GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô

 

 

Giáo Lý về Sách Tông Vụ - Bài 9

 

Nhu cầu phó tế và chứng từ tử đạo

 

Thứ Tư ngày 25/9/2019

 

Pope Francis at his weekly general audience  in the Vatican on 25 September, 2019.

 

"Phó tế trong Giáo Hội không phải là một thứ linh mục hạng hai, mà là một cái gì khác;

phó tế không phải cho bàn thờ mà là cho việc phục vụ. Phó tế là bảo quản viên của việc phục vụ trong Giáo Hội.

Một Phó tế mà thích đi lên bàn thờ quá nhiều thì thật là lầm lẫn".

 

Pope Francis  at his weekly general audience in the Vatican on 25 September, 2019.

 

"Không phải lời nói hay là những gì cho thấy căn tính của chúng ta là con cái của Thiên Chúa,

mà chỉ là ở chỗ trao phó sự sống của chúng ta trong tay Chúa Cha,

và tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta, một việc trao phó chứng tỏ phẩm chất đức tin của chúng ta".

 

 

 

"Ngày nay càng có nhiều vị tử đạo hơn thuở ban đầu của đời sống Giáo Hội, và các vị tử đạo ở khắp mọi nơi.

Giáo Hội ngày nay trở nên phong phú về các vị tử đạo".

 

Pope Francis speaks at the general audience Sept. 25, 2019. Credit: Daniel Ibanez/CNA

 

"Chúng ta cũng hãy xin với Chúa cho chúng ta biết sống một sự sống viên trọn,

bằng cách chấp nhận sống tử đạo qua việc hằng ngày trung thành với Phúc Âm và nên giống Chúa Kitô".

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta tiếp tục theo đuổi cuộc hành trình dọc suốt Sách Tông Vụ: một cuộc hành trình của Phúc Âm trên thế giới. Thánh Luca cho thấy một cách rất thực tế về cả hoa trái của cuộc hành trình này lẫn sự kiện xuất hiện một số vấn đề ở ngay trong lòng của cộng đồng Kitô hữu. Ngay từ ban đầu các thứ vấn đề đã luôn sẵn đó. Làm sao người ta có thể hòa hợp những khác biệt đều chất chứa bên trong nó mà không để xẩy ra những đối chọi và phân tán? Cộng đồng này không đón nhận chỉ có người Do Thái mà còn cả người Hy Lạp, tức là thành phần Do Thái lưu vong hải ngoại, thành phần không phải là người Do Thái, cùng với văn hóa và cảm thức riêng của họ, cũng như với tôn giáo khác của họ. Ngày nay chúng ta gọi là thành phần "các dân ngoại". Những con người này đã được đón nhận. Sự hiện diện này đã cho thấy những gì là quân bình trở nên mỏng dòn và bấp bênh, và trước những khó khăn này đã xuất hiện "các thứ cỏ lùng", và thứ cỏ lùng tệ hại nhất hủy hoại cộng đồng là gì? Đó là thứ cỏ lùng xì xèo rỉ tai nhau, cỏ lùng đồn thổi nhảm nhí: Những người Hy lạp xì xèo vì cộng đồng không lưu ý tới những bà góa của họ.

Các vị Tông đồ đã thực hiện một tiến trình nhận thức, bao gồm việc nhận định các sự khó khăn, và cùng nhau tìm kiếm cách giải quyết. Các vị đã tìm được lối thoát, ở chỗ chia nhỏ ra một số việc khác nhau, cho tình trạng tăng trưởng một cách thanh bình của toàn thể cơ cấu giáo hội, và tránh được sự lơ là bỏ bê việc rao giảng Phúc Âm hay việc chăm sóc cho những phần tử nghèo khổ nhất.

Các Vị Tông Đồ luôn nhận thức một ngày một hơn rằng ơn gọi chính yếu của các vị là cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa: cầu nguyện và loan báo Phúc Âm, và các vị giải quyết vấn đề này bằng việc thiết lập một cơ cấu "7 nam nhân có tiếng tốt, đầy Thần Linh và khôn ngoan" (Tông Vụ 6:3), những con người, sau khi đã được đặt tay, sẽ lo phục vụ bàn ăn. Họ là những vị Phó tế được thành lập cho công việc này, cho việc phục vụ. Phó tế trong Giáo Hội không phải là một thứ linh mục hạng hai, mà là một cái gì khác; phó tế không phải cho bàn thờ mà là cho việc phục vụ. Phó tế là bảo quản viên của việc phục vụ trong Giáo Hội. Một Phó tế mà thích đi lên bàn thờ quá nhiều thì thật là lầm lẫn. Đó không phải là việc của phó tế. Tính chất hòa hợp giữa việc phục vụ Lời Chúa và việc phục vụ bác ái này tiêu biểu như một thứ men làm cho thân mình giáo hội nẩy nở. Các Tông đồ lập nên 7 Phó tế, và trong 7 "Phó tế", Stêphano và Philiphê là những vị nổi nhất. Phó tế Stephanô truyền bá phúc âm hóa một cách mạnh mẽ và thẳng thắn, thế nhưng lời của ngài đã bị chống cự một cách cứng cỏi nhất. Không tìm được cách khiến ngài ngưng lại, thành phần đối phương của ngài đã làm gì? Họ đã chọn cách giải quyết gian ác nhất để triệt tiêu một con người, tức là bằng vu khống và chứng gian. Anh chị em biết rằng vu khống là những gì luôn sát hại. Chứng "ung thư ma quái" này, một chứng ung thư xuất phát từ ý muốn hủy hoại tiếng tăm của một con người nào đó, cũng tấn công phần còn lại của giáo hội, và tác hại giáo hội một cách trầm trọng, khi mà, vì một chút lợi lộc nhỏ nhoi, hay để che đậy đi những thất bại của riêng mình, đã liên minh với nhau để bôi nhọ ai đó.

Bị dẫn đến Hội Đồng Đầu Mục Do Thái và bị tố cáo bởi các thứ chứng gian - họ cũng đã áp dụng như thế với Chúa Giêsu và họ thực hiện giống như vậy với tất cả các vị tử đạo bằng những chứng gian và những lời vu khống - để bênh vực bản thân mình, Phó tế Stephanô đã nhắc lại lịch sử thánh qui về Chúa Kitô. Và Chúa Kitô tử nạn và phục sinh là then chốt của toàn thể lịch sử Giao ước. Trước tình trạng dồi dào phong phú tặng ân thần linh này, Phó tế Stephanô can đảm vạch mặt những gì là giả hình đã từng đối xử với các vị tiên tri và chính Chúa Kitô. Ngài nhắc lại cho họ về lịch sử mà rằng: "Có vị tiên tri nào mà lại không bị cha ông các người bách hại? Họ đã giết những ai loan báo trước về sự xuất hiện của Đấng Công Chính, Đấng mà giờ đây các người đã bội phản và giết chết" (Tông Vụ 7:52). Ngài đã không tiếc xót ngôn từ mà là lên tiếng một cách rõ ràng, một cách chân thật.

Thế nên mới xẩy ra những phản ứng dữ dội từ thành phần thính giả, và Phó tế Stephanô đã bị lên án tử, bị ném đá chết. Tuy nhiên, ngài đã chứng tỏ "tính chất" thực sự của người môn đệ Chúa Kitô. Ngài đã không tìm cách thoát thân, ngài đã không nại đến những nhân vật có thể cứu ngài, mà là phó mình vào tay Chúa, và lời cầu nguyện của Phó tế Stephanô bấy giờ thật là tuyệt vời: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy nhận lấy thần trí của con" (Tông Vụ 7:59) - và ngài chết đi như một người con của Thiên Chúa, ở chỗ thứ tha: "Lạy Chúa xin đừng chấp tội lỗi của họ" (Tông Vụ 7:60).

Những lời này dạy cho chúng ta một bài học là không phải lời nói hay là những gì cho thấy căn tính của chúng ta là con cái của Thiên Chúa, mà chỉ là ở chỗ trao phó sự sống của chúng ta trong tay Chúa Cha, và tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta, một việc trao phó chứng tỏ phẩm chất đức tin của chúng ta.

Ngày nay càng có nhiều vị tử đạo hơn thuở ban đầu của đời sống Giáo Hội, và các vị tử đạo ở khắp mọi nơi. Giáo Hội ngày nay trở nên phong phú về các vị tử đạo. Giáo Hội được tưới gội máu của các vị, thứ máu là "hạt giống cho các Kitô hữu mới" (Tertullian, Apologetics, 50, 13), và là những gì bảo đảm cho việc tăng trưởng và hoa trái của Dân Chúa. Các vị tử đạo không phải là "bức ảnh thánh", mà là những con người nam nữ có thịt có xương - như Khải Huyền nói - "đã giặt áo mình và làm cho tấm áo ấy nên tinh trắng trong Máu của Con Chiên" (7:14). Các vị là thành phần chiến thắng đích thực.

Khi nhìn vào các vị tử đạo hôm qua và hôm nay, chúng ta cũng hãy xin với Chúa cho chúng ta biết sống một sự sống viên trọn, bằng cách chấp nhận sống tử đạo qua việc hằng ngày trung thành với Phúc Âm và nên giống Chúa Kitô.

https://zenit.org/articles/general-audience-on-the-acts-of-the-apostles-st-stephen/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu