GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

 

ĐTC PHANXICÔ GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT TRUYỀN GIÁO 20/10/2019

 

 

Pope Francis celebrates Mass for World Missionary Day Oct. 20, 2019. Credit: Daniel Ibáñez/CNA.

"Ngọn núi là nơi kéo chúng ta lên, xa khỏi nhiều thứ tạm bợ mau qua,

và kêu gọi chúng ta tái khám phá ra những gì thiết yếu, những gì bền vững,

đó là Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.

Sứ vụ truyền giáo được bắt đầu ở trên núi, nơi chúng ta khám phá thấy những gì thực sự là đáng kể"

"Chúng ta không được sinh ra để ở trên mặt đất này, để được thỏa mãn với những gì là tầm thường,

chúng ta được sinh ra là để vươn tới các đỉnh điểm, nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta.

Tuy nhiên, điều ấy có nghĩa là chúng ta cần phải đi lên,

cần phải bỏ lại sau lưng một thứ đời sống theo chiều ngang và chống lại với trọng lực của khuynh hướng qui kỷ,

để thực hiện một cuộc xuất hành thoát khỏi cái tôi của chúng ta".

2019.10.20 Santa Messa per la Giornata Mondiale Missionaria

"Tĩnh từ tất cả, một tĩnh từ liên lỉ tái hiện ở các bài đọc chúng ta đã nghe...

Tất cả, vì không ai bị loại trừ ra khỏi cõi lòng của Người, khỏi ơn cứu độ của Người;

tất cả, nhờ đó tâm can của chúng ta mới có thể vượt ra ngoài những giới tuyến nhân bản và

chủ nghĩa cách biệt theo chiều hướng qui kỷ không hợp với ý muốn của Thiên Chúa...

Đó là sứ vụ truyền giáo của chúng ta, ở chỗ lên núi cầu nguyện cho hết mọi người và xuống núi làm tặng ân cho tất cả mọi người".

 

 

Tôi muốn chia sẻ về 3 chữ được lấy từ các bài đọc chúng ta vừa nghe, đó là một danh từ, một động từ và một tĩnh từ. Danh từ đó là ngọn núi. Tiên tri Isaia nói về nó khi ngài tiên báo về một ngọn núi của Chúa, vượt lên trên các quả đồi, một ngọn núi mà tất cả mọi dân nước qui tụ về (cf. Is 2:2). Chúng ta lại thấy hình ảnh ngọn núi ở trong Phúc Âm khi Chúa Giêsu, sau biến cố phục sinh của mình, nói với các môn đệ của Người đến gặp Người ở núi Galilêa; Galilêa là nơi được nhiều thành phần dân khác nhau cư ngụ: "Galilêa của Chư Dân Ngoại" (cf. Mt 4:15). Bởi thế, núi dường như là nơi yêu thích của Thiên Chúa để gặp gỡ nhân loại. Nó là nơi Ngài gặp gỡ chúng ta, như chúng ta thấy trong Thánh Kinh, bắt đầu với Núi Sinai và Núi Carmêlô, cho tới thời Chúa Giêsu, Đấng công bố các Mối Phúc Đức trên núi, đã biến hình trên Núi Tabor, đã hiến mạng sống mình trên Núi Canvêđã thăng thiên từ Núi Olive. Núi, nơi của những cuộc gặp gỡ trọng đại giữa Thiên Chúa và loài người, cũng là nơi Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhiều tiếng đồng hồ (cf Mk 6:46) để liên kết trời với đất, và để liên kết chúng ta, những người anh chị em của Người, với Chúa Cha.

Ngọn núi có ý nghĩa gì với chúng ta? Chúng ta được kêu gọi để đến gần Thiên Chúa cũng như với người khác. Với Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, trong thinh lặng và nguyện cầu, tránh đi những xì xèo và đồn đoán nhảm nhí làm suy yếu chúng ta. Với người khác, thành phần, từ trên núi nhìn xuống, có thể thấy được ở một viễn tượng khác nhau, đó là viễn tượng của Thiên Chúa là Đấng kêu gọi tất cả mọi dân tộc. Từ trên cao, những người khác được thấy như là một cộng đồng có một vẻ đẹp hòa hợp được khám phá ra chỉ khi nào nhìn họ một cách tổng thể. Ngọn núi nhắc nhở chúng ta rằng anh chị em của chúng ta là những người không phải được chọn lựa mà là bao gồm, chẳng những bằng ánh mắt của chúng ta mà còn bằng cả đời sống của chúng ta nữa. Ngọn núi liên hợp Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta bằng một niềm ấp ủ duy nhất, niềm ấp ủ nguyện cầu. Ngọn núi là nơi kéo chúng ta lên, xa khỏi nhiều thứ tạm bợ mau qua, và kêu gọi chúng ta tái khám phá ra những gì thiết yếu, những gì bền vững, đó là Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Sứ vụ truyền giáo được bắt đầu ở trên núi, nơi chúng ta khám phá thấy những gì thực sự là đáng kể. Giữa tháng truyền giáo này, chúng ta hãy tự vấn xem: đâu là cái thực sự đáng kể trong đời sống của tôi? Tôi muốn tiến lên những đỉnh điểm nào đây?

Một động từ đi kèm theo với danh từ "núi", đó là động từ đi lên. tiên tri Isaia đã khuyến dụ chúng ta rằng: "Hãy đến, chúng ta hãy tiến lên núi của Chúa" (2:3). Chúng ta không được sinh ra để ở trên mặt đất này, để được thỏa mãn với những gì là tầm thường, chúng ta được sinh ra là để vươn tới các đỉnh điểm, nơi chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta. Tuy nhiên, điều ấy có nghĩa là chúng ta cần phải đi lên, cần phải bỏ lại sau lưng một thứ đời sống theo chiều ngang và chống lại với trọng lực của khuynh hướng qui kỷ, để thực hiện một cuộc xuất hành thoát khỏi cái tôi của chúng ta. Việc đi lên là việc cần phải hết sức nỗ lực, thế nhưng đó là con đường duy nhất để có được một cái nhìn về hết mọi sự một cách tốt đẹp hơn. Như những ai leo núi đã biết, chỉ khi nào anh chị em tiến lên tới đỉnh điểm anh chị em mới có được cái nhìn tuyệt vời nhất; chỉ tới lúc ấy, anh chị em mới nhận thấy rằng anh chị em không có được cái nhìn ấy nếu không theo con đường đi lên này.

Như trường hợp ở những ngọn núi, chúng ta không thể leo trèo một cách ngon lành nếu chúng ta còn đeo theo những túi bị nặng nề, cũng thế ở trong cuộc sống, bản thân chúng ta cần phải gạt thoát khỏi những gì là vô bổ. Đó cũng là bí quyết của sứ vụ truyền giáo: để lên đường, anh chị em cần phải bỏ lại một cái gì đó sau lưng, để loan báo, anh chị em trước hết cần phải từ bỏ. Việc loan báo khả tín không được thực hiện bằng những lời lẽ mỹ miều, mà là bằng một đời sống gương mẫu: một đời sống phục vụ có khả năng loại trừ tất cả những thứ vật chất làm co cụm tâm can và làm cho con người trở thành lãnh đạm và hướng nội; một đời sống từ bỏ những gì là vô dụng làm tâm can bị vướng víu trong việc tìm giờ cho Thiên Chúa và người khác. Chúng ta có thể tự vấn xem tôi đang thực hiện ra sao trong nỗ lực đi lên đây? Tôi có thể loại bỏ đi thứ hành lý trần tục nặng nề và vô bổ để leo lên núi của Chúa hay chăng? Cuộc hành trình của tôi là một cuộc hành trình hướng lên hay là một cuộc hành trình hướng về trần tục?

Nếu ngọn núi là những gì nhắc nhở chúng ta về những gì đáng kể - đó là Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta - và nếu động từ đi lên nói với chúng ta làm sao để lên tới đó, thì chữ thứ ba thậm chí còn quan trọng hơn cho việc cử hành hôm nay đây. Đó là tĩnh từ tất cả, một tĩnh từ liên lỉ tái hiện ở các bài đọc chúng ta đã nghe: "tất cả mọi dân nước" (Is 2:2); "tất cả mọi dân nước", chúng ta lập lại ở bài Đáp Ca; Thiên Chúa muốn "tất cả mọi người được cứu độ" (1Tim 2:4); "Hãy đi tuyển mộ môn đệ ở tất cả mọi dân nước" (Mt 28:19), như Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm. Chúa có ý lập lại chữ tất cả này. Người biết rằng chúng ta luôn luôn sử dụng những chữ "của tôi" và "của chúng tôi": những gì của tôi, dân tộc của chúng tôi, cộng đồng của chúng tôi.... Thế nhưng Người liên lỉ sử dụng chữ tất cả. Tất cả, vì không ai bị loại trừ ra khỏi cõi lòng của Người, khỏi ơn cứu độ của Người; tất cả, nhờ đó tâm can của chúng ta mới có thể vượt ra ngoài những giới tuyến nhân bản và chủ nghĩa cách biệt theo chiều hướng qui kỷ không hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Tất cả, vì hết mọi người đều là một kho tàng quí báu, và ý nghĩa của đời sống chỉ được tìm thấy nơi việc cống hiến kho tàng này cho người khác. Đó là sứ vụ truyền giáo của chúng ta, ở chỗ lên núi cầu nguyện cho hết mọi người và xuống núi làm tặng ân cho tất cả mọi người.

Việc đi lênviệc đi xuống: Bởi thế, Kitô hữu bao giờ cũng vận chuyển, theo chiều hướng ngoại. Hãy đi thực sự là lệnh truyền của Chúa Giêsu trong Phúc Âm. Chúng ta gặp gỡ nhiều người hằng ngày, thế nhưng - chúng ta có thể hỏi - chúng ta có thực sự gặp gỡ người chúng ta gặp mặt hay chăng? Chúng ta có chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu, hay chỉ đi lo chuyện của chúng ta thôi? Hết mọi người mong đợi nhiều sự từ kẻ khác, thế nhưng Kitô hữu lại đi cho người khác. Việc làm chứng cho Chúa Giêsu không bao giờ lại muốn mình được người khác ve vuốt, trái lại, là việc yêu thương những ai thậm chí chưa nhận biết Chúa. Những ai làm chứng cho Chúa Giêsu thì vươn đến với tất cả mọi người, chứ không phải đến với những ai quen thuộc của mình hay với cái nhóm nhỏ của mình. Chúa Giêsu cũng nói với anh chị em rằng: "Hãy đi, đừng bỏ lỡ cơ hội làm chứng cho Thày!" Anh chị em ơi, Chúa mong muốn thấy từ nơi anh chị em một chứng từ, đó là không một ai có thể thua kém vị thế của anh chị em. "Chớ gì anh chị em nhận ra ý nghĩa của lời này, nhận ra sứ điệp của Chúa Giêsu mà Thiên Chúa muốn nói với thể giới bằng đời sống của anh chị em... kẻo anh chị em bất thành tựu sứ vụ truyền giáo quí báu của anh chị em" (Gaudete et Exsultate, 24).

Đâu là những hướng dẫn Chúa cống hiến cho chúng ta trong việc tiến đến với người khác? Chỉ có một điều và là một điều rất đơn giản, đó là tuyển mộ các môn đồ. Thế nhưng, hãy coi chừng nhé, các môn đồ của Người chứ không phải của chúng ta. Giáo Hội loan truyền Phúc Âm một cách tốt đẹp chỉ khi nào Giáo Hội sống đời sống của một người môn đệ. Người môn đệ theo Vị Sư Phụ hằng ngày và chia sẻ niềm vui của vai trò làm môn đệ với người khác. Không phải bằng việc thắng thế, phục lệnh, dụ giáo, mà là bằng chứng từ, tự hạ cùng với các môn đệ khác, và yêu thương cống hiến một thứ tình yêu chính chúng ta đã lãnh nhận. Đây là sứ vụ của chúng ta, ở chỗ cống hiến bầu khí tinh tuyền và tươi mới cho những ai trầm mình trong bầu khí độc hại của thế giới chúng ta; ở chỗ mang đến cho trái đất thứ bình an làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui, bất cứ khi nào chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu ở trên núi cầu nguyện; ở chỗ chứng tỏ bằng đời sống của chúng ta, có lẽ thậm chí bằng ngôn từ của chúng ta, là Thiên Chúa yêu thương hết mọi người và không bao giờ mệt mởi bởi một người nào đó.

Anh chị em thân mến, mỗi người chúng ta có và là "một sứ vụ trên trái đất này" (Evangelii Gaudium, 273). Chúng ta ở nơi đây để làm chứng, chúc phúc, an ủi, nâng lên, và chiếu tỏa vẻ đẹp của Chúa Giêsu. Hãy can đảm lên! Chúa Giêsu mong đợi rất nhiều nơi anh chị em! Chúng ta có thể nói rằng Chúa đang "quan tâm" đến những ai chưa biết rằng họ là con cái dấu yêu của Cha, là những người anh chị em được Người hiến mạng sống mình và sai Thánh Thần xuống. Anh chị em có muốn dập tắt mối quan tâm của Chúa Giêsu hay chăng? Anh chị em hãy ra đi và cho mọi người thấy được yêu thương, vì đời sống của anh chị em là một sứ vụ quí báu: Nó không phải là một gánh nặng cần phải mang vác, mà là một tặng ân để cống hiến. Hãy can đảm lên, chúng ta hãy hiên ngang tiến với tất cả mọi người!

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2019/documents/papa-francesco_20191020_omelia-giornatamissionaria.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu