GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô

 

 

Giáo Lý về Sách Tông Vụ - Bài 8

 

Giáo Hội trở thành bất khuất và bất diệt bởi Thánh Linh

 

Thứ Tư ngày 18/9/2019

 

 

Các vị Tông Đồ là "những cái loa - megaphones" của Thánh Linh,

được Đấng Phục Sinh sai đến để loan truyền nhanh chóng và không chần chờ Lời tặng ban ơn cứu độ.

 

 

Việc bách hại Kitô hữu bao giờ cũng như thế, ở chỗ,

thành phần không muốn Kitô giáo cảm thấy bị đe dọa nên sát hại Kitô hữu.

 

Pope Francis makes the sign of the cross at the General Audience

 

Lịch sử của Giáo Hội, với biết bao nhiêu là tội lỗi,

với biết bao nhiêu là gương mù gương xấu tệ hại, với biết bao nhiêu là điều ghê sợ nơi hai ngàn năm qua.

Thế mà tại sao nó vẫn chưa sụp đổ chứ? - Vì Thiên Chúa ở đó.

 

Pope Francis speaks at the general audience Sept. 18, 2019. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

Chúng ta hãy xin Ngài làm cho chúng ta luôn nhìn thấy mối duy nhất của lịch sử cứu độ,

qua các dấu hiệu Thiên Chúa băng ngang qua thời đại của chúng ta,

cũng như trên khuôn mặt của những ai gần gũi với chúng ta,

để chúng ta biết rằng thời gian và các khuôn mặt loài người đều là những sứ giả của vị Thiên Chúa hằng sống.

 

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta tiếp tục loạt bài giáo lý về Sách Tông Vụ. Trước việc cấm đoán của các người Do Thái không cho giảng dạy nhân danh Chúa Kitô, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã can đảm đáp lại rằng các vị không thể vâng lời những ai muốn ngăn cản việc loan truyền Phúc Âm trên thế giới này. Vậy là Nhóm 12 Vị chứng tỏ rằng các vị có được một "đức tin tuân phục", là những gì bấy giờ các vị muốn khơi lên trong tất cả mọi người (xem Roma 1:5). Thật vậy, từ Lễ Hiện Xuống các vị không còn là những con người "lẻ loi một mình". Các vị cảm thấy rằng có một tác lực làm cho các vị tách lìa khỏi bản thân mình, khiến các vị nói rằng: "chúng tôi và Thánh Linh" (Tông Vụ 5:32), hay "Thánh Linh và chúng tôi" (Tông Vụ 15:28). Các vị cảm thấy các vị không thể chỉ nói "tôi" nữa, vì các vị là những con người tách lìa khỏi bản thân mình. Được mạnh mẽ nơi mối liên minh này, các Tông Đồ không để mình bị bất cứ ai đe dọa. Các vị có được một lòng can trường lạ lùng! Hãy nhớ rằng những con người này đã từng là những kẻ nhát sợ: tất cả họ đã tẩu thoát, họ đã tháo chạy khi Chúa Giêsu bị bắt. Tuy nhiên, từ thành phần nhát đảm họ đã trở thành can đảm. Tại sao? Vì Thánh Linh ở với họ. Cũng thế đối với chúng ta, ở chỗ, nếu chúng ta có Thánh Linh trong lòng, chúng ta sẽ hùng dũng xông pha, một thứ hùng dũng chiến thắng rất nhiều cuộc chiến, không phải bởi bản thân chúng ta, mà bởi Thánh Linh là Đấng ở với chúng ta. Các vị không thoái lui lùi bước, với tư cách là thành phần chứng nhân trung kiên của Chúa Giêsu Phục Sinh, như các vị tử đạo của mọi thời đại, bao gồm cả thời của chúng ta đây. Các vị tử đạo đã hy sinh mạng sống mình, các vị không giấu diếm căn tính Kitô hữu của mình. Chúng ta nhớ lại, mấy năm trước đây - ngày nay cũng có rất nhiều - thế nhưng chúng ta nghĩ đến 4 năm trước đây, những Kitô hữu Chính Thống thuộc Lễ Nghi Copt, những hoạt động viên đích thực, ở vịnh Libya, tất cả các vị đều đã bị cắt cổ, thế nhưng lời cuối cùng của các vị là "Giêsu, Giêsu". Các vị không phản bội đức tin của các vị, vì Thánh Linh ở với các vị. Các vị là những vị tử đạo của ngày hôm nay đây!

Các vị Tông Đồ là "những cái loa - megaphones" của Thánh Linh, được Đấng Phục Sinh sai đến để loan truyền nhanh chóng và không chần chờ Lời tặng ban ơn cứu độ. Và việc cương quyết này làm cho "cơ cấu đạo giáo" của người Do Thái thực sự kinh hãi, cảm thấy bị đe dọa, nên đã đáp trả bằng bạo lực và án tử. Việc bách hại Kitô hữu bao giờ cũng như thế, ở chỗ, thành phần không muốn Kitô giáo cảm thấy bị đe dọa nên sát hại Kitô hữu. Tuy nhiên, giữa Hội Đồng Đầu Mục Do Thái, một tiếng nói khác hẳn đã vang lên từ một người biệt phái, con người đã muốn tỏ ra phản ứng của mình, tên của vị này là Gamaliel, một con người khôn ngoan, "một Tiến Sĩ Luật, được toàn dân quí mến". Theo trường phái của vị này, Thánh Phaolô đã biết tuân giữ "Lề Luật của Cha ông" (xem Tông Vụ 22:3). Gamaliel đã đứng lên trình bày với anh em của mình về cách thức thực hành nghệ thuật nhận thức trước những trường hợp vượt quá những gì là bình thường.

Vị này chứng tỏ, khi đề cập đến một số nhân vật muốn tuyên truyền mình là Đấng Thiên Sai, là hết mọi dự tính của loài người lúc đầu được ủng hộ sau đó bị thất bại, trong khi tất cả những gì từ trên Cao, và mang "dấu ấn" của Thiên Chúa, sẽ tồn tại. Các dự án của loài người bao giờ cũng sụp đổ; chúng có thời của nó thôi, như chúng ta vậy. Hãy nghĩ đến nhiều dự án chính trị, và cách thức chúng thay hình đổi dạng, nơi tất cả mọi xứ sở. Hãy nghĩ đến các đại đế quốc, đến các tay độc tài của thế kỷ vừa qua: họ cảm thấy mình rất quyền lực, họ nghĩ rằng họ thống trị thế giới. Thế rồi sau đó tất cả đều đã sụp đổ. Cũng hãy nghĩ đến các thứ đế quốc ngày nay: chúng sẽ sụp đổ, nếu Thiên Chúa không ở với chúng, vì sức mạnh con người có, tự chúng, không bền vững. Chỉ có sức mạnh của Thiên Chúa mới vững bền. Chúng ta hãy nghĩ đến lịch sử của Kitô hữu, cũng là lịch sử của Giáo Hội, với biết bao nhiêu là tội lỗi, với biết bao nhiêu là gương mù gương xấu tệ hại, với biết bao nhiêu là điều ghê sợ nơi hai ngàn năm qua. Thế mà tại sao nó vẫn chưa sụp đổ chứ? - Vì Thiên Chúa ở đó. Chúng ta đều là tội nhân và nhiều lần chúng ta cũng gây ra gương mù, thế nhưng Thiên Chúa ở với chúng ta. Và Thiên Chúa cứu chúng ta trước, sau đó cứu họ, nhưng Chúa bao giờ cũng cứu độ. Sức mạnh đó là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta". Khi đề cập đến một số nhân vật xưng mình là Đấng Thiên Sai, Gamaliel chứng tỏ rằng hết mọi dự án của con người đầu tiên được ủng hộ rồi sau đó thì thất bại. Thế nên, Gamaliel kết luận rằng, nếu thành phần môn đệ của Đức Giêsu Nazarét đã tin tưởng vào một tên lừa đảo, thì họ sẽ đi đến chỗ biến mất thôi. Trái lại, nếu họ theo Đấng từ Thiên Chúa mà đến, thì chớ có mà chống lại họ, và ông khiển trách rằng: "Quí vị thậm chí chống lại Thiên Chúa đấy!" (Tông Vụ 5:39). Ông dạy chúng ta thực hiện việc nhận thức này. Chúng là những lời nhìn xa trông rộng và xoa dịu, giúp những quan chức ấy có thể thấy được biến cố Kitô giáo bằng một thứ ánh sáng mới, và cống hiến những tiêu chuẩn "nhận thức Phúc Âm", vì chúng mời gọi xem quả biết cây (xem Mathêu 7:16). Chúng đánh động tâm can và có được một tác dụng khả dĩ, ở chỗ các phần tử khác trong Hội Đồng Đầu Mục chiều theo ý kiến của ông và bỏ đi những ý định chết chóc, tức là ý định muốn sát hại các Tông Đồ.

 Chúng ta hãy xin Thánh Linh tác động trong chúng ta, nhờ đó, với tư cách cá nhân hay cộng đồng, chúng ta có thể có được thói quen nhận thức. Chúng ta hãy xin Ngài làm cho chúng ta luôn nhìn thấy mối duy nhất của lịch sử cứu độ, qua các dấu hiệu Thiên Chúa băng ngang qua thời đại của chúng ta, cũng như trên khuôn mặt của những ai gần gũi với chúng ta, để chúng ta biết rằng thời gian và các khuôn mặt loài người đều là những sứ giả của vị Thiên Chúa hằng sống.

 

https://zenit.org/articles/popes-general-audience-you-will-only-find-yourselves-fighting-against-god-acts-539/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu