GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2018

 

 

ĐTC Phanxicô - Buổi Triều Kiến Chung Thư Tư 13-2-2019

 

 

Kinh Lạy Cha - Bài 6: "Không có chữ 'tôi' trong 'Kinh Lạy Cha'"

 

 

"Việc cầu nguyện thực sự là việc cầu nguyện được thực hiện trong chốn sâu thẳm của lương tâm, của cõi lòng:

bất khả thấu dò nhưng chỉ có Thiên Chúa biết - Thiên Chúa và tôi".

 

Pope Francis during the weekly General Audience

 

"Nơi cội nguồn của việc đối thoại với Thiên Chúa là một cuộc đối thoại thầm lặng, như một cái ngắm nhìn giữa hai con người yêu thương nhau: con người và Thiên Chúa: những cái ngắm nhìn của chúng ta, đó là cầu nguyện".

 

Pope Francis prays at his Wednesday general audience Feb. 13, 2019. Credit: Daniel Ibanez.

 

"Việc nhìn ngắm Thiên Chúa và việc để mình được Thiên Chúa đoái nhìn: đó là cầu nguyện"

 

Pope Francis during the General Audience

 

"Đâu là chữ bị thiếu vắng trong 'Kinh Lạy Cha' chúng ta đọc hằng ngày?

Để khỏi mất giờ, tôi muốn nói chữ 'tôi' là chữ bị thiếu vắng. 'Tôi' là chữ hoàn toàn không có".

 

 

 

"Trong việc đối thoại với Thiên Chúa không có chỗ đứng cho cá nhân chủ nghĩa.

Không có chuyện khoa trương các vấn đề của chúng ta như thể chỉ có một mình chúng ta chịu khổ trên trần gian này".

 

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta tiếp tục loạt bài của chúng ta để học biết cầu nguyện cho tốt đẹp hơn như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Chúng ta cần phải cầu nguyện như Người đã dạy chúng ta thực hiện. Người đã nói rằng: khi các con cầu nguyện thì hãy âm thầm vào phòng của mình, xa khỏi thế giới, và hướng lên Thiên Chúa bằng cách gọi Ngài là "Cha!" Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Người không được sống như những kẻ giả hình, kẻ cầu nguyện một cách nghênh ngang nơi các Công trường để được dân chúng ca ngợi (cf Mt 6:5). Chúa Giêsu không muốn những gì là giả hình. Việc cầu nguyện thực sự là việc cầu nguyện được thực hiện trong chốn sâu thẳm của lương tâm, của cõi lòng: bất khả thấu dò nhưng chỉ có Thiên Chúa biết - Thiên Chúa và tôi. Cần phải tránh lánh lầm lẫn: không thể nào sống vờ vịt với Thiên Chúa được. Không thể nào. Trước nhan Thiên Chúa chẳng một thứ lừa đảo nào có tác dụng hết; Thiên Chúa biết chúng ta, trần trụi trong lương tâm, và chúng ta chẳng thể nào giả vờ được. Nơi cội nguồn của việc đối thoại với Thiên Chúa là một cuộc đối thoại thầm lặng, như một cái ngắm nhìn giữa hai con người yêu thương nhau: con người và Thiên Chúa: những cái ngắm nhìn của chúng ta, đó là cầu nguyện. Việc nhìn ngắm Thiên Chúa và việc để mình được Thiên Chúa đoái nhìn: đó là cầu nguyện. "Thế nhưng thưa cha, con không nói một lời nào..." Hãy ngắm nhìn Thiên Chúa và hãy để Ngài nhìn anh chị em: Đó là cầu nguyện, một lời cầu nguyện tuyệt vời!

Tuy nhiên, mặc dù việc cầu nguyện của người môn đệ này là những gì hoàn toàn bảo mật, nhưng nó không bao giờ mang tính cách "tĩnh tịch". Trong thâm cung của lương tâm mình, người Kitô hữu không lìa bỏ thế giới ở bên ngoài cửa phòng của mình, mà là ấp ủ những con người cùng với các hoàn cảnh trong tâm can của mình, các vấn đề của họ, rất nhiều sự, tất cả đều được đưa vào việc cầu nguyện.

Có một cái thiếu vắng đặc biệt trong bản văn của "Kinh Lạy Cha". Giả như tôi hỏi anh chị em cái thiếu vắng đặc biệt ấy trong bản văn của "Kinh Lạy Cha" là gì? Thì cũng không dễ trả lời đâu. Một chữ bị thiếu vắng. Tất cả anh chị em nghĩ xem: cái gì bị thiếu vắng ở "Kinh Lạy Cha?"

 Hãy nghĩ xem cái bị thiếu vắng là gì. Một chữ thôi, một chữ mà trong thời đại của chúng ta - nhưng có lẽ là bao giờ cũng thế - được hết mọi người coi trọng. Đâu là chữ bị thiếu vắng trong "Kinh Lạy Cha" chúng ta đọc hằng ngày? Để khỏi mất giờ, tôi muốn nói chữ "tôi" là chữ bị thiếu vắng. "Tôi" là chữ hoàn toàn không có. Chúa Giêsu dạy cầu nguyện trên môi miệng của con người trước hết là chữ "You", vì việc cầu nguyện của Kitô giáo là một việc đối thoại: danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện". Chứ không phải tên tôi, nước tôi, ý tôi. Không phải "tôi", không được như thế. Thế rồi sang đến "Chúng tôi / chúng con". Tất cả phần thứ hai của "Kinh Lạy Cha" đều được biến cách thành ngôi thứ nhất số nhiều: "xin cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, và chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ". Ngay cả những điều yêu cầu tối căn bản của con người - chẳng hạn yêu cầu cho có được của ăn để giảm bớt đói khổ - tất cả đều ở số nhiều. Trong lời cầu của Kitô giáo, không ai xin bánh cho bản thân mình: Xin cho con lương thực hằng ngày - không - cho chúng con, họ nài xin cho tất cả mọi người, cho tất cả những người nghèo khổ trên thế giới này. Không được quên điều ấy, chữ "tôi" là chữ bị thiếu vắng. Người ta cầu nguyện với "you" và với "us". Đó là giáo huấn tốt lành của Chúa Giêsu; đừng quên giáo huấn này.

Tại sao? - vì trong việc đối thoại với Thiên Chúa không có chỗ đứng cho cá nhân chủ nghĩa. Không có chuyện khoa trương các vấn đề của chúng ta như thể chỉ có một mình chúng ta chịu khổ trên trần gian này. Không có lời cầu nguyện nào được dâng lên Thiên Chúa mà không phải là lời cầu nguyện của một cộng đồng những người anh em và chị em, cộng đồng "chúng ta": chúng ta ở trong cộng đồng; chúng ta là anh chị em; chúng ta là thành phần cầu nguyện, "chúng ta". Có lần một vị tuyên úy nhà tù đã hỏi tôi rằng: "Thưa cha, xin cho con biết chữ nào ngược với chữ 'tôi'"? Và tôi chân thành đáp "You". "Đó là khởi điểm của chiến tranh. Tiếng ngược lại với 'tôi' là 'chúng ta', một chữ chứa đựng hòa bình, tất cả với nhau". Đó là một giáo huấn tốt đẹp tôi đã nhận được từ vị linh mục ấy. Trong việc cầu nguyện, người Kitô hữu mang lấy tất cả mọi khó khăn của những con người sống chung quanh họ: khi màn đêm buông xuống, họ thưa cùng Thiên Chúa những nỗi sầu thương họ đã trải qua trong ngày hôm đó: họ trình bày trước nhan Ngài nhiều bộ mặt, thân thương cũng như hận ghét, họ không tẩy chay những người ấy như là những gì phân tâm nguy hiểm. Nếu người ta không nhận thức được rằng chung quanh họ có rất nhiều người đang đau khổ, nếu người ta không cảm động trước nước mắt của người nghèo và trở thành quen thuộc với tất cả mọi sự thì có nghĩa là lòng của họ... ra sao? Đã bị tàn héo ư? Không, còn tệ hơn nữa, nó là thứ lòng chai dạ đá. Trong trường hợp này, cần phải nài xin Chúa hãy chạm đến chúng ta bằng Thần Linh của Ngài và làm cho lòng chúng ta trở nên mềm mại. "Lạy Chúa, xin hãy làm cho cõi lòng của con mềm lại". Đó là một lời cầu nguyện tuyệt vời. "Lạy Chúa, xin làm cho con biết mềm lòng. Nhờ đó con có thể cảm thông và đảm trách tất cả mọi trục trặc, mọi sầu thương của người khác". Chúa Kitô đã không băng ngang qua các khốn khổ của thế giới này mà không động lòng: mỗi lần Người thấy được cảnh lẻ loi cô độc, nỗi đớn đau về thân xác hay tinh thần, Người đều tỏ ra hết sức cảm thương, như thâm cung của một người mẹ. "Nỗi cảm thương" này - chúng ta đừng quên chính lời này của Kitô giáo: cảm thương - nó là một trong những lời then chốt của Phúc Âm: nó là những gì thúc đẩy Người Samaritano Nhân Lành tiến đến với người bị thương nạn bên lề đường, ngược lại với những kẻ khác có một trái tim cứng cỏi.

Chúng ta có thể tự vấn xem khi tôi cầu nguyện, tôi có hướng bản thân mình tới tiếng kêu của rất nhiều người gần xa hay chăng? Hay là tôi nghĩ cầu nguyện như là một thứ gây mê, để có thể được tĩnh lặng hơn? Tôi nêu lên vấn đề như thế; mỗi người tự trả lời lấy. Trong trường hợp ấy, tôi sẽ trở thành nạn nhân của một lầm lẫn kinh khủng. Lời cầu nguyện của tôi chắc chắn không còn là một lời cầu nguyện của Kitô giáo nữa, vì cái "chúng tôi", được Chúa Giêsu dạy chúng ta, ngăn cản tôi cảm thấy an bình, và khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm với anh chị em của tôi. 

Có những người rõ ràng là không tìm kiếm Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu lại khiến chúng ta cầu cho họ, cũng chỉ vì Thiên Chúa đang tìm kiếm những con người này hơn hết. Chúa Giêsu không đến cho kẻ lành mạnh mà là cho bệnh nhân và tội nhân (cf. Lk 5:31) - tức là cho tất cả mọi người, vì ai nghĩ rằng họ là kẻ lành mạnh thực tế lại chẳng phải như thế. Nếu chúng ta hoạt động cho công chính thì chúng ta đừng cảm thấy mình ngon hơn người khác: Chúa Cha là Đấng làm cho mặt trời mọc lên cho cả kẻ lành người dữ (cf. Mt 5:45). Chúa Cha yêu thương tất cả mọi người! Chúng ta hãy học từ Thiên Chúa là Đấng luôn làm lành cho tất cả mọi người, ngược lại với chúng ta là kẻ có thể tốt lành với một số người nào đó, với ai chúng ta thích.

Hỡi những người anh am và chị em, những vị Thánh nnân và tội nhân, tất cả chúng ta đều là anh em được cùng một Cha yêu thương. Khi đời về đêm, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu thương, về việc chúng ta đã yêu thương ra sao. Không phải chỉ bằng một thứ tình yêu cảm giác, mà là bằng tấm lòng cảm thương và cụ thể, theo qui luật của Phúc Âm - đừng quên điều ấy! - "Các con làm điều ấy cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các con làm cho chính Ta" (Mt 25:40). Chúa đã phán như thế. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://zenit.org/articles/pope-at-general-audience-on-jesus-way-to-pray-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu