SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chúa Nhật
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Xh 17, 8-13
"Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, người Amalec đến giao chiến với Israel tại Raphiđim, Ông Môsê nói với ông Giosuê rằng: "Ngươi hãy tuyển lựa các chiến sĩ ra chiến đấu với người Amalec: ngày mai tôi sẽ cầm gậy Thiên Chúa trong tay lên đứng trên đỉnh núi". Ông Giosuê thực hiện như lời ông Môsê đã dạy, và ra chiến đấu với người Amalec. Còn ông Môsê, Aaron và Hur thì đi lên đỉnh núi. Khi ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế. Bấy giờ tay ông Môsê mỏi mệt, người ta liền khiêng tảng đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Hur thì nâng đỡ hai tay ông. Bởi đó hai tay ông không còn mỏi mệt cho đến khi mặt trời lặn. Ông Giosuê dùng lưỡi gươm đánh đuổi người Amalec và quân dân nó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 120, 1-2. 3-4. 5-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất (c. 2).
Xướng: 1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất. - Ðáp.
2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té; Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say. - Ðáp.
3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm. - Ðáp.
4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Tm 3, 14 - 4, 2
"Người của Thiên Chúa được hoàn hảo, để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín, vì con biết con đã học cùng ai, vì từ bé, con đã học biết Sách Thánh, và chính Sách Thánh đã dạy con sự khôn ngoan để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Tất cả Kinh Thánh đã được Chúa linh hứng, đều hữu ích để giảng dạy, biện bác, sửa dạy và giáo dục trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn hảo để sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.
Cha khuyến cáo con trước tôn nhan Thiên Chúa và Ðức Kitô, Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết, nhân danh cuộc xuất hiện của chính Người và vương quốc của Người: Con hãy rao giảng lời Phúc Âm, hãy xúc tiến việc đó, dầu thời thế thuận lợi hay không thuận lợi; hãy thuyết phục, hãy khiển trách, hãy khuyên lơn với tất cả lòng kiên nhẫn và quan tâm giáo huấn.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 18, 1-8
"Thiên Chúa sẽ minh xử cho những kẻ người tuyển chọn hằng kêu cứu với Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng, mà rằng: "Trong thành kia, có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa, cũng không kiêng nể người ta. Trong thành đó lại có một bà goá đến thưa ông ấy rằng: 'Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù'. Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng: 'Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, nhưng vì bà goá này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc'".
Rồi Chúa phán: "Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương nói đó. Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Người tuyển chọn, hằng kêu cứu với Người đêm ngày, mà khoan giãn với họ mãi sao? Thầy bảo các con, Chúa sẽ kíp giải oan cho họ. Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?"
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Chủ đề của Chúa Nhật XXVIII Thường Niên Năm C thoạt tiên cứ tưởng là vấn đề cầu nguyện, nhưng thật ra lại tiếp tục vấn đề đức tin. Thật vậy, căn cứ vào Phụng Vụ Lời Chúa nói chung, cách riêng là bài Phúc Âm và Bài Đọc 1 thì việc cầu nguyện hiện lên rõ ràng. Nếu trong bài Phúc Âm, Thánh Ký Luca đã ghi nhận ngay ở đầu bài về vấn đề cầu nguyện như thế này: "Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng...", thì trong Bài Đọc 1, sách Xuất Hành cũng cho chúng ta thấy hình ảnh một "ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng trận, còn khi ông hạ tay xuống một chút, thì người Amalec thắng thế".
Tuy nhiên, cầu nguyện là tác động của đức tin. Nếu không tin tưởng chắc chắn người ta sẽ không cầu nguyện. Không phải hay sao, ngay chi tiết "Chúa Giêsu... dạy các ông phải cầu nguyện luôn, đừng ngã lòng" đã cho thấy muốn cầu nguyện phải có đức tin, phải tin tưởng, chứ "đừng ngã lòng". Nhân vật Moisen cũng vậy, nếu không tin vào quyền năng của Thiên Chúa là Đấng có thể cứu dân mình cho khỏi lực lượng dân địa phương Amalech quen thuộc địa giới tấn công, bằng không dân Do Thái của ông chỉ có từ chết đến bị thương, vì bấy giờ dân này mới là một thứ dân du mục, đang hành trình trong sa mạc, không có quân hùng tướng mạnh, không được huấn luyện gì về chiến đấu. Đức tin của Moisen đại diện cho dân Do Thái đang cầm cự bấy giờ được tỏ hiện nơi việc ông kiên trì qua cử chỉ cầu nguyện là giang tay ra ở trên núi, vì núi ám chỉ Đấng Tối Cao, nơi Moisen hay lên gặp Thiên Chúa.
Chưa hết, ở cuối cùng bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn cảnh báo cho các môn đệ của Người về đức tin, chứ không phải về cầu nguyện, như sau: "Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" Đến đây chúng ta mới hiểu được tất cả ý nghĩa sâu xa và chiều hướng thực sự của phụng vụ Lời Chúa hôm nay, liên quan đặc biệt đến bài Phúc Âm và Bài Đọc 2.
Đúng thế, vì Chúa Nhật này là Chúa Nhật thứ XXIX Thường Niên, tức đã gần đến cuối phụng niên, đến tuần Thứ XXXIV Thường Niên, tuần lễ mở đầu bằng Lễ Chúa Kitô Vua, nên Giáo Hội bắt đầu chọn đọc các bài Phúc Âm liên quan đến tận thế, đến ngày cùng tháng tận, đến thời điểm sau hết của Mầu Nhiệm Cánh Chung, đến sự kiện Chúa Kitô đến lần thứ 2. Bộ Phúc Âm Nhất Lãm cũng thế, càng về cuối của cuộc hành trình Giêrusalem của Chúa Kitô, tức càng gần đến biến cố Vượt Qua của Chúa Kitô, các vị Thánh ký càng ghi lại những trình thuật liên quan đến tận thế.
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm C theo Thánh ký Luca hôm nay là một điển hình, như một dạo khúc mở màn, ở ngay câu kết thúc bài Phúc Âm: "Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa chăng?" Và đó là lý do "khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn...", liên quan đến vấn đề vô cùng quan trọng cho hành trình đức tin của Kitô hữu trên đời này, bằng không, tất cả cuộc sống đạo chỉ là vô nghĩa, nếu không muốn nói là cuồng tìn và vô vọng: "Chúa sẽ kíp giải oan".
Không phải hay sao, nếu không có biến cố chung thẩm, hay nếu Chúa Kitô không đến lần thứ hai "để phán xét kẻ sống và kẻ chết", như Kitô hữu Công giáo hằng tuyên xưng trong Kinh Tin Kính vào mỗi Chúa Nhật hay lễ trọng trong năm, thì thành phần hèn mọn nhất của Chúa Kitô (xem Mathêu 25:40,42), thành phần bị đàn áp, bóc lột, loại trừ, bỏ rơi, coi thường v.v. sẽ là những con người khốn nạn nhất, "thà đừng sinh ra còn hơn" (Mathêu 26:24).
Tác giả Thư gửi giáo đoàn Do Thái đã xác tín và khẳng định rất rõ ràng về mục đích của sự kiện bất khả tránh đó là biến cố Chúa Kitô tái giáng, rằng: "Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xoá bỏ tội lỗi muôn người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, nhưng lần này không phải để xoá bỏ tội lỗi, mà để cứu độ những ai trông đợi Người" (Do Thái 9:28). Chính vì thế, trong cuộc chung thẩm và bằng cuộc chung thẩm, "lúc Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người" (Mathêu 25:31-32), chính là lúc "Chúa sẽ kíp giải oan" cho những ai không "ngã lòng", nghĩa là Thiên Chúa, qua Chúa Kitô tái giáng, "mang ơn cứu độ đến cho những ai trông đợi Người".
Theo chiều hướng tin tưởng của bài Phúc Âm, vị tông đồ dân ngoại Phaolô, trong Thư gửi người môn đệ Timôthêu của mình, ở Bài Đọc thứ 2 hôm nay, đã khuyên dạy rằng: "Con hãy bền vững trong các điều con đã học hỏi và xác tín... để con được cứu rỗi nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô... Ðấng sẽ thẩm phán kẻ sống và kẻ chết". "Kẻ sống" đây phải chăng chính là thành phần "chiên bên phải" (Mathêu 25:33) hiền lành dễ "bị mang đi sát tế" (Isaia 53:7) như chính "Chiên Thiên Chúa" (Gioan 1:29,36)!?
Thành phần khốn khổ trên trần gian này thường là thành phần, nhờ thân phận khốn cùng của mình, dễ tin tưởng vào Thiên Chúa hơn, như hình ảnh một Lazarô trong Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm C trước đây, và tâm trạng càng khốn khổ càng tin tưởng vào Đấng duy nhất có thể cứu độ họ, được chất chứa trong Thánh Vịnh 120 (1-8) được Giáo Hội trích lại cho Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Tôi ngước mắt nhìn lên đỉnh núi cao, ơn phù trợ cho tôi sẽ từ đâu ban tới? Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất.
2) Người chẳng để cho chân ngươi xiêu té; Ðấng bảo vệ ngươi, Người chẳng có ngủ say. Kìa Ðấng bảo vệ Israel, Người không thiếp giấc, không ngủ say.
3) Chúa sẽ bảo vệ thân ngươi, Chúa là Ðấng che chở ngươi ở bên tay hữu. Mặt trời sẽ không hại ngươi lúc ban ngày, và mặt trăng cũng chẳng hại ngươi về ban đêm.
4) Chúa sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi điều tai biến; Người sẽ bảo vệ linh hồn ngươi. Chúa sẽ bảo vệ ngươi khi đi và khi tới, ngay tự bây giờ và cho đến muôn đời.
Thứ Hai
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 20-25
"Có lời đã chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, -- vì ông đã gần trăm tuổi, -- và tuổi già tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại, ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, "việc đó đã được kể cho ông là sự công chính".
Và khi chép rằng "Ðã được kể cho ông", thì không phải chỉ chép vì ông mà thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống lại để chúng ta được công chính hoá.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72. 73-75
Ðáp: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người (c. 68).
Xướng: 1) Chúa đã gầy dựng cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. - Ðáp.
2) Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người. - Ðáp.
3) Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các ngươi?" Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Người lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Đồ ngu...
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên, là bài Phúc Âm tiếp ngay sau bài Phúc Âm của Thứ Bảy tuần trước, và cả 2 bài Phúc Âm, cùng với Bài Đọc 1 của từng ngày, đều nhắm đến vấn đề người công chính sống bởi đức tin.
Thật vậy, chính đức tin mới chứng tỏ ai là người công chính và ai là người không công chính hay chưa công chính. Mà đức tin không thể tách rời với thử thách, tức những thử thách liên quan tới bản tính tự nhiên, tới giác quan thực nghiệm, tới ý nghĩ phàm nhân cho dù là hợp lý, tới ý muốn tự do cho dù là tốt lành v.v.
Bởi thế ai công chính là người như nhìn thấy Đấng vô hình, là người đi mà không biết mình đi đâu ngoài những nơi được hứa hẹn song chưa bao giờ tới, là người hy vọng trong cả những lúc hầu như tuyệt vọng v.v. Như trường hợp của vị tổ phụ Abraham là nhân vật được gọi là cha của những kẻ tin, như Thánh Phaolô Tông Đồ cho thấy trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Anh em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc
dầu ông nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, -- vì ông đã gần trăm tuổi, --
và tuổi già tàn tạ
của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại,
ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa
có quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, 'việc đó đã được kể cho
ông là sự công chính'".
Đức tin đây không phải chỉ áp dụng cho riêng tổ phụ Abraham mà cho tất cả những ai tin tưởng như ông, tin tưởng vào Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất, Vị Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho tổ phụ Abraham bằng lời hứa của Ngài, một lời hứa đã được hiện thực nơi Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô Thiên Sai Cứu Thế. Bởi thế, Thánh Phaolô Tông Đồ đã viết thêm cho Kitô hữu thuộc Giáo đoàn Rôma như sau:
"Và khi chép rằng 'đã được kể cho ông', thì không phải chỉ chép vì ông mà
thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và
đã sống lại để chúng ta được công chính hoá".
Đề tài người công chính sống bởi đức tin cũng được chính Chúa Giêsu áp
dụng trong bài Phúc Âm hôm nay, qua dụ ngôn Người huấn
dụ về khuynh hướng tự nhiên
nơi con người thường tham lam vô đáy và
chỉ muốn hưởng
thụ tối đa, chẳng biết đến yêu thương bác ái là gì, đến
nỗi họ chỉ biết
có thiên đường trần gian mà quên mất linh hồn bất tử đời
sau của mình:
"Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: 'Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?' Ðoạn người ấy nói: 'Tôi sẽ làm thế này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: Hỡi linh hồn, ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui chơi đi!' Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: 'Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?' Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa, thì cũng vậy".
"Nếu được lợi lãi cả và thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì" (xem Mathêu 16:26) thì quả thật: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?". Đó là lý do Chúa Giêsu đã cảnh giác "người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: 'Lạy Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi'" rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình cho khỏi mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
Ở đây, Chúa Giêsu chẳng những cảnh báo cho người anh tham lam không chịu chia gia tài cho người em mà còn cảnh giác cả người em bị thiệt phần gia tài bị anh lấy mất nữa. Như thể Người khuyên người em rằng có lấy được phần gia tài của mình chăng nữa cũng chẳng ích lợi gì, cũng không quan trọng bằng phần rỗi đời đời của anh ta, đôi khi còn vì của cải mà mất linh hồn nữa. Trái lại, anh ta có thể lợi dụng chính những bất công và thua thiệt về vật chất ấy để sống đức tin, để sống nghèo khổ, để sống thiếu thốn, nhờ đó anh ta mới có thể càng thêm lòng trông cậy mọi sự nơi Đấng Quan Phòng Thần Linh.
Bài Đáp Ca hôm nay được trích từ Ca Vịnh của Tư Tế Giacaria, thân phụ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, bài ca vịnh được ông bộc phát sau một thời gian dài câm lặng, bởi ông đã tỏ ra hồ nghi không tin lời tiên báo của Tổng Thần Gabiên về việc người vợ son sẻ hết thời của ông sẽ hạ sinh một người con trai (xem Luca 1:18-20), cũng như sau khi người con trai "là tiếng kêu trong sa mạc" của ông vừa mở mắt chào đời và đang cần đặt tên cho.
Nội dung của Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa ý thức đức tin về một Vị Thiên Chúa giao ước cũng chính là Vị Thiên Chúa cứu độ của thành phần công chính sống bởi đức tin:
1) Chúa đã gầy dựng cho
chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã
phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa.
2) Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người.
3) Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi.
Thứ Ba
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 5, 12. 15b. 17-19. 20b-21
"Nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một Người".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Ðức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô.
Do đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế.
Nhưng ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17
Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.
2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 35-38
"Phúc cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy tớ ấy".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Chủ mà cũng không có chìa khóa vào nhà... phải gõ cửa chờ mở ra cho
Trong Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần XXIX Thường Niên hôm nay Chúa Giêsu cho chúng ta thấy hình ảnh sống động về một con người công chính sống bởi đức tin như thế nào, qua những gì Người nói với các môn đệ của Người sau đây:
"Các con hãy thắt lưng, hãy cầm đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như
người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ về gõ cửa, thì mở ngay cho
chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức. Thầy bảo thật
các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng. Nếu
canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì phúc cho các đầy
tớ ấy".
Người công chính sống bởi đức tin ở đây, theo lời Chúa dạy trong Bài Phúc Âm hôm nay, trước hết và trên hết, đó là một con người luôn có thái độ "tỉnh thức", bằng cách "thắt lưng" (hy sinh, bỏ mình, làm chủ bản thân) và "cầm đèn cháy sáng trong tay" (cây đèn đức tin cháy lửa đức mến bằng dầu đức cậy), nhờ đó, họ mới có thể tiếp nhận chủ của họ khi người chủ của họ "đi ăn cưới về".
Kinh nghiệm sống đạo cho thấy một khi Kitô hữu sống buông thả theo bản tính tự nhiên, không khổ chế, không hãm mình, không "thắt lưng", thì hậu quả bất khả tránh đó là ngọn đèn đức tin của họ không thể hay khó lòng cháy sáng được, vì ngọn đèn này bị đam mê nhục dục và tính mê nết xấu của họ dập tắt mất bằng đủ mọi thứ tội lỗi của họ.
Về thời giờ chủ của họ trở về mà họ không "tỉnh thức" không thể đón nhận Người, là vì thời giờ ấy không dễ đoán trước hay ngay giữa ban ngày, song vào "canh hai hoặc canh ba", (nghĩa là vào khoảng "nửa đêm" như trong dụ ngôn 10 trinh nữ - Mathêu 25:6 - "canh hai" từ 9 giờ tối tới nửa đêm "hay canh ba" từ nửa đêm tới 3 giờ sáng), một thời giờ vừa đêm tối về thời gian vừa buồn ngủ về nhân gian.
Thời điểm được Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người phải "tỉnh thức" trong bài Phúc Âm hôm nay đây có thể hiểu về thời điểm Người tái giáng, Người đến lần thứ hai, thời điểm Người "ăn cưới về", nghĩa là thời điểm xẩy ra sau khi Người nhập thể (để hiệp nhất nên một với nhân loại nơi ngôi vị hai bản tính của Người) cũng như sau khi Người cứu thế (nhờ đó đã phát sinh ra một Nhiệm Thể Giáo Hội hiền thê của Người trên cây Thánh Giá).
Nếu "những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức" để có thể nghênh đón Người và tiếp nhận Người như Người mong muốn, nghĩa là họ còn nhận biết Người, như Người tỏ mình ra cho họ, thì phúc cho họ, bởi vì họ chẳng những gặp lại Người, mà nhất là còn được hiệp nhất nên một với Người, "được thông phần với Thày" (Gioan 13: 8), đến độ: "chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ chúng", như Người cũng đã thực sự thắt lưng và hạ mình xuống rửa chân cho mỗi và mọi tông đồ trong Bữa Tiệc Ly ngày xưa (xem Gioan 13:4-5), nghĩa là được Người "yêu cho tới cùng" (Gioan 13:1) để nhờ đó các môn đệ của Người có thể sinh muôn vàn hoa trái trong họ và qua họ.
Nguyên việc chính chủ cũng không có chìa khóa mà phải "gõ cửa" để đầy tớ của mình mở cửa cho mà vào trong nhà, hay cho dù chủ có chìa khóa chăng nữa mà cũng không tự động mở vào, đã cho thấy người chủ này rất tôn trọng đầy tớ của mình, và hoàn toàn tin tưởng đầy tớ của mình. Đến độ, có thể nói, ông đã cho đầy tớ được quyền làm chủ, thay ông làm chủ trong thời gian ông đi vắng. Phải chăng ở đây bao gồm cả ý nghĩa quyền bính của riêng vị lãnh đạo Phêrô và các vị thừa kế ngài là các vị giáo hoàng trong giòng thời gian được trao cho "chìa khóa Nước Trời" (Mathêu 16:19), cũng như của chung các tông đồ và các vị giám mục thừa kế các ngài trong việc đóng mở (Mathêu 18:18).
Thật vậy, "chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại hầu hạ" "những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức", thành phần đầy tớ làm công cho chủ, hoàn toàn không xứng đáng được chủ yêu thương quá như vậy, bởi thân phận của họ chẳng những không ngang hàng với chủ như bạn hữu hay thân nhân ruột thịt, mà còn là một tạo vật tội lỗi xấu xa vô cùng hèn hạ trước nhan Người là Thiên Chúa của họ nữa.
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao Chúa thích tới vào lúc đen tối ("canh hai hoặc canh ba"), mà đen tối ám chỉ ma quỉ, gian dối, chết chóc? Trước hết, Chúa không thích đêm tối, một tình trạng chỉ ở nơi loài tạo vật bất toàn, nhất là nơi thành phần hư đi, bao gồm cả thiên thần sa đọa và loài người, Ngài không thích những gì là gian ác, dối trá, phản lại với bản tính chân thật và toàn thiện của Ngài.
Bởi vậy, sở dĩ Chúa hay đến vào lúc đêm tối là vì để cứu độ con người cho khỏi "quyền lực tối tăm" (Colose 1:13) là tội lỗi và sự chết, bởi "con người thích tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19), thích đường rộng hơn vào cửa hẹp (xem Mathêu 7:13-14), thích sống theo bản tính tự nhiên buông thả hơn là "thắt lưng" hy sinh hãm mình khổ chế, không dám chấp nhận ánh sáng là tất cả sự thật về mình, không sống theo đức tin như "cầm đèn sáng trong tay".
Như thế, bất cứ khi nào cuộc đời của Kitô hữu cảm thấy tăm tối nhất, khốn khổ nhất, gian nan nhất, hầu như chẳng còn lối thoát, trước mắt chỉ còn tuyệt vọng, thì chính bấy giờ lại là lúc rất thích thuận để "Thiên Chúa là ánh sáng" (1Gioan 1:5) tỏ mình ra, miễn là Kitô hữu biết mình hoàn toàn bất lực, chẳng còn biết trông cậy vào ai, ngoài một mình Đấng Tối Cao có thể cứu mình.
Đó là lý do, ơn cứu độ không phải do công nghiệp của con người, của thành phần đầy tớ, mà do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, do ân sủng của Ngài nơi Đức Giêsu Kitô Thiên Sai Cứu Thế, đến độ tội lỗi của con người càng tràn lan thì ân phúc của Ngài càng ngập lụt, càng bao phủ tội lội, càng nhận chìm tội lỗi, đúng như cảm nhận và xác tín của Thánh Phaolô Tông Đồ trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay:
"Nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Ðức Giêsu Kitô, càng tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giêsu Kitô... Ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng dồi dào dư dật ân sủng: để như tội lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cũng như vậy".
Bài Đáp Ca hôm nay chất chứa những nhận thức và tâm tình của một con người sống bởi đức tin ở chỗ dấn thân thực thi ý muốn tối cao của Vị Thiên Chúa công minh và từ bi nhân ái, để tình yêu và ân sủng của Ngài càng được tràn lan viên mãn:
1) Hy sinh và lễ vật thì
Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu
và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".
2) Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.
3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài.
Thứ Tư
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 12-18
"Anh em hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ cõi chết sống lại".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, nguyện cho tội lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các chi thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi, nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ trong cõi chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm khí giới đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng.
Thế nghĩa là gì? Nào chúng ta cứ phạm tội đi, vì chúng ta không ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng ư? Không phải thế! Chớ thì anh em chẳng biết rằng: hễ anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 123, 1-3. 4-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa (c. 8a).
Xướng: 1) Nếu như Chúa không che chở chúng tôi, - Israel hãy xướng (lên) - nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi. - Ðáp.
2) Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Ngài đã không để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng. - Ðáp.
3) Hồn chúng tôi như cánh chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất! - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 39-48
"Người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Phêrô thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung. Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Bao giờ "Con Người sẽ đến"? - Phải chăng không bao giờ vào lúc chúng ta tỉnh thức mà là vô thức?!
Hôm nay, Thứ Tư Tuần XXIX Thường Niên, bài Phúc Âm được Thánh ký Luca ghi lại tiếp theo bài Phúc Âm hôm qua về lời Chúa Kitô khuyên các môn đệ của Người "tỉnh thức" chờ Người đến.
Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Kitô nói cho các môn đệ của Người biết lý do tại sao các vị cần phải "tỉnh thức": "Các con hãy hiểu biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Đúng thế, chính vì không biết giờ nào "Con Người sẽ đến" mà thành phần môn đệ của Chúa Kitô mới cần phải đợi chờ, mới cần phải nhẫn nại, mới cần phải trông mong. Đời sống trần gian của Kitô hữu quả thực là một mùa vọng, mùa đợi trông ơn cứu chuộc, dù đã được cứu chuộc, nơi Phép Rửa, nhưng lại là một ơn cứu chuộc cần phải bền đỗ đến cùng nữa (xem Mathêu 24:13) mới được, mới hoàn thành, mới nên trọn.
Chính vì thế mà trong Mùa Vọng đợi trông của cuộc đời người Kitô hữu như thế, thành phần môn đệ của Chúa Kitô còn cần phải sống tinh thần của Mùa Chay hướng về Mùa Phục Sinh nữa mới được. Tinh thần của Mùa Chay hướng đến Mùa Phục Sinh này chính là tinh thần "thắt lưng" (tiêu biểu cho Mùa Chay) và "cầm đèn cháy sáng trong tay" (tiêu biểu cho Mùa Phục Sinh) như được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm qua.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu cũng vẫn lập lại với các môn đệ tinh thần Mùa Chay hướng về Mùa Phục Sinh này khi Người cảnh báo các vị về một đời sống hưởng thụ vô trách nhiệm đối với vai trò phục vụ của các vị như sau: "nếu đầy tớ ấy nghĩ trong lòng rằng: 'Chủ tôi về muộn', nên đánh đập tớ trai tớ gái, ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung".
Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Tông Đồ Phaolô đã cảnh giác và khuyên nhủ Tín hữu Giáo đoàn Rôma về đời sống công chính bằng đức tin hơn là sống tự nhiên theo xác thịt lăng loài bại hoại như thành phần đầy tớ bại hoại trong Phúc Âm hôm nay:
"Anh em thân mến, nguyện cho tội lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em, khiến anh em phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các chi thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi, nhưng hãy hiến thân cho Thiên Chúa như những người từ trong cõi chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi thể anh em làm khí giới đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi không còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề luật, nhưng dưới chế độ ân sủng".
Như đã suy diễn trong bài Phúc Âm hôm qua, thời điểm trở về của chủ là thời điểm Chúa Kitô tái giáng, tức là thời điểm Người "ăn cưới về". Và vì thế, thành phần "đầy tớ" của người chủ này không ai khác hơn là thành phần môn đệ của Chúa Kitô nói chung và các vị lãnh đạo trong Giáo Hội của Người nói riêng, như Người đã khẳng định trong bài Phúc Âm hôm nay để trả lời cho câu hỏi của tông đồ Phêrô "Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi người?":
"Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình.... Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều hơn".
Tuy Chúa Kitô không trả lời thẳng cho tông đồ Phêrô là "Thày nói dụ ngôn ấy chỉ về các con đấy chứ còn ai nữa", nhưng nội dung của câu Người trả lời đã ám chỉ về các vị cũng như về thành phần thừa kế các vị là hàng giáo phẩm sau này, qua mọi thời đại, chứ không phải chỉ vào thời tận thế, vì không ai biết lúc nào Người trở lại, nên ai cũng phải tỉnh thức, bằng việc làm theo ý chủ mình qua phần nhiệm được Người trao phó, được Người "đặt" lên thay Người phục vụ, đó là "coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc cho họ".
Ở đây, qua câu này, chúng ta thấy 3 sứ vụ chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly của hàng giáo phẩm: sứ vụ quản trị ở chỗ "coi sóc gia nhân mình", sứ vụ rao giảng Lời Chúa và sứ vụ thánh hóa bằng việc ban phát các Bí Tích Thánh, ở chỗ "phân phát phần lúa thóc cho họ". Mà phân phát khi "đến giờ" nữa. Hai chữ "đến giờ" này không phải chỉ hiểu theo kiểu hành chính và quan lại, cứ phải xưng tội hằng tuần vào trước giờ lễ chẳng hạn, mà là đáp ứng nhu cầu khẩn trương và ngoại lệ của tín hữu nữa, chẳng hạn họ sắp chết cần xức dầu ngay.
Tuy nhiên, cũng còn có thể hiểu là có thời Giáo Hội "đến giờ" phải bênh vực chân lý, như sau thời kỳ 300 năm Giáo Hội bị bách hại có những lạc thuyết sai lầm nguy hiểm về Chúa Kitô, qua các Công Đồng Chung như Nicea năm 325, Epheso năm 431 và Contantinople năm 481 v.v. Và có thời Giáo Hội "đến giờ" phải đối thoại với thế giới, phải trở thành men muối trong đời và cho đời, theo tinh thần của Công Đồng Chung thứ 21 là Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), với văn kiện tiêu biểu nhất là Hiến Chế Gaudium et Spes - Vui Mừng và Hy Vọng được ban hành ngày 7/12/1965.
Hơn thế nữa, còn có thời Giáo Hội "đến giờ" phải tỏ lòng thương xót hơn bao giờ hết, một thời điểm kể từ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từ Đại Năm Thánh 2000, qua việc ngài phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, Sứ Giả của Lòng Thương Xót Chúa, nhất là thời điểm của Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng chủ trương nghèo hèn và phục vụ những người anh chị em hèn mọn nhất của Chúa Kitô, cũng là vị giáo hoàng đã bất ngờ mở Năm Thánh Tình Thương (8/12/2015 - 20/11/2016).
Ở bài Phúc Âm hôm qua, các môn đệ của Chúa Kitô đóng vai "đầy tớ" đối với chủ, nghĩa là mang thân phận làm theo ý chủ chứ không phải làm theo ý riêng mình, thân phận phục vụ chủ chứ không phải hưởng thụ, còn ở bài Phúc Âm hôm nay, các vị lại đóng vai "quản lý" đối với "gia nhân" của chủ, tuy có quyền "coi sóc gia nhân" của chủ và có quyền "phân phát phần lúa thóc cho họ" khi "đến giờ", nhưng vẫn với tư cách là "đầy tớ" của chủ, được chủ chọn để thay Người phục vụ như Người và với Người, chứ họ thực sự không phải là chủ, không có toàn quyền như chủ.
Thành phần sống thân phận "đầy tớ", thân phận lệ thuộc chẳng khác gì thân phận của những kẻ "nô lệ", trong vai trò "quản lý trung tín khôn ngoan" này, như lời Thánh Phaolô Tông Đồ nói trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, quả thực đã "biết rằng: hễ anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia anh em là nô lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính".
Đúng thế, chính vì biết phận mình là "đầy tớ" chỉ biết phục vụ theo ý của chủ như thế, nghĩa là "đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo lý đã truyền cho anh em noi giữ", mà họ mới đích thực là quản lý của chủ và thay chủ: "Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình": "Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính".
Thành phần "đầy tớ" đóng vai "quản lý" phục vụ thay chủ trong Bài Phúc Âm hôm nay chỉ có thể chu toàn những gì được chủ trao phó bằng tất cả ý thức và cảm nhận của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Nếu như Chúa không
che chở chúng tôi, - Israel hãy xướng (lên) - nếu như Chúa không che chở
chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt
sống chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi.
2) Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Ngài đã không để chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng.
3) Hồn chúng tôi như cánh chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim. Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất!
Thứ Năm
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 19-23
"Giờ đây anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (c. Tv 39,5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Chúa Kitô cũng chủ trương bạo lực như ai? - "Thày đến không phải để đem bình an mà là gươm giáo!"
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên, tuy có 4 câu ngắn ngủi nhưng chất chứa nhiều ý nghĩa sâu xa liên quan đến chính bản thân của Chúa Kitô, hơn là đến các môn đệ của Người như 2 bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia, nhưng lại là những gì được Người "phán cùng các môn đệ" chứ không với ai khác, với chung dân chúng hay với riêng thành phần biệt phái và luật sĩ như thường thấy. Nguyên văn của Bài Phúc Âm hôm nay như sau:
"Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn
biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc
khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình
an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem
sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người
chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con
trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng
chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Có ít là 3 vấn đề chính yếu cần phải tìm hiểu trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến bản thân của Chúa Kitô, thứ tự ở ngay 3 câu đầu tiên như sau: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên" (1); "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất" (2); và "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ" (3).
1- "Thầy
đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy
lên".
"Lửa" đây là gì, nếu không phải là Thánh Thần!?! Vì Người là Đấng "làm phép rửa bằng Thánh Thần" (Gioan 1:33), một phép rửa Người sẽ thực hiện cho thành phần môn đệ tông đồ của Người khi sau khi Người thăng thiên về cùng Cha để sai Thánh Thần từ Cha xuống trên các tông đồ cũng là trên Giáo Hội của Người: "Gioan làm phép rửa bằng nước nhưng trong vòng ít ngày nữa các con sẽ được rửa bằng Thánh Thần" (Tông Vụ 1:5), Đấng khi hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem trên các tông đồ cũng như từng tông đồ, đã mặc lấy hình lưỡi lửa (xem Tông Vụ 2:3).
2- "Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất".
"Phép rửa" Chúa Giêsu cần phải chịu đây là gì, như Người cũng đã đề cập với cặp anh em tông đồ Giacôbê và Gioan trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XXIX Thường Niên Năm B đầu tuần này, nếu không phải là chính cuộc khổ giá của Người, một cuộc khổ giá bất khả thiếu mà Người không thể nào tránh được với tư cách là một Đấng Thiên Sai Cứu Thế, một cuộc khổ giá vì thế Người không thể nào không "khắc khoải" dấn thân thực hiện "cho đến khi hoàn tất" theo ý của Đấng đã sai Người, và là một "phép rửa" khổ giá vô cùng cần thiết cho "phép rửa bằng Thánh Linh" mà Nhiệm Thể Giáo Hội của Người sẽ lãnh nhận.
3- "Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ".
Nếu chỉ căn cứ vào duy câu nói này thôi của Chúa Kitô thì chắc chắn sẽ không một ai còn lương tâm chân chính trên thế gian này có thể chấp nhận Người là giáo tổ Kitô giáo, trái lại, trong trào lưu bạo loạn và khủng bố khắp nơi ngày nay, họ sẽ cho Người là một tên chúa tể hung ác bạo tàn, chẳng khác gì như những tay lãnh đạo nhóm khủng bố Al Queda hay IS hiện nay, hay những tên chuyên chế độc tài diệt chủng ở thế kỷ 20, và Người sẽ bị cơ quan mật vụ FBI của Mỹ theo dõi sát nút.
Thế nhưng dù sao vẫn không thể nào phủ nhận được sự thật bất khả chối cãi của lời Người khẳng định như thế. Bởi vì, chính Người xuống thế gian là để đem lại bình an cho nhân loại, ở chỗ Người đã tái lập lại mối liên hệ đã bị nguyên tội làm lũng đoạn giữa con người với Thiên Chúa cũng như giữa con người với thiên nhiên tạo vật và với nhau, bằng chính cuộc Vượt Qua của Người.
Tuy nhiên, tinh thần Phúc Âm trọn lành theo con đường hẹp rất ít người đi của Người và như Người như thế, tự bản chất của mình, đã gây "chia rẽ" nơi xã hội loài người, ở chỗ, tinh thần trọn lành cùng con đường hẹp Phúc Âm của Người đã làm đảo lộn khuynh hướng vị kỷ của trần gian, bằng đường lối "bỏ mình và vác thập giá" (Mathêu 16:24), và đã cách mạng văn hóa hưởng thụ của con người tự nhiên, bằng tinh thần "không để được phục vụ nhưng phục vụ làm giá chuộc nhiều người" (Mathêu 20:28), khiến cho những ai dấn thân theo Người bị cả chính thân nhân ruột thịt của họ phản kháng và chống phá, như chính Chúa Kitô đã khẳng định trong Bài Phúc Âm hôm nay:
"Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai,
và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối
cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng
dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Tình trạng "chia rẽ" xẩy ra trong xã hội loài người do tinh thần và đường lối Phúc Âm của Chúa Kitô gây ra như thế thực sự đã phản ảnh của tâm trạng "chia rẽ" trong nội tâm của mỗi một con người, như chính Thánh Phaolô Tông Đồ đã cảm nhận và bày tỏ trong Thư gửi Giáo đoàn Rôma ở Bài Đọc 1 cho năm lẻ ngày mai: "sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm" (7:19).
Bởi thế, trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, ngài đã khuyên Kitô hữu của giáo đoàn này đừng sống theo xác thịt mà "làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác", trái lại hãy sống cho Thiên Chúa một cách tự do để được "sự sống đời đời" như sau:
"Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta".
Bài Đáp Ca hôm nay diễn tả về người công chính sống bởi đức tin theo tinh thần trọn lành và con đường hẹp Phúc Âm của Chúa Kitô nên họ được triển nở một cách viên mãn như sau:
1) Phúc cho ai không
theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không
ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và
suy ngắm luật Chúa đêm ngày.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.
Thứ Sáu
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 7, 18-25a
"Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi cái xác chết này?"
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi. Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này? Cảm tạ Thiên Chúa, nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Như thế, chính tôi lấy tâm thần mà phục vụ lề luật Thiên Chúa; còn về xác thịt, thì vâng phục lề luật của sự tội.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 66. 68. 76. 77. 93. 94
Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài (c. 68b).
Xướng: 1) Xin Chúa dạy con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài. - Ðáp.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
3) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. - Ðáp.
4) Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con. - Ðáp.
5) Ðời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống. - Ðáp.
6) Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 54-59
"Các ngươi biết tìm hiểu diện mạo trời đất? Còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu?"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán bảo dân chúng rằng: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ? Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Nạn Nhân Bản Thân
Hôm nay, Thứ Sáu Tuần XXIX Thường Niên, tiếp theo ngay sau bài Phúc Âm hôm qua về chính bản thân của Chúa Kitô, bài Phúc Âm hôm nay, với 7 câu cuối cùng của đoạn 12, Thánh ký Luca đã thuật lại cho chúng ta những gì "Chúa Giêsu phán bảo dân chúng" về việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ thời đại, cũng như việc họ cần phải thanh toán với đối phương khi còn có thể.
Trước hết, về việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ thời đại: "Khi các ngươi xem thấy đám mây nổi lên ở phía tây, lập tức các ngươi nói rằng: Trời sắp mưa; và sự thật xảy ra như thế. Và khi gió nam thổi đến, thì các ngươi nói: Trời sắp nóng nực. Và việc đã xảy ra như thế. Hỡi những kẻ giả hình, các ngươi biết tìm hiểu diện mạo của trời đất, còn về thời đại này, sao các ngươi không tìm hiểu? Tại sao các ngươi không tự mình phê phán điều gì phải lẽ?"
Sau nữa, về việc họ cần phải thanh toán với đối phương bao lâu khi còn có thể: "Thế nên, khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục. Ta bảo cho ngươi hay, ngươi sẽ không thể ra khỏi đó cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng".
Vấn đề được đặt ra ở đây là việc họ biết xem điềm trời mà không biết suy đoán dấu chỉ thời đại và việc họ cần phải thanh toán với đối phương bao lâu khi còn có thể có liên hệ gì với nhau hay chăng, nếu có thì ở chỗ nào, vì thật sự là giữa hai sự việc này, về mạch văn, được nối kết với nhau bằng liên từ "thế nên" ở sự việc thứ hai, ngay sau sự việc thứ nhất, tức là có liên quan đến sự việc thứ nhất?
Thật vậy, lời Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay có thể hiểu về lương tâm nơi con người, được biểu hiệu qua hình ảnh của "quan toà", một thẩm quyền phán xét nơi con người có thể ra tay hành hạ con người như những tay "lý hình", và đồng thời cũng có thể "tống" con người "vào ngục" là chính thâm tâm khổ ải bất an của con người, "cho đến khi nào trả xong đồng xu cuối cùng" là chấp nhận lỗi lầm của họ, những lỗi lầm mà trước đó, lúc còn "đang lúc đi dọc đường", lúc đang còn được lương tâm nhắc nhở đừng làm, đừng vấp phạm, tức nếu biết tránh né, đã không bị lương tâm trở thành "quan tòa" phán xét họ đến độ họ cảm thấy bị hành hạ bởi những áy náy, lo sợ, khổ tâm và bất an v.v.
Dấu chỉ thời đại để họ có thể giải quyết vấn đề lương tâm của họ là chính những nhắc nhở của lương tâm trước khi họ liều mình vấp phạm theo đam mê nhục dục của họ, bằng việc họ trấn an lương tâm theo những lý lẽ chủ quan nông cạn đầy tham vọng nhất thời của họ. Hay dấu chỉ thời đại để họ có thể giải quyết vấn đề lương tâm của họ thậm chí còn là chính những cắn rứt sau khi họ đã lỡ vấp phạm, để nhờ đó họ có thể được giải thoát "ra khỏi" ngục tù thâm tâm của họ, bằng cách "tự mình phê phán điều gì phải lẽ?" theo lời Chúa dạy trong bài Phúc Âm hôm nay, ở chỗ chấp nhận lỗi lầm của mình, trả lại cho công lý những gì mình đã qua mặt và cướp quyền: "trả xong đồng xu cuối cùng".
Trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay, Thánh Phaolô Tông Đồ cũng cho thấy một thứ ngục tù nơi thâm tâm của con người đã vướng mắc nguyên tội, như thể con người bị giam giữ, khiến con người bị gò bó hạn hẹp không thể thoát thân, đến độ con người cảm thấy như Vị Thánh Tông Đồ Dân Ngoại than lên rằng: "Tôi là con người vô phúc! Ai sẽ cứu tôi khỏi cái xác chết này?":
"Anh em thân mến, tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi,
nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng
làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì sự lành tôi muốn thì
tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm
điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là
sự tội ở trong mình tôi. Thành ra khi tôi muốn làm sự lành, tôi nhận thấy
trong tôi có lề luật, vì sự dữ vẫn kèm bên tôi. Theo như con người bên
trong, tôi cũng ưa thích lề luật Thiên Chúa: nhưng tôi thấy trong chi thể
tôi có một lề luật khác đối địch với lề luật tâm thần tôi, và giam hãm tôi
dưới ách lề luật sự tội trong chi thể tôi".
Thực tế phũ phàng cũng cho thấy, trong đời sống đạo, có những tâm hồn rất đạo đức, đọc kinh xem lễ rước lễ hằng ngày, xưng tội hằng tháng, tĩnh tâm hằng năm, chay tịnh trường kỳ, dạy đạo liên miên v.v., nhưng vẫn liên tục lỗi đức bác ái một cách trầm trọng và công khai, gây gương mù gương xấu cho những ai sống quanh mình và với mình, như cho con cái và bạn bè ngoại đạo.
Thậm chí trong những lúc bối rối, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta biết được ý định của Ngài để mà làm theo. Thế nhưng, khi đã rõ ràng biết được ý muốn của Thiên Chúa, như qua vị linh hướng, chúng ta liền trốn mất, hay vội vàng chối bỏ, vì ý Chúa ấy không đúng như ý của chúng ta, hay là những gì phản lại với đời sống tự nhiên của chúng ta, bắt chúng ta phải bỏ mình!
Tình trạng chối bỏ chân lý và lấn át chân lý này vẫn thường xẩy ra trong đời sống hằng ngày của tất cả mọi người trên thế gian này nói chung và của Kitô hữu chúng ta nói riêng, khi chúng ta liên tục chối bỏ tiếng lương tâm của chúng ta, liên quan đến việc làm lành lánh dữ được lương tâm nhắc nhủ hay cảnh báo, bằng việc chúng ta trấn an lương tâm hay lèo lái lương tâm theo sở thích tự nhiên của mình hay theo ý riêng vị kỷ của mình.
Bởi thế, để có thể sống chân chính và bằng an theo lương tâm của mình, hơn là theo đam mê nhục dục và tính mê nết xấu của bản tính mang nguyên tội của mình, khiến con người sống bất hạnh hơn là phúc hạnh, con người cần phải thành tâm khẩn cầu cùng Chúa bằng các ước nguyện của Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Xin Chúa dạy
con sự thông minh và lương tri, vì con tin cậy vào các chỉ thị của Ngài.
2) Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài.
3) Xin Chúa tỏ lòng thương hầu uỷ lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa.
4) Nguyện Chúa xót thương cho con được sống, vì luật pháp Ngài là sự sung sướng của con.
5) Ðời đời con không quên những huấn lệnh của Ngài, bởi lẽ đó mà Ngài đã ban cho con được sống.
6) Con thuộc về Chúa, xin Chúa cứu độ con, vì con tìm kiếm huấn lệnh của Ngài.
Thứ Bảy
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 1-11
"Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Ðức Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của Thánh Thần ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự tội và sự chết. Ðiều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa, đó là dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (c. 6).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn. - Ðáp.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Người còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Nghiệm Lời Chúa
Những bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi
Bài Phúc Âm cho Thứ Bảy Tuần XXIX Thường Niên hôm nay là bài Phúc Âm chất chứa lời Chúa Giêsu cảnh giác "những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu của họ hoà lẫn với máu của các vật họ tế sinh".
Người cảnh giác họ những gì, nếu không phải cảnh giác họ về hình phạt tương tự như thế nếu họ không ăn năn hối cải, mà cứ tưởng mình tốt lành hơn các nạn nhân được họ thuật lại cho Chúa Giêsu biết.
Ở đây, qua ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thấy Người dường như vừa không công nhận đau khổ là hậu quả hay hình phạt của tội lỗi lại vừa công nhận.
Chúa Giêsu dường như không công nhận đau khổ là hình phạt của tội lỗi hay hậu quả của tội lỗi: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế... Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế".
Chúa Giêsu đồng thời lại khẳng định đau khổ là hình phạt của tội lỗi và là hậu quả của tội lỗi: "Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy... nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Trong trường hợp của người mù từ lúc mới sinh, Chúa Giêsu cũng dường như phủ nhận đau khổ là hậu quả của tội lỗi khi khẳng định sự kiện anh ta bị mù từ lúc mới sinh: "không phải do tội của anh ta hay của cha mẹ anh ta" (xem Gioan 9:3). Thật ra, Chúa Giêsu không phủ nhận đau khổ là hậu quả của tội lỗi, nhưng Người gán cho đau khổ một ý nghĩa quí giá hơn và cao cả hơn, như trong trường hợp người mù từ lúc mới sinh như nó là một cơ hội để Thiên Chúa tỏ mình ra: "Chính là để cho các công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh ta" (xem Gioan 9:3).
Trong bài Phúc Âm hôm nay cũng thế, Chúa Giêsu cũng không phủ nhận đau khổ là hình phạt của tội lỗi hay là hậu quả của tội lỗi, nhất là trong trường hợp con người không biết thống hối ăn năn. Tuy nhiên, cũng qua bài Phúc Âm hôm nay, Người còn gán cho đau khổ một ý nghĩa cảnh báo cho những ai tự phụ cho mình là lành thánh nên không bị đau khổ như người khác là những người tội lỗi chứ không vô tội như mình.
Chưa hết, cũng theo chiều hướng ấy, Chúa Giêsu dường như còn ngầm cho thấy rằng đau khổ cho dù là và chính là hậu quả của tội lỗi mà nó đã được Thiên Chúa sử dụng như gậy ông đập lưng ông, như của độc giải độc, trong việc đánh động con người tội lỗi, để nhớ đó họ có thể nhận lỗi, hối lỗi và sửa lỗi mà quay về cùng Người.
Đó là lý do ở phần cuối bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu còn nói thêm một dụ ngôn liên quan đến việc cải thiện đời sống, qua hình ảnh cây vả không sinh hoa kết trái "đã 3 năm" liền, đáng bị đốn đi cho đỡ "choán đất", nhưng nó vẫn còn được kéo dài chờ thêm "một năm nữa":
"Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: 'Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!' Nhưng anh ta đáp rằng: 'Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'".
Thật vậy, việc cải thiện đời sống được chứng tỏ qua việc tâm hồn thống hối trổ sinh hoa trái thiêng liêng, mà để có thể sinh hoa trái thiêng liêng, Kitô hữu không thể nào sống theo xác thịt vốn hướng chiều về chết chóc, mà phải sống theo Thánh Linh là Đấng ban sự sống, một sự sống bao gồm cả hồn xác của bản tính con người, đúng như xác tín của Thánh Phaolô Tông đồ trong Bài Đọc 1 cho năm lẻ hôm nay qua Thư gửi Giáo đoàn Rôma:
"Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em".
Bài Đáp Ca hôm nay nói đến những tâm hồn không sống theo xác thịt, "không để lòng xu hướng bả phù hoa", mà là sống theo Thánh Thần, ở chỗ sống trổi vượt trên trần gian như "trèo lên cao sơn của Chúa", như "đứng trong nơi thánh của Người", một con người có "tay vô tội và lòng thanh khiết", một con người "tìm kiếm Chúa, tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp":
1) Chúa là chủ trái đất
và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì
chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước
nguồn.
2) Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa.
3) Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà Giacóp.