩn cầu của một kẻ ăn mày: "Xin cho chúng con lương thực hằng ngày". Kinh nguyện này xuất phát từ chứng cớ thường bị chúng ta quên lãng, đó là chúng ta không phải là những tạo vật tự mình viên mãn, và hằng ngày chúng ta cần phải ăn uống.
Thánh Kinh cho chúng ta thấy rằng đối với nhiều người thì việc gặp gỡ Chúa Giêsu đã được bắt đầu bằng một vấn nạn. Chúa Giêsu không đòi hỏi những lời thỉnh cầu trau chuốt, trái lại, toàn thể cuộc sống con người, với những vấn đề thường ngày cụ thể nhất của nó, có thể trở thành một lời nguyện cầu. Chúng ta thấy nơi Phúc Âm cả một đám đông ăn xin, thành phần van xin cho được giải phóng và cứu độ. Người này thì xin bánh ăn, người kia xin được chữa lành, có người cần được thanh tẩy, người khác xin cho được thấy, hay xin cho người thân yêu sống lại... Chúa Giêsu không bao giờ tỏ ra lạnh lùng với những điều yêu cầu ấy và những sầu thương ấy.
Thế nên Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy xin Chúa Cha lương thực hằng ngày. Người dạy chúng ta hãy làm như thế cùng với rất nhiều con người nam nữ là những ai lời nguyện cầu này là một tiếng kêu - thường được ấp ủ trong lòng - kèm theo nỗi lo âu hằng ngày. Biết bao nhiêu là người mẹ hay biết bao nhiêu là người cha, cả hôm nay đây, đi ngủ với nỗi quặn đau khi không có đủ lương thực cho con cái của mình vào ngày hôm sau! Chúng ta hãy tưởng tượng lời nguyện cầu này được đọc lên không phải từ một tình trạng an toàn của một căn chung cư thoải mái tiện nghi, mà là từ một tình trạng bất ổn của một căn phòng vừa cho chúng ta cư trú, nơi thiếu hụt cả những gì cần thiết.
Những lời của Chúa Giêsu có môt mãnh lực mới. Lời cầu nguyện của Kitô giáo được bắt đầu từ tầm mức này. Nó không phải là việc thực hành đối với thành phần khổ hạnh; nó khởi đi từ thực tại, từ tâm can và từ xác thịt của dân chúng sống trong thiếu thốn, hay từ những ai chia sẻ thân phận của người không có những gì cần thiết để sống. Ngay cả những nhà thần bí Kitô giáo siêu đẳng nhất cũng không thể thiếu mất tính cách đơn sơ giản dị của điều yêu cầu này. "Lạy Cha, xin hãy lưu ý tới lương thực cần thiết cho ngày hôm nay đây của chúng tôi cũng như của tất cả mọi người". Và "bánh" đây tiêu biểu cho nước uống, thuốc men, nhà ở, việc làm... Hãy xin những gì cần thiết để sống.
Thứ bánh được Kitô hữu xin trong lời cầu nguyện không phải là bánh "của con" mà của "chúng con". Đó là cách Chúa Giêsu muốn. Người dạy chúng ta xin như thế, chẳng những cho chính chúng ta mà còn cho toàn thể tình huynh đệ trên thế giới này nữa. Nếu người ta không cầu theo chiều hướng ấy thì Kinh "Lạy Cha" không còn là kinh nguyện Kitô giáo nữa. Nếu Thiên Chúa là Cha của chúng ta, thì chúng ta làm sao có thể ra trước nhan Ngài mà lại không cùng với nhau chứ? - tất cả chúng ta. Và nếu chúng ta tự đánh cắp mất lương thực Ngài ban cho chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể nói chúng ta là con cái của Ngài chứ? Lời cầu nguyện này chất chứa một thái độ cảm thông và liên kết.
Trong cơn đói khát của tôi, tôi cảm thấy cái đói khát của đám đông dân chúng, nên tôi sẽ cầu cùng Thiên Chúa cho đến khi lời cầu nguyện của họ được đáp ứng. Đó là cách Chúa Giêsu giáo huấn cộng đồng của Người, Giáo Hội của Người, trong việc mang đến cho Thiên Chúa các nhu cầu của tất cả mọi người: "Ôi Lạy Cha, tất cả chúng con đều là con cái của Cha, xin thương xót chúng con!". Giờ đây, chúng ta cần dừng lại một chút để nghĩ đến những trẻ em đói khổ. Chúng ta hãy nghĩ đến các trẻ em đang ở các nước chiến tranh: các trẻ em đang đói khổ ở Yemen, các trẻ em đang đói khổ ở Syria, các trẻ em đang đói khổ ở rất nhiều xứ sở không có lương thực, ở Nam Sudan. Chúng ta hãy nghĩ đến những trẻ em này, và khi nghĩ đến các em, chúng ta hãy cùng nhau vang lên lời nguyện: "Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày" - nào c húng ta cùng nhau đọc.
Bánh mà chúng ta xin Chúa trong lời cầu nguyện cũng chính là thứ bánh mà một ngày kia sẽ cáo tội chúng ta. Nó sẽ khiển trách thói quen nhỏ mọn của chúng ta trong việc chúng ta bẻ bánh với ai gần gũi với chúng ta, thói quen nhỏ mọn bẻ bánh của chúng ta. Nó là thứ bánh được ban cho nhân loại mà lại chỉ có một ai đó ăn nó: tình yêu thương không thể chấp nhận như thế. Tình yêu thương của chúng ta không thể chấp nhận như vậy; tình yêu của Thiên Chúa cũng chẳng chấp nhận thứ lòng vị kỷ không biết chia sẻ lương thực của mình.
Có lần cả một đoàn lũ dân chúng đông đảo ở trước mắt Chúa Giêsu; họ là những con người bấy giờ đói khát. Chúa Giêsu đã hỏi xem có ai có gì hay chăng, và chỉ có một em bé sẵn sàng chia sẻ những gì em dự trữ, đó là 5 ổ bánh và 2 con cá. Chúa Giêsu đã hóa ra nhiều cử chỉ quảng đại ấy (xem Gioan 6:9). Đứa trẻ ấy được cho là "bài học" về Kinh "Lạy Cha": lương thực ấy không phải là sở hữu riêng tư - chúng ta hãy nhớ lấy điều ấy: lương thực không phải là sở hữu riêng tư -, mà để quan phòng chia sẻ bằng ân sủng của Thiên Chúa.
Phép lạ thực sự được Chúa Giêsu thực hiện hôm ấy không phải là việc hóa bánh ra nhiều - dù thực sự đúng thế - nhưng là việc chia sẻ: hãy cống hiến những gì anh chị em có và Ta sẽ làm phép lạ. Chính Người, bằng việc hóa bánh ra nhiều đã cống hiến, như tiên báo việc Người tự hiến mình nơi Bánh Thánh Thể.
Thật vậy, chỉ có Thánh Thể mới có thể thoả mãn kẻ đói khát những gì là vô cùng bất tận và thỏa mãn ước vọng nơi việc tìm kiếm Thiên Chúa là những gì làm cho hết mọi người sinh động, cũng như nơi việc tìm kiếm lương thực hằng ngày.
https://zenit.org/articles/holy-fathers-general-audience-full-text/
Đaminh Maria Cao
Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng
mầu