GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2018
ĐTC PHANXICÔ
DIỄN TỪ TÂN XUÂN VỚI NGOẠI GIAO ĐOÀN CỦA QUỐC ĐÔ VATICAN
Dẫn Nhập
Theo thông lệ hằng năm, vào ngày Thứ Hai sau Lễ Hiển Linh, Vị Lãnh Đạo Quốc Đô Vatican là Đức Giáo Hoàng có một buổi gặp gỡ duy nhất trong năm với phái đoàn ngoại giao của các quốc gia có bang giao với mình để trao đổi với nhau lời chúc mừng tân niên. Như ngài vẫn theo thông lệ trao đổi với Giáo Triều Roma lời chúc mừng Giáng Sinh vào những ngày gần Lễ Giáng Sinh.
Trong bài diễn từ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào đầu năm 2019, Thứ Hai ngày 7/1, tại Sảnh Đường Regia, ngài nhấn mạnh đến đề tài ngoại giao đa phương (multilateral diplomacy), một đề tài đã được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI trình bày với Tổ Chức Liên Hiệp Quốc lần đầu tiên, một đề tài liên quan mật thiết đến các vấn đề bất khả thiếu khác, được vị giáo hoàng hiện đại của chúng ta, căn cứ vào từng lời của Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói, chia sẻ trong bài nói của mình thứ tự như sau: 1- Vấn đề cốt yếu của công lý và luật pháp; 2- Vấn đề bênh vực thành phần dễ bị tổn thương nhất (được ngài đặc biệt đề cập tới như các nạn nhân chiến tranh, thành phần chạy loạn, các cộng đồng thiểu số Kitô hữu, thành phần tị nạn và di dân, giới trẻ, trẻ em, nữ giới, các công nhân); 3- Vấn đề trở thành chiếc cầu nối giữa dân chúng và thành phần xây dựng hòa bình; và 4- Vấn đề nghĩ lại định mệnh chung của chúng ta.
Ngay trong phần đầu của bài nói, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến 2 sự kiện: một về Việt Nam và một về Trung Quốc. Về Việt Nam, ngài nói đền vấn đề "thường trú của Vị Đại Diện Tòa Thánh trong tương lai gần, như một dấu hiệu tối hậu cho thấy việc quan tâm của Vị Thừa Kế Thánh Phêrô đối với Giáo Hội địa phương này". Về Trung Quốc, ngài nói đến "Hiệp Định Tạm Thời giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc về Việc Bổ Nhiệm Các Vị Giám Mục ở Trung Quốc" (the Provisional Agreement between the Holy See and the People’s Republic of China on the Appointment of Bishops in China), được ký kết ngày 22/9/2018. Đồng thời ngài cũng nhắc lại sự kiện ngài đã tha vạ tuyệt thông cho các vị giám mục quốc doanh được tấn phong không được sự chấp thuận của Tòa Thánh. Và với tinh thần cởi mở của mình như thế, chỉ vì lợi ích thiêng liêng của chung Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa, bao gồm cả thành phần quốc doanh lẫn hầm trú, ngài "hy vọng rằng những liên hệ trong tương lai về việc áp dụng Bản Hiệp Định Tạm Thời được ký kết này sẽ giúp giải quyết các vấn đề còn bỏ ngỏ cần chỗ cho việc hoan hưởng tự do tôn giáo thực sự".
Sau đây là đoạn văn trong bài nói của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo người viết quan trọng nhất cần phải lưu ý, một đoạn nhận định và phân tích kỹ lưỡng về nguyên nhân sâu xa cho hiện trạng của thế giới đương đại, ở cuối phần dẫn nhập và một đoạn ở đầu phần về vấn đề cốt yếu của công lý và luật pháp, xin được chuyển dịch nguyên văn sau đây:
Vấn đề ngoại giao đa phương
Một điều kiện bất khả thiếu cho việc thành công của vấn đề ngoại giao đa phương đó là thiện chí và niềm tin của các bên, việc họ sẵn sàng đối xử với nhau một cách công bằng và thành thực, và việc họ cởi mở chấp nhận những gì là dung hòa bất khả tránh xuất phát từ các thứ tranh cãi. Bất cứ khi nào thiếu chỉ cần một trong những yếu tố này thì hậu quả xẩy ra là một thứ tìm kiếm những giải quyết đơn phương, và cuối cùng là tình trạng mạnh được yếu thua. Hội Liên Quốc (the League of Nations) đã thất bại bởi chính những lý do này, và người ta lấy làm tiếc khi nhận thấy rằng các thái độ tương tự hiện cũng đang đe dọa tính chất vững chắc của các tổ chức quốc tế chính yếu.
Theo tôi thì cả hôm nay đây cần phải làm sao để không xẩy ra tình trạng suy giảm ước muốn thực hiện các cuộc bàn luận minh bạch và xây dựng giữa các quốc gia. Cho dù rõ ràng là các mối liên hệ trong nội bộ cộng đồng quốc tế và toàn bộ hệ thống đa phương, đang trải qua một giai đoạn khó khăn, trước cuộc nổi dậy của các khuynh hướng dân tộc, đối đầu với ơn gọi của các Tổ Chức quốc tế trong việc trở thành môi trường đối thoại và gặp gỡ của tất cả mọi xứ sở. Điều này xẩy ra một phần là vì một thứ bất lực nào đó nơi hệ thống đa phương trong việc cống hiến các giải quyết hiệu nghiệm cho một số các tình trạng bất giải lâu dài, như một số vụ xung khác kéo dài, hoặc trong việc đối đầu với các cuộc thách đố hiện nay một cách thỏa đáng đối với tất cả mọi người. Một phần cũng gây ra bởi tình hình phát triển các chính sách quốc gia được quyết định bằng việc tìm kiếm một cuộc đồng thuận mau chóng có tính cách phe phái, hơn là bằng việc nhẫn nại theo đuổi công ích khi nêu lên những giải đáp về lâu về dài. Một phần có lẽ là hậu quả của tầm ảnh hưởng đang gia tăng trong các Tổ Chức quốc tế nắm quyền lực, và các nhóm lợi ích áp đặt các thứ nhãn quan và tư tưởng của mình, làm phát hiện các hình thức mới của nạn thực dân hóa về ý hệ, thường bất kể căn tính, phẩm vị và cảm quan của các dân tộc. Một phần nữa gây ra bởi phản ứng của một số phần đất trên thế giới đối với chiều hướng toàn cầu hóa, ở một số khía cạnh nào đó, đã phát triển quá nhanh và một cách lệch lạc, gây ra tình trạng căng thẳng giữa chiều hướng toàn cầu hóa và các thực tại địa phương. Chiều kích toàn cầu cần phải lưu ý tới địa phương. Là một phản ứng với quan niệm "vòm cầu" (spherical) của chiều hướng toàn cầu hóa, thứ toàn cầu hóa san bằng các thứ khác biệt và làm bằng những gì là chuyên biệt, mà nó đã làm cho các hình thức dân tộc chủ nghĩa dễ dàng tái xuất. Tuy nhiên, chiều hướng toàn cầu hóa có thể cho thấy hứa hẹn ở chỗ nó có thể là "đa diện" (polyhedric), đóng vai trò tích cực thích thuận giữa căn tính của từng dân tộc và xứ sở với chính chiều hướng toàn cầu hóa, hợp với nguyên tắc toàn thể thì lớn hơn phần thể. (Cf. Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium - 24 November 2013, 234).
Một số những thái độ này trở về với giai đoạn giữa hai Thế Chiến, khi những đòi hỏi có tính cách dân túy và duy tổ quốc cho thấy chúng mãnh liệt hơn hoạt động của Hội Liên Quốc. Việc tái xuất hiện của những thôi thúc này ngày nay đang càng ngày càng làm suy yếu hệ thống đa phương, gây ra bởi một thứ thiếu tin tưởng phổ quát, một cuộc khủng hoảng về uy tín trong sinh hoạt chính trị quốc tế, và một tình trạng từ từ loại bỏ các phần tử dễ bị tổn thương nhất của gia đình chư quốc.
Trong Bài Diễn Từ cho Liên Hiệp Quốc đáng ghi nhớ của mình - lần đầu tiên một vị Giáo Hoàng ngỏ lời với Hội Đồng này - Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, vị tôi đã hân hoan tôn phong hiển thánh vào năm ngoái, đã nói về mục đích của vấn đề ngoại giao đa phương, về các đặc tính của nó và về các trách nhiệm của nó trong bối cảnh đương đại, nhưng cũng về cả các vấn đề giao hệ với sứ vụ thiêng liêng của vị Giáo Hoàng và từ đó với cả Tòa Thánh.
Vấn đề nồng cốt của công lý và luật pháp
Điểm đầu tiên về mối liên hệ tôi muốn đề cập tới đó là vấn đề nồng cốt của công lý và luật pháp. Như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói với Hội Đồng Liên Hiệp Quốc rằng: "Quí vị phê chuẩn cái nguyên tắc cao cả đó là những mối liên hệ giữa các quốc gia cần phải được qui định bởi lý trí, công lý, luật pháp, bằng việc thương thảo chứ không phải bằng quyền lực, không phải bằng bạo động, bằng vũ lực, bằng chiến tranh, hay ngay cả bằng sợ hãi và mưu mánh" (PAUL VI, Address to the United Nations - 4 October 1965, 2).
Hiện nay, thật là lo ngại khi thấy tái xuất các thứ khuynh hướng áp đặt và theo đuổi các lợi ích của từng quốc gia, mà không sử dụng đến các phương tiện được luật lệ quốc tế cung cấp để giải quyết các tranh cải và bảo đảm cho việc tôn trọng công lý, cũng như qua các Tòa Án quốc tế. Một thái độ như vậy có những lúc là hậu quả của một phản ứng về phần các vị lãnh đạo chính quyền trước tình trạng bất mãn nơi thành phần công dân của không ít xứ sở, thành phần nhận thấy các phương án và qui luật quản trị cộng đồng quốc tế như thể chậm chạp, trừu tượng và rất ư là xa với với những nhu cầu thực sự của họ. Các vị lãnh đạo chính trị thật sự là cần phải lắng nghe tiếng nói của các cử tri và tìm kiếm các giải pháp cụ thể để cổ võ sự thiện cao cả hơn của họ. Tuy nhiên, cái đòi hỏi này cần phải tôn trọng luật pháp và công lý cả trong các cộng đồng quốc gia của mình cũng như trong cộng đồng quốc tế, vì những giải quyết có tính cách phản động, cảm xúc và vội vàng có thể chiếm được tốt đẹp việc đồng thuận ngắn hạn, nhưng chúng chắc chắn sẽ không giúp giải quyết được những vấn đề sâu xa hơn; thật vậy, chúng sẽ trở thành trầm trọng hơn.
Vì quan tâm như thế mà tôi đã dành cho Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình năm nay, được cử hành vào hôm 1/1, để tài: Chính Trị mà Tốt Đẹp thì Phục Vụ Hòa Bình. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa chính trị tốt đẹp và việc chung sống hòa bình của các dân tộc và các quốc gia. Hòa bình không bao giờ là một sự thiện bán phần mà là một sự thiện bao gồm toàn thể nhân loại. Bởi thế, một khía cạnh thiết yếu của thứ chính trị tốt đẹp đó là việc theo đuổi công ích của tất cả mọi người, vì nó là "sự thiện của tất cả mọi dân tộc và của toàn thể con người" (Compendium of the Social Doctrine of the Church, No. 165.), và là một điều kiện của xã hội giúp cho tất cả mọi cá nhân và toàn thể cộng đồng có thể chiếm được tình trạng phúc lợi thích hợp về vật chất và tinh thần của mình.
Chính trị cần phải biết nhìn xa trông rộng, chứ không vướng vào việc tìm kiếm các giải pháp ngắn hạn. Một chính trị gia giỏi không được chiếm chỗ mà là khởi động các thứ tiến trình; họ được kêu gọi để làm cho mối hiệp nhất thắng vượt xung khắc, một mối hiệp nhất được dựa vào "tình đoàn kết theo nghĩa sâu xa nhất và cam go nhất". Nhờ đó, chính trị mới trở nên "một đường lối làm nên lịch sử bằng một môi trường sống, trong đó những gì là xung khắc, chia rẽ và chống đối có thể đạt tới một mối hiệp nhất đa dạng và cống hiến sự sống" (Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium - 24 November 2013, 228).
Cách tiếp cận như thế lưu ý tới chiều kích siêu việt của con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự Thiên Chúa. Việc tôn trọng phẩm vị của từng người bởi thế là những gì chính yếu bất khả thiếu cho tất cả cuộc chung sống hòa bình thực sự, và luật pháp trở thành một khí cụ thiết yếu để đạt tới công lý xã hội và bồi dưỡng những mối liên hệ huynh đệ giữa các dân tộc. Trong bối cảnh này thì các thứ nhân quyền nắm vai trò trọng yếu được vạch ra trong Tuyên Ngôn Chung về Nhân Quyền là những gì chúng ta mới mừng kỷ niệm 70 năm. Mục đích khách quan và bản chất hợp lý của những thứ quyền lợi này cần phải tái khẳng định một cách đúng đắn, kẻo có những thứ nhãn quan về con người có tính cách bán phần và chủ quan đang thịnh hành liều mình gây ra những hình thức mới của tình trạng bất bình đẳng, bất công, kỳ thị, và trong các trường hợp cực đoan, bao gồm cả những hình thức mới bạo động và đàn áp nữa.
(Vị Lãnh Sự Cyprus, Mr George Poulides, Trưởng Đoàn Ngoại Giao Quốc Tế đại diện ngỏ lời chào chúc Đức Giáo Hoàng Phanxicô)
Diplomatic Corps to Pope: Grateful for ministry on behalf of humanity
(Hai vị giám mục Trung Quốc tham dự Thượng Nghị Giám Mục thế Giới về Giới Trẻ 10/2018 ở Roma)
China: A path for the good of the Church