GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 24-4-2019

 

 

Kinh Lạy Cha - Bài 13: "Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"

 

 

Tất cả chúng ta đều là các con nợ của Thiên Chúa cũng như của rất nhiều người đã cống hiến cho chúng ta những điều kiện sống thuận lợi. Căn tính của chúng ta được hình thành bởi sự thiện chúng ta lãnh nhận.

 

Pope Francis at the general audience April 20, 2016. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

Mối liên hệ ân tình theo hàng dọc về phần Thiên Chúa là mối liên hệ có tính cách khúc xạ, và chúng ta được kêu gọi để chuyển nó thành một mối liên hệ mới để chúng ta sống với anh chị em của chúng ta, một mối liên hệ theo hàng ngang.

 

Pope Francis waves to pilgrims at the weekly General Audience

 

Nơi nào sự dữ cần phải bị ngăn chặn thì người ta cần phải yêu thương vượt lên trên cả những gì là nợ nần ...

Thay cho thứ luật trả đũa - những gì anh đã làm cho tôi thì tôi cũng làm cho anh.

Chúa Giêsu đã thay thế bằng luật yêu thương: những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi thì tôi cũng làm cho anh!

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay chúng ta xong bài giáo lý về vấn đề thứ năm của Kinh "Lạy Cha", ở lời bày tỏ "như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con" (Mathêu 6:12). Chúng ta đã thấy rằng con người thật sự là một con nợ của Thiên Chúa: chúng ta đã lãnh nhận từ Ngài hết mọi sự, liên quan đến bản tính tự nhiên cũng như ân sủng. Đời sống của chúng ta chẳng những được Thiên Chúa muốn có mà còn được Ngài yêu thương nữa. Thật sự là không có chỗ đứng cho những gì là tự phụ khi chúng ta nắm tay nhau cầu nguyện. Trong Giáo Hội không có loại "người tự tạo" (self-made men) - những con người làm nên bản thân mình. Tất cả chúng ta đều là các con nợ của Thiên Chúa cũng như của rất nhiều người đã cống hiến cho chúng ta những điều kiện sống thuận lợi. Căn tính của chúng ta được hình thành bởi sự thiện chúng ta lãnh nhận. Sự thiện đầu tiên là sự sống.

Con người cầu nguyện biết nói tiếng "cám ơn". Chúng ta thường quên nói "cám ơn". Chúng ta là kẻ vị kỷ. Con người cầu nguyện biết nói tiếng "cám ơn", và xin Thiên Chúa tỏ lòng từ ái với họ. Chúng ta hãy cố gắng bao nhiêu có thể, với một cái nợ khổng lồ trước nhan Thiên Chúa, một món nợ chúng ta sẽ không bao giờ có thể bù đắp: Ngài vô cùng yêu thương chúng ta, hơn chúng ta kính mến Ngài. Vậy chúng ta cố gắng bao nhiêu có thể để sống theo các giáo huấn Kitô giáo, sẽ luôn có một cái gì đó trong đời sống của chúng ta cần được tha thứ: chúng ta hãy nghĩ đến những ngày sống lười biếng, đến những giây phút oán hận xâm chiếm cõi lòng của chúng ta, vân vân. Những cảm nghiệm này, rất tiếc không phải là hiếm, khiến chúng ta phải van xin rằng: "Xin Cha tha nợ chúng con". Vậy chúng ta hãy xin Thiên Chúa tha thứ.

Nếu chúng ta nghĩ một cách thích đáng thì lời cầu khẩn này cũng có thể chỉ giới hạn ở phần thứ nhất này thôi; đủ rồi. Thế nhưng, Chúa Giêsu liên kết nó với lời bày tỏ thứ hai là lời bày tỏ trở thành duy nhất với lời bày tỏ thứ nhất. Mối liên hệ ân tình theo hàng dọc về phần Thiên Chúa là mối liên hệ có tính cách khúc xạ, và chúng ta được kêu gọi để chuyển nó thành một mối liên hệ mới để chúng ta sống với anh chị em của chúng ta, một mối liên hệ theo hàng ngang. Vị Thiên Chúa nhân lành mời gọi chúng ta cùng nhau trở nên tốt lành. Hai phần của lời cầu khẩn này được liên hết với nhau một cách tiếp hợp nhẫn tâm làm sao ấy, ở chỗ, chúng ta xin Chúa tha nợ cho chúng ta, tội lỗi của chúng ta "như" chúng ta tha thứ cho bạn hữu của chúng ta, những con người sống với chúng ta, tha nhân của chúng ta, những con người gây ra cho chúng ta những điều tệ hại.

Hết mọi Kitô hữu đều biết rằng việc tha thứ tội lỗi có đó vì họ; tất cả chúng ta đều biết như thế: Thiên Chúa là Đấng tha thứ hết mọi sự và luôn luôn thứ tha. Khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ về dung nhan của Thiên Chúa, Người đã tóm gọn nó bằng những lời diễn tả về lòng thương xót êm ái dịu dàng. Người nói rằng Thiên Đàng không còn gi vui bằng khi thấy một tội nhân thống hối, hơn là cả một đám đông kẻ công chính không cần ăn năn (xem Luca 15:7,10). Không có gì ở trong các cuốn Phúc Âm khiến con người ngờ vực rằng Thiên Chúa không thứ tha tội lỗi cho một con người sẵn lòng xin được tái gắn bó với Ngài.

Tuy nhiên, ân sủng của Thiên Chúa, thật là phong phú, bao giờ cũng là những gì thách đố. Con người nào đã nhận lãnh quá nhiều cũng cần phải biết trao ban nhiều như thế, chứ không được giữ lấy cho mình những gì đã lãnh nhận. Ai đã nhận lãnh nhiều thì cũng cần phải cho đi nhiều. Không phải là tình cờ mà Phúc Âm Thánh Mathêu, ngay sau khi thuật lại đoạn về Kinh "Lạy Cha", trong số 7 lời bày tỏ được kể đến, thì ngừng lại, để thực sự nhấn mạnh đến việc huynh đệ tha thứ cho nhau: "Vì nếu các con có biết tha nợ cho những ai phạm đến các con thì Cha trên trời của các con cũng sẽ tha thứ cho các con; bằng nếu các con không tha nợ cho họ thì Cha của các con cũng không tha nợ cho các con" (Mathêu 6:14-15). Thật là mãnh liệt! Tôi nghĩ rằng: đôi khi tôi đã nghe thấy người ta nói rằng: "Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho con người đó! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ những gì họ đã gây ra cho tôi!" Tuy nhiên, nếu anh chị em không tha thì Thiên Chúa cũng không tha cho anh chị em. Anh chị em đóng cửa lòng mình lại. Chúng ta hãy nghĩ xem chúng ta có thể tha thứ hay chúng ta không tha thứ. Khi tôi còn ở một giáo phận kia thì có một vị linh mục đã tỏ ra lo lắng nói với tôi rằng ngài đã đi ban các Phép Bí Tích cuối cùng cho một bà cao niên gần chết. Người đàn bà đáng thương này không nói được. Nên vị linh mục nói với bà rằng: "Này bà, bà có ăn năn thống hối tội lỗi của bà hay chăng?" Người đàn bà này thưa có; ngài không thể nghe bà xưng tội nhưng bà đã nói có. Thế là đủ. Sau đó ngài hỏi thêm: "Bà có tha thứ cho người khác không?". Người đàn bà gần chết đã nói "không". Vị linh mục này vẫn cảm thấy lo âu. Nếu anh chị em không tha thứ, thì Thiên Chúa sẽ không thứ tha cho anh chị em. Chúng ta hãy nghĩ mà xem, chúng ta là ai đây, nếu chúng ta tha thứ hay nếu chúng ta đang có thể thứ tha. "Thưa cha, con không thể làm điều đó, vì những người đó đã gây cho con quá nhiều đau khổ". Tuy nhiên, nếu anh chị em không thể làm điều này thì hãy xin Chúa ban cho anh chị em sức mạnh để làm như thế: Lạy Chúa, xin giúp con biết thứ tha. Chúng ta tái nhận thức ở đó mối liên kết giữa tình yêu Thiên Chúa với tình yêu tha nhân. Tình yêu kêu gọi tình yêu, tha thứ kêu gọi thứ tha. Chúng ta còn thấy nơi Phúc Âm Thánh Mathêu một lần nữa một dụ ngôn rất căng thẳng liên quan đến việc huynh đệ tha thứ cho nhau (xem 18:21-35). Chúng ta hãy lắng nghe dụ ngôn này.

Có một người đầy tớ mắc nợ vua một món nợ khổng lồ: 10 ngàn nén bạc! Một số tiền bất khả hoàn trả; tôi không biết ngày nay là bao nhiêu, có thể là hằng trăm triệu. Tuy nhiên, phép lạ đã xẩy ra, và người đầy tớ này đã nhận được - không phải là việc hoãn nợ mà là được tha cho toàn số nợ - một ân sủng không ngờ! Tuy nhiên, hãy xem cách thức người đầy tớ này thực sự đối xứ với người anh em của hắn ngay sau đó, người chỉ có nợ hắn 100 bạc - nhỏ nhoi - và mặc dù nhân vật này đã van xin hắn, hắn vẫn không chấp nhận những lời khất nợ hay khẩn nài của người ấy. Bởi thế, cuối cùng, chủ nhân của người đầy tớ ấy gọi hắn lại và lên án hắn. Vì, nếu anh chị em không có gắng tha thứ thì anh chị em cũng không được thứ tha; nếu anh chị em không nỗ lực yêu thương thì anh chị em cũng không được thương yêu.

Chúa Giêsu đưa vào các mối liên hệ của nhân loại cái quyền lực của sự tha thứ. Không phải là hết mọi sự trong đời sống đều được giải quyết bằng công lý. Không. Trên hết tất cả, nơi nào sự dữ cần phải bị ngăn chặn thì người ta cần phải yêu thương vượt lên trên cả những gì là nợ nần, để bắt đầu lại lịch sử của ân sủng. Sự dữ chỉ biết hận thù, và nó không bị gián đoạn; cái nguy cơ là ở chỗ nó làm đông cứng cái ngột ngạt toàn thế giới. Thay cho thứ luật trả đũa - những gì anh đã làm cho tôi thì tôi cũng làm cho anh. Chúa Giêsu đã thay thế bằng luật yêu thương: những gì Thiên Chúa đã làm cho tôi thì tôi cũng làm cho anh! Hôm nay chúng ta hãy nghĩ xem, trong tuần lễ Phục Sinh thân ái này, chúng ta có thể tha thứ hay chăng. Nếu chúng ta cảm thấy bất khả thì chúng ta phải xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết thứ tha, vì nó là một ân sủng có khả năng tha thứ.

Thiên Chúa ban cho hết mọi Kitô hữu ơn viết lên một câu truyện về lòng thiện hảo nơi đời sống của anh chị em mình, nhất là những ai đã gây ra cho chúng ta một điều gì đó khó chịu hay sai lầm. Bằng một lời nói, một cái ôm, một nụ cười, chúng ta có thể chuyển tới cho người khác những gì chúng ta đã lãnh nhận quí báu nhất. Chúng ta đã lãnh nhận điều quí báu đây là gì? Chính là ơn tha thứ, một ơn tha thứ chúng ta cần phải làm sao để cống hiến cho cả những người khác nữa.

https://zenit.org/articles/april-24-2019-general-audience-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu