GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2019
ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 22-5-2019
Kinh Lạy Cha - Bài 16
"Kinh nguyện Kitô giáo được xuất phát từ việc dám táo bạo gọi danh xưng 'Cha'"
"Những lời bộc lộ nguyện cầu phát ra từ môi miệng của Chúa Giêsu đều nhắc lại bản Kinh 'Lạy Cha'"
"Đây là mầu nhiệm của kinh nguyện Kitô giáo,
đó là chúng ta được thu hút bởi ân sủng vào trong cuộc đối thoại yêu thương của Ba Ngôi Chí Thánh"
Xin chào anh chị em thân mến!
Hôm nay chúng ta kết thúc loạt bài giáo lý về Kinh "Lạy Cha". Chúng ta có thể nói rằng kinh nguyện Kitô giáo được xuất phát từ việc dám táo bạo gọi danh xưng "Cha". Nó không phải là một thứ công thức cho bằng là tình thân mật con cái chúng ta được ân sủng dẫn vào, ở chỗ, Chúa Giêsu là Đấng Mạc Khải về Cha và Người ban cho chúng ta tình thân với Ngài. "Người không lưu lại cho chúng ta một thứ công thức để lập lại một cách máy móc. Như bất cứ kinh nguyện bằng miệng lưỡi nào, chính nhờ Lời Chúa mà Thánh Linh dạy cho con cái Chúa cầu nguyện cùng Cha của họ" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo - 2766). Chính Chúa Giêsu đã sử dụng những diễn tả khác nhau để cầu cùng Cha của Người. Nếu chúng ta chăm chú đọc các Phúc Âm, chúng ta khám phá ra rằng những lời bộc lộ nguyện cầu phát ra từ môi miệng của Chúa Giêsu đều nhắc lại bản Kinh "Lạy Cha".
Vào Đêm ở Vườn Nhiệt, Chúa Giêsu đã cầu nguyện như thế này: "Abba, Cha ơi! Tất cả đều có thể đối với Cha; xin hãy cất cho con khỏi chén này; nhưng đừng theo những gì Con muốn, mà là những gì Cha muốn" (Marco 14:36). Chúng ta đã nhắc lại đoạn Phúc Âm này của Thánh Marco. Làm thế nào chúng ta không nhận ra nơi lời nguyện này, cho dù ngắn ngủi, một dấu vết về Kinh "Lạy Cha" chứ? Giữa đêm tăm tối, Chúa Giêsu đã kêu cầu cùng Thiên Chúa bằng danh xưng "Abba", bằng một lòng tin tưởng thảo hiếu, và mặc dù cảm thấy sợ hãi cùng thống khổ, Người cũng xin cho Ý Cha được thể hiện. Ở các đoạn khác của Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh cùng các môn đệ rằng các vị cần phải vun trồng một tinh thần cầu nguyện. Cầu nguyện cần phải liên tục, và nó cần phải bao gồm trước hết là việc tưởng nhớ đến những người anh chị em, nhất là khi chúng ta cảm thấy có những liên hệ khó khăn đối với họ. Chúa Giêsu nói rằng: "Khi các con cầu nguyện thì hãy tha thứ, nếu các con có điều gì phạm đến bất cứ một người nào; nhờ đó Cha của các con ở trên Trời cũng mới tha thứ cho các sai phạm của các con" (Marco 11:25). Chúng ta làm sao lại không nhận thấy nơi những diễn tả này phần nào tương ứng với Kinh "Lạy Cha" chứ? Và có thể còn nhiều thí dụ khác nữa.
Chúng ta không thấy đoạn Kinh "Lạy Cha" trong các bản văn của Thánh Phaolô, thế nhưng sự hiện diện của kinh này xuất hiện nơi cái tổng hợp kỳ diệu ở lời cầu khẩn của Kitô giáo được cô đọng trong chỉ một chữ duy nhất là Abba!" (xem Roma 8:15; Galata 4:6).
Trong Phúc Âm Thánh Luca, Chúa Giêsu đã hoàn toàn làm thỏa đáng lời yêu cầu của các môn đệ khi các vị thấy Người thường xa lánh để chìm mình trong cầu nguyện thì một hôm đã quyết định xin Người rằng: "Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện, như Gioan - Tẩy giả - đã dạy cho các môn đệ của ngài" (11:1). Bấy giờ Vị Sư Phụ này đã dạy cho các vị kinh nguyện cầu cùng Cha.
Nếu coi Tân Ước như là một tổng thể, thì thấy rõ ràng rằng nhân tố chính đầu tiên của hết mọi kinh nguyện Kitô giáo là Thánh Linh, Đấng thở vào lòng người môn đệ. Thần Linh là Đấng có thể giúp chúng ta cầu nguyện như là thành phần con cái của Thiên Chúa, một thân phận chúng ta thật sự là nhờ Phép Rửa. Vị Thần Linh này làm cho chúng ta cầu nguyện theo các "nề nếp" đã được Chúa Giêsu vun xới cho chúng ta. Đây là mầu nhiệm của kinh nguyện Kitô giáo, đó là chúng ta được thu hút bởi ân sủng vào trong cuộc đối thoại yêu thương của Ba Ngôi Chí Thánh.
Chúa Giêsu cầu nguyện như vậy. Đôi khi Người sử dụng những diễn tả thực sự là rất xa với với bản Kinh "Lạy Cha". Chúng ta nghĩ đến những lời ban đầu của Thánh Vịnh 22 được Chúa Giêsu thốt lên trên cây thập tự giá: "Chúa Trời của Tôi ơi, Chúa Trời của Tôi ơi, nhân sao Ngài lại bỏ rơi Tôi?" (Mathêu 27:46). Có thể nào Cha trên trời lại bỏ rơi Con của Ngài hay chăng? Chắc chắn là không. Tuy nhiên, tình yêu đối với tội nhân chúng ta đã dẫn Chúa Giêsu đến chỗ ấy, đến độ cảm thấy mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, bị Thiên Chúa xa cách. Tuy nhiên, nơi tiếng kêu thống thiết này vẫn còn là "Thiên Chúa của Tôi, Thiên Chúa của Tôi". Nơi cái "của Tôi" là cốt lõi của mối liên hệ với Cha ấy, có một cái tâm điểm của đức tin và việc cầu nguyện.
Đó là lý do tại sao Kitô hữu có thể cầu nguyện từ cái tâm điểm này ở trong hết mọi trường hợp. Họ có thể sử dụng tất cả mọi kinh nguyện trong Thánh Kinh, nhất là trong Thánh Vịnh; thế nhưng họ cũng có thể cầu nguyện bằng nhiều bộc lộ qua các thiên kỷ lịch sử đã được xuất phát từ tâm can của con người. Chúng ta đừng bao giờ thôi thưa cùng Cha về những người anh chị em trong nhân loại, nhờ đó không một ai trong họ, nhất là người nghèo, không được niềm an ủi và tham phần yêu thương.
Ở cuối bài giáo lý này, chúng ta có thể lập lại lời nguyện cầu của Chúa Giêsu: "Lạy Cha là Chúa Trời đất, Con tạ ơn Cha, vì Cha đã dấu những điều này khỏi thành phần khôn ngoan thông thái mà đã mạc khải chúng cho các trẻ nhỏ biết mà thôi" (Luca 10:21).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu