GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Lạy Nữ Vương

Chúa Nhật V Phục Sinh Năm C 19-5-2019

Pope Francis during the Regina Coeli

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Bài Phúc Âm hôm nay đưa chúng ta về lại Nhà Tiệc Ly, để chúng ta nghe lại một số lời được Chúa Giêsu ngỏ cùng các môn đệ của Người trong "diễn từ biệt ly" trước cuộc Khổ Nạn của Người. Sau khi đã rửa chân cho 12 vị, Người nói cùng các vị rằng: "Thày ban cho các con điều răn mới, đó là các con hãy yêu thương nhau, như Thày đã yêu thương các con thế nào thì các con cũng hãy yêu thương nhau như vậy". Chúa Giêsu gọi giới răn này là một giới răn "mới" có ý nghĩa gì đây? Bởi chúng ta đều biết rằng trong Cựu Ước Thiên Chúa đã truyền cho các phần tử thuộc dân của Ngài phải yêu thương tha nhân của họ như chính bản thân họ (xem Levi 19:18). Chính Chúa Giêsu cũng đã trả lời cho kẻ hỏi Người đâu là điều răn trọng nhất trong Lề Luật rằng điều răn thứ nhất là kính mến Thiên Chúa với tất cả tấm lòng của mình và điều răn thứ hai là yêu tha nhân như chính bản thân mình (xem Mathêu 22:38-39).

Vậy thì đâu là tính chất mới mẻ của giới răn Chúa Giêsu ban cho các môn đệ của Người? Tại sao Người gọi nó là một "giới răn mới"? Giới răn của tình yêu đã trở thành mới vì nó được nên trọn bởi cái thêm thắt này, đó là "như Thày đã yêu thương các con", "các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con". Tất cả cái mới mẻ này là ở nơi tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, một tình yêu đã khiến Người hiến mạng sống mình cho chúng ta. Đó là tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu thương phổ quát, vô điều kiện và vô hạn, một tình yêu lên tới tột đỉnh của mình trên cây thập tự giá. Trong giây phút cùng cực nhục hèn ấy, trong giây phút phó mình cho Chúa Cha ấy, Người Con của Thiên Chúa đã chứng tỏ và đã cống hiến cho thế giới một tình yêu trọn vẹn. Khi nghĩ lại cuộc Khổ Nạn và sầu thương của Chúa Kitô, các môn đệ đã hiểu được ý nghĩa của những lời Người phán: "Thày đã yêu thương các con thế nào, các con cũng phải yêu thương nhau như vậy".

Chúa Giêsu đã yêu chúng ta trước; Người đã yêu thương chúng ta bất chấp cái mỏng dòn của chúng ta, bất chấp những hạn hữu của chúng ta, và bất chấp những yếu đuối loài người của chúng ta. Chính Người là Đấng làm cho chúng ta trở nên xứng đáng với tình yêu của Người, một tình yêu vô cùng bất tận. Khi ban cho chúng ta giới răn mới, Người muốn chúng ta hãy yêu thương nhau chẳng những bằng tình yêu của chúng ta và theo tấm mức tình yêu của chúng ta mà là bằng tình yêu của Người, một tình yêu được Thánh Thần làm thấm nhập vào cõi lòng của chúng ta nếu chúng ta tin tưởng cầu cùng Ngài. Chỉ có thế - và chỉ như vậy - chúng ta mới có thể yêu thương nhau chẳng những như chúng ta yêu chính bản thân mình, mà còn như Người đã yêu thương chúng ta, tức là yêu thương bao la hơn nữa. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thương chúng ta hơn chúng ta yêu thương bản thân mình. Nhờ đó chúng ta mới có thể lan truyền khắp mọi nơi hạt giống yêu thương này, một hạt giống canh tân các mối liên hệ giữa con người với nhau và mở ra những chân trời hy vọng. Chúa Giêsu luôn mở ra những chân trời hy vọng; tình yêu của Người mở ra những chân trời hy vọng. Tình yêu này làm cho chúng ta trở thành những con người mới, những người anh chị em trong Chúa, và làm cho chúng ta trở thành một Dân Chúa mới, tức là Giáo Hội, trong đó tất cả đều được kêu gọi kính mến Chúa Kitô và yêu thương nhau trong Người.

Tình yêu ấy được thể hiện trên cây Thánh Giá và là tình yêu Người kêu gọi chúng ta sống này là quyền lực duy nhất có thể biến đổi cõi lòng chai đá của chúng ta thành một cõi lòng da thịt; một quyền lực duy nhất có thể biến đổi trái tim của chúng ta đó là tình yêu của Chúa Giêsu, nếu chúng ta cũng yêu thương bằng tình yêu này. Tình yêu này làm cho chúng ta có thể yêu thương kẻ thù và tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta. Tôi muốn hỏi anh chị em một câu, mỗi người hãy trả lời trong lòng mình. Tôi có thể yêu thương kẻ thù của tôi hay chăng? Tất cả chúng ta đều có những con người - tôi không biết họ có phải là kẻ thù hay chăng, nhưng họ là những người không đồng ý với chúng ta, những người "về phe bên kia", hay ai đó gây tổn thương cho họ... Tôi có thể yêu thương những con người đó, con người nam hay con người nữ đã gây tổn thương cho tôi đó, những con người phạm đến tôi hay chăng? Tôi có thế tha thứ cho họ hay chăng? Mỗi người hãy tự trả lời lấy trong lòng của mình. Tình yêu của Chúa Giêsu làm cho chúng ta thấy người khác như là một phần tử hiện tại hay tương lai thuộc cộng đồng bạn hữu của Chúa Giêsu; nó thúc đẩy chúng ta đối thoại và giúp chúng ta lắng nghe nhau và hiểu biết nhau. Tình yêu hướng chúng ta về người khác, khi nó trở thành nền tảng của các mối liên hệ của nhân loại. Nó làm cho chúng ta có thể thắng vượt những trở ngại nơi nỗi yếu hèn của chúng ta cũng như các thành kiến của chúng ta. Tình yêu của Chúa Giêsu ở trong chúng ta tạo nên những chiếc cầu nối, dạy chúng ta những đường lối mới; tạo nên tính chất sinh động của tình huynh đệ. Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta, nhờ lời chuyển cầu từ mẫu của Mẹ, lãnh nhận từ Chúa Giêsu Con Mẹ tặng ân Giới Răn này của Người, và từ Thánh Linh sức mạnh để thực hành giới răn ấy trong cuộc sống hằng ngày.

 

https://zenit.org/articles/regina-coeli-address-on-jesus-new-commandment-to-love-one-another/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu