CÔNG GIÁO VIỆT NAM
2020
Đổ Nước Đầy Chum - Rượu Ngon Hơn Trước
(Gioan
2:7,10)
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Trong 4 phúc âm, phúc âm nào cũng có một đặc tính riêng, nhờ đó, cả 4 phúc âm,
những cuốn sách chính yếu của toàn bộ mạc khải thánh kinh, được nên trọn đúng
như Đấng đã linh ứng cho từng tác giả, vào từng giai đoạn của mỗi vị, trình bày
theo cách thức loài người của mình.
Chẳng hạn, dựa vào nội dung và kết cấu của từng cuốn, thì 2 cuốn phúc âm đầu,
được thánh ký Mathêu và Marcô viết cho dân Do thái, cuốn phúc âm thứ 3 được
thánh ký Luca viết cho dân ngoại, và cuốn thứ 4 được thánh ký Gioan viết cho
Giáo hội.
Căn cứ vào các đối tượng khác nhau như thế, chúng ta mới thấy thánh ký Mathêu
chuyên trich dẫn các câu thánh kinh cựu ước để chứng thực Chúa Giêsu là Đức Kitô
Thiên sai. Thánh ký Marcô được cho là vị tác giả viết phúc âm đầu tiên, nên đã
viết một cách vắn gọn, nhưng có những chi tiết rất độc đáo về tác hành của Chúa
Giêsu, và phúc âm ngài viết đã được thánh ký Mathêu khai triển và bổ túc cho dân
Do thái đọc.
Còn thánh ký Luca lại nhấn mạnh đến Lòng Thương Xót Chúa đối với thành phần tội
nhân, không phải chỉ có thành phần thu thuế và làm điếm trong dân Do thái, mà
nhất là thành phần dân ngoại vốn bị dân Do thái cho là ô uế tội lỗi đáng khinh
chê và xa lánh. Phúc âm của thánh ký Luca cũng nhấn mạnh đến yếu tố Thánh Linh
nữa, vị được sai đến để, qua và cùng Giáo Hội của Chúa Kitô, làm chứng cho Chúa
Kitô, giúp cho muôn dân nhận biết Chúa Kitô mà được cứu độ, như Sách Tông vụ
ngài cũng là tác giả hiển nhiên cho thấy.
Yếu tố Giáo Hội được tỏ hiện rõ ràng nơi phúc âm thánh ký Gioan, vị tác giả viết
Sách Khải Huyền về Giáo Hội, một Giáo Hội nổi bật ở cuốn phúc âm thứ 4 này trong
biến cố Tiệc ly bao gồm 3 đoạn 15, 16 và 17. Nếu phúc âm thánh ký Luca nhấn mạnh
đến 2 yếu tố lòng thương xót Chúa và Thánh Linh, thì phúc âm thánh ký Gioan nhấn
mạnh đến yếu tố Thần Tính và Thánh Mẫu, Mẹ Giáo Hội, người Mẹ chỉ xuất hiện 2
lần duy nhất trong phúc âm bao gồm 21 đoạn này, lần gần mở đầu ở đầu đoạn 2
trong trình thuật về tiệc cưới Cana, và lần gần kết thúc, ở đoạn 19, trong trình
thuật về cuộc khổ giá của Chúa Kitô.
Chính vì yếu tố thần tính này mà thánh ký Gioan đã thường sử dụng danh từ "dấu
lạ", thay vì "phép lạ", như các phúc âm khác. Bởi vì dấu lạ là những gì chất
chứa một ý nghĩa sâu xa về việc Chúa Kitô là Lời nhập thể làm. Chẳng hạn phép lạ
Người phục quang cho người mù từ lúc mới sinh là dấu lạ chứng thực Người là "ánh
sáng thế gian" (Gioan 8:12), một "ánh sáng thật soi chiếu mọi người đã đến trong
thế gian" (Gioan 1:9). Hay phép lạ Người hồi sinh Lazarô là dấu lạ chứng thực
Người "là sự sống lại và là sự sống" (Gioan 11:25). Vậy thì phép lạ hóa nước
thành rượu là dấu lạ đầu tiên Người thực hiện ở tiệc cưới Cana có ý nghĩa gì?
Để có thể suy đoán một phần nào ý nghĩa sâu xa của dấu lạ đầu tiên Người thực
hiện ở tiệc cưới Cana này, chúng ta có thể căn cứ vào 2 chi tiết bất khả thiếu
và bất khả phân ly được thánh ký Gioan cố ý trình thuật. Đó là chi tiết ở ngay
đầu bài phúc âm: "vào ngày thứ ba", và chi tiết "rượu ngon để đến bây giờ".
Thật vậy, nếu chi tiết "vào ngày thứ ba" ám chỉ cuộc vượt qua của Chúa Kitô được
hoàn tất vào ngày thứ ba trong biến cố Vượt Qua của Người, khi Chúa Kitô Phục
Sinh từ trong cõi chết, thì chi tiết rượu ngon để mãi đến bây giờ ám chỉ "sự
sống viên mãn" được Chúa Kitô là "vị mục tử nhân lành hiến mạng sống vì
chiên"(Gioan 10:10), một sự sống viên mãn chưa được Thiên Chúa hóa công ban cho
loài Ngài đựng nên theo hình ảnh và tương tự như Ngài, Vị Thiên Chúa duy nhất
nhưng có 3 Ngôi là nguồn mạch đồng thời cũng chính là sự sống thần linh.
Đúng thế, nếu rượu ngon của tiệc cưới Cana bị hết ám chỉ sự sống ngay từ ban đầu
của con người mới được dựng nên trong công chính, chưa biết đến tội lỗi là gì,
trần truồng mà không biết xấu hổ, thì rượu ngon hơn trước được dành cho đến
"thời điểm viên trọn khi Thiên Chúa đã sai Con mình đến, sinh bởi một người nữ"
(Galata 4:4), ám chỉ sự sống viên mãn là Chúa Ba Ngôi, được "tuôn đổ vào lòng
chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài đã ban cho chúng ta" ( Roma 5:5), khi chúng ta lãnh
nhận phép rửa bởi Giáo Hội "nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần" (Mathêu 28:19).
Phải chăng ý nghĩa của sự kiện rượu bị hết và rượu ngon để dành cho tới khi hết
rượu cũ, liên quan đến sự sống bị cạn kiệt đã được bù đắp bằng một sự sống viên
mãn hơn ở tiệc cưới Cana, mà lời Chúa Giêsu truyền cho thành phần phục
tiệc bấy giờ, thành phần đã tỏ ra ngoan ngoãn vâng nghe lời của một người đàn bà
là "Mẹ của Chúa Giêsu cũng ở đó" (Gioan 2:1) đã căn dặn họ rằng "Người bảo gì
thì hãy làm như vậy" (Gioan 2:5), "hãy đổ nước đầy các chum" (Gioan 2:7), đã
được thực hiện một cách dễ dàng và mau chóng.
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao lại là các chum, hay nói cách
khác, tất cả các chum ở đó bấy giờ là "6 chum nước được dùng vào việc rửa chân"
(Gioan 2:7)? Phải chăng 6 chum nước cần phải được đổ đầy nước này ám chỉ nhân
tính của con người đã hết rượu, tức đã bị mất đi sự sống công chính nguyễn thủy
của mình, một nhân tính chính vì thế mà, muốn nhận được sự sống viên mãn hơn
trước, cần phải được đổ đầy nước cho tới miệng chum, ám chỉ phép rửa từ trời
"bởi nước và Thánh Linh" (Gioan 3:5), do đó mới có thêm chi tiết 6 cái chum này
được dùng vào việc thanh tẩy (xem Gioan 2:6), để nhờ đó con người mới có thể
được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô (xem Gioan
13:8)?
Cũng có thể vì 6 chum nước đây ám chỉ bản tính con người, được Thiên Chúa dựng
nên vào ngày thứ 6 trong “tuần tạo dựng” của Ngài, và cũng đã cứu chuộc họ vào
ngày thứ 6 trong tuần của lịch sử loài người, và vì thế 6 chum nước là bản tính
của con người này cần phải được tái sinh bằng “nước” đức tin, nhờ đó họ mới xứng
đáng lãnh nhận “Thần Linh” là thứ rượu ngon hơn trước, đúng như Chúa Giêsu, ở
đầu đoạn 3, ngay sau đoạn 2 được mở đầu bằng tiệc cưới Cana, Chúa Giêsu đã nói
với nghị viên Nicôđêmô về sự kiện con người cần phải “tái sinh từ trời” (Gioan
3:3), “bởi nước và Thần Linh” (Gioan 3:4).
“Nước” đây chẳng những ám chỉ phép rửa thanh tẩy tái sinh mà còn ám chỉ cả đức
tin tuân phục nơi con người nữa. Bởi nếu con người không tin họ sẽ không lãnh
nhận phép rửa. Hay khi họ tin mà chưa kịp chịu phép rửa họ cũng được cứu độ. Đức
tin chính là yếu tố quan thiết bất khả thiếu để được cứu độ, để được hoan hưởng
rượu ngon hơn trước là Thần Linh của Thiên Chúa, hoa trái của Ơn Cứu
Chuộc, một đức tin được tỏ hiện bằng việc tuân phục chính Đấng Cứu Độ là Chúa
Giêsu Thiên Sai, được Mẹ của Người giới thiệu cho loài người, mang đến cho loài
người, Đấng đã biến nước lã thành rượu ngon hơn trước nhờ đám phục tiệc đã nghe
theo lời Mẹ Maria căn dặn đáp ứng đúng “những gì Người bảo”. Đức tin làm nên
phép lạ là như thế. Giờ của Chúa chính là lúc con người sẵn sàng, là lúc con
người tin vào Ngài!
Tại sao lại đổ nước đầy các chum, trong khi nước vẫn còn ở trong từng chum trong
cả 6 chum. Bởi vì cả 6 chum này đựng nước rửa chân cho khách tất cả có nước rồi.
Nếu 6 chum nước ám chỉ con người tội lỗi đã lãnh nhận công ơn cứu chuộc của
Thiên Chúa, được thực hiện vào ngày Thứ Sáu trong tuần, qua Phép Rửa tái sinh,
thì nước có sẵn trong từng chum ấy có thể ám chỉ niềm tin của họ (belief), một
niềm tin cần phải sống bằng lòng tin (trust) của mình nữa, thì bấy giờ Chúa mới
có thể tỏ mình ra cho họ.
Thật vậy, Thiên Chúa thường lợi dụng những bất toàn, bất xứng và bất lực của con
người để tỏ mình ra, như trường hợp hết rượu ở Tiệc Cưới Cana, và vì thế, con
người cũng chí có thể bày tỏ lòng tin của mình trong những lúc gian nan khốn
khó, những lúc chứng tỏ mình thực sự bất toàn, bất xứng và bất lực. Và chỉ cho
tới lúc bấy giờ, họ mới có thể hoan hưởng rượu ngon hơn trước, là sự sống viên
mãn hơn, tràn đầy Thánh Thần là Đấng ban sự sống.
Và chỉ nhờ sự sống viên mãn này, đôi phối ngẫu mới có thể
vượt qua những gian nan khốn khó trong đời sống gia đình, nhất là tình
nghĩa giữa vợ chồng với nhau, để khi xẩy ra những lúc cần phải yêu thương nhau
chân thật nhất và trọn lành nhất, thì họ chẳng những không bỏ nhau như đã xẩy ra
trong thế giới văn minh tự do lấy nhau và dễ bỏ nhau theo chiều hướng
“pro-choice”, tôi có quyền chọn thì tôi cũng có quyền bỏ, trái lại, họ biết sống
đời hôn nhân phản ảnh Chúa Kitô với Giáo Hội.
Nếu quả thật những suy diễn trên đây về ý nghĩa sâu xa của việc Chúa Giêsu tỏ
vinh quang của Người ra ở tiệc cưới Cana không sai, thì dấu lạ đầu tiên đây ám
chỉ màu nhiệm tái sinh của nhân loại, nhờ công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu
Kitô, cùng với sứ vụ đồng công cứu chuộc của người nữ đệ nhất tạo vật đầy ân
sủng ngay từ khi được hoài thai trong lòng thai mẫu, một con người "có phúc hơn
mọi người nữ" (Luca 1:42), tức hơn tất cả loài người nói riêng và mọi tạo vật
nói chung, được thưởng thức rượu ngon hơn trước, nhờ chẳng những đặc ân vô nhiễm
nguyên tội do Thiên Chúa "ở cùng" (Luca 1:28), mà còn nhờ Mẹ liên lỉ "làm theo
những gì Người bảo", cho đến khi Mẹ "đứng bên thánh giá Chúa Giêsu" (Gioan
19:25), như Mẹ cũng "có ở đó" với Người tại tiệc cưới Cana.
Việc "làm theo những gì Người bảo" đây chính là một bí quyết tiên quyết và bất
khả thiếu của bản thân Mẹ, được Mẹ truyền lại cho con cái của mình, để nhờ đó
những ai, như Mẹ, tin vào Con Mẹ nhờ phép rửa, sẽ không bao giờ bị tái hết rượu,
bằng tội trọng của mình, hay bị cạn rượu, bằng tội nhẹ của mình, trái lại, còn
được hoan hưởng rượu ngon hơn trước là sự sống viên mãn tràn đầy Thánh Linh, đến
độ trở thành "đầy rượu rồi" (Tông Vụ 2:13), như các vị tông đồ trong Ngày Lễ Ngũ
Tuần "được lãnh nhận phép rửa trong Thánh Linh" (Tông Vụ 1:5).
Trên chuyến bay từ New York về California chiều tối Thứ Hai 24/6/2019,
Sau Khóa LTXC XXXIX ở Đền
Thánh Gioan Neumann
TGP Philadelphia PA