GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô

 

 

Giáo Lý về Sách Tông Vụ - Bài 14

 

Thứ Tư ngày 30/10/2019

 

Thánh Thần sứ vụ - Thừa sai Phaolô 

 

 

Pope Francis at the General Audience

 

Thánh Thần đóng vai chính trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội ra sao,

ở chỗ chính Ngài là Đấng hướng dẫn đường đi nước bước của thành phần truyền bá phúc âm hóa,

tỏ cho họ thấy đường lối cần phải theo.

 

 

Giữa đêm tối của viên cai ngục ẩn danh này,

ánh sáng Chúa Kitô đã chiếu soi và xua tan tăm tối,

ở chỗ các xiềng xích của cõi lòng bị đứt ra hết và

niềm vui chưa từng có bừng lên trong ông cũng như nơi thân bằng quyến thuộc của ông

 

Pope Francis in St. Peter's Square March 14, 2018. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

Xin Thánh Linh cho chúng ta một tấm lòng cởi mở,

nhạy cảm với Thiên Chúa và hiếu khách với anh chị em, như bà Lydia,

đức tin táo bạo, như của Thánh Phaolô và Silas, và một con tim cởi mở,

như tấm lòng của viên cai ngục, con người để Thánh Linh đụng chạm đến mình.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Đọc Sách Tông Vụ người ta thấy Thánh Thần đóng vai chính trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội ra sao, ở chỗ chính Ngài là Đấng hướng dẫn đường đi nước bước của thành phần truyền bá phúc âm hóa, tỏ cho họ thấy đường lối cần phải theo.

Chúng ta thấy rõ điều này vào lúc Tông đồ Phaolô được thị kiến khi ngài đến thành Troa. Có một người ở Macedonia đến van xin ngài rằng: "Xin ngài hãy đến Macedonia cứu giúp chúng tôi!" (16:9). Dân chúng ở miền Bắc Macedonia hãnh diện về điều này, họ rất hãnh diện vì đã kêu gọi Tông đồ Phaolô, nhờ đó chính Thánh Phaolô đã loan báo Chúa Giêsu Kitô cho họ. Tôi rất nhớ đến những con người tốt lành này đã tiếp đón tôi thật là nồng hậu, những người đã gìn giữ đức tin được Thánh Phaolô rao giảng cho họ! Vị Tông đồ này đã không do dự đi đến Macedonia, tin rằng Thiên Chúa thực sự đã sai ngài, và ngài đã lên bờ ở Philippi, "một thuộc địa của người Roma" (16:12) qua ngả Egnatia, để rao giảng Phúc Âm. Thánh Phaolô đã dừng chân lại ở đó mấy hôm. Có 3 biến cố đánh dấu việc ngài lưu lại ở Philippi, trong 3 ngày này đã xẩy ra 3 biến cố quan trọng. 1- Việc truyền bá phúc âm hóa và rửa tội cho bà Lydia và gia đình của bà; 2- việc ngài cùng với Silas bị bắt nhốt sau khi ngài khu trừ tà ma cho một em gái nô lệ bị chủ khai thác; 3- việc trở lại và lãnh nhận Phép Rửa của viên cai ngục cùng với gia đình của người này. Chúng ta hãy xem xét ba tình tiết này trong cuộc đời của Thánh Phaolô.

Trước hết là quyền năng của Phúc Âm được ngỏ cùng các phụ nữ thành Philippi, nhất là cùng Lydia, một người buôn bán các thứ vải điều sống ở thành phố Thyatira, một người tin vào Thiên Chúa được Chúa mở lòng lắng nghe lời của Thánh Phaolô (16:14). Thật vậy, bà Lydia đã đón nhận Chúa Kitô, đã lãnh nhận Phép Rửa cùng với gia đình của bà cùng đón nhận những ai thuộc về Chúa Kitô, bằng cách tiếp đón Thánh Phaolô và Silas ở nhà của bà. Ở đây chúng ta có chứng từ về việc Kitô giáo đặt chân tới Âu Châu, khởi điểm của một tiến trình hội nhập văn hóa kéo dài cho tới cả ngày nay. Kitô giáo tiến vào Âu Châu nhờ Macedonia.

Sau khi cảm thấy nồng ấm ở nhà của bà Lydia, Thánh Phaolô và Silas sau đó đã phải chịu cảnh ngục tù ác nghiệt, ở chỗ các vị trải qua từ niềm an ủi nơi việc hoán cải của bà Lydia cùng với gia đình của bà sang cảnh tiêu điều lẻ loi trong tù ngục, nơi các vị bị tống vào vì đã nhân danh Đức Giêsu để giải phóng "một người nô lệ bị sai khiến bởi một thứ thần bói toán" và "đã làm lợi cho các chủ nhân của mình rất nhiều" bằng mánh khóe bói toán (16:16). Thánh phần chủ nhân của cô gái này kiếm lợi rất nhiều, và người con gái đáng thương này đã làm theo những gì các kẻ bói toàn sai bảo, ở chỗ cô tiên đoán tương lai của người ta, xem chỉ tay của họ - như có bài hát "hãy cầm lấy bàn tay con mụ tinh quái này", và dân chúng trả tiền cho việc bói toán ấy. Anh chị em thân mến, cho đến cả ngày hôm nay nữa vẫn có những con người trả tiền cho việc này. Tôi còn nhớ là ở giáo phận của tôi, trong một khu công viên rộng lớn, có hơn 60 cái bàn nhỏ, nơi những ông bà thày bói ngồi xem chỉ tay và người ta lại tin vào những điều như thế! Rồi họ trả tiền cho việc này. Điều này cũng đã xẩy ra vào thời Thánh Phaolô. Thành phần chủ nhân ông của cô gái, để trả thù, đã lên án các vị và dẫn các vị tông đồ này đến trước quan quyền, kèm theo lời cáo giác là các vị đã gây hỗn loạn công chúng.

Tuy nhiên, đã xẩy ra chuyện gì sau đó? Thánh Phaolô đang ở trong tù, thì trong khi bị giam giữ đã xẩy ra một biến cố kinh ngạc. Ngài đang ở trong tình trạng lẻ loi cô độc, nhưng thay vì than van, Thánh Phaolô và Silas đã lên tiếng chúc tụng Thiên Chúa, và lời chúc tụng này đã xuất phát ra một quyền lực giải thoát các vị, đó là trong khi các vị cầu nguyện thì xẩy ra một cơn động đất làm rung chuyển cả nền móng nhà tù, các cửa mở tung ra và xiềng xích bung ra hết (16:25-26). Như lời cầu nguyện của ngày Lễ Ngũ Tuần, lời cầu nguyện được vang lên trong ngục tù, cũng đã gây những tác dụng kỳ diệu.

Viên cai ngục, nghĩ rằng các tù nhân đã thoát thân, sắp sửa tự sát, vì thành phần cai ngục phải đền mạng nếu để tù nhân trốn thoát; thế nhưng Thánh Phaolô đã kêu to lên cho viên cai ngục này nghe thấy rằng: "Tất cả chúng tôi vẫn còn ở đây!" (16:27-28). Thế rồi viên cai ngục hỏi: "Vậy thì tôi phải làm gì để được cứu độ?" (câu 30). Câu trả lời là: "Hãy tin vào Đức Giêsu Kitô thì ông sẽ được cứu, ông và gia đình của ông" (câu 31). Tới đây đã xẩy ra một chuyển đổi, đó là giữa đêm hôm như thế mà viên cai ngục lắng nghe lời Chúa cùng với gia đình của ông ta, ông ta đã đón tiếp các vị Tông đồ, lau chùi vết thương của các vị - vì các vị bị đánh đòn - để rồi cùng với gia đình của mình ông đã lãnh nhận Phép Rửa; sau đó, "ông cùng với toàn thể gia đình của ông cảm thấy vui mừng hoan hỉ vì ông đã tin vào Thiên Chúa" (câu 34), rồi ông dọn bàn ăn mời Thánh Phaolô và Silas cùng ngồi với họ: đó là giây phút ủi an! Giữa đêm tối của viên cai ngục ẩn danh này, ánh sáng Chúa Kitô đã chiếu soi và xua tan tăm tối, ở chỗ các xiềng xích của cõi lòng bị đứt ra hết và niềm vui chưa từng có bừng lên trong ông cũng như nơi thân bằng quyến thuộc của ông. Bởi vậy Thánh Thần là Đấng đang truyền giáo: từ ban đầu, từ Lễ Ngũ Tuần và sau đó Ngài đóng vai chính của sứ vụ truyền giáo. Ngài dẫn chúng ta tiến lên; chúng ta cần phải trung thành với ơn gọi được vị Thần Linh này thúc đẩy chúng ta làm, trong việc rao giảng Phúc Âm.

Hôm nay chúng ta cũng xin Thánh Linh cho chúng ta một tấm lòng cởi mở, nhạy cảm với Thiên Chúa và hiếu khách với anh chị em, như bà Lydia, một đức tin táo bạo, như của Thánh Phaolô và Silas, và một con tim cởi mở, như tấm lòng của viên cai ngục, con người để Thánh Linh đụng chạm đến mình.

https://zenit.org/articles/holy-fathers-general-audience-address-full-text/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên