GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 9-1-2019
Kinh Lạy Cha - Bài 4: Chúa Giêsu cầu nguyện theo Phúc Âm Thánh Luca.
"Bài giáo lý hôm nay theo Phúc Âm Thánh Luca.
Thật vậy, đặc biệt theo Phúc Âm này, từ các trình thuật về thời thơ ấu,
đã diễn tả hình ảnh của Chúa Kitô ở trong một bầu khí đầy nguyện cầu"
"Chúa Giêsu cầu nguyện khi lãnh nhận Phép Rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan),
Người thưa chuyện cùng Chúa Cha trước khi thực hiện các quyết định thật quan trọng;
Người thường rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện,
Người chuyển cầu cho Thánh Phêrô chẳng bao lâu sau đó chối bỏ Người".
"Ngay cả cuộc tử nạn của Đấng Thiên Sai cũng đầy bầu khí cầu nguyện...
Chỉ có trong Phúc Âm của Thánh Luca
chúng ta mới thấy điều yêu cầu của một người môn đệ xin chính Chúa Giêsu dạy cho mình có thể cầu nguyện".
"Cầu nguyện là những gì thắng vượt trên những nỗi cô đơn và niềm thất vọng.
Hãy cầu nguyện. Cầu nguyện làm thay đổi thực tại; đừng quên điều ấy.
Cầu nguyện một là làm thay đổi sự vật hay làm thay đổi cõi lòng của chúng ta,
nhưng nó bao giờ cũng làm đổi thay"
Bài giáo lý hôm nay theo Phúc Âm Thánh Luca. Thật vậy, đặc biệt theo Phúc Âm này, từ các trình thuật về thời thơ ấu, đã diễn tả hình ảnh của Chúa Kitô ở trong một bầu khí đầy nguyện cầu. Ở đó có 3 bài ca vịnh trở thành lời nguyện cầu hằng ngày của Giáo Hội: Ca Vịnh Chúc Tụng Benedictus, Ca Vịnh Ngợi Khen Magnificat, và Ca Vịnh Bái Biệt Nunc Dimittis. Trong bài giáo lý chúng ta tiếp tục về Kinh Lạy Cha này, chúng ta thấy Chúa Giêsu là một con người cầu nguyện. Chúa Giêsu cầu nguyện. Chẳng hạn, theo trình thuật của Thánh Luca thì đoạn về Biến Hình xuất phát từ giây phút cầu nguyện. Như thế này: "Và khi Người đang cầu nguyện thì dung mạo của Người biến đổi, và y phục của Người trở nên trắng xóa" (9:29).
Tuy nhiên, mỗi động tác của đời sống Chúa Giêsu đều được thúc đẩy bởi hơi thở Thần Linh, Đấng dẫn dắt Người nơi tất cả mọi tác hành của Người. Chúa Giêsu cầu nguyện khi lãnh nhận Phép Rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan), Người thưa chuyện cùng Chúa Cha trước khi thực hiện các quyết định thật quan trọng; Người thường rút lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện, Người chuyển cầu cho Thánh Phêrô chẳng bao lâu sau đó chối bỏ Người. Người nói rằng: "Simon, Simon, này Satan nhắm bắt con và sàng con như sàng gạo, nhưng Thày đã cầu cho con để con vững tin" (22:31-32). Thật là an ủi khi biết rằng Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta, Người cầu cho tôi, cho từng người chúng ta để chúng ta vững tin. Đúng là thế. "Thế nhưng thưa cha, Người vẫn còn làm như thế hay chăng?" Người vẫn làm như vậy trước Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu cho tôi. Mỗi người chúng ta có thể nói lên điều ấy. Chúng ta có thể thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Chúa đang cầu nguyện cho con, tiếp tục cầu nguyện khi con cần đến nó" - bởi thế, hãy can đảm.
Ngay cả cuộc tử nạn của Đấng Thiên Sai cũng đầy bầu khí cầu nguyện, cho đến độ giờ phút Khổ Nạn dường như mang đặc tính của những gì thâm trầm lạ lùng: Chúa Giêsu an ủi các người phụ nữ, cầu nguyện cho những kẻ đóng đang mình, hứa Thiên Đàng cho người trộm lành, thở hơi cuối cùng bằng lời: "Cha ơi, con xin phó thần trí của con trong tay Cha" (23:46). Việc Chúa Giêsu cầu nguyện dường như làm dịu bớt những cảm xúc mãnh liệt nhất, những ước muốn thanh toán hận thù, hòa giải con người với kẻ thù kinh hoàng nhất của họ, hòa giải con người với kẻ thù là sự chết ấy.
Chỉ có trong Phúc Âm của Thánh Luca chúng ta mới thấy điều yêu cầu của một người môn đệ xin chính Chúa Giêsu dạy cho mình có thể cầu nguyện. Điều xin này như sau: "Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện" (11:1). Họ đã thấy Người cầu nguyện. "Xin dạy chúng con - cả chúng ta cũng có thể thưa cùng Chúa - Lạy Chúa, Chúa đang cầu nguyện cho chúng con, con biết như thế, nhưng xin hãy dạy con cầu nguyện, để con cũng có thể cầu nguyện nữa".
Xuất phát từ lời yêu cầu này là cả một giáo huấn bao rộng được Chúa Giêsu giải thích những gì Người làm nhờ đó họ cần phải thân thưa cùng Thiên Chúa bằng lời lẽ ra sao và bằng tâm tình như thế nào.
Phần đầu của giáo huấn này chính là lời Cha của chúng con. Cầu như thế này: "Lạy Cha là Đấng ở trên Trời". "Cha", một lời quá dễ thương để thân thưa. Chúng ta có thể trầm ngâm cầu nguyện suốt buổi chỉ với lời "Cha" ấy. Và cảm thấy chúng ta có một người cha, chứ không phải là một vị chủ nhân hoặc một dưỡng phụ - không, là một người cha. Kitô hữu thưa cùng Thiên Chúa bằng cách gọi Ngài trước hết là "Cha".
Nơi giáo huấn Chúa Giêsu ban cho các môn để của mình ấy, cần phải dừng lại ở một số dẫn giải cho sáng tỏ bản văn của lời cầu này. Chúa Giêsu dẫn giải một số điều để giúp chúng ta tin tưởng. Những dẫn giải ấy nhấn mạnh đến các thái độ của người tín hũu cầu nguyện. Chẳng hạn, có một dụ ngôn về người bạn quấy rầy, làm phiến đến cả một gia đình đang thiếp ngủ, vì một người bất thình lình ghé thăm mà không có đồ ăn thức uống gì cho họ. Chúa Giêsu đã nói gì về người gõ cửa đánh thức bạn dậy như thế? "Thày bảo cho các con biết cho dù người bạn ấy không thức dậy cung cấp cho người quấy rầy mình vì tình bạn thì cũng vì bị quấy rầy mà dậy để đáp ứng bất cứ nhu cầu nào của người ấy" (11:9). Với dụ ngôn này, Người muốn dạy chúng ta cầu nguyện và liên lỉ cầu nguyện. Ngay sau đó Người cho một thí dụ về một người cha có đứa con đang đói. Tất cả anh chị em, những người làm bố và ông bà ở đây, khi con cái hay cháu chắt của mình xin điều gì đó, vì đói và cứ kêu nài, rồi khóc lóc, rên la, bởi đói: "Ai làm cha trong các ngươi có đứa con xin con cá lại đưa cho nó con rắn thay vì cá ư" (câu 11). Tất cả anh chị em đều có kinh nghiệm khi con cái xin mình, anh chị em cho chúng ăn những gì chúng xin, vì thiện ích của chúng. Bằng những lời lẽ ấy Chúa Giêsu cho thấy rằng Thiên Chúa bao giờ cũng đáp ứng, không một lời cầu nào lại không được lắng nghe. Tại sao? - vì Ngài là Cha, và Ngài không quên con cái đau khổ của mình.
Dĩ nhiên, những lời khẳng định này khiến chúng ta cảm thấy lạ lùng, vì có nhiều lời cầu nguyện của chúng ta dường như chẳng nhận được lắng nghe gì hết. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã kêu xin mà không được lãnh nhận, - tất cả chúng ta đều cảm thấy điều ấy - biết bao nhiêu lần chúng ta đã gõ cửa mà chỉ thấy cửa đóng then cài? Trong những lúc ấy, Chúa Giêsu khuyên chúng ta rằng chúng ta cứ tiếp tục chứ đừng bỏ cuộc. Lời cầu nguyện bao giờ cũng biến đổi thực tại - luôn luôn như thế. Nếu các sự vật chung quanh chúng ta không thay đổi, thì ít là chúng ta thay đổi, cõi lòng của chúng ta đổi thay. Chúa Giêsu đã hứa ban tặng ân Thánh Linh cho hết mọi con người nam nữ cầu nguyện.
Chúng ta có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa đáp ứng. Chỉ có một điều không chắc là vào lúc nào thôi, nhưng chúng ta không được ngờ vực là Ngài sẽ đáp ứng. Có thể chúng ta cần phải kiên trì cả đời mình, nhưng Ngài sẽ đáp ứng. Ngài đã hứa như thế: Ngài không như một người cha trao con rắn thay vì con cá. Không có gì chắc chắn hơn là ước muốn hạnh phúc mà tất cả chúng ta ấp ủ trong lòng một ngày kia sẽ được nên trọn. Chúa Giêsu phán rằng: "Thiên Chúa lại không minh oan cho kẻ Ngài chọn đang ngày đêm kêu lên Ngài hay sao?" (18:7). Đúng thế, Ngài sẽ minh oan; Ngài sẽ lắng nghe chúng ta. Còn một ngày nào vinh quang và phục sinh bằng ngày đó chứ!
Từ nay cầu nguyện là những gì thắng vượt trên những nỗi cô đơn và niềm thất vọng. Hãy cầu nguyện. Cầu nguyện làm thay đổi thực tại; đừng quên điều ấy. Cầu nguyện một là làm thay đổi sự vật hay làm thay đổi cõi lòng của chúng ta, nhưng nó bao giờ cũng làm đổi thay. Từ nay cầu nguyện là những gì thắng vượt trên những nỗi cô đơn và niềm thất vọng. Nó như thể thấy được hết mọi mảnh tạo vật đang thì thào nơi trạng thái lịm đi của một thứ lịch sử mà đôi khi chúng ta không hiểu được lý do tại sao. Thế nhưng, nó là một chuyển biến, cứ tiếp diễn, và rồi ở cùng đường thì đâu là tận cùng con đường chúng ta đi? Ở cuối lời nguyện cầu, ở cuối thời gian chúng ta cầu nguyện, ở cuối cuộc đời thì cái gì ở dó? Đó là một Người Cha đang chờ đợi hết mọi sự và hết mọi người bằng đôi cánh tay rộng mở. Chúng ta hãy nhìn vào Người Cha này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo
nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu