GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô

10 điều răn cho Quí Vị Khâm Sứ Tòa Thánh

 

Ngày 13/6/2019 Các Vị Khâm Sứ Tòa Thánh đã triều kiến ĐTC Phanxicô

và đã được ngài huấn dụ cho một bài "Thập Giới" thật là thấm thía như sau:

 

Pope Francis addresses apostolic nuncios in the Vatican's Clementine Hall, June 13, 2019. Credit: Vatican Media.

 

Chư huynh thân mến,

Tôi hân hoan lại được gặp gỡ chư huynh để cùng với chư huynh nhìn và khảo sát đời sống của Giáo Hội bằng con mắt của một vị mục tử, và suy tư về sứ vụ tinh tế cùng quan trọng của chư huynh. Tôi xin cám ơn từng huynh về sự hiện diện cũng như về việc phục vụ của chư huynh. Đây là lần gặp gỡ thứ ba ở thể loại này, những lần gặp gỡ tôi cũng bảo lưu những chia sẻ được bộc phát nhờ những cuộc gặp gỡ với tất cả chư huynh, ở Vatican đây, cũng như ở một số Tòa Khâm Sứ, vào dịp các chuyến Tông Du mới đây. Tôi nghĩ rằng trong tương lai chúng tôi sẽ cố gắng mời gọi các vị hợp tác một cách thường xuyên hơn, vì những giây phút này cũng sẽ mang cả tính chất huấn luyện nữa.

Tôi nghĩ rằng cần phải chia sẻ với chư huynh hôm nay một số huấn thị đơn sơ và căn bản mà chư huynh chắc chắn đã biết rõ, nhưng việc nhớ lấy chúng mới là những gì tốt đẹp cho hết mọi người, và giúp cho chư huynh sống sứ vụ của mình tốt hơn, với cùng một lòng nhiệt thành của nhiệm kỳ đầu tiên, cũng như với cùng một tinh thần sẵn sàng mà chư huynh đã bắt đầu việc phục vụ của mình.

Nó là một thứ "thập giới" thực sự, qua chư huynh, cũng được ngỏ cùng những cộng tác viên của chư huynh, và thật sự cho tất cả các vị giám mục, linh mục và những người sống đời tận hiến mà chư huynh gặp gỡ ở mọi phần đất trên thế giới này.

1- Vị Khâm Sứ là người của Thiên Chúa

Là "người của Thiên Chúa" nghĩa là theo đuổi Thiên Chúa trong hết mọi sự và cho hết mọi sự; hân hoan tuân theo các giới luật của Người; sống cho những gì của Thiên Chúa chứ không phải cho những cái thế gian; tự nguyện cống hiến tất cả mọi phương tiện của mình cho Người, bằng tinh thần quảng đại chấp nhận những đau khổ gây ra bởi tin tưởng vào Người. Người của Thiên Chúa không lừa dối tha nhân của mình; ngài không để mình chiều theo những gì là đồn đoán nhảm nhí và nói hành nói xấu; giữ tâm trí tinh tuyền, giữ tai mắt khỏi những gì là dơ bẩn của thế gian. Ngài không để mình bị lừa đảo bởi những thứ giá trị trần tục, nhưng căn cứ vào Lời Chúa mà phán đoán những gì là khôn ngoan và tốt lành. Người của Thiên Chúa nghiêm chỉnh nỗ lực nên "thánh và bất khả trách trước nhan Người" (xem Epheso 1:4). Người của Thiên Chúa biết bước đi một cách khiêm tốn với Vị Chúa của mình, nhận thức rằng ngài cần phải cậy dựa vào Người để nhờ đó có thể sống một cách trọn vẹn và chịu đựng cho tới cùng, tâm hồn hướng về thành phần bất hạnh và bị xã hội ruồng bỏ, và lắng nghe các vấn đề của dân chúng mà không phán xét họ. Người của Thiên Chúa là người thực hành công lý, yêu thương, nhân hậu, thành tín và xót thương.

Vị Khâm Sứ nào quên rằng mình là người của Thiên Chúa thì tự hủy mình và người khác; ngài bị trệch đường mà còn tác hại Giáo Hội nữa, một Giáo Hội ngài hiến cả cuộc đời của mình.

2- Vị Khâm Sứ là người của Giáo Hội

Là Vị Khâm Sứ Đại Diện của Giáo Hoàng, ngài không đại diện cho chính bản thân mình mà là Giáo Hội, cách riêng Vị Thừa Kế Thánh Phêrô. Chúa Kitô đã cảnh giác chúng ta về khuynh hướng của người đầy tớ gian ác: "Nhưng nếu nó là đầy tớ gian ác nên nghĩ trong lòng: 'Chủ ta về trễ' và tra tay đánh đập các bạn đầy tớ, và ăn uống với lũ say sưa, chủ tên đầy tớ sẽ đến vào ngày nó không ngờ, và giờ nó không biết, và ông sẽ khai trừ nó, cho nó đồng phận với lũ giả hình, ở đó sẽ phải khóc và nghiến răng" (Matheu 24:48-51).

Vị Khâm Sứ không còn là "người của Giáo Hội" nữa khi ngài bắt đầu đối xứ với thành phần cộng tác của mình, nhân viên của mình, các nữ tu và cộng đồng tòa khâm sứ một cách tệ hại như một ông chủ xấu xa, chứ không như một người cha và một vị mục tử. Thật là buồn khi thấy một số vị Sứ Thần hành khổ thành phần cộng tác viên của các vị bằng những sầu đau chính họ đã lãnh nhận bởi các vị Khâm Sứ khi các vị còn là những cộng sự viên. Trái lại, các Thư Ký Viên và Cố Vấn Viên đã được tin tưởng trao phó cho kinh nghiệm của vị Khâm Sứ này để họ có thể hình thành và phát triển thành những nhà ngoại giao, và nếu Chúa muốn, trong tương lai, thành vị Sứ Thần.

Thật là buồn khi thấy một vị Khâm Sứ tìm kiếm những gì là xa xỉ sang trọng, những bộ quần áo và các thứ đồ vật "bảnh bao" không cần thiết ở giữa dân chúng. Đó là một thứ phản chứng. Cái vinh dự nhất của một con người của Giáo Hội đó là trở thành "người tôi tớ của tất cả mọi người".

Là người của Giáo Hội cũng cần phải khiêm tốn để đại diện cho dung nhan, cho các giáo huấn và cho các vị thế của Giáo Hội, tức là loại trừ đi những niềm tin tưởng cá nhân của mình.

Là người của Giáo Hội nghĩa là can đảm bênh vực Giáo Hội trước những quyền lực sự dữ luôn làm cho Giáo Hội mất uy tín, phỉ báng Giáo Hội và vu khống Giáo Hội.

Là người của Giáo Hội cần phải trở thành những người bạn hữu với các vị giám mục, linh mục, tu sĩ và tín hữu, một cách tin tưởng và nồng ấm tình người, thi hành sứ vụ của mình cùng với họ và luôn có một cái nhìn mang tính cách giáo hội, tức là một người cảm thấy có trách nhiệm đối với ơn cứu độ của người khác. Chúng ta luôn nhớ rằng salus animarum (phần rỗi các linh hồn) là luật tối hậu của Giáo Hội và là nền tảng của tất cả mọi hoạt động của Giáo Hội (1). Cái căn tính này của vị Khâm Sứ cũng dẫn ngài đến chỗ khác biệt hẳn với các vị Đại Sứ khác nơi những lễ trọng, như Giáng Sinh và Phục Sinh, ở chỗ, khi họ vắng mặt để về với gia đình, thì Vị Khâm Sứ vẫn còn đó để cử hành thánh lễ với dân Chúa trong xứ sở ấy, vì là người của Giáo Hội thì đó là gia đình của các vị. 

3- Vị Khâm Sứ là người nhiệt huyết tông đồ

Vị Khâm Sứ là người loan báo Tin Mừng và là vị tông đồ của Phúc Âm có nhiệm vụ chiếu sáng thế gian bằng ánh sáng của Đấng Phục Sinh, sứ vụ mang Chúa Kitô đến tận cùng trái đất. Ngài là người theo đuổi cuộc hành trình gieo rắc hạt giống đức tin tốt vào lòng của những ai ngài gặp gỡ. Và những ai gặp vị Khâm Sứ cần phải làm sao cảm thấy có một cái gì đó cần phải ngẫm nghĩ một cách nào ấy.

Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh vĩ đại về Thánh Maximilian Maria Kolbe, vị được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành nung nấu cho vinh quang của Thiên Chúa, đã viết ở một trong những bức thư của ngài như sau: "Chúng ta thấy trong thời đại của chúng ta đây, không khỏi cảm thấy đau buồn, tình trạng tràn lan 'thái độ dửng dưng lãnh đạm'. Một thứ bệnh hầu như là một thứ dịch đang làn tràn ở các hình thức khác nhau, chẳng những nơi chung tín hữu, mà còn ở nơi các phần tử các dòng tu nữa. Thiên Chúa là Đấng xứng với vinh quang vô cùng. Mối quan tâm đầu tiên và trên hết của chúng ta đó là cần phải dâng Người lời chúc tụng với hết quyền năng yếu hèn của chúng ta, ý thức rằng chúng ta không thể tôn vinh Người như Người xứng đáng. Vinh quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trên hết nơi phần rỗi của các linh hồn đã được Chúa Kitô cứu chuộc bằng máu của Người. Bởi thế mà việc dấn thân chính yếu của sứ vụ tông đồ của chúng ta sẽ là việc chiếm được phần rỗi và ơn thánh hóa của nhiều linh hồn nhất" (2).

Chúng ta cũng nhớ đến cả những lời của Thánh Phaolô: "Đối với tôi việc rao giảng phúc âm không phải là những gì để mà kiêu hãnh; nhưng là một nhiệm vụ cần phải thi hành: khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng phúc âm" (1Corinto 9:16). Thật là nguy hiểm khi rơi vào tình trạng nhút nhát hay hững hờ về những thứ tính toán chính trị hay ngoại giao, hay thậm chí rơi vào "việc chỉnh sửa có tính cách chính trị", khi buông bỏ việc loan báo.

Lòng nhiệt thành tông đồ là một quyền lực giúp chúng ta vươn lên và bảo vệ chúng ta khỏi chứng ung thư vỡ mộng.

4- Vị Khâm Sứ là người hòa giải

Một yếu tố quan trọng trong công việc của mọi vị Khâm Sứ đó là trở thành một con người của việc môi giới, của mối hiệp thông, của việc đối thoại và của việc hòa giải. Vị Khâm Sứ luôn cần phải cố gắng tỏ ra trung lập và khách quan, nhờ đó tất cả mọi bên thấy được nơi ngài một vị trọng tài chân thành nỗ lực bênh vực và bảo vệ công lý và hòa bình mà thôi, không bao giờ để mình bị liên hệ một cách tiêu cực nào đó (3).

Là con người của mối hiệp thông, "hoạt động của vị Đại Diện Giáo Hoàng trước hết là cống hiến việc phục vụ quí báu cho các Vị Giám Mục, cho các Vị Linh Mục, cho thành phần Tu Sĩ, cũng như cho tât cả mọi người Công Giáo ở địa phương, những người tìm thấy được nơi ngài sự nâng đỡ và bảo vệ, vì ngài đại diện cho một Thẩm Quyền Cao Hơn, một thẩm quyền cho thiện ích của hết mọi người. Sứ vụ của ngài không qua mặt việc thực thi quyền lực của các Vị Giám Mục, cũng không thay thế hoặc cản trở những quyền lực ấy, và thật sự là ủng hộ quyền lực này và nâng đỡ quyền lực ấy, bằng lời khuyên bảo huynh đệ và khôn ngoan" (4).

Một khi Vị Khâm Sứ đóng khung bản thân mình trong Tòa Khâm Sứ và tránh né việc gặp gỡ dân chúng, thì ngài đã phản bội sứ vụ của mình, rồi thay vì là một yếu tố cho mối hiệp thông và hòa giải thì lại trở thành một chướng ngại vật và là những gì cản ngăn. Chư huynh không bao giờ được quên rằng chư huynh là tiêu biểu cho bộ mặt công giáo tính và phổ quát tính của Giáo Hội nơi các Giáo Hội địa phương tản mác khắp thế giới và nơi các Chính Quyền.

5- Vị Khâm Sứ là người của Giáo Hoàng

Là Đại Diện Giáo Hoàng, vị Khâm Sứ không đại diện chính mình mà là Vị Thừa Kế Thánh Phêrô, và tác hành nhân danh vị thừa kế của mình ở Giáo Hội và Chính Quyền, tức là ngài cụ thể hóa, ứng dụng và biểu hiệu cho việc hiện diện của Giáo Hoàng giữa thành phần tín hữu và dân chúng. Thật là đẹp khi thấy ở một số xứ sở Tòa Khâm Sứ được gọi là "Casa del Papa - Nhà của Đức Thánh Cha".

Chắc chắn là hết mọi người đều có thể có những chủ trương, những cái thích và không thích, thế nhưng một vị Khâm Sứ tốt không thể giả hình, vì vị Đại Diện này là một móc nối (a link), hay đúng hơn, là một cầu nối giữa Vị Đại Diện Chúa Kitô và dân chúng mà ngài được sai tới, ở một miền đất nào đó, miền đất ngài được chỉ định và được chính Giáo Hoàng Roma bài sai tới.

Bởi thế, sứ vụ của chư huynh rất là gay go, vì nó cần phải có tính cách sẵn sàng và uyển chuyển, khiêm tốn, hoàn toàn chuyên nghiệp, các khả năng về hiệp thông và thương thuyết; nó cần phải thực hiện các cuộc hành trình thường xuyên bằng xe và là những chuyến hành trình dài lâu, tức là sống với cái vali lúc nào cũng sẵn sàng (trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng ta, tôi đã nói với chư huynh rằng: đời sống của chư huynh là một đời sống du mục).

Được Vị Giáo Hoàng và Giáo Hội sai đi, vị Khâm Sứ cần phải sẵn sàng đối với các mối liên hệ con người, có một khuynh hướng tự nhiên đối với những giao hệ liên cá thể, tức là sống gần gũi với tín hữu, với các vị linh mục, với các vị giám mục địa phương, cũng như với các nhà ngoại giao và cầm quyền khác.

Việc phục vụ của Vị Đại Diện này cũng bao gồm cả việc viếng thăm các cộng đồng, nơi Vị Giáo Hoàng không thể tới, bảo đảm với họ về sự gần gũi gắn bó của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Thánh Phaolô VI đã viết như thế này: "Thật vậy, rõ ràng là việc chuyển động hướng về tâm điểm và cốt lõi của Giáo Hội cần phải am hợp với việc chuyển động khác, việc chuyển động từ tâm điểm lan ra ngoại biên, và bằng một cách nào đó, dẫn đến tất cả mọi Giáo Hội địa phương từng nơi một, đến tất cả và từng vị mục tử và tín hữu, sự hiện diện và chứng từ của kho tàng chân lý và ân sủng, những gì Chúa Kitô và là Đấng Cứu Chuộc đã cho chúng ta được thông phần, được lưu giữ và được phân phối. Qua các Vị Đại Diện của Chúng Tôi, những vị ở các Quốc Gia khác nhau, Chúng Tôi biến mình thành tham dự viên vào chính đời sống của con cái của Chúng Tôi, và hầu như hội nhập chính mình vào đó, Chúng Tôi tiến đến chỗ nhận biết, một cách xúc tiến hơn và chắc chắn hơn, các nhu cầu của họ và các khát vọng của họ" (5).

Là "Đại Diện", Vị Khâm Sứ cần phải tiếp tục cập nhật hóa và học hỏi, để biết rõ những ý nghĩ và những hướng dẫn của những ai làm đại diện. Ngài cũng có nhiệm vụ tiếp tục cập nhật hóa và thông tin cho Giáo Hoàng về những tình hình khác nhau, cùng với những thay đổi về giáo hội và về chính trị xã hội ở xứ sở ngài được sai tới. Vì lý do này ngài cần phải có đủ kiến thức về những tập quán và có thể về cả ngôn ngữ nữa, luôn mở cửa Tòa Khâm Sứ cũng như cửa lòng mình cho hết mọi người.

Do đó, không thể nào chấp nhận được là một vị Đại Diện cho Giáo Hoàng mà lại lên tiếng phê bình chỉ trích sau lưng Giáo Hoàng, có những trang điện tín (blogs) hay thậm chí tham gia những nhóm thù địch với Giáo Hoàng, với Tòa Thánh và với Giáo Hội Roma.

6- Vị Khâm Sứ là người khởi xướng

Cần phải có và phát triển khả năng và tính chất linh hoạt để phát động hay thích thuận với một tác hành hợp với các nhu cầu của thời điểm, mà không chiều theo tính chất cứng ngắc về tâm thần, về tâm linh và về nhân bản, hay theo tính chất uyển chuyển như thể giả tạo và bất kiên định. Vấn đề ở đây không phải là việc chộp bắt lấy cơ hội, mà là biết cách để làm sao có thể chuyển biến từ quan niệm thành ứng dụng cho công ích như lòng mong muốn và có thể trung thành với sứ vụ của mình. Đức Tổng Giám Mục Giancarlo Maria Gregantini nói rằng "không có động lực thiêng liêng và thiếu mất nền tảng phúc âm, thì tất cả mọi sự khởi động dần dần sẽ bị sụp đổ, thậm chí về cả mức độ hợp tác, kinh tế và cơ cấu" (6).

Con người khởi xướng là một con người tò mò một cách tích cực, đầy năng động tính và sáng kiến; một con người sáng tạo và can trường không để mình bị khống chế bởi thái độ hốt hoảng trong những trường hợp bất ngờ xẩy ra, nhưng, một cách bình thản, trực giác và mường tượng, biết cố gắng lật ngược chúng và làm chủ chúng một cách tốt đẹp.

Con người khởi xướng là vị sư phụ biết cách dạy người khác làm sao để có thể tiếp cận với thực tại, nhờ đó họ cố gắng không bị choáng ngợp bởi những bàng hoàng bỡ ngỡ lớn nhỏ xẩy ra cho chúng ta. Ngài là con người biết trấn an những ai trải qua những cơn phong ba bão tố của cuộc đời bằng thái độ tích cực của ngài.

Trước hết và trên hết là một vị giám mục, một vị mục tử, vị mà trong khi sống giữa những thăng trầm của thế giới này, hằng ngày được kêu gọi chứng tỏ quyền lực và cần phải "ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian" (xem Gioan 17:14), Vị Khâm Sứ, theo trực giác, cần phải biết làm sao tái cấu trúc tín liệu và sử dụng những lời lẽ đúng đắn để giúp cho ai đến tham vấn với ngài, một cách chân thật như bồ câu và khôn ngoan như rắn (xem Mathêu 10:16).

Cần phải biết rằng những khả năng này có được là nhờ ở chỗ theo Chúa Giêsu, theo khuôn mẫu của các vị Tông Đồ và thành phần môn đệ tiên khởi, những vị đã nhận được ơn gọi đặc biệt phải chú trọng đến và gắn bó với tác hành của Chúa Giêsu Kitô.

7- Vị Khâm Sứ là người tuân phục

Nhân đức tuân phục là những gì bất khả phân ly với tự do, vì chỉ bằng tự do chúng ta mới có thể thực sự tuân phục, và chỉ nhờ tuân theo Phúc Âm chúng ta mới có thể được hoàn toàn tự do (7). Ơn gọi của Kitô hữu, và theo đó, của cả Vị Khâm Sứ trong việc tuân phục vẫn là ơn gọi theo lối sống của Chúa Giêsu Nazarét. Đời sống của Chúa Giêsu, được đánh dấu bằng tính cách cởi mở cùng tuân phục Thiên Chúa, Đấng được Người gọi là Cha (8). Ở đây chúng ta có thể hiểu và sống đại giới răn của việc tuân phục giải phóng: "Chúng tôi cần phải tuân phục Thiên Chúa hơn là loài người" (Tông Vụ 5:29). Việc tuân phục Thiên Chúa không được tách khỏi việc tuân phục Giáo Hội và các vị bề trên.

Đến đây, một lần nữa, Thánh Maximilian Mary Kolbe lại giúp chúng ta. "Bề trên thực sự là có thể sai lầm, thế nhưng ai tuân phục thì không sai lầm. [...] Nhờ đường lối tuân phục mà chúng ta thắng vượt được những hạn hữu nơi thân phận nhỏ hèn của chúng ta, và chúng ta được tuân hợp với ý muốn thần linh là những gì hướng dẫn chúng ta tác hành một cách đúng đắn, bằng sự khôn ngoan và khéo léo vô cùng của Người. Bằng việc gắn bó với ý muốn thần linh, một ý muốn mà không một tạo vật nào có thể kháng cự, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn tất cả mọi sự. Đó là đường lối khôn ngoan và khéo léo, con đường duy nhất chúng ta có thể nhờ đó mang lại vinh danh hơn hết cho Thiên Chúa. [...] Vì thế, hỡi anh em, chúng ta hãy yêu mến, bằng tất cả sức lực của chúng ta, Cha trên trời đầy lòng thương yêu chúng ta; và chứng cớ cho thấy đức ái trọn hảo này đó là việc tuân phục, đặc biệt là việc thi hành khi chúng ta cần phải hy sinh ý muốn riêng của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng chẳng có cuốn sách nào cao quí hơn là Chúa Giêsu Kitô tử giá, trong việc tiến triển của lòng kính mến Thiên Chúa" (9).

Thánh Âu Quốc Tinh đã qui cho việc tuân phục một tầm quan trọng rất nhiều, không kém gì tầm quan trọng của lòng yêu mến, của đức khiêm nhượng và của sự khôn ngoan, những gì là nền tảng, cho đến độ không thể nào có tình yêu chân thực, có đức khiêm nhượng thực sự, có sự khôn ngoan chân chính, ngoại trừ ở trong lãnh vực của việc tuân phục (10).

Vị Khâm Sứ không sống đức tuân phục - ngay cả khi khó khăn và trái với nhãn quan riêng của ngài - thì giống như một kẻ du hành bị mất đi địa bàn của ngài, vì thế có nguy cơ không đạt được mục tiêu của mình. Chúng ta luôn nhớ thành ngữ: "Medice cura te ipsum / Thày thuốc hãy chữa lấy mình". Thật là phản chứng khi kêu gọi người khác tuân phục mà mình lại bất tuân.

8- Vị Khâm Sứ là người cầu nguyện

Đến đây dường như tôi cần phải nhắc nhở chư huynh một lần nữa về những lời không còn lời nào hơn được Thánh Tẩy Giả Montini, với tư cách là Vị Đại Diện Văn Phòng Quốc Vụ Khanh, đã diễn tả về vị Đại Diện Giáo Hoàng: "Ai thực sự có lương tâm thì ấp ủ Chúa Kitô trong mình" (25/4/1951), như kho tàng quí báu trong việc truyền đạt, trong việc loan báo, trong việc đại diện. Những thiện ích, những triển vọng của thế gian này đều tiến đến chỗ thất vọng, khiến chúng không bao giờ được mãn nguyện; Chúa là Đấng tốt lành không gây ra thất vọng, Đấng duy nhất không làm thất vọng. Điều này cần phải tách ly khỏi bản thân mình, những gì chỉ có thể đạt được nhờ mối liên hệ liên lỉ với Chúa và một đời sống gắn quyện lấy Chúa Kitô. Điều ấy được gọi là mối thân tình với Chúa Giêsu. Mối thân tình với Chúa Giêsu Kitô cần phải trở thành lương thực hằng ngày của Vị Đại Diện Giáo Hoàng, vì nó là thứ lương thực xuất phát từ ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên với Người, và vì nó cũng tạo nên việc hằng ngày bày tỏ lòng trung thành với ơn gọi của Người. Mối thân tình với Chúa Giêsu Kitô trong nguyện cầu, trong việc cử hành Thánh Thể - không bao giờ được coi thường - trong việc phục vụ của đức ái (11).

Chúng ta hãy nhớ các Vị Tông Đồ và Thánh Phêrô đã nói rằng: "Thật là không đúng nếu chúng tôi lơ là với Lời Chúa để phục vụ bàn ăn. Bởi thế, thưa anh em, hãy tìm kiếm trong anh em 7 nam nhân có tiếng tốt, đầy Thần Linh và khôn ngoan, những người chúng tôi sẽ trao phó công việc này cho họ. Trái lại, chúng tôi sẽ chuyên tâm vào việc cầu nguyện và vào thừa tác vụ lời Chúa" (Tông Vụ 6:1-6). Vì thế, công việc đầu tiên của từng vị Giám Mục là hiến mình cầu nguyện và thừa tác vụ Lời Chúa.

Vị Khâm Sứ - cũng như tất cả chúng ta - thiếu đời sống cầu nguyện - có nguy cơ không đạt được tất cả những đòi hỏi đã được nói đến trên đây. Không cầu nguyện, chúng ta trở thành thuần túy viên chức, luôn buồn bã và vỡ mộng. Đời sống cầu nguyện là ánh sáng soi chiếu hết mọi sự khác cùng với hoạt động của Vị Khâm Sứ và sứ vụ của ngài.

9- Vị Khâm Sứ là người chủ động bác ái yêu thương

Cần phải nhấn mạnh ở đây là "việc cầu nguyện, hành trình làm môn đệ và việc hoán cải là ở nơi một đức bác ái chia sẻ cho thấy chứng cớ về tính chất chân thực phúc âm của họ. Nhờ lối sống này mới có niềm vui và tâm trí thanh thản, vì người ta đụng chạm đến xác thịt của Chúa Kitô. Nếu chúng ta thực sự muốn gặp gỡ Chúa Kitô, chúng ta cần phải chạm đến thân thể bị thương tích của người nghèo, như là một khẳng định về mối hiệp thông bí tích nơi Thánh Thể. Thân Mình Chúa Kitô, được bẻ ra nơi phụng vụ thánh, được tái nhận thức thấy nhờ đức ái được chia sẻ nơi các khuôn mặt và những con người anh chị em yếu kém" (12). Vì "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6).

Vị Khâm Sứ có nhiệm vụ dẫn giải về "mối quan tâm của Giáo Hoàng Roma đối với thiện ích của xứ sở ngài thực thi sứ vụ của ngài; đặc biệt là cần phải nhiệt thành quan tâm đến các vấn đề về hòa bình, tiến bộ và hợp tác của các dân tộc, cho thiện ích thiêng thiêng, luân lý và vật chất của toàn thể gia đình nhân loại" (13). Hoạt động của Vị Khâm Sứ không bao giờ được giới hạn vào việc thi công những điều thực hành là những gì, cho dù là quan trọng, có thể sẽ không bao giờ làm cho sứ vụ của ngài sinh hoa kết trái; vì thế, vị Khâm Sứ cần phải đích thân vào các hoạt động bác ái, nhất là đối với người nghèo và thành phần sống bên lề xã hội: chỉ có thế ngài mới có thể hoàn toàn hiện thực sứ vụ của mình và việc làm cha và làm mục tử của ngài.

Đức ái cũng là những gì nhưng không, và đó là lý do đến đây tôi muốn nói về một thứ nguy hiểm vẫn thấy, đó là mối nguy hiểm về các thứ quà tặng. Thánh Kinh nói về tính cách trái với đạo lý nơi con người nào "nhận quà biếu trộm vụng để bẻ cong đường lối công bằng" (Cách Ngôn 17:23), Thánh Vịnh cũng hỏi rằng: "Lạy Chúa, ai sẽ ở trong lều của Chúa?". Và trả lời là kẻ "không chấp nhận những thứ quà tặng phạm đến người vô tội" (15:1.5). Đức ái chủ động cần phải dẫn chúng ta đến chỗ cẩn trọng nhận những thứ quà tặng được cống hiến để làm mờ ám tính chất khách quan của chúng ta, và ở một số trường hợp, tiếc thay, khiến chúng ta mất cả tự do.

Không một thứ quà tặng bất kể giá trị nào được biến chúng ta thành nô lệ! Hãy từ chối các thứ quà tặng quá đắt tiền và thường vô ích hay sử dụng vào việc bác ái, và hãy nhớ rằng việc nhận lấy một món quà tặng đắt giá không bao giờ biện minh được cho việc sử dụng nó. 

10- Vị Khâm Sứ là người khiêm hạ

Tôi muốn kết thúc tập cẩm nang bằng bằng nhân đức khiêm nhượng, trích lại "Kinh Cầu khiêm nhượng" của Người Tôi Tớ Chúa là Đức Hồng Y Rafael Merry del Val (1865-1930), Vị Quốc Vụ Khanh và cộng sự viên của Thánh Piô X, một trong những đồng bạn trước kia của vị hồng y này:

Ôi Giêsu, hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, xin lắng nghe con!

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi lòng muốn được trân trọng.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi lòng muốn được yêu mến.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi lòng muốn được ca tụng.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi lòng muốn được yêu thích hơn người khác.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi lòng muốn được tham vấn.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi lòng muốn được chấp nhận.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị nhục nhã.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị khinh chê.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị chối từ.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị lăng nhục.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị quên lãng.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị nhạo cười.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị lạm dụng.

Ôi Giêsu, xin giải phóng con khỏi nỗi sợ bị ngờ vực.

Ôi Giêsu, xin ban cho con ơn mong muốn người khác được yêu mến hơn con!

Ôi Giêsu, xin ban cho con ơn mong muốn người khác được coi trọng còn con bị giảm đi!

Ôi Giêsu, xin ban cho con ơn mong muốn người khác được thế giới chú trọng hơn con!

Ôi Giêsu, xin ban cho con ơn mong muốn người khác được sử dụng còn con bị loại trừ!

Ôi Giêsu, xin ban cho con ơn mong muốn người khác được ca ngợi còn con không được đối xử!

Ôi Giêsu, xin ban cho con ơn mong muốn người khác được yêu thích hơn con trong hết mọi sự!

Ôi Giêsu, xin ban cho con ơn mong muốn người khác được thánh thiện hơn con bao lâu con cố gắng nên thánh bao nhiêu có thể! (14)

 

Các ghi chú được trích dẫn trong bài nói:

[1] "In relation to the Bishops, to whom the care of souls in individual dioceses is entrusted by divine mandate, the Pontifical Representative has the duty to help, advise and lend his prompt and generous work, with a spirit of fraternal collaboration, always respecting the exercise of jurisdiction proper to Pastors "(St. Paul VI, Apostolic Letter Sollicitudo omnium Ecclesiarum : AAS 61 [1969], 476).

[2] See the writings of Massimiliano M. Kolbe , vol. I, Florence 1975, 44-46; 113-114.

[3] The Nuncio also has "the duty to protect in concerted action with the Bishops, with the civil authorities of the territory in which he exercises his office, the mission of the Church and of the Holy See. [...] In his capacity as envoy of the Supreme Pastor of Souls, the Pontifical Representative will promote [...] appropriate contacts between the Catholic Church and other Christian communities, and will encourage cordial relations with non-Christian religions "(St. Paul VI, Lett ap. Sollicitudo omnium Ecclesiarum : AAS 61 [1969], 476).

[4] Ibid .

[5] Lett ap. Sollicitudo omnium Ecclesiarum : AAS 61 (1969), 476.

[6] We cannot be silent. Words and beauty to win the mafia , Piemme 2011, 136.

[7] Cf. ENZO BIANCHI, The words of spirituality , Rizzoli 1999, 149-152.

[8] Cf FJ MOLONEY, Disciples and Prophets , 186.

[9] Writings by Massimiliano M. Kolbe , vol. I, Florence 1975, 44-46; 113-114.

[10] See Patrologia , III, Marietti 2000, 432-434; B. Borghini, Obedience according to St. Augustine , in "Vita crist.", 23 (1954), 460-478.

[11] See Address to the Pontifical Representatives , 21 June 2013.

[12] Message for the First World Day of the Poor , 19 November 2017.

[13] St. Paul VI, Apostolic Letter Sollicitudo omnium Ecclesiarum : AAS 61 (1969), 476.

[14] https://www.corrispondenzaromana.it/lumilta-insegnata-dal-cardinal-merry-del-val/

http://w2.vatican.va/content/francesco/it/speeches/2019/june/documents/papa-francesco_20190613_nunzi-apostolici.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu  


Bài nói trên đây được ĐTC Phanxicô ngỏ với trên 100 vị khâm sứ ở Tông Dinh Vatican hôm Thứ Năm 13/6/2019, và trong bản "Thập Giới" chỉ nam này, ở cuối "Thập Giới" Thứ 5, ĐTC có đề cập đến 1 chi tiết tế nhị nhưng bất khả chấp liên quan đến Giáo Hoàng: "Không thể nào chấp nhận được là một vị Đại Diện cho Giáo Hoàng mà lại lên tiếng phê bình chỉ trích sau lưng Giáo Hoàng, có những trang điện tín (blogs) hay thậm chí tham gia những nhóm thù địch với Giáo Hoàng, với Tòa Thánh và với Giáo Hội Roma".

Có thể nói, chi tiết tế nhị trên đây đã xẩy ra cho chính bản thân ngài, như thực tế đã cho thấy, được Catholic News Agency (https://www.catholicnewsagency.com/news/francis-tells-his-ambassadors-not-to-criticize-him-behind-his-back-89819) trưng dẫn và phổ biến vào chiều cùng ngày 13/6/2019, điển hình là các trường hợp tiêu biểu sau đây:

Các vị khâm sứ tòa thánh đã bị bắt gặp gây gương mù. Vị khâm sứ tòa thánh ở Pháp là ĐTGM Luigi Ventura đã bị tố cáo có hành vi cử chỉ dâm ô sai trái với một nam nhân người lớn khi ngài là khâm sứ ở Canada. Nhà ngoại giao Vatican này đã bị điều tra vì bị cho là đã tấn công tình dục ở Paris.

Đức Tổng Giám Mục Francis Chullikatt, khâm sứ tòa thánh ở Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan mới đây đã bị tố cáo có hành vi mờ ám về tài chính và cá nhân trong thời gian phục vụ như trưởng phái đoàn ngoại giao của Vatican ở Liên Hiệp Quốc.

ĐTC có đề cập đến chi tiết "các trang điện tín (blogs)" dường như ám chỉ đến vị khâm sứ ở Thụy Sĩ và Liechtenstein là Đức Tổng Giám Mục Thomas Gullickson, vì ngài có một trang tin được kết nối với một trương mục Líu Lo (Twitter) là phương tiện ngài sử dụng để chia sẻ những đề mục chỉ trích về một số những nhận định của ĐTC Phanxicô. Chẳng hạn vào năm 2015, vị khâm sứ tòa thánh này đã Líu Lo một đề mục National Review nhân đề "Đức Giáo Hoàng hoàn toàn sai", khi ngài gọi những nhận định của ĐTC Phanxicô trong cuộc phỏng vấn truyền thông là "không chính xác, phán đoán tầm thường". Trương mục Twitter của vị khâm sứ tòa thánh này từ đó đã bị xóa bỏ.

Tháng 8/2018, vị nguyên khâm sứ tòa thánh ở Hoa Kỳ là Đức Tổng Giám Mục Carlo Vigano, đã làm náo động lên một cuộc tranh luận bằng một bức thư công cộng tố cáo một số viên chức Vatican đã biết được nguyên Hồng Y TGM Theodore McCarrick có những hành vị dâm ô sai trái qua nhiều năm nhưng vẫn giữ vị thế cho vị nguyên hồng y này làm cố vấn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Vị nguyên khấm sứ tòa thánh này còn tung ra thêm một bức thư nữa yêu cầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ nhiệm và đã cho tờ Washington Post phỏng vấn để tung ra trong tuần này.