GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô - Giảng Lễ Vọng Phục Sinh

 

Những người phụ nữ mang dầu thơm đến mồ, nhưng họ sợ rằng hành trình của họ vô bổ, bởi tảng đá to chặn ở ngay cửa mồ. Cuộc hành trình này của những người phụ nữ ấy cũng là cuộc hành trình của chúng ta; nó giống như cuộc hành trình cứu độ chúng ta đã thực hiện buổi tối hôm nay. Có những lúc mọi sự xẩy ra dường như chạm đến một tảng đá, chẳng hạn như vẻ mỹ lệ của tạo vật trái ngược lại với thảm cảnh của tội lỗi; việc giải phóng cho khỏi tình trạng nô lệ phản nghịch lại với tính cách bất trung của giao ước; những lời hứa của các vị tiên tri ngược nghịch lại với thái độ lãnh đạm khôn xiết của dân chúng. Cũng thế ở nơi lịch sử của Giáo Hội cũng như nơi lịch sử bản thân của chúng ta. Những nỗ lực của chúng ta dường như không bao giờ đưa chúng ta tới được đích điểm. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng niềm hy vọng bị hổng lỗ của chúng ta là một thứ luật hoang trống của đời sống.

Tuy nhiên, hôm nay chúng ta thấy rằng cuộc hành trình của chúng ta không phải là một cuộc hành trình vô bổ; nó không đụng chạm tới tảng đá chắn cửa mồ. Một câu nói làm cho người nữ bàng hoàng sửng sốt và làm biến đổi lịch sử đó là: “Tại sao các bà tìm kiếm người sống nơi kẻ chết?” (Luca 24:5). Tại sao anh chị em nghĩ rằng mọi sự chẳng còn hy vọng nào nữa, rằng không ai có thể loại đi tảng đá chắn cửa mồ của anh chị em? Tại sao anh chị em thoái lui và chào thua chứ? Phục Sinh là lễ của tảng đá chắn cửa mồ bị đẩy lui, những cục đá bị đẩy sang một bên. Thiên Chúa thậm chí có thể loại đi những tảng đả cứng nhất khiến các niềm hy vọng và niềm trông đợi của chúng ta bị tan vỡ: như sự chết, tội lỗi, nỗi sợ, thế tục. Lịch sử của nhân loại không kết thúc trước một tảng đá chắn cửa mồ, vì hôm nay đây nó gặp gỡ “tảng đá sống” (cf 1Phêrô 2:4) là Chúa Giêsu phục sinh. Chúng ta, như Giáo Hội, được xây dựng trên Người, và ngay cả lúc chúng ta cảm thấy chán chường và có khuynh hướng phán đoán tất cả mọi sự theo chiều hướng thua bại, Người đến dể làm cho tất cả mọi sự trở nên mới mẻ, để lật ngược hết mọi niềm thất vọng của chúng ta. Mỗi người chúng ta được kêu gọi, vào đêm nay đây, tái nhận thức vào Chúa Kitô Phục Sinh, Đấng đã đẩy tảng đá nặng nhất ra khỏi lòng của chúng ta. Bởi vậy trước hết chúng ta hãy tự vấn xem: Đâu là tảng đá tôi cần loại bỏ, tên của nó là gì?

Cái thường ngăn chặn niềm hy vọng là tảng đá thất vọng. Một khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng hết mọi sự xẩy ra tồi tệ và không còn gì tệ hơn nữa là chúng ta đã tỏ ra chán nản và tin rằng sự chết mãnh liệt hơn sự sống. Chúng ta trở nên yếm thế, tiêu cực và ngã lòng. Đá chồng chất, chúng ta xây lên trong chúng ta một thứ bia kỷ niệm những gì là bất mãn của chúng ta: đó là Ngôi Mộ của niềm hy vọng / the sepulcher of hope. Đời sống trở thành một chuỗi dài đầy những than trách và tinh thần của chúng ta bị bệnh hoạn. Thay thế vào đó là một thứ tâm lý mồ mả (tomb psychology): hết mọi sự đều kết thúc ở đó, không còn niềm hy vọng nào tồn tại. Thế nhưng, vào lúc ấy, chúng ta vẫn còn nghe thấy một lần nữa câu vấn nạn của Lễ Sinh: Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết? Chúa không còn được tìm thấy nơi những gì là thoái lui. Người đã sống lại: Người không còn ở đó nữa. Đừng tìm kiếm Người ở nơi anh chị em không bao giờ thấy Người: Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là của kẻ sống (xem Marco 22:32). Anh chị em đừng chôn vùi đi niềm hy vọng!

Có một tảng đá khác thường cha lấp tâm can khóa kín, đó là tảng đá tội lỗi. Tội lỗi là những gì quyến rũ; nó hứa hẹn những gì là dễ dàng và chóng vánh, những gì là thịnh vượng và thành công, thế nhưng sau đó chỉ lưu lại những gì là cô độc cùng chết chóc. Tội lỗi là những gì tìm kiếm sự sống nơi kẻ chết, vì ý nghĩa của đời sống chỉ ở nơi những gì qua đi. Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết? Tại sao anh chị em không quyết tâm từ bỏ tội lỗi, giống như một tảng đá ở trước cửa lòng của anh chị em, những gì ngăn cản ánh sáng của Thiên Chúa khỏi lọt vào chứ? Tại sao anh chị em không yêu chuộng Chúa Giêsu là ánh sáng chân thật (xem Gioan 1:9) hơn là những tia nhấp nhánh của giầu sang phú quí, của nghề nghiệp, của kiêu hãnh và của khoái lạc chứ? Tại sao anh chị em không nói với những sự vật trên thế gian này rằng anh chị em không còn sống cho chúng nữa, mà là cho Chúa của sự sống?

Chúng ta hãy trở lại với những người phụ nữ đi đến mồ của Chúa Giêsu. Họ bang hoàng khựng lại trước tảng đá đã bị lăn ra khỏi đó. Khi thấy các thiên thần thì, như Phúc Âm thuật lại, họ đứng đó “run sợ, và cúi đầu xuống đầt” (Luca 24:5). Họ không đủ can đảm để ngước đầu lên. Biết bao lần chúng ta cũng làm như thế? Chúng ta thích ở lại với những gì là hỗn độn trong các thứ thiếu sót của chúng ta, co cụm lại nơi những nỗi sợ hãi của chúng ta. Đó là những gì quái lạ, vậy mà tại sao chúng ta lại làm như thế? Không phải là không thường xuyên là vì, ủ rũ và khép mình lại, chúng ta mới cảm thấy làm chủ được mình, bởi ở một mình trong tối tăm nơi cõi lòng của mình thì thoải mái hơn mở lòng mình ra cho Chúa. Tuy nhiên, chỉ có Người mới có thể nâng chúng ta lên. Một thi sĩ đã từng viết rằng: “Chúng ta không bao giờ biết được chúng ta cao như thế nào. Cho đến khi chúng ta được kêu gọi chỗi dậy” (E. Dickinson). Chúa kêu gọi chúng ta chỗi dậy, chỗi dậy bằng lời của Người, để nhìn lên và để nhận thức rằng chúng ta được dựng nên cho trời cao, chứ không phải cho đất thấp, cho những đỉnh cao của sự sống, chứ không phải có hố thẳm của sự chết: Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết?

Thiên Chúa xin chúng ta hãy nhìn vào cuộc sống như chính Ngài nhìn nó, vì nơi từng người chúng ta Ngài không ngừng thấy cái cốt lõi mỹ lệ bất khả chế ngự. Nơi tội lỗi, Ngài thấy những người con nam nữ của mình cần phải được phục hồi; nơi sự chết, những người anh chị em cần phải đưoợc tái sinh; nơi cô độc, những tấm lòng cần phải được canh tân. Vậy thì đừng sợ: Chúa yêu sự sống của anh chị em, ngay cả khi anh chị em sợ nhìn vào nó và nắm lấy nó trong tay. Nơi Phục Sinh Ngài cho anh chị em thấy Ngài yêu thương sự sống đó biết bao: thậm chí cho đến độ sống nó một cách trọn vẹn, khi cảm nghiệm nỗi sầu thương, tình trạng bị bỏ rơi, sự chết và âm phủ, để có thể chiến thắng mà nói với anh chị em rằng: “Các con không lẻ loi cô độc một mình đâu; hãy tin tưởng vào Cha!” Chúa Giêsu là một chuyên gia biến sự chết thành sự sống, biến việc khóc thương của chúng ta thành mừng vui hớn hở (xem Thánh Vịnh 30:11). Với Người, chúng ta cũng có thể cảm nghiệm thấy một cuộc Vượt Qua (a Pasch – a Passover) - từ khuynh hướng qui ngã đến mối hiệp thông, từ nỗi cô độc đến niềm ủi an, từ sợ hãi đến tin tưởng. Chúng ta đừng cứ cúi gầm mặt xuống đất một cách sợ hãi, nhưng hãy hướng mắt của chúng ta về Chúa Giêsu phục sinh. Ánh mắt của Người làm cho chúng ta tràn đầy hy vọng, vì nó nói với chúng ta rằng chúng ta không ngừng được yêu thương và cho dù chúng ta có đủ mọi thứ bê bối, tình yêu thương của Người vẫn không hề đổi thay. Đó là niềm tin tưởng duy nhất bất khả thương thuyết chúng ta có được trong đời: tình yêu thương của Người không thay đổi. Chúng ta hãy tự vấn xem: Trong đời sống của mình, tôi đang tìn kiếm ở đâu đây? Tôi đang hướng mắt về bãi tha ma hay tìm kiếm Đấng Đang Sống?

Tại sao các bạn lại tìm kiếm người sống nơi kẻ chết? Những người phụ nữ nghe thấy những lời này của các vị thiên thần, những vị còn nói: Hãy nhớ những gì Người đã nói với các bà khi Người còn ở Galilêa” (Luca 24:6). Những người đàn bà này đã đánh mất niềm hy vọng, vì họ không thể nhớ lại những lời của Chúa Giêsu, lời kêu gọi của Người xẩy ra ở Galilêa. Vì mất đi ký ức sống động về Chúa Giêsu nên họ mới cứ tìm kiếm ở nấm mồ. Đức tin bao giờ cũng cần trở lại Galilêa, để tái tấu tình yêu ban đầu của nó với Chúa Giêsu cũng như với ơn gọi của Người: hãy nhớ lại, hãy quay lại với Người bằng tất cả trí khôn của chúng ta và bằng tất cả tâm can của chúng ta. Việc trở lại với một tình yêu sống động của Chúa là những gì thiết yếu. Bằng không, đức tin của chúng ta chỉ là một “bảo tang viện”, chứ không phải là một đức tin Phục Sinh. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật trong quá khứ; Người là một con người đang sống động hôm nay đây. Chúng ta không biết Người theo các sử sách; chúng ta gặp gỡ Người trong cuộc sống. Hôm nay, chúng ta hãy nhớ đến việc Chúa Giêsu đầu tiên đã kêu gọi chúng ta ra sao, Người đã không chế bóng tối tăm của chúng ta như thế nào, không chế việc kháng cự của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, và Người đã chạm đến cõi lòng của chúng ta bằng tình yêu của Người ra sao.

Những người phụ nữ, tưởng nhớ Chúa Giêsu, đã rời bỏ ngôi mộ. Lễ Phục Sinh dạy chúng ta rằng thành phần tín hữu đừng có lân la ở bãi tha ma, vì họ được kêu gọi tiến lên gặp gỡ Đấng Sống Động. Chúng ta hãy tự vấn xem: Tôi đang đi về đâu trong cuộc đời của mình đây? Đôi khi chúng ta chỉ đi theo hướng đầy giẫy các vấn đề của mình, và tiến đến với Chúa chỉ để được trợ giúp. Thế nhưng, sau đó, chính  nhu cầu riêng của mình, chứ không phải Chúa Giêsu, dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Chúng ta cứ tìm kiếm Đấng Sống Động nơi kẻ chết. Biết bao nhiêu lần, khi chúng ta đã gặp gỡ Chúa, chúng ta lại quay về với kẻ chết, càng đáng tiếc, đáng trách, đớn đau và khôn thỏa, không để cho Đấng Phục Sinh biến đổi chúng ta? Anh chị em thân mến: Chúng ta hãy lấy Đấng Sống Động làm trọng tâm của đời mình. Chúng ta hãy xin ơn đừng bị cuốn đi theo triều sóng, trong biển khơi những vấn đề của chúng ta; ơn đừng bị mắc cạn ở những chỗ nông cạn của tội lỗi hay bị dập nát ở những mảnh đá thất vọng và sợ hãi. Chúng ta hãy tìm kiếm Người nơi tất cả mọi sự và trên tất cả mọi sự. Với Người, chúng ta sẽ sống lại.

https://zenit.org/articles/pope-francis-homily-at-easter-vigil-full-text/

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL, chuyển dịch từ Thánh Địa CN Phục Sinh 21/4/2019