SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chúa Nhật
Lời Chúa
Bài Ðọc I: Is 42, 1-4. 6-7
"Này là tôi tớ Ta, Ta hài lòng về người".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ðây là lời Chúa phán: "Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người.
Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 28, 1a và 2. 3ac-4. 3b và 9b-10
Ðáp: Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình (c. 11b).
Xướng: 1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa. - Ðáp.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ. - Ðáp.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thuỷ, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cv 10, 34-38
"Chúa dùng Thánh Thần mà xức dầu tấn phong cho Người".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô mở miệng nói rằng: "Quả thật, tôi nghiệm biết rằng Thiên Chúa không thiên tư tây vị, nhưng ở bất cứ xứ nào, ai kính sợ Người và thực hành sự công chính, đều được Người đón nhận. Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: x. Mc 9, 7
Alleluia, alleluia! - Các tầng trời mở ra, tiếng Chúa Cha tuyên phán: "Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 3, 15-16. 21-22
"Khi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, trong lúc dân chúng đang mong đợi, và mọi người tự hỏi trong lòng rằng: "Gioan có phải là Ðấng Kitô không?", Gioan lên tiếng bảo mọi người rằng: "Phần tôi, tôi rửa anh em trong nước, nhưng Ðấng cao trọng hơn tôi đang đến, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, chính Người sẽ rửa anh em trong Chúa Thánh Thần và trong lửa!"
Vậy khi tất cả dân chúng đã chịu phép rửa, và chính lúc Chúa Giêsu cũng đã chịu phép rửa xong, Người đang cầu nguyện, thì trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu, và có tiếng từ trời phán: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô Thiên Sai
Nếu chủ đề của Mùa Vọng là "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14) và chủ đề của Mùa Giáng Sinh là "Lời ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14), thì chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là "chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa hôm nay là lễ vừa kết thúc Mùa Giáng Sinh vừa mở màn Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh. Nên lưu ý là Mùa Thường Niên hằng năm được chia ra làm hai phần cũng là hai giai đoạn: phần đầu là giai đoạn sau Mùa Giáng Sinh và phần sau là giai đoạn sau Mùa Phục Sinh, và vì dính liền ngay sau hai Mùa chính yếu của phụng niên là Giáng Sinh và Phục Sinh như thế nên ý nghĩa của từng phần trong Mùa Thường Niên này đều có liên hệ mật thiết với mùa phụng niên chính yếu ngay trước đó.
Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, một lễ được Giáo Hội cố ý sắp xếp vào sau Lễ Hiển Linh, vì ý nghĩa của hai lễ này giống nhau, ở chỗ cả hai đều liên quan đến sự kiện Chúa Giêsu tỏ mình ra, hay đúng hơn, liên quan đến sự kiện Thiên Chúa làm cho Con của Ngài được "hiển linh" trước mặt dân ngoại (Lễ Hiển Linh) cũng như trước dân Do Thái nói chung và Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nói riêng (Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa), để họ "được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).
Đúng thế, vì muốn tỏ mình ra cho loài người, một tạo vật duy nhất được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27), để nhờ đó họ có thể được hiệp thông thần linh với Ngài, đúng như dự án thần linh của Ngài khi Ngài dựng nên họ, Thiên Chúa đã tuyển chọn một dân tộc đặc biệt trong các dân tộc trên mặt đất này là dân Do Thái, và qua suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, Ngài đã chứng thực cho họ thấy Ngài là Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của họ.
Và mạc khải thần linh này của Thiên Chúa, theo giòng lịch sử cứu độ của dân Do Thái, chỉ đạt tới tột đỉnh và đã trọn vẹn sáng tỏ cùng trở nên thành toàn nơi Con của Ngài, Đấng đã được Ngài hứa ngay sau nguyên tội (xem Khởi Nguyên 3:15), "khi đến thời gian viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con của Ngài được hạ sinh bởi một người nữ, được sinh hạ theo lề luật" (Galata 4:4).
Bởi vậy, "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (Gioan 1:14) thật sự là "để tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), cho đến độ "ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9), và chính vì thế mà Ngôi Lời Nhập Thể này mới "đầy ân sủng và chân lý", tức được đầy Thánh Thần của Thiên Chúa như Đấng Thiên Sai của Ngài, Đấng đã được chính Thiên Chúa tiên báo ngay từ xa xưa, qua miệng của các tiên tri, điển hình như Tiên Tri Isaia trong Bài Đọc 1 hôm nay:
"Này là tôi tớ Ta mà Ta nâng đỡ, là người Ta chọn, Ta hài lòng về người. Ta ban Thần trí Ta trên người. Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng người ở công trường. Người không bẻ gẫy cây lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói. Người trung thành đem lại lẽ công bình. Người sẽ không buồn phiền, không nao núng, chỉ lo đặt công lý trên địa cầu, vì trăm đảo mong đợi lề luật người. Ta là Chúa, Ta đã gọi con trong công lý, đã cầm lấy tay con, đã gìn giữ con, đã đặt con thành giao ước của dân, và nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm".
Thật vậy, vì "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta... đầy ân sủng và chân lý" chính là Con của Thiên Chúa, Đấng đã sai Người xuống trần gian, để qua Người, Ngài có thể tỏ hết mình ra cho nhân loại, mà Thiên Chúa đã ban tràn đầy Thánh Linh cho Người, tức đã xức dầu cho Người, nhờ đó, bằng nhân tính của mình, Người đã có thể hoàn trọn mạc khải thần linh là "tỏ Cha ra", bằng tất cả ngôn từ, tác hành, phản ứng và biến cố của Người.
Nếu trong Bài Đọc 1, Người Con "đầy ân sủng và chân lý" hay đầy Thánh Linh này của Thiên Chúa đã được tiên báo là "nên ánh sáng của chư dân, để con mở mắt cho người mù, đưa ra khỏi tù những người bị xiềng xích, đưa ra khỏi ngục những người ngồi trong tối tăm" thì trong Bài Đọc 2 hôm nay, Người cũng đã được vị lãnh đạo Tông Đồ đoàn Phêrô chứng thực rằng:
"Thiên Chúa đã sai Lời Người đến cùng con cái Israel, loan tin bình an, nhờ Chúa Giêsu Kitô là Chúa muôn loài. Như anh em biết, điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan đã rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Người. Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở với Người".
Thiên Chúa quả thực chẳng những đã được Con của Ngài tỏ ra cho dân Do Thái biết "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về Ngài, qua những gì Người thực hiện nơi nhân tính của Người trên thế gian này "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4) của Người tại đất nước Do Thái, mà còn, về phần mình, Ngài đã làm cho Con của Ngài được hiển linh trước dân ngoại khi sử dụng ngôi sao lạ dẫn đường cho ba chiêm vương gia đông phương tìm đến bái thờ Người ở Belem, và hiển linh trước dân Do Thái trong biến cố Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa ở Sông Dược Đăng (Jordan) bởi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nữa, qua tiếng phát ra từ trời: "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha".
"Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" là lời chứng nhận của Thiên Chúa về nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét quả thực là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16), ngoài Người ra, không phải là ai khác, cho dù là Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã được thành phần lãnh đạo trong dân suy đoán là Đức Kitô (xem Gioan 1:19-22), và cũng không còn là bất cứ người nào khác, như dân Do Thái vẫn còn trông đợi cho đến nay.
Thế nhưng, tiếng phán ra từ trời "Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha" này chỉ vang lên sau khi: "Chúa Giêsu đã chịu phép rửa xong" (nghi thức bề ngoài liên quan đến thân xác) và "Người đang cầu nguyện" (tác động thiêng liêng của tâm linh bề trong), nghĩa là, qua Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và nhờ Phép Rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả bấy giờ, Thiên Chúa đã xức dầu cho Người Con mặc lấy nhân tính là Giêsu Nazarét này của Ngài, nơi sự kiện thần linh là "trời mở ra và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu".
Sự kiện Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa nói chung và tác động Người dìm mình xuống nước và vươn lên khỏi nước rồi sau đó "Thánh Thần Chúa ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu" là những gì hướng về và tiên báo Phép Rửa Người cần phải chịu (xem Luca 12:50), tức Người cần phải Vượt Qua từ sự chết mà vào sự sống, để có thể thông ban Thánh Thần của Người cho Giáo Hội vào buổi tối ngày thứ nhất trong tuần khi Người hiện ra với các tông đồ lần đầu tiên vừa thở hơi rên các vị mà phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh Linh" (Gioan 20:22).
Thật ra, nơi mầu nhiệm ngôi hiệp trong biến cố Truyền Tin, nhân tính của Đấng được thụ thai trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria tự bẩm sinh đã được tràn đầy Thánh Linh rồi, tức đã được Thiên Chúa xức dầu "thánh hiến và sai vào trần gian" rồi (xem Gioan 10:36). Tuy nhiên, lần này, ở Sông Dược Đăng, khi Người đạt đến tầm vóc về thân xác ở tuổi thành toàn 30, Thiên Chúa là Đấng sai Người đã xức dầu Thánh Thần cho Người một lần nữa, lần này một cách công khai, như để chính thức sai Người đi để thực hiện sứ vụ cứu thế của Người là "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), qua những việc Người làm với tư cách của một Đấng Thiên Sai, như Bài Phúc Âm hôm nay khẳng định: "Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám", (những gì sẽ được các bài Phúc Âm trong Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh trình thuật như chúng ta sẽ đọc thấy).
Bài Đáp Ca được Giáo Hội chọn đọc cho Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm C hôm nay liên quan đến chiều hướng của Bài Phúc Âm cùng ngày, bài Phúc Âm, bề ngoài về biến cố Chúa Kitô chịu Phép Rửa bởi nước, và bề trong về sự kiện hiển linh vinh hiển của Thiên Chúa nơi Con của Ngài cũng như của Con Ngài được Cha thực hiện:
1) Các con cái Thiên Chúa hãy dâng kính Chúa, hãy dâng kính Chúa vinh quang xứng với danh Người; hãy mang lễ phục thánh để thờ lạy Chúa.
2) Tiếng Chúa vang dội trên mặt nước, Chúa ngự trên muôn ngàn sóng nước. Tiếng Chúa phán ra trong uy quyền, tiếng Chúa phán ra trong oai vệ.
3) Thiên Chúa oai nghiêm làm cho sấm sét nổ ran, và trong thánh đài của Chúa, mọi người kêu lên: Vinh quang! Chúa ngự trị trong cơn hồng thủy, và Chúa làm vua ngự trị tới muôn đời.
Thánh Thi (Giờ Kinh Chiều 1 và 2 - trích Giờ Kinh Phụng Vụ)
Lạy Ðấng Hóa Công xin đoái nhận
Nỗi lòng con cái khấn nguyện đây:
Lời kinh thấm lệ cùng dâng Chúa
Suốt cả Mùa Chay thánh thiện này.
Cõi lòng người thế Chúa lạ chi,
Biết sức phàm nhân chẳng là gì,
Xin hãy bao dung người sám hối,
Chúa nỡ lòng nào đuổi xua đi!
Tội lỗi ngập đầu khôn xiết kể,
Cung xưng hầu được Chúa thứ tha.
Ngàn muôn thương tích xin cứu chữa
Ðể hiển danh Ngài khắp gần xa.
Chỉ bảo đoàn con biết hãm mình,
Tinh thần vững mạnh bởi hy sinh,
Hồn thiêng tắm gội nguồn ân tứ
Rửa hết bùn nhơ sạch tội tình.
Tay chắp gối quỳ lòng tha thiết
Nài xin Chúa Cả khấng nghe lời,
Ðoàn con nhờ phúc mùa trai tịnh,
No thỏa ân tình mãi an vui.
Thứ Hai
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 1, 1-6
"Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con".
Khởi đầu thư gửi tín hữu Do-thái.
Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ.
Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.
Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: "Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con"? Rồi Chúa lại phán: "Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta". Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: "Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!"
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9
Ðáp: Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người (c. 7c).
Hoặc đọc: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất (c. 1a và 9a).
Xướng: 1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu. - Ðáp.
2) Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 14-20
"Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người". Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Bài Phúc Âm của Thánh Marco cho Thứ Hai sau Chúa Nhật Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa được Giáo Hội chọn đọc không liên tục ngay sau bài Phúc Âm Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, mà là cách 2 câu về sự kiện Chúa Kitô chay tịnh trong hoang địa 40 ngày, một sự kiện gắn liền với sự kiện Người lãnh nhận Phép Rửa bởi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ở Sông Dược Đăng (Jordan), ở chỗ, một sự kiện liên quan đến phần hồn (đó là việc thống hối qua việc lãnh nhận phép rửa), và một sự kiện liên quan đến phần xác (đó là việc khổ chế các mầm mống nguyên tội nơi bản thân của con người).
Cả hai sự kiện mở đầu cho công cuộc cứu chuộc trần gian của Vị Thiên Sai của dân Do Thái này không phải chỉ có tính cách tiêu cực là tội lỗi cần ăn năn thống hối về phần hồn và khổ chế đền bù về phần xác, mà nhất là có tính cách tích cực, ở chỗ Thần Tính của Lời Nhập Thể nhờ những việc làm này có thể tỏ hiện ra một cách công khai và càng tỏ tường hơn nơi nhân tính của Chúa Giêsu, cho đến khi đạt đến tột đỉnh của mạc khải thần linh là Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô, một cuộc vượt qua chẳng những cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết, một tội lỗi liên quan đến phần hồn và sự chết đặc biệt liên quan đến phần xác, mà còn thông ban cho con người Thánh Linh cùng với sự sống thần linh vô cùng viên mãn của Người.
Và đó là lý do ngay câu mở đầu bài Phúc Âm có hai phần hôm nay mới có chi tiết hết sức quan trọng và đầy ý nghĩa mở đầu, một chí tiết cho thấy Thần Tính bắt đầu công khai tỏ mình ra qua nhân tính, đó là chi tiết: "Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: 'Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng'". Và sau chi tiết mở đầu có tính cách chuyển tiếp một cách khéo léo như thế là sự kiện Chúa Giêsu tuyển chọn 2 cặp môn đệ anh em với nhau là Simon-Anre và Giacobe-Gioan, thành phần làm nên tông đồ đoàn để trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và là nền tảng cho Giáo Hội Người sẽ thiết lập.
Sở dĩ phần đầu của bài Phúc Âm hôm nay có tính cách chuyển tiếp khéo léo là vì chi tiết "sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa". Đúng thế, một khi Mặt Trời Công Chính là Chúa Giêsu lên, một khi "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12) là Chúa Kitô bắt đầu tỏ hiện thì làm lu mờ đi ngọn đèn Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là nhân vật được tuyển chọn sai đến trước Người để dọn đường cho Người nơi dân Do Thái, hay nói ngược lại, khi thời điểm dọn đường của Vị Tiền Hô Tẩy Giả vừa hoàn thành, nơi việc làm phép rửa cho chính Đấng Đến Sau, Đấng sẽ "làm phép rửa trong Thánh Thần và bằng lửa" (Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa theo Thánh Luca Năm C), thì "Gioan bị bắt", bị tống ngục, nghĩa là đi vào tăm tối, để "Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại" (Phúc Âm Thánh Gioan ngày 12/1, áp Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa).
Lời rao giảng tiên khởi của Chúa Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay là tổng hợp tất cả mạc khải thần linh sẽ được Con Thiên Chúa làm người tỏ hiện trong suốt 3 năm thi hành sứ vụ thiên sai của mình nơi dân Do Thái của Người: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng". Bởi thế chúng ta thấy ngay trong lời rao giảng tiên khởi này có hai phần rõ ràng: phần đầu liên quan đến Thiên Chúa: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến", và phần sau liên quan đến nhân loại: "hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng".
Phần liên quan đến Thiên Chúa: "Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến". "Thời giờ đã mãn" đây chính là thời điểm cánh chung: "Khi đã đến thời điểm viên trọn, Thiên Chúa đã sai Con Mình đến, được hạ sinh bởi một người nữ, được sinh theo lề luật, để giải cứu khỏi lề luật những ai bị lụy thuộc lề luật, nhờ đó chúng ta được hưởng vị thế làm dưỡng tử" (Galata 4:4). "Và Nước Thiên Chúa đã gần đến" đây ám chỉ Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô nói chung và chính bản thân Người nói riêng, nghĩa là Người đã bắt đầu xuất hiện rồi, và từ từ tỏ mình ra cho nhân loại nơi dân Do Thái của Người vào thời điểm lịch sử nhân loại ấy, cho đến khi Người tỏ hết mình ra trên Thánh Giá và từ Ngôi Mộ Trống.
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô đã khẳng định về thời điểm cánh chung này với giáo đoàn Do Thái rằng: "Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ". Nghĩa là vào thời điểm cánh chung, thời điểm cuối cùng khi Con Thiên Chúa xuất hiện nơi Chúa Giêsu Kitô Thiên Sai Cứu Thế, Thiên Chúa tỏ hết mình ra cho nhân loại nói chung và dân Ngài nói riêng, đến độ Chúa Giêsu Kitô là tột đỉnh của mạc khải thần linh và là tất cả mạc khải thần linh: "Ai thấy Thày là thấy Cha" (Gioan 14:9).
Phần liên quan đến nhân loại: "hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng". Tuy nhiên, công ơn cứu độ vô cùng quí giá của Con Thiên Chúa làm người dù đã có thể cứu được toàn thể nhân loại, từ nguyên tổ cho đến tận thế, thậm chí cứu được cả muôn ngàn ức triệu thế giới tội lỗi nào khác nếu có, vẫn không thể tác dụng nơi những ai không sẵn sàng chấp nhận ơn cứu độ của Người hay chấp nhận Người là Đấng cứu độ của mình: "Redemptor hominis - Đấng cứu độ nhân trần" (Bức Thông Điệp đầu tay của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành ngày 4/3/1979).
Trong Bài Đọc thứ 1 hôm nay, Thánh Phaolô cũng cho thấy chẳng những bản thể của Đấng Thiên Sai Cứu Thế mà còn cả sứ vụ cùng quyền năng thế giá vô cùng siêu việt của Người, Đấng chung con người và riêng dân Do Thái cần phải nhận biết và tin tưởng, qua lời xác tín của ngài như sau: "Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu".
Và "bất cứ ai chấp nhận Người thì Người ban cho họ quyền làm con cái của Thiên Chúa" (Gioan 1:12) cần phải hội đủ 2 yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly, đó là "ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng": "ăn năn sám hối" ở chỗ chân nhận mình là tội nhân vô cùng khốn nạn, tuyệt đối bất toàn và bất lực, nên chỉ còn biết tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) mà thôi: "tin vào Tin Mừng", vì "Tin Mừng" đây chính là Tin Mừng Phục Sinh, Tin Mừng Cứu Độ, Tin Mừng được Chúa Kitô Phục Sinh truyền cho thành phần môn đệ tông đồ của Người rao giảng cho "tất cả mọi tạo vật" (Marco 16:15), cho "tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19), Tin Mừng là Chúa Giêsu Kitô, Lời Nhập Thể, đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, nên "Đừng sợ, hãy mở rộng các cánh cửa cho Chúa Kitô - Don't be afraid, open wide the doors for Christ" (Lời hiệu triệu của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng khai triều 22/10/1979), một lời hiệu triệu hoàn toàn phản ảnh sứ điệp chính yếu của LTXC được Chúa Kitô nhắn nhủ chung loài người và riêng Kitô hữu trong Thời Điểm Thương Xót: "Giêsu ơi, con tin nơi Chúa", một sứ điệp được ghi ngay bên dưới tấm Ảnh LTXC, và là sứ điệp phản ảnh ý Chúa Giêsu muốn thiết lập Lễ LTXC vào Chúa Nhật thứ nhất sau Chúa Nhật Phục Sinh.
Vì ý nghĩa và hiều hướng của chung Bài Phúc Âm cũng như Bài Đọc 1 về Đấng Thiên Sai Cứu Thế và của riêng lời rao giảng tiên khởi của Chúa Giêsu Kitô trong bài Phúc Âm hôm nay như thế mới có những câu Đáp Ca rất thích đáng và ý nghĩa chúng ta cần phải hợp xướng như sau:
1) Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu.
2) Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người.
3) Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể.
Thứ Ba
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 2, 5-12
"Ðấng ban ơn cứu độ phải chịu khổ nạn để nên hoàn hảo".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Thiên Chúa đã không đặt dưới quyền các thiên thần vũ trụ tương lai mà chúng tôi đang nói đến. Nhưng có người đã minh chứng trong một đoạn sách kia rằng: "Nhân loại là gì mà Chúa nhớ đến, con người là gì mà Chúa đến viếng thăm? Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào khỏi phục tùng Người. Hiện nay chúng ta chưa thấy mọi sự phục quyền Người. Nhưng Ðấng trong một thời gian bị hạ xuống kém các Thiên thần, là Ðức Giêsu, chúng ta thấy Người được triều thiên vinh quang và danh dự vì cuộc tử nạn của Người, để nhờ ơn Thiên Chúa, Người chịu chết thay cho mọi người. Quả vậy, thật là thích hợp việc Chúa là nguyên nhân và cùng đích mọi vật, đã dẫn đưa nhiều con cái đến vinh quang và đã lấy cuộc khổ nạn mà làm cho Ðấng đem lại ơn cứu rỗi được hoàn hảo. Vì chưng, Ðấng thánh hoá và những người được thánh hoá, tất cả đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người không hổ thẹn gọi họ là anh em mà rằng: "Tôi sẽ cao rao danh Chúa cho anh em tôi; tôi sẽ ngợi khen Người giữa cộng đoàn".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 2a và 5. 6-7. 8-9.
Ðáp: Chúa ban cho Con Chúa quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo (c. 7).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Ðáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Ðáp.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Ðáp.
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin
hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 1, 21-28
"Ngài giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
(Ðến thành Capharnaum), ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường.
Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có
uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng:
"Hỡi Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt
chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa". Chúa Giêsu
quát bảo nó rằng: "Hãy im đi, và ra khỏi người này!" Thần ô uế liền dằn vật
người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc
hỏi nhau rằng: "Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà
truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người". Danh tiếng Người
liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm
Hôm nay,
Thứ Ba trong Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh, tiếp
tục hôm qua, bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô cho biết, sau khi kêu gọi 4 người
môn đệ đầu tiên trong bài Phúc Âm hôm qua, rằng "Chúa
Giêsu vào giảng dạy trong hội đường vào một ngày nghỉ lễ".
Theo chủ đề chung của
Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh là "Người Con đến từ Cha ... đầy ân
sủng và chân lý" thì quả thực
bài Phúc Âm hôm nay đã cho thấy rõ điều ấy, như ngay ở đầu và cuối của cùng bài
Phúc Âm:
"Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ... Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: 'Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người'".
Thật
vậy, "Người Con đến từ Cha ... đầy ân
sủng và chân lý" này
chẳng những làm cho con người bàng hoàng sửng sốt chưa từng thấy như thế mà còn
gây cho cả ma quỉ cũng phải kinh hoảng không thể không nhận biết và xưng tụng
Người nữa, khi chúng thấy mình gặp phải một siêu đối thủ hoàn toàn cao tay hơn sắp
sửa ra tay triệt
hạ chúng: "Hỡi
Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng
tôi sao? Tôi biết ông là ai: là Ðấng Thánh của Thiên Chúa".
Có lẽ trong các tác động được "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" thực hiện trước tột đỉnh sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế của mình là Cuộc Vượt Qua thì, so với các tác động khác như chữa lành người bệnh và hồi sinh người chết, tác động trừ quỉ chất chứa một ý nghĩa cứu độ có giá trị cao nhất. Tại sao?
Bởi vì, tác động trừ quỉ ám chỉ việc xuất hiện của Chúa Kitô nói chung và công cuộc cứu chuộc của Người nói riêng để thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa sẽ hoàn toàn và vĩnh viễn phá hủy vương quốc của ma quỉ (xem 1Gioan 3:8), một vương quốc đã được thiết lập ngay vừa khi xẩy ra nguyên tội.
Chính vì bị vương quốc của ma quỉ cai trị mà loài người, trước đó sống trong tình trạng công chính nguyên thủy, hoàn toàn ngây thơ vô tội và tự do an lành, đã bắt đầu một cuộc sống theo thân phận của thành phần nô lệ cho tội lỗi và sự chết là những gì gây ra bởi nguyên tội và do cơ mưu hết sức thâm độc của "tên sát nhân ngay từ ban đầu" (Gioan 8:44).
Phải chăng vì ý nghĩa và tác dụng chính yếu của sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế là thiết lập Vương Quốc của Thiên Chúa bằng cách phá hủy vương quốc của ma quỉ như thế mà Thánh ký Marcô đã thuật lại sự kiện "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" trừ quỉ đầu tiên trong và trước tất cả những hành động khác tỏ mình ra của Người?
Tuy nhiên, cho dù là thế, bài Phúc Âm còn cho thấy là trước khi trừ quỉ Chúa Kitô đã giảng dạy dân chúng trong hội đường vào ngày hưu lễ. Bởi vì, tự mình, Người là Ngôi Lời, và vì thế, lời của Người phản ảnh Người, như "ánh sáng chiếu trong tăm tối" (Gioan 1:5) và có tác dụng xua tan tối tăm chết chóc, như trường hợp Người trừ quỉ ám trong bài Phúc Âm hôm nay bằng lời truyền đầy quyền năng của Người: "Hãy im đi, và ra khỏi người này!"
Khi thấy "thần ô uế liền dằn vật người ấy, thét lên một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy", thì "mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: 'Cái chi vậy? Ðây là một giáo lý mới ư?'". Họ không nói "đây là quyền năng mới ư" mà là "giáo lý mới ư", nghĩa là họ nhấn mạnh đến khía cạnh nguyên tác trừ quỉ là lời Chúa, là Đấng "đầy ân sủng và chân lý" đã xuất hiện trước mắt họ và đang ở cùng họ, Đấng họ đợi trông nhưng ma quỉ lại sợ hãi.
Lời Chúa trừ quỉ ám trong bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy một quyền lực vốn được chất chứa nơi Lời Chúa và xuất phát từ Lời Chúa. Đó là lý do kinh nghiệm tu đức cho thấy như thế, và lịch sử Giáo Hội nơi các thánh nhân cũng chứng thực như vậy. Ở chỗ, Lời Chúa đã có một mãnh lực biến đổi cuộc đời của Kitô hữu, từ một tội nhân thành thánh nhân, từ tình trạng sống tầm thường nên phi thường, chỉ bằng một lời nào đó trong Phúc Âm.
Nếu thần tính của Chúa Kitô luôn tỏ mình ra qua nhân tính và bằng nhân tính của Chúa Kitô, như ở các lời Người giảng đầy khôn ngoan thượng trí, như bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: "Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ", và ở các phép lạ Người làm, như bài Phúc Âm hôm nay cũng cho thấy: "Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế, và chúng vâng lệnh Người", thì quả thật, về nhân tính Người thua kém các thiên thần, nhưng vì nhân tính ấy được ngôi hiệp với thần tính mà Người đã được nhận biết và tuyên xưng trong Bài Đọc 1 hôm nay như sau: "Trong một thời gian, Chúa đã hạ Người xuống kém các thiên thần; Chúa lại đặt trên đầu Người triều thiên vinh quang và danh dự; (ở chỗ - người viết tự thêm vào) Chúa đã đặt Người cai trị các công trình tay Chúa tác thành; và bắt vạn vật quy phục dưới chân Người. Vì khi Ngài bắt vạn vật quy phục Người, Ngài không trừ ra vật nào (như ma quỉ bị Người trừ trong bài Phúc Âm hôm nay - người viết tự thêm vào) khỏi phục tùng Người".
Chính ở nơi Chúa Giêsu Kitô, Vị Thiên Chúa hóa thân làm người, hơn là mặc lấy bản tính thiêng liêng sáng láng tốt lành của thiên thần, mà thân phận con người đã trở nên cao trọng hơn cả thiên thần trước nhan Thiên Chúa, do đó, cùng với Thánh vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay, chúng ta hãy tán dương tuyên tụng Thiên Chúa Hóa Công Nhập Thể rằng:
1) Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom?
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang, Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi.
Thứ Tư
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 2, 14-18
"Người phải nên giống anh em mình mọi đàng".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Vì các con trẻ cùng chung thân phận máu thịt, chính Chúa Giêsu cũng giống như chúng, cũng thông phần điều đó, để nhờ cái chết của Người, mà Người huỷ diệt kẻ thống trị sự chết là ma quỷ, và để giải thoát tất cả những kẻ sợ chết mà làm nô lệ suốt đời. Vì chưng, Người không đến cứu giúp các thiên thần, nhưng đến cứu giúp con cái Abraham. Bởi thế, Người nên giống anh em mình mọi đàng, ngõ hầu trong khi phụng sự Chúa, Người trở thành đại giáo trưởng nhân lành và trung tín với Chúa, để đền tội cho dân. Quả thật, bởi chính Người đã chịu khổ hình và chịu thử thách, nên Người có thể cứu giúp những ai sống trong thử thách.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 104, 1-2. 3-4. 6-7. 8-9.
Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa, hãy hoan hô danh Người, hãy kể ra sự nghiệp Chúa ở giữa chư dân. Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. - Ðáp.
2) Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. - Ðáp.
3) Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được Ngài kén chọn. Chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
4) Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaác. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng
lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 1, 29-39
"Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà
Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức
người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và
nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân,
tất cả những người bị quỷ ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều
người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng
nói, vì chúng biết Người. Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi
đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người.
Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy".
Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta
cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp
xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Bài Phúc Âm Thứ Tư trong Tuần 1 Thường Niên hôm nay được Giáo Hội chọn đọc thích hợp với chủ đề chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý".
Tiếp tục bài Phúc Âm hôm qua về việc trừ quỉ cho một người ở trong hội đường, bài Phúc Âm hôm nay cho biết "Khi ấy Chúa Giêsu ra khỏi hội đường. Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài".
Bài Phúc Âm hôm nay cũng cho thấy 4 người môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu, được Người kêu gọi và đã mau mắn bỏ tất cả mọi sự mà theo Người ngay lập tức, ở bài Phúc Âm Thứ hai đầu tuần này, vẫn tiếp tục đi theo Người và luôn ở bên Người, để chứng kiến những việc Người làm, nhờ đó, sau này, cùng với các vị tông đồ được tuyển chọn sau các vị, có thể trở nên thành phần chứng nhân tiên khởi của Người.
Ở đâu và đi đâu, các vị cũng thấy Thày của các vị luôn tỏ ra thực sự là "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý", đối với từng cá nhân con người chứ không phải chỉ với đám đông quần chúng, dù cảnh gian nan khốn khó nặng hay nhẹ. Chẳng hạn, trong trường hợp "bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường", một chứng bệnh không trầm trọng và đau đớn là bao so với các tật bệnh khác, thế mà sau khi được "người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà", thì Người cũng ân cần "tiến lại gần", sau đó, "Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy", một cử chỉ biểu lộ Người đầy "ân sủng", nhờ đó, "bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các Ngài".
Chưa hết, "ân sủng và chân lý" nơi "Người Con đến từ Cha" này dồi dào phong phú và mãnh liệt còn có thể bao trùm và thông ban cho cả một đám đông, với bao nhiêu là bệnh nạn tật nguyền khác nhau về phần xác nữa, kể cả những ai bị quỉ ám về tâm thần. Đó là lý do bài Phúc Âm hôm nay đã trình thuật tiếp:
"Chiều đến, lúc mặt trời đã
lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ
ám; và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng
bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người".
Tuy nhiên, đối với 4 người môn đệ tiên khởi đang ở bên Người ấy thì "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" không phải chỉ ở chỗ thông ban ơn lành và chữa lành cho dân chúng, chung cũng như riêng, bằng các phép lạ của Người, những gì một người thường không ai có thể làm được ngoại trừ chỉ có Đấng xuất thân từ Thiên Chúa (xem Gioan 9:16,31-32), mà còn ở chỗ liên kết với Thiên Chúa bằng một đời sống âm thầm cầu nguyện nữa, như bài Phúc Âm hôm nay tiếp tục ghi lại:
"Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và
cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các
ông nói cùng Người rằng: 'Mọi người đều đi tìm Thầy'".
Hành động cầu nguyện từ "sáng sớm tinh sương" của Chúa Kitô, sau cả một ngày hôm trước bận bịu cứu giúp dân chúng và sau một đêm tạm nghỉ một chút cho đỡ mệt, được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, cho thấy Người luôn kết hợp với Cha là Đấng đã sai Người, vì Cha là nguồn mạch "ân sủng và chân lý" của Người và cho Người để Người có thể tiếp tục vì Cha và thay Cha, với vai trò là một thừa tác viên của Cha, thông ban "ân sủng và chân lý" cho dân chúng đang trông chờ Đấng Thiên Sai là chính Người.
Để rồi, nhờ những giây phút cầu nguyện thân mật với Cha và sau những cuộc hội ngộ thần linh như thế, Người lại hăng say tiếp tục sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế của mình, trước hết, nơi cộng đồng xã hội Do Thái bấy giờ, trước khi vươn tới "tất cả mọi dân nước" (Mathêu 28:19) và "cho mọi tạo vật" (Marco 16:16) qua thành phần môn đệ chứng nhân tiên khởi của Người sau này. Bởi thế, bài Phúc Âm hôm nay đã kết thúc như hướng về một tương lai toàn cầu hóa tất cả "ân sủng và chân lý" của "Người Con Thiên Chúa đến từ Cha" này như sau:
"Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm được Người, các ông nói cùng Người
rằng: 'Mọi người đều đi tìm Thầy'. Nhưng Người đáp: 'Chúng ta hãy đi đến những
làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa'. Và Người đi rao giảng
trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ".
Qua đoạn kết bài Phúc Âm hôm nay chúng ta thấy cho dù mới theo Chúa Kitô, nhưng 4 người môn đệ tiên khởi nói chung và nhân vật lãnh đạo tông đồ đoàn trong tương lai nói riêng: "Simon và các bạn", đã biết được Thày của mình một phần nào rồi, ở chỗ, cứ sáng sớm Người vẫn giành giờ cầu nguyện ở một nơi vắng vẻ, nên một khi không thấy Người đâu thì cứ chạy tìm đến những chỗ ấy là chắc chắn sẽ thấy, như bài Phúc Âm hôm nay rõ ràng chứng thực.
Thật vậy, Thiên Chúa vẫn tỏ mình ra cho con người một cách kín đáo và trong tĩnh lặng, để những ai biết lắng nghe Ngài có thể sống trong "ân sủng và chân lý", sống đúng với những gì Ngài mong muốn nơi họ và kêu gọi họ, như một trung gian thông ban "ân sủng và chân lý" của Ngài cho những ai được Ngài sai họ đến phục vụ.
Thứ Năm
Lời Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 3, 7-14
"Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, như Thánh Thần phán rằng: "Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng: Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta".
Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là "Hôm Nay", để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Ðức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 6-7. 8-9. 10-11.
Ðáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
2) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta. - Ðáp.
3) Ròng rã bốn chục năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta! - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe;
Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 1, 40-45
"Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giêsu và quỳ xuống thưa Người rằng:
"Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Ðộng lòng thương, Chúa Giêsu
giơ tay đặt trên người ấy và nói: "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". Tức thì bệnh cùi
biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn
rằng: "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng
tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh". Nhưng
đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giêsu không thể
công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng
vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm
Thứ Năm trong Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô được Giáo Hội chọn đọc lại có một nội dung hoàn toàn giống như bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho ngày 11/1 hay Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh và một ngày trước Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa.
Thật vậy, nội dung của hai bài Phúc Âm của hai thánh ký khác nhau đều thuật lại về sự kiện Chúa Giêsu chữa lành cho một người phong cùi, với những chi tiết hầu như hoàn toàn giống nhau, nhất là ở các câu đối đáp giữa nạn nhân đương sự và Chúa Giêsu là Đấng chữa lành cho nạn nhân:
1- "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". 2- "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh". 3- "Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh".
Ý nghĩa khác biệt của hai bài Phúc Âm có nội dung giống nhau này là ở chỗ, mỗi bài đều phản ảnh chủ đề thích hợp cho mùa phụng vụ của mình. Trong khi bài Phúc Âm của Thánh ký Luca cho ngày 11/1 hay Thứ Sáu sau Lễ Hiển Linh và trước Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa thích hợp với chủ đề "Lời ở giữa chúng ta" của Mùa Giáng Sinh, thì bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Thứ Năm Tuần I Thưởng Niên hôm nay lại thích hợp với chủ đề "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh.
Đúng thế, nạn nhân bị "bệnh cùi" trong bài Phúc Âm hôm nay đã được chữa cho lành sạch là nhờ "ân sủng" của "Người Con đến từ Cha" đã "động lòng thương" đương sự, bằng một lời truyền chữa lành "'Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh'. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch", đúng như "sự thật" mà Người mong muốn.
"Người Con đến từ Cha ... đầy ân
sủng và chân lý" này
còn truyền dạy cho nạn nhân đương sự vừa được Người chữa cho lành sạch 2 điều
cũng liên quan đến "ân sủng và chân lý", đó là "Anh
hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng
của lễ theo luật Môsê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh".
Hành động để đáp lại "ân sủng" mà nạn nhân đương sự nhận được qua biến cố được lành sạch phong cùi đó là đương sự nạn nhân cần phải "dâng của lễ", và hành động tỏ ra chấp nhận cùng hưởng ứng "chân lý" của đương sự nạn nhân này đó là đương sự nạn nhân cần phải "đi trình diện cùng trưởng tế... để minh chứng (sự thật là quả thực) mình đã được khỏi bệnh".
