GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

 

ĐTC PHANXICÔ

GIẢNG KHAI MẠC THÁNG TRUYỀN GIÁO NGOẠI LỆ - THÁNG 10/2019

 

Pope Francis imparts a blessing during the celebration of Vespers for the feast of St Therese of Lisieux in the Vatican Basilica, Oct. 1, 2019. Credit: Daniel Ibáñez/CNA.

 

TRONG BUỔI KINH CHIỀU NGÀY LỄ THÁNH TIỂU THIÊN-SA 1/10/2019,

VỊ THÁNH ĐỒNG QUAN THÀY (với thánh Phanxicô Xavier) CỦA CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO

 

 

 

 

Đề Tài

 

Được thánh tẩy và sai đi: Giáo Hội của Chúa Kitô truyền giáo trên thế giới

 

 

 

Trong dụ ngôn chúng ta vừa nghe, Chúa tỏ ra như là một người trước khi lên đường đã gọi các người đầy tớ của mình đến để trao phó tài sản của mình cho họ (cf. Mt 25:14). Thiên Chúa đã ủy thác cho chúng ta những kho tàng trọng đại nhất của Ngài, đó là sự sống của chúng ta và sự sống của những người khác. Ngài đã ký thác một số tặng ân khác nhau nào đó cho mỗi một người chúng ta. Những tặng ân này, những tài năng này, không phải là một cái gì đó cần được lưu giữ ở một nơi an toàn, mà là một ơn gọi thực sự: Chúa gọi chúng ta để làm cho tài năng của chúng ta sinh hoa kết trái, một cách vững mạnh và sáng tạo. Thiên Chúa sẽ không hỏi chúng ta rằng chúng ta có khư khư bảo trì sự sống và đức tin của chúng ta hay chăng, mà là chúng ta có tiến bước và liều thân cho dù có bị mất mặt. Tháng Truyền Giáo ngoại lệ này cần phải thôi thúc chúng ta và tác động chúng ta trở thành chủ động trong việc hành thiện. Không phải là các viên chức thị thực đức tin và là các bảo quan viên ân sủng mà là thành phần thừa sai truyền giáo.

Thế nhưng người ta làm thế nào để trở thành một tay thừa sai truyền giáo? Bằng việc sống như là các chứng nhân: việc làm chứng bằng đời sống nhận biết Chúa Kitô của chúng ta. Chứng từ là từ ngữ chính yếu, một từ ngữ có cùng một gốc tự với chữ "tử đạo". Các vị tử đạo là thành phần chứng nhân đức tin chính yếu: không phải bằng lời nói của các vị mà bằng sự sống của các vị. Các vị biết rằng đức tin không phải là một thứ tuyên truyền hay dụ giáo: nó là một tặng ân đáng trân trọng của đời sống con người. Các vị sống bằng việc loan truyền bình an và niềm vui, bằng việc yêu thương mọi người, ngay cả kẻ thù của các vị, vì yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta có thể nào, những con người nhận thức được rằng chúng ta là con cái của Cha trên trời, cứ câm nín về niềm vui được yêu thương, niềm tin luôn được trân quí trước nhan Thiên Chúa hay chăng? Đó là một sứ điệp mà nhiều người đang chờ đợi để nghe. Và đó là trách nhiệm của chúng ta. Chúng ta hãy tự vấn mình xem tháng này tôi là một chứng nhân tốt lành ra sao?

Ở cuối dụ ngôn này, Chúa đã diễn tả người đầy tớ dấn thân là "tốt lành và trung tín", và người đầy tớ sợ sệt là "gian ác và lười biếng" (cf. vv.21.23.26). Tại sao Thiên Chúa lại quá ác nghiệt với người đầy tớ sợ sệt này? Hắn đã làm gì xấu xa? Sự dữ của hắn đó là không hành thiện; hắn đã phải tội bỏ qua. Điều này có thể là một thứ tội của cả một cuộc đời, vì chúng ta được ban cho sự sống không phải để chôn vùi nó đi, mà là dùng nó làm một cái gì đó; không được giữ lấy cho bản thân chúng ta, mà là trao tặng nó đi. Ai đứng với Chúa Giêsu thì đều biết rằng chúng ta giữ được những gì chung ta cho đi; chúng ta chiếm hữu những gì chúng ta cống hiến cho người khác. Cái bí quyết để sở hữu sự sống đó là trao tặng nó đi. Sống bằng việc bỏ qua là chối bỏ ơn gọi của chúng ta: bỏ qua - omission là những gì trái ngược với sứ vụ - mission.

Chúng ta phạm tội bỏ qua tức là phạm đến sứ vụ, bất cứ khi nào, thay vì làm lan tràn niềm vui thì chúng ta lại nghĩ về bản thân chúng ta như là thành phần nạn nhân, hay nghĩ rằng không ai yêu chúng ta hoặc hiểu chúng ta. Chúng ta phạm đến sứ vụ khi chúng ta chiều theo những gì là thoái thác: "Tôi không thể làm điều này: tôi chưa sẵn sàng làm điều ấy". Làm sao lại như thế được chứ? Thiên Chúa đã ban cho anh chị em các tài năng, nhưng anh chị em lại nghĩ mình quá nghèo nàn đến độ anh chị em không thể làm cho một người duy nhất nào đó trở nên giầu có? Chúng ta phạm đến sứ vụ khi chúng ta than phiền và cứ nói rằng mọi sự đều xẩy ra từ xấu đến tệ, trên thế giới và trong Giáo Hội. Chúng ta phạm đến sứ vụ khi chúng ta trở thành nô lệ cho những thứ sợ hãi làm bất động chúng ta, khi chúng ta để cho bản thân mình bị bại liệt bởi nghĩ rằng "các sự thể sẽ chẳng bao giờ đổi thay".  Chúng ta phạm đến sứ vụ khi chúng ta sống sự sống như là một gánh nặng hơn là một tặng ân, khi chúng ta lấy bản thân mình cùng với các quan tâm của chúng ta làm tâm điểm, chứ không phải là anh chị em của chúng ta, những con người đang chờ để được yêu thương.

"Thiên Chúa yêu chuộng kẻ hân hoan cho đi" (2Cor 9:7). Ngài yêu thích Giáo Hội dấn thân. Nếu không lên đường không phải là Giáo Hội. Một Giáo Hội lên đường, một Giáo Hội truyền giáo là một Giáo Hội không phung phí thời gian than van về những gì sai lạc, về việc mất mát tín hữu, về những giá trị của thời điểm nào đó giờ đây thành quá khứ. Một Giáo Hội không tìm kiếm những ốc đảo an toàn để cư trú bình an, mà mong được làm muối đất và men đời. Vì Giáo Hội biết rằng đó là sức mạnh của mình, sức mạnh của chính Chúa Giêsu: không phải là những gì thích đáng về xã hội hay về cơ cấu, mà là tình yêu thương khiêm hạ và nhưng không.

Hôm nay chúng ta bắt đầu Tháng 10 Truyền Giáo với nhóm 3 người đầy tớ đã sinh nhiều hoa trái. Thánh Therèse Hài Đồng Giêsu cho chúng ta thấy đường đi: chị đã làm cho lời cầu nguyện trở thành nhiên liệu cho hoạt động truyền giáo trên thế giới này. Đây cũng là Tháng Mân Côi: chúng ta cầu nguyện ra sao cho việc truyền đạt Phúc Âm và việc chúng ta hoán cải từ thái độ bỏ qua đến sứ vụ? Rồi tới Thánh Phanxicô Xavier là vị có thể là nhà thừa sai cao cả nhất trong mọi thời đại, sau Thánh Phaolô. Ngài cũng thôi thúc chúng ta: chúng ta có thể xuất thân và từ bỏ những thoải mái của mình vì Phúc Âm hay chăng? Sau hết là Đấng Đáng Kính Pauline Jaricot, một lao công đã hỗ trợ các việc truyền giáo bằng hoạt động hằng ngày của mình: bằng những dâng cúng từ lương bổng của ngài, ngài đã giúp đặt nền móng cho Chư Hội Thừa Sai của Tòa Thánh. Chúng ta có thực hiện tặng ân hằng ngày để thắng vượt tình trạng phân ly giữa Phúc Âm và đời sống hay chăng? Xin chúng ta làm ơn đừng sống một thứ đức tin "phòng thánh / sacristy".

Chúng ta được đồng hành bởi một nữ tu, một vị linh mục và một nữ giáo dân. Các vị nhắc nhở chúng ta rằng không ai được loại trừ khỏi sứ vụ của Giáo Hội. Phải, trong tháng này, Chúa đang kêu gọi anh chị em, vì anh chị em là những người làm cha làm mẹ trong các gia đình; anh chị em là giới trẻ đang mơ tưởng những điều cao cả; anh chị em là những người đang làm ở công xưởng, ở cửa tiệm, ở nhà băng hay ở nhà hàng; anh chị em là những người bị thất nghiệp; anh chị em đang nằm trong nhà thương.... Chúa đang xin anh chị em trở thành một tặng ân bất cứ anh chị em là ai, và như anh chị em là, với hết mọi người chung quanh anh chị em. Ngài đang xin anh chị em đừng chỉ đi qua cuộc đời mà là cống hiến cuộc sống; đừng phàn nàn về cuộc sống mà là thông cảm với nước mắt của tất cả những ai chịu khổ đau. Hãy can đảm lên! Chúa đang mong đợi những điều cao cả từ anh chị em. Ngài cũng đang mong đợi một số trong anh chị em can đảm lên đường và đi đến bất cứ nơi nào bị hụt hẫng phẩm giá và niềm hy vọng nhất, cho muôn dân - ad gentes, nơi mà quá nhiều người vẫn còn sống thiếu niềm vui của Phúc Âm. Chúa sẽ không để anh chị em lẻ loi một mình trong việc làm chứng; anh chị em sẽ khám phá ra rằng Thánh Linh đã đi trước anh chị em và dọn đường cho anh chị em. Hãy can đảm lên, hỡi anh chị em! Hãy can đẻm lên, hỡi Mẹ Hội Thánh! Hãy tái khám phá ra hoa trái của anh chị em nơi niềm vui của sứ vụ!

 https://zenit.org/articles/pope-francis-stresses-witness-in-opening-of-extraordinary-missionary-month/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu