GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2019
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý Kinh Lạy Cha trước Tam Nhật Thánh
Xin chào anh chị em thân mến!
Trong những tuần lễ này chúng ta đang suy niệm về kinh “Lạy Cha”. Giờ đây, vào ngày vọng Tam Nhật Vượt Qua, chúng ta dừng lại trước mấy lời Chúa Giêsu sử dụng để cầu cùng Cha trong cuộc Khổ Nạn của Người.
Lời nguyện cầu đầu tiên này xẩy ra sau Bữa Tiệc Ly, khi Chúa “ngước mắt lên Trời mà nói: ‘Lạy Cha, giờ đã đến; xin hãy tôn vinh Con của Cha… xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Gioan 17:1,5). Chúa Giêsu xin được tôn vinh, một yêu cầu dường như mâu thuẫn vào lúc sắp xẩy ra Cuộc Khổ Nạn. Đây là loại tôn vinh gì vậy? Theo Thánh Kinh, vinh quang là những gì Thiên Chúa mạc khải Bản Thân Mình; nó là một dấu hiệu chuyên biệt về sự hiện diện cứu độ của Ngài nơi loài người. Bấy giờ Chúa Giêsu là Đấng tỏ hiện tất cả sự hiện diện và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Và Người thực hiện như thế vào dịp Phục Sinh, ở chỗ được treo trên thập tự giá (xem Gioan 12:23-33). Ở đó Thiên Chúa cuối cùng đã tỏ vinh quang của Ngài ra: Ngài cất đi tấm màn che phủ cuối cùng khiến chúng ta bằng hoàng chưa bao giờ thấy. Thật vậy, chúng ta khám phá ra rằng tất cả vinh quang của Thiên Chúa là tình yêu: tình yêu tinh tuyền, điên dại và ngoài dự tưởng, vượt ra ngoài mọi giới hạn và đo lường.
Thưa anh chị em, chúng ta hãy lấy lời nguyện của Chúa Giêsu làm của mình, ở chỗ, chúng ta hãy xin Chúa Cha hãy cất đi những bức màn che khỏi mắt của chúng ta để trong những ngày này, khi nhìn lên Đấng Tử Giá, chúng ta có thể hiều được rằng Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta thường coi Ngài là Chủ Tể chứ không phải là Cha; chúng ta thường nghĩ về Ngài như là một Quan Án nghiêm trị hơn là một Đấng Cứu Thế nhân từ! Tuy nhiên, vào dịp Phục Sinh, Thiên Chúa giảm bớt khoảng cách, khi tỏ mình ra một cách khiêm hạ của một tình yêu muốn được tình yêu chúng ta đáp ứng. Bởi thế, chúng ta tôn vinh Ngài khi chúng ta sống tất cả những gì chúng ta làm bằng tình yêu, khi chúng ta thực hiện từng việc một tận đáy lòng của chúng ta, chỉ vì Ngài (xem Colosê 3:17). Vinh quang đích thực là vinh quang của tình yêu, vì nó là thứ vinh quang duy nhất cống hiến cho thế gian sự sống. Vinh quang này thật sự là thứ vinh quang ngược lại với vinh quang trần thế, thứ vinh quang trần thể được khen tặng, chúc tụng, hoan hô: khi tôi được chú ý tới. Trái lại, vinh quang của Thiên Chúa là những gì ngược đời: không vỗ tay, không bái kiến. Cái ‘tôi’ không phải là tâm điểm: vào Lễ Phục Sinh chúng ta thật sự thấy rằng Cha tôn vinh Con trong khi Con tôn vinh Cha. Chẳng Ngôi Vị nào tôn vinh chính bản than mình. Hôm nay chúng ta tự vấn xem: “Tôi đang sống cho vinh quang nào đây, vinh quang của tôi hay của Thiên Chúa? Tôi chỉ muốn lãnh nhận từ người khác hay cũng cống hiến cho người khác?”
Sau Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu vào Vườn Nhiệt và cả ở đó nữa, Người cầu cùng Cha. Trong khi các môn đệ không thể tỉnh thức thì Giuđa kéo lính đến, Chúa Giêsu bắt dầu cảm thấy “sợ hãi và buồn khổ”. Người cảm thấy tất cả nỗi sầu thương đang đợi chờ Người: bị phản bội, bị khinh bỉ, chịu khổ đau và thất bại. Người cảm thấy “buồn” và ở đó, trong vực thẳm của lẻ loi cô độc, Người dâng lời êm ái ngọt ngào nhất lên Chúa Cha: “Abba”, tức là Cha Ơi (xem Marco 14:33-36). Trong cơn thử thách, Chúa Giêsu dạy chúng ta gắn bó với Chúa Cha, vì trong khi nguyện cầu cùng Người thì có một sức mạnh thấm vào nỗi sầu đau. Trong cơn gian lao, lời cầu nguyện là những gì khuây khỏa, tín thác và ủi an. Khi bị tất cả bỏ rơi, khi cảm thấy lẻ loi cô độc nôi tâm, Chúa Giêsu vẫn không phải chỉ có mình Người; Người ở với Chúa Cha. Trái lại, chúng ta, trong Vườn Nhiệt của mình, thường muốn ở một mình hơn là thưa cùng “Cha” và phó mình cho Ý muốn của Ngài như Chúa Giêsu, một ý muốn là sự thiện duy nhất của chúng ta. Tuy nhiên, khi chúng ta khép kín bản thân mình khi bị thử thách là chúng ta đào một đường hầm bên trong, một chiều hướng thu mình đớn đau độc đạo bao giờ cũng đắm chìm vào bản thân mình. Vấn đề quan trọng nhất không phải là nỗi đớn đau mà là cách đương dầu. Tình trang cô độc không cho thấy lối thoát; cầu nguyện lại cho thấy, vì nó là mối liên hệ, nó là việc phó thác. Chúa Giêsu phó thác hết mọi sự và hết mọi sự được phó thác cho Chúa Cha, trao cho Ngài những gì Người cảm thấy, dựa vào Ngài trong cơn chiến đấu. Khi chúng ta tiến vào Vườn Nhiệt - mỗi người chúng ta đầu có một Vườn Nhiệt riêng hay đã có nó hoặc sẽ có nó, chúng ta hãy nhắc nhở mình cầu cùng Chúa Cha như thế này: “Cha ơi”. Chúng ta cần phải nhớ cầu như vậy: “Cha ơi”.
Sau hết, Chúa Giêsu dâng lời cầu lần thứ ba lên cùng Cha cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho họ; vì họ không biết việc mình làm” (Luca 23:34). Chúa Giêsu cầu cho những ai gian ác đối với Người, cho thành phần sát hại Người. Phúc Âm cho thấy rằng lời cầu này xẩy ra vào lúc tử nạn. Nó có lẽ xẩy ra vào lúc đớn đau nhất khi các cái đinh đóng vào cổ tay và chân của Người. Bấy giờ, vào lúc tột đỉnh đớn đau, Người vươn tới tuyệt đỉnh yêu thương, phá tan cái vòng sự dữ.
Khi cầu “Kinh Lạy Cha” trong những ngày này, chúng ta có thể xin một trong những ơn này, đó là sống các ngày đời của chúng ta cho vinh quang của Thiên Chúa, tức là sống bằng tình yêu thương; đó là biết tín thác vào Cha trong gian nan thử thách mà kêu lên rằng “Cha ơi”, và xin cho được ơn tha thứ và lòng can đảm thứ tha khi gặp gỡ Cha. Những ơn đó đi với nhau. Cha tha cho chúng ta nhưng Ngài ban cho chúng ta lòng can đảm để chúng ta có thể tha thứ.
https://zenit.org/articles/
Đaminh Maria cao tấn tĩnh chuyển dịch từ Jerusalem