Lời Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô, một Đấng Thiên Sai Cứu Tinh. Người đến để cứu độ, dù theo nghĩa Thiên Sai của dân Do Thái hay Cứu Thế cho chung loài người. Và Người cứu độ chung nhân loại, bao gồm cả dân Do Thái, không phải cho khỏi quyền lực chính trị mà là quyền lực thần dữ, quyền lực tối tăm. Nghĩa là Người cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết, một sự chết là hậu quả của tội lỗi, sự chết về cả phần hồn, ở chỗ mất ơn nghĩa với Chúa, lẫn phần xác, ở chỗ trở về tro bụi cho đến ngày phục sinh.
Sự chết là hậu quả của tội lỗi này được tỏ hiện và biểu hiện nơi cả linh hồn lẫn thân xác của con người: linh hồn trở nên mù tối và lầm lạc về lý trí, cùng yếu nhược và sa ngã về ý chí. Một trong những dấu hiệu cho sự chết là hình ảnh và là hậu quả của tội lỗi đó là tình trạng hay hiện tượng con người bị quỉ ám, bị ma quỉ làm chủ và điều khiển theo quyền lực của nó.
Sự chết về phần xác được tỏ hiện và biểu hiện nơi các bệnh nạn tật nguyền, trong đó có tật nguyền tiêu biểu cho sự chết về phần xác và đáng thương nhất, đó là bất toại và phong hủi. Nếu sự chết về phần xác là tình trạng con người hoàn toàn bất động, không còn động đậy nhúc nhích gì được nữa, thì bất toại đúng là dấu hiệu sự chết nơi con người đang sống mà như chết. Nếu sự chết là tình trạng vĩnh viễn chia ly với chung xã hội loài người, nhất là với những thân nhân bạn hữu của mình, thì những con người bị phong hủi cũng ở trong tình trạng cô độc như thế, không còn được gần gũi thân nhân thân hữu của mình, sống mà chẳng khác gì như đã chết.
Đó là lý do vì đến để cứu con người khỏi tội lỗi và sự chết mà Đấng Thiên Sai Cứu Thế, trước khi tỏ hết mình ra trong cuộc Vượt Qua của mình, đã liên lỉ tỏ mình "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25), ở chỗ, Người đã chữa lành và trừ quỉ cho các nạn nhân đến với Người bằng tất cả lòng tin tưởng hay Người cảm thương tự động chữa lành cho họ, như nạn nhân bất toại 38 năm (xem Gioan 5:5-9) hoặc hồi sinh họ, như đứa con trai duy nhất của bà góa thành Naim (xem Luca 7:11-17). Nạn nhân bị phong hủi trong bài Phúc Âm hôm nay cũng thế, nhờ tin tưởng, mà đã thấy vinh quang của Thiên Chúa nơi Đấng nạn nhân này tin tưởng van xin.
Nếu Lời Nhập Thể đến để tỏ mình ra là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, để ai tin vào Người sẽ được và mới được cứu cho khỏi tội lỗi và sự chết, thì con người nói chung và thành phần nạn nhân khốn khổ nói riêng, bao gồm cả hồn lẫn xác, cần phải nhận biết Người và tin vào Người, hay nói đúng hơn, nhờ càng khốn khổ không thể tự cứu được mình mà càng tin vào Đấng Tối Cao trong trong hoàn cảnh hiện tại được gọi là 'hôm nay' của mình, như lời khuyên trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là 'Hôm Nay', để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Ðức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng", cũng như câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay kêu gọi: "Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng".
Thứ Sáu
Lời
Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 1-5. 11
"Chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, chúng ta hãy lo sợ kẻo đang khi lời hứa được vào trong sự an nghỉ của Chúa còn có giá trị mà có người trong anh em tưởng mình không được hưởng. Quả thật, chúng ta đã nhận lãnh tin mừng như họ; nhưng lời họ đã nghe không sinh ích gì cho họ, bởi họ không lấy đức tin mà thông hiệp với những kẻ đã tin. Chúng ta là những kẻ đã tin; chúng ta đang đi vào nơi an nghỉ, như lời Người phán rằng: "Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ, chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta". Dầu vậy, các công trình của Người đã được hoàn tất từ tạo thiên lập địa. Vì chưng, có câu nói về ngày thứ bảy rằng: "Và ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã nghỉ mọi việc". Lại có câu khác rằng: "Không, chúng nó sẽ chẳng vào nơi an nghỉ của Ta". Vậy chúng ta hãy mau mau tiến vào nơi an nghỉ đó, để không ai sa ngã mà nên gương bất trung.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 77, 3 và 4bc. 6c-7. 8
Ðáp: Chúng tôi sẽ không quên lãng những kỳ công của Chúa (c. 7c).
Xướng: 1) Ðiều mà chúng tôi đã nghe, đã biết, mà tổ tiên đã thuật lại cho chúng tôi hay, chúng tôi sẽ kể lại cho thế hệ tương lai, đó là những lời khen ngợi và quyền năng của Chúa. - Ðáp.
2) Ðể họ đứng ra và thuật lại cho con cái họ, hầu cho chúng đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, và không quên lãng những kỳ công của Người, những giới răn của Người chúng sẽ tuân theo. - Ðáp.
3) Và chúng đừng trở nên như tổ tiên chúng, một thế hệ khó dạy và lăng loàn, một thế hệ không có lòng ngay thẳng, và không có tâm hồn trung kiên cùng Thiên Chúa. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa,
và con suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 2, 1-12
"Con Người có quyền tha tội dưới đất".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Sau
ít ngày, Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum; nghe tin Người đang ở trong nhà,
nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và
Người giảng dạy họ. Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người
khiêng. Vì dân chúng quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ
mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại
xuống. Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: "Hỡi con,
tội lỗi con được tha". Lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó, họ thầm nghĩ rằng:
"Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không
phải là một mình Thiên Chúa". Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói
với họ: "Tại sao các ông nghĩ như thế? Nói với người bất toại này: "Tội lỗi con
được tha" hay nói: "Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói
thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất". - Người nói với kẻ
bất toại: "Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà". Lập tức người
ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi
khen Thiên Chúa rằng: "Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm
Đức Kitô Quyền Linh
Hôm nay, Thứ Sáu trong Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" vẫn tiếp tục phản ảnh nơi một phép lạ đặc biệt khác nữa được Chúa Giêsu thực hiện, chẳng những liên quan đến phần xác của nạn nhân mà còn đến cả phần hồn của đương sự nữa.
Đó là trường hợp, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, bấy giờ "Chúa Giêsu lại trở về Capharnaum", sau khi Người từ nhà của hai tông đồ Simon và Anrê ra đi (ở bài Phúc Âm hôm kia), cũng như sau khi Người chữa lành cho một người phong cùi (ở bài Phúc Âm hôm qua), một nơi đã được Người chọn làm như tổng hành dinh của Người để thường xuyên tỏ mình ra, và vì thế nó đã trở thành một nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" trở nên nổi tiếng, đến độ "nghe tin Người đang ở trong nhà, nhiều người tuôn đến đông đảo, đến nỗi ngoài cửa cũng không còn chỗ đứng, và Người giảng dạy họ".
Phúc Âm không cho chúng ta biết bấy giờ Người đang ở trong ngôi nhà của ai ở Capharnaum, cũng có thể lại là nhà của anh em Simon và Anrê như bài Phúc Âm Thứ Tư vừa rồi, và nếu quả thực như vậy thì lần này ngôi nhà ấy đã trở thành một ngôi nhà chưa từng thấy xẩy ra trong lịch sử chữa lành của Chúa Giêsu. Ở chỗ, như bài Phúc Âm cho biết:
"Người ta mang đến cho Người một kẻ bất toại do bốn người khiêng. Vì dân chúng
quá đông, không thể khiêng đến gần Người được, nên họ dỡ mái nhà trên chỗ Người
ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống".
Trước một sự kiện chưa từng bao giờ xẩy ra như thế, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" không thể nào không đáp ứng lòng tin tưởng mãnh liệt của họ, lòng tin không phải chỉ của nạn nhân bất toại mà còn của chính những người thân nhân bạn hữu của đương sự, thành phần chẳng những khiêng nạn đến đến với Chúa Giêsu mà còn tìm hết cách để đưa nạn nhân đến tận nơi Người hiện diện nữa, như Phúc Âm hôm nay trình thuật: "Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: 'Hỡi con, tội lỗi con được tha'".
Hình như lần chữa lành này, sau mấy lần chữa lành lần trước từ khi xuất thân công khai thực hiện thừa tác vụ Thiên Sai Cứu Thế của mình, Chúa Giêsu đã từ từ có ý muốn tỏ mình ra cho chung dân chúng và cho riêng thành phần môn đệ của Người biết thêm về bản thân và sứ vụ của Người, Đấng được Cha sai đến không phải chỉ để chữa lành những hậu quả nguyên tội liên quan đến thân xác của con người là bệnh nạn tật nguyền hay đến tâm thần của con người là bị quỉ ám, mà chính là để cứu con người khỏi tội lỗi của họ là căn nguyên gây ra tình trạng đau khổ trong ngoài như thế.
Đó là lý do câu nói bật ra từ môi miệng của Người lần đầu tiên liên quan đền việc tha tội này, một câu nói hình như Người có ý chờ đến lần này mới chính thức công khai thốt lên, có thể là vì bởi Người biết rằng trong đám đông "lúc ấy, có một ít luật sĩ ngồi đó", (mà mấy lần trước hình như không có, vì tiếng tăm của Người chưa lừng lẫy cho lắm, không đáng họ chú ý và theo dõi), nên Người đã lợi dụng để tỏ mình ra là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" một cách chính xác hơn nữa.
Bởi thế, sau khi chờ phản ứng của thành phần luật sĩ ấy, cho dù họ không dám công khai lên tiếng kẻo bị đụng đến chung dân chúng, mà đối với họ, như đang có vẻ "mù quáng" hay "cuồng tín" chạy theo Người, một phản ứng tự nhiên nổi lên trong óc của từng vị luật sĩ bấy giờ, như Phúc Âm thuật lại: "họ thầm nghĩ rằng: 'Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa'", Chúa Giêsu mới tỏ cho riêng họ và chung dân chúng lần đầu tiên biết vai trò Thiên Sai Cứu Thế cả hồn lẫn xác của loài người qua bài Phúc Âm hôm nay:
"Chúa Giêsu biết tâm trí họ nghĩ như vậy, liền nói với họ: 'Tại sao các ông nghĩ
như thế? Nói với người bất toại này: 'Tội lỗi con được tha' hay nói: 'Hãy chỗi
dậy vác chõng mà đi', đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con
Người có quyền tha tội dưới đất'. - Người nói với kẻ bất toại: 'Ta truyền cho
con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà'. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra
đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng:
'Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ'".
Câu hỏi Chúa Giêsu đặt ra cho riêng mấy vị luật sĩ đang ngồi đó bấy giờ là "'Tội lỗi con được tha" hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đàng nào dễ hơn?" hoặc "đằng nào đúng hơn" cũng thế. Bởi vì, về phía Thiên Chúa, Ngài chỉ cần cứu linh hồn con người, bằng cách tha tội cho con người, thì con người được cứu độ, được cứu độ cả hậu quả tội lỗi của họ là những gì họ phải gánh chịu nơi thể xác lẫn tâm thần của họ. Thế nhưng, về phía loài người, sự kiện họ được chữa lành cho khỏi các hậu quả của tội lỗi mới là dấu chứng thực họ thật sự được cứu độ.
Bởi thế, để chiều theo cùng đáp ứng thị hiếu và xu hướng thực nghiệm không phải là hoàn toàn vô lý của loài người, nhờ đó chính họ mới có thể thấy được phần nào "tất cả sự thật" (Gioan 13:16) về "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", Chúa Giêsu đã chữa lành cho cả thân xác bất toại của nạn nhân đương sự, một tật nguyền chẳng những là hậu quả của nguyên tội, mà còn là biểu hiệu cho tác dụng của tội lỗi là những gì đã khiến con người vốn được dựng nên để sống tự do đã trở thành bại liệt, bất lực và bất động, một tình trạng về linh hồn vô cùng trầm trọng liên quan đến phần rỗi đời đời của con người mới là những gì trên hết và trước hết cần phải được cứu độ và được giải thoát.
Câu Chúa Giêsu phán: "Nói với người bất toại này: 'Tội lỗi con được tha' hay nói: 'Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi', đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất'. - Người nói với kẻ bất toại: 'Ta truyền cho con hãy chỗi dậy, vác chõng mà về nhà', chứng thực Chúa Kitô đến để cứu con người khỏi cả tội lỗi lẫn sự chết là hậu quả của tội lỗi, một sự chết được tỏ hiện qua các tật nguyền bệnh nạn của nhân loại nói chung, tiêu biểu nhất cho sự chết là chứng bất toại, không còn nhúc nhích gì được nữa, như trạng thái của một thây ma hoàn toàn bất động.
Cũng qua câu khẳng định này của Chúa Kitô chúng ta còn thấy một sự thật nữa, đó là vấn đề tha tội và đền tội. Thật ra, tự mình, Thiên Chúa đã tha tội cho con người ngay khi xẩy ra nguyên tội, cho dù hai nguyên tổ bấy giờ chẳng những không xin Ngài tha tội mà còn đổ tội cho nhau. Đó là lý do Chúa Kitô đã nói: "đằng nào dễ hơn" - tha tội dễ hơn đền tội. Bởi vì, để đền tội cho con người gây ra bởi nguyên tội, nghĩa là đền lại cái vạ con người phải chịu bởi nguyên tội, chính Thiên Chúa phải hóa thân làm ngưòi, mặc lấy nhân tính của con người, để mang lấy cái vạ thay cho con người mà đền tội cho con người một cách cân xứng, vì một tội phạm đến Đấng vô cùng thì cũng chỉ có Đấng vô cùng mới đền lại được mà thôi.
Tuy nhiên, để con người có thể được chữa lành về phần xác, biểu hiệu cho việc tha tội cho con người, họ cần phải tin tưởng vào Thiên Chúa, vào Đấng đã mặc lấy nhân tính của họ để gánh tội trần gian, chịu khổ nạn và tử giá bù lại cái vạ do tội lỗi của họ gây ra, nghĩa là phải nhận biết LTXC đối với họ. Đó là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marco đã cho thấy chi tiết tin tưởng nơi phần của con người, dù niềm tin ấy ở nơi chính đương sự hay của những ai liên hệ với đương sự nạn nhân: "Thấy lòng tin của họ, Chúa Giêsu nói với người bất toại rằng: 'Hỡi con, tội lỗi con được tha".
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô cũng nhắn nhủ giáo đoàn Do Thái về niềm tin bất khả thiếu để được cứu độ và thánh hóa rằng: "Chúng ta là những kẻ đã tin; chúng ta đang đi vào nơi an nghỉ, như lời Người phán rằng: 'Như Ta đã thề trong cơn thịnh nộ, chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta'". Nếu "nơi an nghỉ" ám chỉ Ngày Hưu Lễ, Ngày Thánh Hóa, thì chỉ có những ai tin tưởng mới được cứu độ và thánh hóa là thế, như gương của những người khênh người bất toại đến với Chúa Kitô cho bằng được bằng cách thòng nạn nhân từ mái nhà xuống ở bài Phúc Âm hôm nay.
Thứ Bảy
Lời
Chúa
Bài Ðọc I: (năm I) Dt 4, 12-16
"Chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta".
Trích thư gửi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn. Không một tạo vật nào ẩn khuất được trước mặt Chúa; tất cả mọi sự đều phải phơi trần và tỏ ra trước mắt của Ðấng mà ta phải trả lẽ.
Vậy chúng ta có một Thượng tế cao cả đã đi qua các tầng trời, là Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa, nên chúng ta hãy giữ vững việc tuyên xưng đức tin của chúng ta. Vì chưng, không phải chúng ta có Thượng tế không thể thông cảm sự yếu đuối của chúng ta, trái lại, Người đã từng chịu thử thách bằng mọi cách như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Nên chúng ta hãy tin tưởng chạy đến toà ơn Chúa, để nhờ Chúa thương đến, chúng ta được ơn Chúa tuỳ thời cơ thuận tiện.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8 . 9. 10. 15
Ðáp: Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống (Ga 6, 64b).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chánh trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. - Ðáp.
4) Xin Chúa nhậm những lời miệng con công bố, và sự lòng con suy gẫm trước thiên nhan, lạy Chúa là Ðá Tảng, là Ðấng Cứu Chuộc con. - Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia, alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở
lời Chúa. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 2, 13-17
"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội
lỗi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy
họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu
thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là
khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn
với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật
sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi,
liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những
người thu thuế và tội lỗi?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh
không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu
gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm
Ngày Thứ Bảy cuối Tuần 1 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, bài Phúc Âm tiếp tục chủ đề của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", một chủ đề càng sâu sắc và rõ ràng hơn nữa qua sự kiện Chúa Giêsu tuyển chọn một người môn đệ đặt biệt nhất trong thành phần môn đệ của Người:
"Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: 'Hãy theo Ta'. Ông liền đứng dậy theo Người".
Trong trường hợp của nhân vật Lêvi là chính Tông Đồ Mathêu sau này trong bài Phúc Âm hôm nay lại càng cho thấy hấp lực vô cùng mãnh liệt hầu như bất khả chống cưỡng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý".
Thật vậy, trong trường hợp 4 chàng thanh niên môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu là 2 cặp anh em Simon và Anrê cũng như Giacôbê và Gioan, ở bài Phúc Âm Thứ Hai đầu tuần này, đã cho thấy sức thu hút lạ lùng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này rồi, nhưng, so với lần này, hình như chưa mãnh liệt bằng.
Bởi vì, 4 chàng môn đệ đầu tiên chỉ là thành phần dân chài lưới chất phác mộc mạc đơn sơ chân thành, trong khi đó nhân vật Levi thu thuế được Chúa Giêsu bất ngờ kêu gọi trong bài Phúc Âm hôm nay lại thuộc thành phần vẫn bị xã hội Do Thái nghi kỵ và cho là đồ phản quốc, tội lỗi, tham lam, gian lận v.v., nghĩa là một con người hoàn toàn ngược lại với tinh thần trọn lành và con đường chật hẹp của Chúa Kitô. Ấy thế mà, chỉ cần một lời kêu gọi ngắn gọn "'Hãy theo Ta'. Chàng liền đứng dậy theo Người", Đấng mà chẳng biết chàng thanh niên thu thuế này đã từng bao giờ được gặp hay được nghe Người bao giờ chưa.
Chưa hết, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này sở dĩ có thể tự mình dễ dàng và chớp nhoáng chộp bắt được một tay thu thuế như Levi, còn nhờ ở nơi chính bản thân của đương sự nữa, một con người cho dù hành nghề phản quốc và gian lận về tiền bạc, nhưng tự bản chất vốn có một tấm lòng rất chân thành và vẫn khao khát thần linh, dường như càng sống trong tăm tối tội lỗi càng mong tìm thấy "ánh sáng chân thật" (Gioan 1:9), cho nên khi vừa được "ánh sáng chân thật" chiếu soi tới là chàng thanh niên giầu sang này liền bị thu hút lập tức.
Trong thành phần thu thuế ở xã hội Do Thái bấy giờ chỉ có một mình nhân vật Lêvi này được chọn làm tông đồ của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này thôi. Việc tuyển chọn một nhân vật thu thuế tội lỗi này cho thấy Thiên Chúa "muốn thương ai thì thương" (Roma 9:18), và như thế "ân sủng" của Ngài cũng chính là "chân lý" của Ngài, hay ngược lại, "chân lý" mà Thiên Chúa muốn thông đạt cho con người đó chính là "ân sủng" của Ngài, là tình thương của Ngài. Theo chiều hướng ấy, vị giáo hoàng đương kim Phanxicô đã lấy khẩu hiệu rất hợp với chủ trương và đường hướng giáo triều của ngài hiện nay: "vì thương được chọn - Miserando atque eligendo".
Tuy nhiên, một khía cạnh nữa về "chân lý" hết sức quan trọng được Thiên Chúa luôn tỏ cho thấy đó là "ân sủng" của Ngài không phải ban riêng cho bất cứ một cá nhân nào, tùy theo tình thương của Ngài, chỉ để cho cá nhân ấy hoan hưởng một mình thôi, mà là cho chung cộng đồng của cá nhân này nữa. Đó là lý do, bài Phúc Âm hôm nay đã không dừng lại ở chỗ chàng thu thuế Lêvi "đứng dậy theo Người" là xong, trái lại, chàng còn phải đóng vai trò môi giới cho "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này nữa, ở tại nhà của chàng và giữa thân thuộc cùng bằng hữu thu thuế của chàng.
"Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà chàng, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: 'Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?' Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: 'Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi'".
Phải, bài Phúc Âm hôm qua liên quan đến quyền tha tội của Chúa Giêsu đã được tiếp tục vời bài Phúc Âm hôm nay. Ở chỗ, Chúa Giêsu đã không ngần ngại "ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?" ngay trước mặt thành phần tự coi mình là công chính biệt phái, một hành động như thể Người muốn ngang hàng với họ, như thể Người "pro" họ, ủng hộ và tán thành cuộc đời tội lỗi của họ.
Người đã không chối cãi về hành động có vẻ ngược đời của mình, một hành động hoàn toàn nghịch lại với bản chất thánh hảo về Ngôi Vị Thần Linh của Người, một bản chất tuyệt hảo không thể nào dung hòa với những gì là bất hảo xấu xa tội lỗi như nơi thành phần tội nhân hôm ấy.
Tất nhiên Người không bao giờ chấp nhận tội lỗi của họ, nhưng Người vẫn không bao giờ ruồng bỏ con người tội nhân, và cũng chính vì tội lỗi của họ mà Người lại càng cần phải thương họ hơn ai hết, gần họ hơn người nào hết, và cứu họ hơn bao giờ hết, bởi thế, Người mới khẳng định một cách công khai lần đầu tiên về sứ vụ Thiên Sai Cứu Thế của Người liên quan đến chính thành phần yếu đuối và tội lỗi này như sau:
"Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi". "Những người khỏe mạnh" và "những người công chính" đây phải chăng Người có ý ám chỉ thành phần biệt phái đang hiện diện trong nhà của chàng thu thuế Lêvi bấy giờ, một chàng thu thuế tiêu biểu và đại diện cho thành phần "đau yếu" và "tội lỗi" cần được Người là vị lương y thần linh chữa lành và cứu độ.