GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô

 

 Giáo Lý về Sách Tông Vụ - Bài 15

 

Thứ Tư ngày 6/11/2019

 

 

"Vị Thần Vô Danh" - Đức Tin Hội Nhập

 

 

 

"Thánh Phaolô đã đến Nhã Điển, đến chính trung tâm của nước Hy Lạp ...

Thánh Phaolô không nhìn thành phố Nhã Điển này và thế giới dân ngoại bằng lòng hận thù, mà bằng ánh mắt đức tin".

 

Pope Francis at the General Audience

 

"Thánh Phaolô đã chọn cái nhìn có thể thúc đẩy ngài tạo nên một cửa ngõ giữa Phúc Âm và thế giới dân ngoại.

Ở Nghị Viện ấy, tâm điểm của một trong những cơ cấu danh tiếng nhất của thế giới cổ xưa,

ngài đã cống hiến một mẫu gương vượt trội về vấn đề hội nhập văn hóa của sứ điệp đức tin"

 

Pope Francis greets pilgrims in St. Peter's Square Nov. 6, 2019. Credit: Daniel Ibanez/CNA

 

"Chúng ta hãy xin Thánh Linh cho chúng ta khả năng biết hội nhập văn hóa sứ điệp đức tin một cách khéo léo,

gợi lên cho những ai chưa biết Đức Kitô một cái nhìn chiêm ngắm,

được tác động bởi một tình yêu thương sưỡi ấm cả những cõi lòng cứng cỏi lạnh lùng nhất".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta tiếp tục "cuộc hành trình" của chúng ta theo Sách Tông Vụ. Sau những thử thách trải qua ở Philiphi, Thessalonica và Beroea, Thánh Phaolô đã đến Nhã Điển, đến chính trung tâm của nước Hy Lạp (Cf. Acts 17:15). Thành phố này, một thành phố đã sống trong bóng tối tăm của một thời vinh quang xa xưa, mặc dù có bị suy yếu về chính trị, vẫn đóng vai trò trọng yếu về văn hóa. Ở đây, Vị Tông Đồ "khi thấy thành phố này đầy những ngẫu tượng thì tinh thần của ngài bị sôi động" (17:16). Tuy nhiên, "cái tác dụng" này trước một thế giới ngoại đạo ấy, thay vì khiến ngài bỏ đi, lại thúc đẩy ngài kiến tạo một cây cầu nối đối thoại với nền văn hóa ấy.

Tông Đồ Phaolô đã muốn làm quen với thành phố này, nên ngài bắt đầu lui tới với những nơi chốn và những con người đáng kể nhất. Ngài đã đến hội đường, tiêu biểu cho đời sống đức tin; ngài đã ra Công trường, tiêu biểu cho đời sống phố phường; và ngài đã đến Nghị Viện, tiêu biểu cho đời sống chình trị và văn hóa. Ngài đã gặp gỡ những người Do Thái, những triết gia phái Epicurean và Stoic, cùng nhiều người khác nữa. Ngài đã gặp tất cả dân chúng, ngài đã không khép kín, ngài đã nói chuyện với tất cả dân chúng. Nhờ đó Thánh Phaolô đã quan sát về văn hóa, ngài đã quan sát môi trường của Thành Nhã Điển, "bắt đầu từ một cái nhìn ngắm nghía" để khám phá thấy rằng "thần linh ở trong nhà của họ, trên đường phố của họ và nơi các Công trường của họ" (Evangelii Gaudium, 71). Thánh Phaolô không nhìn thành phố Nhã Điển này và thế giới dân ngoại bằng lòng hận thù, mà bằng ánh mắt đức tin. Điều này khiến chúng ta tự vấn về cách thức chúng ta nhìn vào các phố phường của chúng ta, ở chỗ chúng ta có quan sát chúng một cách lãnh đạm lạnh lùng, một cách khinh khi miệt thị hay chăng? Hay bằng đức tin, một đức tin nhận biết con cái của Thiên Chúa giữa những đám đông vô danh.

Thánh Phaolô đã chọn cái nhìn có thể thúc đẩy ngài tạo nên một cửa ngõ giữa Phúc Âm và thế giới dân ngoại. Ở Nghị Viện ấy, tâm điểm của một trong những cơ cấu danh tiếng nhất của thế giới cổ xưa, ngài đã cống hiến một mẫu gương vượt trổi về vấn đề hội nhập văn hóa của sứ điệp đức tin, ở chỗ ngài đã loan báo Chúa Kitô cho những con người tôn thờ ngẫu tượng, không phải bằng cách tấn công họ, mà bằng cách biến ngài trở thành "vị giáo chủ, thành vị xây dựng các chiếc cầu" (Homily at Saint Martha’s, May 8, 2013). Thánh Phaolô sử dụng cái chốt, từ một bàn thờ trong thành phố giành cho "một vị thần vô danh" (17:23) - có một bàn thờ ghi hàng chữ "cho vị thần vô danh" - ngoài ra không có hình ảnh gì hết, chỉ có mỗi câu ghi chú đó thôi. Bắt đầu từ "việc tôn sùng" giành cho vị thần vô danh này, và để thấu cảm với thành phần thính giả của mình, vị tông đồ này đã loan báo rằng Thiên Chúa là Đấng "sống giữa thành phần công dân" (Evangelii Gaudium, 71), và "Ngài không muốn ẩn khuất khỏi những ai đang thành tâm tìm kiếm Ngài, cho dù họ tìm kiếm một cách lần mò" (Ibid). Chính vì sự hiện diện này mà Thánh Phaolô tìm cách tỏ cho biết "những gì quí vị tôn thờ mà không biết thì tôi loan báo cho quí vị đây" (17:23).

Để tỏ cho thấy căn tính của vị thần được dân thành Nhã Điển tôn thờ này, vị Tông Đồ đã bắt đầu từ việc tạo dựng, tức là từ đức tin thánh kinh vào vị Thiên Chúa mạc khải, đến ơn cứu độ và phán xét, tức là đến chính sứ điệp Kitô giáo. Ngài cho thấy tình chất bất tương xứng giữa cái cao cả của Vị Hóa Công với các chùa chiềng được bàn tay con người làm nên, rồi ngài giải thích rằng Đấng Hóa Công luôn tỏ mình ra để ai cũng có thể thấy Ngài. Bởi vậy, theo một diễn tả tuyệt vời của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, Thánh Phaolô "loan báo Đấng con người vô thức mà lại biết, đó là Đấng Được Nhận Biết Một Cách Vô Thức / the Unknown-Known" (Benedict XVI, Meeting with the World of Culture at the College of the Bernardines, September 12, 2008). Thế rồi vị tông đồ mời gọi tất cả mọi người hãy vượt ra ngoài "những thời kỳ vô thức", và hãy dứt khoát hoán cải trước phán quyết sắp xẩy ra. Như thế là Thánh Phaolô thực hiện việc loan báo cứu độ và ám chỉ Đức Kitô, dù không đề cập đến Người, bằng việc diễn tả Người như là "một con người được Thiên Chúa chỉ định, để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết." (17:31)

Vấn đề trục trặc là ở chỗ này. Lời của Thánh Phaolô, cho tới lúc bấy giờ vẫn còn làm cho thính giả của ngài dễ thở - bởi đó là một khám phá hay ho đối với họ -, đã đụng phải một tảng đá vấp phạm, đó là Cái Chết và Sự Phục Sinh của Đức Kitô dường như là những gì "nực cười" (1 Corinthians 23), và đã khơi lên niềm khinh thị và mỉa mai. Bởi vậy Thánh Phaolô đã bỏ đi: nỗ lực của ngài đường như bị thất bại; tuy nhiên, có một số lại gắn bó với lời của ngài và chấp nhận đức tin, trong số đó có một nam nhân là Dionysius, phần tử của Nghị Viện ấy, và một nữ nhân là Damaris. Ở Nhã Điển này Phúc Âm cũng đâm rễ và tiến triển với 2 tiếng nói: tiếng của nam nhân và tiếng của nữ nhân!

Hôm nay chúng ta cũng hãy xin Thánh Linh dạy cho chúng ta biết xây dựng các cây cầu nối với các nền văn hóa, với những ai không tin hay có niềm tin khác với chúng ta. Bao giờ cũng phải xây dựng những cây cầu nối, bao giờ cũng phải vươn tay ra, chứ đừng hung hăng. Chúng ta hãy xin Thánh Linh cho chúng ta khả năng biết hội nhập văn hóa sứ điệp đức tin một cách khéo léo, gợi lên cho những ai chưa biết Đức Kitô một cái nhìn chiêm ngắm, được tác động bởi một tình yêu thương sưỡi ấm cả những cõi lòng cứng cỏi lạnh lùng nhất.

https://zenit.org/articles/holy-father-continues-journey-through-acts-of-the-apostles/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu