GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2019

 

 

ĐTC Phanxicô - Giảng Lễ Cầu Hồn cho Các Vị Hồng Y và Giám Mục qua đời trong năm

 

Thứ Hai ngày 4/11/2019 ở Đền Thờ Thánh Phêrô

 

1572864703745.JPG

 

Các bài đọc chúng ta vừa nghe nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta vào trần gian này là để được phục sinh, ở chỗ chúng ta không được sinh ra để chết mà là để phục sinh. Thật vậy, trong Bài Đọc thứ 2, Thánh Phaolô viết, thậm chí cho tới nay "vai trò công dân của chúng ta ở trên trời" (Philiphe 3:20), và như Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm, chúng ta sẽ được phục sinh vào ngày sau hết (xem Gioan 6:40). Cũng nhờ ý nghĩ về sự phục sinh mà Giuđa Maccabê trong bài đọc 1 mới "có hành động rất tốt lành và cao cả" (2 Maccabê 12:43). Ngày nay chúng ta cũng hãy tự vấn xem ý nghĩ về sự phục sinh gợi lên cho tôi những gì? Tôi đáp ứng ơn gọi sống lại của tôi ra sao?

 

Điều có thể giúp chúng ta đầu tiên xuất phát từ Chúa Giêsu, Đấng trong bài Phúc Âm hôm nay phán: "Kẻ nào đến với Tôi, Tôi sẽ không xua đuổi họ" (Gioan 6:37). Đó là lời mời gọi của Người: "Hãy đến với Tôi" (xem Mathêu 11:28). Đến với Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, để được chủng ngừa sự chết, ngừa nỗi sợ hãi là tất cả mọi sự sẽ tận kết. Đến cùng Chúa Giêsu dường như là một lời huấn dụ hạ thấp và chung chung về tinh thần. Thế nhưng, chúng ta hãy thử làm cho nó thành cụ thể, bằng cách tự vấn như thế này: Hôm nay, trong các việc thực hành trong tầm tay của mình ở văn phòng, tôi có tiến đến với Chúa hay chăng? Tôi có bất cứ lý do nào để đối thoại với Người hay chăng? Nơi dân chúng tôi gặp tôi có bao gồm cả Chúa Giêsu hay chăng, tôi có mang họ đến với Người bằng lời cầu nguyện hay chăng? Hay tôi đã làm hết mọi sự theo ý nghĩ của tôi, chỉ hoan hỉ nơi những gì tốt đẹp đối với tôi, và phàn nàn trách móc những gì phạm đến tôi? Tóm lại, tôi có sống bằng việc đến với Chúa hay chăng, hay cứ quanh quẩn với bản thân mình thôi? Đâu là định hướng của hành trình tôi đi? Tôi chỉ cố gắng tạo ấn tượng tốt, cố gắng bảo toàn vai trò của tôi, thời gian của tôi và không gian của tôi, hay là tôi đến với Chúa?

Câu Chúa Giêsu nói là một câu nói rắc rối: ai đến với Tôi, Tôi sẽ không loại trừ họ. Câu này như thể bao gồm việc loại trừ được báo trước cho Kitô hữu nào không đến với Người. Vì những ai tin tưởng thì không có vấn đề nửa vời: người ta không thể thuộc về Chúa Giêsu mà lại cứ luẩn quẩn với bản thân mình. Ai thuộc về Chúa Giêsu thì sống vươn ra về phía Người.

Đời sống tất cả là một lối ra (exit): từ bụng mẹ ra ánh sáng, từ thuở nhỏ đến thanh thiếu niên, từ thanh thiếu niên tới đời sống trưởng thành, cứ thế, cho đến lúc ra khỏi trần gian này. Hôm nay, trong khi chúng ta đang cầu nguyện cho quí huynh Hồng Y và Giám Mục của chúng ta, những vị đã ra khỏi đời này để đi gặp Đấng Phục Sinh, chúng ta không thể quên được lối ra (exit) quan trọng nhất và khó khăn nhất, một lối ra mang lại ý nghĩa cho tất cả các lối ra khác, đó là lối ra khỏi bản thân mình. Chỉ khi nào ra khỏi bản thân mình chúng ta mới mở cánh cửa dẫn đến với Chúa. Chúng ta hãy xin ơn này: "Lạy Chúa, con muốn đến với Chúa, qua những con đường và hết mọi liên hệ. Xin hãy giúp con ra khỏi bản thân mình để đến với Chúa là sự sống".

Tôi muốn nêu lên ý nghĩ thứ hai, liên quan đến phục sinh, từ bài đọc thứ nhất, từ cử chỉ cao quí của Giuđa Maccabê đối với người chết. Khi làm như thế, thì Sách Thánh viết: "ông nghĩ đến phần thưởng rất tốt đẹp dành cho những người đã an nghỉ trong tinh thần đạo đức". Tức là các cảm thức đạo đức phát sinh ra các phần thương rất tốt đẹp. Lòng đạo đức hướng về người khác là những gì mở ra các cánh cửa của cõi vĩnh hằng. Việc cúi mình xuống trên thành phần nghèo khó để phục vụ họ là thực hiện một căn phòng ngoài cho thiên đàng. Nếu thực sự như Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng "đức ái thì không bao giờ cùng" (1Cor 13:8), thì nó chính là cây cầu nối liền từ đất lên Trời. Bởi thế, chúng ta có thể tự vấn xem chúng ta có đang tiến triển trên chiếc cầu này hay chăng: Tôi có để cho bản thân tôi chuyển động trước tình trạng của một ai đó đang thiếu thốn nghèo khổ hay chăng? Tôi có khóc với những ai đau khổ hay chăng? Tôi có cầu nguyện cho những ai không được ai nghĩ tới hay chăng? Tôi có giúp đỡ ai đó không có gì trả lại cho tôi hay chăng? Nó không phải chỉ là vấn đề làm lành, là đức ái tốt đẹp; chúng là các vấn đề của đời sống, các vấn đề của phục sinh.

Sau hết là thứ kích tố thứ ba liên quan đến phục sinh. Tôi lấy từ Cuốn Linh Thao, theo gợi ý của Thánh Ignatio, trước khi thực hiện một quyết định quan trọng, hãy tưởng tượng mình ở trước nhan Thiên Chúa vào lúc cuối đời. Đó là tiếng gọi ra trước tòa Chúa bất khả trì hoãn, điểm tới của hết mọi người, của tất cả chúng ta. Vậy thì hết mọi sự chọn lựa của đời sống hướng về viễn tượng ấy đều là những chọn lựa có định hướng tốt đẹp, vì nó gần gũi hơn với một sự phục sinh là ý nghĩa và là mục đích của đời sống. Như việc lên đường được tính từ đích điểm, như việc gieo vãi được cứu xét theo mùa gặt thế nào, thì đời sống cũng được phân định tốt đẹp từ cùng đích của nó, từ cùng đích của nó như vậy. Thánh Ignatio viết: "Bằng việc lưu ý tới lúc tôi sẽ xuất hiện trong ngày thẩm phán ra sao, để suy nghĩ như thể tôi đã quyết định vào lúc bấy giờ về điều hiện tại; và qui tắc tôi muốn tuân giữ vào lúc ấy thì hãy thực hiện nó vào lúc này đây" (Spiritual Exercises, 187). Việc nhìn xem thực tại bằng con mắt của Chúa, chứ không phải chỉ bằng con mắt của chúng ta có thể là một thực hành hữu ích; hãy có một cái nhìn dự phóng về tương lai, về sự phục sinh, chứ đừng chỉ về hiện tại là những gì đang qua đi; hãy thực hiện những chọn lựa hướng về vĩnh hằng, mang mùi vị yêu thương.

Tôi có xuất thân đến với Chúa hằng ngày hay chăng? Tôi có những cảm tình và tác hành thương xót đối với những người thiếu thốn nghèo khổ hay chăng? Tôi có thực hiện các quyết định quan trọng trước nhan Thiên Chúa hay chăng? Chúng ta cần phải được khơi động bởi ít là một trong 3 kích tố này. Chúng ta sẽ hòa hợp với ước muốn của Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay, đó là những gì Cha đã ban cho Người thì Người không làm mất một sự gì (xem Gioan 6:39). Trong nhiều tiếng nói của thế giới này đang làm cho chúng ta đánh mất đi ý nghĩa của cuộc sống, chúng ta hãy hòa hợp với ý muốn của Chúa Giêsu, Đấng đã phục sinh và đang sống: chúng ta sẽ làm cho ngày chúng ta đang sống hôm nay trở thành rạng đông của sự phục sinh.

 

https://zenit.org/articles/holy-father-presides-over-mass-in-memory-of-deceased-cardinals-and-bishops-during-the-year/

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu