GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2019
ĐTC Phanxicô
Giáo Lý về Sách Tông Vụ - Bài 7
Giáo Hội Sơ Khai - Một Bệnh Viện Lưu Động
Thứ Tư ngày 28/8/2019
Xin chào anh chị em thân mến,
Cộng đồng giáo hội được Sách Tông Vụ diễn tả đang sống một cách phong phú, ở chỗ lấy Chúa - Đấng rộng lượng - là niềm cậy trông của mình, đến độ cộng đồng này gia tăng về nhân số cũng như về lòng nhiệt thành mãnh liệt, bất chấp những cuộc tấn công từ bên ngoài. Để chứng tỏ cho chúng ta thấy được sức sống ấy, Thánh Luca cũng vạch ra cho chúng ta biết những nơi quan trọng, như Solomon’s Portico - Hành lang Solomon (xem Tông Vụ 5:12), điểm gặp gỡ của tín hữu. Portico (stoa) là một Hành Lang được sử dụng làm nơi cư trú, đồng thời cũng là chỗ hội họp và làm chứng. Nó là một nơi Chúa Giêsu đã đến vào các ngày lễ lớn (xem Gioan 10:23); nơi người què đã bước đi bên cạnh Thánh Phêrô và Gioan, và là nơi Thánh Phêrô truyền bá phúc âm hóa dân chúng, cho họ biết chính đức tin nơi danh Chúa Giêsu là những gì đã làm cho việc chữa lành xẩy ra (xem Tông Vụ 3:11). Bởi thế, Hành Lang này là nơi truyền đạt khắp thế giới biến cố về Chúa Kitô, một biến cố tác động các cõi lòng cũng như đụng chạm tới cùng chữa lành cho thân xác nữa. Thật vậy, Thánh Luca nhấn mạnh đến các dấu lạ và những sự kỳ lạ xẩy ra kèm theo lời của các vị Tông Đồ, cũng như đến việc đặc biệt chăm sóc cho thành phần bệnh nhân được các vị chú trọng.
Ở đoạn 5 của Sách Tông Vụ, Giáo Hội sơ khai cho thấy mình là một “bệnh viện lưu động – a field hospital”, một nơi đón nhận thành phần yếu kém nhất, tức là thành phần bệnh nhân. Nỗi đau khổ của họ là những gì thu hút các vị Tông Đồ, những con người “không có vàng bạc chi” (Tông Vụ 3:6) – như Thánh Phêrô đã nói với người què - thế nhưng các vị lại mãnh liệt tin vào danh Chúa Giêsu. Trước con mắt của các vị, cũng như của Kitô hữu qua mọi thế hệ, thành phần bệnh nhân là những lãnh nhận nhân đặc biệt của việc loan báo tin mừng về Nước Chúa; họ là những người anh em được Chúa Kitô hiện diện một cách đặc biệt, mà tất cả chúng ta cần phải tìm kiếm và gặp gỡ (xem Mathêu 25:36-40). Bệnh nhân là thành phần ưu ái của Giáo Hội, của con tim linh mục, của tất cả mọi tín hữu. Họ không thể nào bị tẩy chay loại trừ; trái lại, họ cần phải được chăm sóc và trông nom. Họ là đối tượng quan tâm của Kitô hữu.
Giữa các Tông Đồ, Thánh Phêrô hiện lên nổi bật nhất trong nhóm tông đồ với vai trò thủ lãnh của ngài (xem Mathêu 16:18), cùng với sứ vụ ngài đã lãnh nhận từ Đấng Phục Sinh (xem Gioan 21:15-17). Chính ngài là vị mở đường cho việc rao giảng kerygma vào ngày Lễ Ngũ Tuần (xem Tông Vụ 2:14-41), và là vị ở Công Đồng Jerusalem thực thi vai trò hướng dẫn của mình (xem Tông Vụ 15 và Galata 2:1-10).
Thánh Phêrô đã tiến tới với những con người bị giằng co căng kéo và đi giữa thành phần bệnh nhân, như Chúa Giêsu đã làm, khi nhận lấy nơi Bản Thân mình các bệnh hoạn tật nguyền của họ (xem Mathêu 8:17; Isaia 53:4). Tay chài lưới đánh cá xứ Galilêa này, được kêu gọi không còn phải để thu dọn lưới đánh cá nữa, mà là các tấm lòng của những ai đón nhận sự sống của Chúa Kitô; ngài không phải là nhân vật chính. Ngài băng ngang qua, nhưng ngài để cho Đấng Khác tỏ mình ra, đó là Đức Kitô sống động và tác động! Thật vậy, chứng nhân là người tỏ Chúa Kitô ra, bằng ngôn từ, bằng việc hiện diện thể lý, những gì giúp ngài qui về và kéo dài Lời nhập thể trong lịch sử. Thánh Phêrô là vị thi hành các công việc của Chúa Kitô (xem Gioan 14:12), Đấng được thấy khi tin tưởng nhìn vào ngài. Đầy Thần Linh của Chúa mình, Thánh Phêrô băng ngang qua, và chẳng làm gì cả, mà bóng của ngài trở thành “việc chăm sóc” chữa lành, thành việc truyền đạt sức khỏe, trở thành việc lan tỏa niềm an ủi dịu dàng của Đấng Phục Sinh, Đấng cúi xuống trên bệnh nhân và phục hồi sự sống, phục hồi ơn cứu độ, phục hồi phẩm giá. Như thế đó, Thiên Chúa tỏ hiện việc cận kề của mình và làm cho các thương tích của con cái mình trở thành “chốn linh thiêng cho niềm êm ái dịu dàng của Ngài” (Bài giảng lễ sáng ở Nhà Trọ Matta ngày 14/12/2017). Nơi những thương tích của bệnh nhân, nơi tình trạng yếu đau gây trở ngại cho việc tiến triển trong đời sống, bao giờ cũng có sự hiện của Chúa Giêsu, có vết thương của Chúa Giêsu.
Chính Chúa Giêsu, Đấng kêu gọi mỗi người trong chúng ta hãy quan tâm đến họ, nâng đỡ họ, chữa lành họ. Tác động chữa lành của Thánh Phêrô đã gây nên hận thù và ghen hờn nơi thành phần Saducê, những con người giam cầm các vị Tông Đồ, và bị quẩn trí trước sự kiện các vị được giải phóng một cách lạ lùng, cấm không cho phép các vị giảng dạy. Những con người này đã thấy các phép lạ được các vị Tông Đồ thực hiện không phải do ma thuật, mà là nhân danh Chúa Giêsu, thế nhưng họ vẫn không muốn chấp nhận chúng và tống ngục các vị; họ đánh đập các vị. Sau đó các vị được giải thoát một cách nhiệm mầu, nhưng cõi lòng của thành phần Saducê này quá cứng cỏi đến độ họ không tin vào những gì họ thấy. Bấy giờ Thánh Phêrô đáp ứng, bằng cách cống hiến một yếu tố then chốt cho đời sống Kitô giáo, đó là “Chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là loài người” (Tông Vụ 5:29), vì họ - những người Saducê – đã nói: “Các ngươi không được tự tiện làm những điều này; các ngươi không được chữa lành”. “Tôi vâng lời Thiên Chúa trước khi tôi tuân lệnh loài người”, đó là câu trả lời cao cả trọng đại của Kitô hữu. Nghĩa là dứt khoát tuân theo Thiên Chúa, không trì hoãn, không tính toán; nghĩa là gắn bó với Ngài để có thể liên minh với Ngài và với những ai chúng ta gặp gỡ trong đời.
Chúng ta cũng xin Thánh Linh ơn sức mạnh để không sợ trước những ai yêu cầu chúng ta phải im lặng, những con người lăng nhục chúng ta và thậm chí phạm đến sự sống của chúng ta. Chúng ta hãy xin Ngài kiên cường nội tâm của chúng ta để vững mạnh trong sự hiện diện yêu thương và an ủi của Chúa bên chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu