CÔNG GIÁO VIỆT NAM
2020
Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - Ơn Gọi Cảm Tử Quân
Bài chia sẻ cho Nhóm TĐCTT vào ngày lễ Mẹ Fatima 13/5/2020
ngay sau Chuỗi Kinh Mân Côi Chính Ngọ trong Mùa Đại Dịch Covid-19
TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh
BIẾN CỐ THÁNH MẪU FATIMA: SỨ ĐIỆP
Trong Thời Điểm Maria của Mẹ, kể từ đầu thế kỷ 19, bắt đầu từ năm 1830, lần hiện ra đầu tiên (và liên tục sau đó), thì Biến Cố Thánh Mẫu Fatima năm 1917 là tột đỉnh của Thời Điểm Maria. Tại sao? Tại vì:
Thứ nhất, sau lần hiện ra vĩ đại chưa từng xẩy ra ấy, có thể nói là vô tiền khoáng hậu này, không hề có một Biến Cố Thánh Mẫu nào sau đó, dù được Giáo Hội chính thức công nhận, bằng Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, trổi vượt hơn hết trong Thời Điểm Maria về cả nội dung lẫn tác dụng, và về cả sứ điệp lẫn sứ vụ của nó.
Biến Cố Thánh Mẫu Fatima trổi vượt hơn hết trong Thời Điểm Maria về cả nội dung lẫn tác dụng của nó:
- Có Biến Cố Thánh Mẫu nào xẩy ra vào chính giây phút lịch sử quan trọng của thế giới bằng Biến Cố Thánh Mẫu Fatima hay chăng - Biến cố Thế Chiến I (1914-1918), và cũng là biến cố được Mẹ dùng để tiên báo trước cho con cái của Mẹ biết một cách hoàn toàn ứng nghiệm tất cả các biến cố đạo đời (liên quan đến Giáo Hội và thế giới) sẽ xẩy ra trong tương lai ở Bí Mật Fatima phần 2 và phần 3?
- Có Biến Cố Thánh Mẫu nào xẩy ra phép lạ mặt trời không như ở Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vào ngày 13/10/1917 hay chăng, một phép lạ cho thấy chiến đấu tính của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, một biến cố đầy những hình ảnh lửa là lửa: Lửa ở Biến Cố Fatima khi Mẹ hiện ra vào giữa trưa nắng nóng, trong khi ở Paris năm 1830 về đêm, ở La Salette năm 1846 về chiều, ở Lộ Đức Năm 1858 sáng sớm, và khi Mẹ hiện ra đang bừng lửa hận thù và súng đạn của Thế Chiến Thứ I; Lửa ở Bí Mật Fatima: phần nhất với lửa hỏa ngục, phần 2 với lửa cộng sản và thế chiến thứ 2 Mẹ báo trước, và phần 3 với lửa từ lưỡi gươm của thiên thần chĩa xuống tính tiêu diệt trái đất, và lửa bắn ra từ bọn lính đột nhiên xuất hiện giết chết hết đoàn Kitô hữu đang quì cầu nguyện dưới chân Thánh Giá cao lớn trên đỉnh núi dốc đứng?
- Có Biến Cố Thánh Mẫu nào được các vị giáo hoàng đến kính viếng Linh Địa của nó, đều vào ngày 13/5 trong năm, chẳng những nhiều về con số - 4 vị giáo hoàng: Đức Paul VI năm 1967 - dịp 50 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima; Đức Gioan Phaolô II: 1982 - tạ ơn Mẹ sau 1 năm bị ám sát vào chính ngày Mẹ hiện ra 13/5/1981 nhưng được Mẹ cứu, 1991 - tạ ơn Mẹ 10 năm sau biến cố bị ám sát chết hụt, và 2000 - phong chân phước cho 2 Thiếu Nhi Fatima thụ khải là Phanxicô và Giaxinta; Đức Biển Đức XVI năm 2010; và Phanxicô năm 2017 - mừng đệ nhất bách chu niên Biến Cố Thánh Mẫu Fatima và để phong hiển thánh cho hai chân phước Phanxicô và Giaxinta, mà còn nhiều về lần đến - 6 lần? - Linh Địa Thánh Mẫu Lộ Đức chỉ có 2 vị giáo hoàng kính viếng: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II 2 lần 8/1983 và 8/2004 - và Đức Thánh Cha Biển Đức XVI 1 lần - 9/2008, nhưng cả 2 vị giào hoàng này đều tiện dịp tông du thăm Pháp quốc, chứ không cho riêng Lộ Đức và vào đúng ngày 11/2, như ở Fatima: vừa đúng ngày 13/5 lại vừa cho riêng Fatima. Linh Địa Thánh Mẫu Guadalupe chỉ có Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kính viếng 2 lần: ngày 26/1/1979 và 5/6/1990, nhưng cũng được lồng vào cùng chuyến tông du Mễ Tây Cơ và không đúng vào Tháng 12.
ĐTC Phaolô VI ở Fatima 13/5/1967 mừng 50 Năm Biến Cố Thánh mẫu Fatima và đội triều thiên vàng cho Mẹ
ĐTC Gioan Phaolô II ở Fatima 13/5/1982 để tạ ơn Mẹ đã cứu sống ngài 1 năm trước (trên) và dâng Mẹ viên đạn ám sát ngài được gắn ở triều thiên của Mẹ (dưới)
ĐTC Gioan Phaolô II trở lại Fatima 10 năm sau 13/5/1991, kỷ niệm biến cố bị ám sát chết hụt 13/5/1981
ĐTC Gioan Phaolô II trở lại Fatima lần 3 vào ngày 13/5/2000 để phong chân phước cho 2 Thiếu Nhi Fatima thụ khải Phanxicô và Giaxinta
ĐTC Biển Đức XVI ở Fatima ngày 13/5/2010
ĐTC Phanxicô phong hiển thánh cho 2 chân phước Phanxicô và Giaxinta ngày 13/5/2017 ở Fatima dịp Bách Chu Niên Biến Cố Thánh Mẫu Fatima
- Có Biến Cố Thánh Mẫu nào được các vị giáo hoàng tuân hành chỉ thị của Trời Cao qua Mẹ Maria bày tỏ như Biến Cố Thánh Mẫu Fatima hay chăng - Đức Thánh Cha Piô XII, sau khi nhận được thư đệ trình của Chị Lucia gửi đề ngày 24/10/1940, đã hiến dâng toàn thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 31/10/1942, dịp 25 năm Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, và ngài hiến dâng Nước Nga một cách khéo léo vào ngày 7/7/1952; Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ ngày 13/5/1982 tại Linh Địa Fatiam, và ngày 25/3/1984 ở Giáo Đô Vatican?
- Có Biến Cố Thánh Mẫu nào có thể chi phối sinh hoạt của riêng Giáo Hội, và đồng thời còn có ảnh hưởng quan trọng lớn lao trong lịch sử của thế giới loài người trong cả thế kỷ 20 lẫn 21 hay chăng: Thế kỷ 20, hai biến cố Đông Âu sụp đổ vào hạ bán năm 1989 và Nước Nga trở lại ngày 25/12/1991 là thành quả của việc Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria theo đúng như ý Thiên Chúa muốn ngày 25/3/1984, và việc hiến dâng lần cuối cùng hiệu lực này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sử dụng lại chính bản kinh của Đức Thánh Cha Piô XII năm 1952? Thành quả tốt đẹp cho toàn thế giới ấy đã được trả giá bằng máu (60% lượng máu trong thân thể) của vị giáo hoàng Gioan Phaolô II ngày 13/5/1981, bởi sự kiện ngài bị ám sát chết hụt ở Quảng Trường Thánh Phêrô!
Biến động bắt đầu xẩy ra ở thủ đô Mạc Tư Khoa Liên Số ngày 20/1/1991 trước khi Nước Nga trở lại ngày 25/12/1991, hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa và chế độ cộng sản vô thần
Nhân vật lịch sử Mikhal Gobarchev, tổng bí thư cuối cùng của liên sô cộng sản và là vị tổng thống đầu tiên của Nước Nga
- Có Biến Cố Thánh Mẫu nào có đến 2 vị thụ khải được Giáo Hội tôn phong hiển thánh, như Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, với cặp thánh trẻ anh em ruột thịt nam nữ, 2 vị thánh trẻ nhất trong lịch sử Giáo Hội??? (Paris 1830 chỉ có một - Chị Thánh Catherine Labuaré; Lộ Đức 1858 chỉ có một - Thánh Bernadette; Guadalupe 1531 chỉ có một - Thánh Juan Diego).
Biến Cố Thánh Mẫu Fatima trổi vượt hơn hết trong Thời Điểm Maria về cả sứ điệp lẫn sứ vụ của nó:
Trong tất cả các Biến Cố Thánh Mẫu chính yếu thuộc Thời Điểm Maria, trong đó và trước đó có 3 biến cố liền ở Pháp quốc ở tiền bán thế kỷ 19, trong vòng 28 năm: ở Paris năm 1830 với khung ảnh Mẹ Ban Ơn, ở La Salette năm 1846 với dung nhan Mẹ Châu Lệ, và ở Lộ Đức năm 1858 với danh xưng "Mẹ Vô Nhiễm", thì Biến Cố Thánh Mẫu Fatima vẫn nổi bật nhất về cả sứ điệp lẫn sứ vụ của nó.
Có thể nói Sứ Điệp Fatima (trên lý thuyết) trở thành Sứ Vụ Fatima (trong thực hành) nơi 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải là Lucia (10 tuổi), Phanxicô (9 tuổi) và Giaxinta (7 tuổi). Sứ Điệp Fatima chính yếu là gì, hay nói cách khác, hiện ra ở Fatima năm 1917, Mẹ Maria muốn nhắn nhủ con cái mình chính yếu những gì?
Phải chăng những gì đó được chúng ta gói ghém trong 3 điều mà chúng ta vốn gọi là 3 Mệnh Lệnh Fatima: Cải Thiện Đời Sống, Lần Hạt Mân Côi và Tôn Sùng Mẫu Tâm? Không sai! Thế nhưng chúng ta thường hiểu về 3 mệnh lệnh này một cách phổ quát, chứ chưa nắm bắt được chính Sứ Điệp Fatima duy nhất mới là cốt lõi của 3 mệnh lệnh này. Do đó, khi hỏi trong 3 mệnh lệnh này mệnh lệnh nào quan trọng nhất, chúng ta thường bối rối không thể trả lời dứt khoát và lập tức! Hay chỉ suy đoán tổng quát và theo lý thuyết rằng Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống quan trọng nhất, vì nó liên quan đến Chúa, còn 2 mệnh lệnh kia liên quan đến Đức Mẹ - Chúa bao giờ cũng hơn Mẹ, thế thôi!
Thật ra, nếu Sứ Điệp Fatima là câu nhắn nhủ và trăn trối Mẹ Maria muốn lưu lại cho con cái mình, vào lần hiện ra cuối cùng ở Fatima ngày 13/10/1917, ngay trước khi biến mất và không bao giờ Mẹ trở lại nữa, đó là câu: "Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi". Qua Sứ Điệp Fatima duy nhất và chính yếu này, chúng ta mới thấy được tất cả ý nghĩa của Biến Cố Thánh Mẫu Fatima và tất cả sự thật về Sứ Điệp Fatima, đó là Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí xuất phát từ LTXC, và phần rỗi vô cùng quan trọng của "các linh hồn cần đến LTXC hơn".
Đúng thế, ở Fatima, căn cứ vào các diễn tiến sự kiện và ngôn từ của Mẹ, thì Mẹ Maria đến là để mang LTXC đến cho Kitô hữu và mang Kitô hữu về với LTXC. Do đó, 3 Mệnh Lệnh Fatima phải phản ảnh LTXC mới thật chính xác theo ý muốn của Mẹ Maria. Chúng ta có thể định nghĩa 3 Mệnh Lệnh Fatima theo chiều kích liên quan mật thiết với LTXC như thế này:
Cải Thiện Đời Sống là trở về với LTXC, với Ơn Cứu Độ của Chúa Kitô; Lần Hạt Mân Côi là chiêm ngưỡng LTXC, là tưởng nhớ đến Ơn Cứu Độ được ban cho Kitô hữu nơi Phép Rửa; và Tôn Sùng Mẫu Tâm là cảm nghiệm LTXC như Mẹ và với Mẹ. Như vậy, xét về tu đức Kitô giáo thì Mệnh Lệnh Cải Thiện Đời Sống là bậc thấp nhất: bậc khởi sinh - từ bỏ tội lỗi, rồi mới lên tới bậc tu đức thứ hai là Lần Hạt Mân Côi: bậc tiến sinh - tập luyện nhân đức, và bậc tu đức cao nhất trong Linh Đạo Fatima đó là cảm nghiệm LTXC: bậc hiệp sinh - được hiệp nhất nên một với LTXC!
Đến đây chúng ta mới thấy được đâu là Sứ Vụ Fatima, một yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly với Sứ Điệp Fatima, đó là Sứ Vụ Đền Tạ: Đền Tạ Chúa bù lại cho thành phần tội nhân là "các linh hồn cần đến LTXC hơn", bởi họ đã "xúc phạm nhiều lắm rồi" đến "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta".
Mẹ Maria biết được rằng con người ta nói chung và Kitô hữu nói riêng, nhất là trong thời đại càng ngày càng văn minh tân tiến về vật chất, con người nói chung và Kitô hữu ở trong các nước phát triển về tư bản lại càng trở nên vô thần duy vật hơn bao giờ hết, tự họ không thể Cải Thiện Đời Sống mà được Ơn Cứu Độ, nên họ cần đến một số tâm hồn nào đó, cứu giúp họ, như 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải, hay như đoàn Kitô hữu tử đạo trong thị kiến Bí Mật Fatima phần thứ ba.
Bởi vì, những con người thuộc mọi thành phần trong giáo hội này, như thị kiến Bí Mật Fatima phần 3 cho thấy, bao gồm từ giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ cho đến giáo dân, là thành phần thuộc Đạo Binh Dàn Trận của Mẹ, thành phần cảm nghiệm thấy LTXC như Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ và với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ, mới xứng đáng và mới có khả năng đền tạ Thiên Chúa và đền lại tội nhân mà thôi!
Và đó là lý do khi vừa hiện ra ở Fatima lần đầu tiên vào ngày 13/5/1917, chưa xưng mình là ai và đến để làm gì, Mẹ Maria đã cấp tốc triệu tập một Đạo Binh Dàn Trận ngay bấy giờ, bằng lời kêu gọi hiệu triệu 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải bấy giờ rằng: "Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa, để chấp nhận tất cả những đau khổ Ngài gửi đến cho chúng con, như việc đền tạ tội lỗi Người đã bị xúc phạm, và như việc cầu xin cho tội nhân biết ăn năn hoán cải hay chăng?" - 3 quân binh tiên khởi và tiêu biểu cho Đạo Binh Dàn Trận được Mẹ bắt đầu chính thức thành lập ngay lúc ấy đã mau mắn đáp ứng lời hiệu triệu bất ngờ của Mẹ: "Vâng, chúng con sẵn sàng". "Fatima: Đạo Binh Dàn Trận - Ơn Gọi Cảm Tử Quân" là như thế.
BIẾN CỐ THÁNH MẪU FATIMA: SỨ VỤ
Chính vì Sứ Vụ Fatima, một sứ vụ mà chỉ xuất hiện ở Biến Cố Fatima, một Sứ Vụ đặc thù Fatima độc nhất vô nhị trong các Biến Cố Thánh Mẫu chính yếu trong Thời Điểm Maria, chứng thực Biến Cố Thánh Mẫu Fatima là tột đỉnh của Thời Điểm Maria, từ cuối thập niên 1910 (1916-1917), cho đến cuối thập niên 1920 (1925 và 1929), một Thời Điểm Maria mang ý nghĩa của vai trò tiền hô, trong việc mở đường và dọn đường cho Thời Điểm Thương Xót của LTXC tiếp ngay sau đó, từ đầu thập niên 1930, ngay sau Thời Điểm Maria được kết thúc vào năm 1929, một Thời Điểm Thương Xót đã được mở màn chính thức vào ngày 22/2/1931, với nữ tu Faustina thuộc hội dòng Đức Mẹ Thương Xót.
Chính vì Thời Điểm Maria dọn đường và mở đường cho Thời Điểm Thương Xót như thế mà Biến Cố Thánh Mẫu Fatima mới có Sứ Vụ hoàn toàn thương xót: Thương Xót "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi", và Thương Xót "các linh hồn cần đến LTXC hơn". Cho dù, về nguyên tắc, tự mình Thiên Chúa vô cùng toàn hảo không cần chúng ta thương xót, trái lại, chính loài người tội lỗi vô cùng khốn nạn chúng ta mới cần đến LTXC.
Tuy nhiên, trên thực tế, chính vì thương xót thành phần loài người tội nhân chúng ta mà Người đã trở nên đáng thương hơn chính bản thân tội nhân đáng ghê tởm, đáng nguyền rủa và đáng hỏa ngục chúng ta. Do đó, càng biết mình tội lỗi, chúng ta lại càng xót thương Đấng Tử Giá hơn ai hết và hơn bao giờ hết! Và cũng chính nhờ có được niềm xót thương chân thực và sâu xa thấm thía này, chúng ta mới có thể đền tạ LTXC và mới có thể đền bù tội lỗi phạm đến LTXC ở chỗ hầu hết Kitô hữu tỏ ra coi thường Ơn Cứu Độ vô cùng cao quí của Người.
Chính vì Sứ Vụ Fatima là Đền Tạ (Thiên Chúa) và Đền Tội (loài người) như thế mà Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, theo thiên định, như Mẹ Maria cố ý tuyển chọn, mới có một cặp Thiếu Nhi Fatima (trong 3 thụ khải nhi), chẳng những là anh em ruột thịt với nhau về huyết nhục, mà còn là anh em thiêng liêng với nhau về Sứ Vụ Fatima nữa. Ở chỗ, Đền Tạ (Thiên Chúa) trước và Đền Tội (loài người) sau, theo thứ tự trong lời hiệu triệu của Mẹ Maria ngày 13/5/1917, và bất khả phân ly, nên Phanxicô là anh sinh trước, thực hiện Sứ Vụ Fatima Đền Tạ (Thiên Chúa), và Giaxinta là em sinh ra sau, thực hiện Sứ Vụ Fatima Đền Tội (loài người).
Thật vậy, trong 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải, Thiếu Nhi Lucia lớn nhất có Sứ Vụ Fatima liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, một Trái Tim "Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới", như Mẹ cho biết ở ngay đầu phần hai Bí Mật Fatima, một sứ vụ cần phải "làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến", như lời Mẹ nói với em trong lần hiện ra thứ 2 ngày 13/6/1917, khi Mẹ báo cho em biết trước rằng hai em Phanxicô và Giaxinta sẽ được đưa về trời sớm, còn em phải ở thế gian lâu hơn, bởi "Chúa Giêsu muốn dùng con" như vậy.
Chính vì Sứ Vụ Fatima của Thiếu Nhi Lucia cần phải sống lâu hơn trên trần gian này như thế, mà chị đã thực hiện được những việc liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ như sau:
1- Xin Đức Thánh Cha Piô XII hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, trong bức thư ngày 24/10/1942, đệ trình ngài, và được ngài hiến dâng Giáo Hội và toàn thể loài người cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội vào ngày 31/10/1942, sau đó ngài tái hiến dâng một lần nữa vào ngày có ý nghĩa hơn là ngày 8/12/1942 cùng năm, Lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Rồi 10 năm sau đó, ngài mới chính thức, nhưng âm thầm khôn khéo trong ngôn từ, hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 7/7/1952, lễ quan thày của nhị vị thánh quan thày của sắc dân Slavs (bao gồm cả dân Nga) là Cyril và Methodius.
2- Xin được Đức Thánh Cha Piô XII cho cử hành lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria trên toàn thế giới từ năm 1944, vào ngày 22/8 hằng năm, sau Lễ Mẹ Mông Triệu 15/8 một tuần, nhưng sau Công Đồng Chung Vatican II, theo chiều hướng canh tân phụng vụ, ngày 22/8 được giành cho Lễ Mẹ Nữ Vương, sau lễ Mẹ Mông Triệu 1 tuần hợp tình hợp lý hơn, và Lễ Mẹ Nữ Vương được Giáo Hội cử hành ngày 31/5 cuối Tháng Hoa được nhường chỗ cho Lễ Mẹ Thăm Viếng, còn Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria được Giáo Hội cử hành vào Thứ Bảy ngay sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thường vào Tháng 6 hằng năm, sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
3- Xin được Giáo Hội địa phương hợp thức hóa, vào ngày 13/9/1939, Lệ Giữ 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liền, để Đền Tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
4- Chứng nhận Bí Mật Fatima phần thứ 3 là do chính chị viết, khi chị được ĐTGM Bertone, Thư Ký của Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, đại diện ĐTC Gioan Phaolô II, đến tận đan viện Carmelo của chị ở Tây Ban Nha ngày 27/4/2000 chất vấn 3 điều thiết yếu quan trọng, trước khi Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin, theo ý ĐTC Gioan Phaolô II, tiết lộ vào ngày 26/6/2000, Bí Mật Fatima phần 3 này, phần được toàn thế giới trông mong được biết từ năm 1960.
5- Chính chị đã công nhận, vào Tháng 7/1989, việc ĐTC Gioan Phaolô II hiến dâng Nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria ngày 25/3/1984 là đúng như ý muốn của Thiên Chúa về cách thức được Ngài ấn định, đó là: trước hết, ĐTC cần phải hiệp với toàn thể hàng giáo phẩm trên thế giới (chứ không phải một mình như ngày 13/5/1982 ở Linh Địa Fatima), và ngài lại còn phải công khai dâng hiến riêng Nước Nga nữa (chứ không phải thế giới loài người như ngày 31/10/1942). Và ngay sau khi chị công nhận thì Biến Cố Đông Âu bắt đầu liên tục diễn ra một cách hoàn toàn bất ngờ, mau chóng, và bất bạo động vô cùng ngoạn mục, cho tới ngày 9/11/1989, với Bức Tường Bá Linh ở Đức quốc bị sụp đổ, biểu tượng cho một Hiệp Nhất Âu Châu bắt đầu ló rạng.
Sứ Vụ Fatima Đền Tạ (Thiên Chúa) - Thiếu Nhi Fatima Hiển Thánh Phanxicô.
Nếu Sứ Vụ Fatima của Thiếu Nhi Lucia lớn nhất là "làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến", một Sứ Vụ Fatima liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, thì Sứ Vụ Fatima của Thiếu Nhi Phanxicô là Đền Tạ "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, vì Người đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi". Vâng, chính dung nhan vô cùng sầu thảm của Mẹ Maria khi trăn trối lời kêu gọi này cho chung Kitô hữu đã tác dụng sâu xa nơi tâm hồn của em, đến độ cả cuộc đời còn lại của em, vỏn vẹn có 2 năm, 1917-1919, nghĩa là từ lúc em 9 tuổi năm 1917, cho đến khi em chết năm 1919 lúc em 11 tuổi, em chỉ chú trọng nhất đến việc Đền Tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng em gọi là "Giêsu Ẩn Thân - Hidden Jesus".
Sau đây là những gì, theo tường thuật ở trong Hồi Ký của Chị Lucia, Thiếu Nhi Phanxicô đã nỗ lực thực hiện, theo Sứ Vụ Fatima của mình, trong việc "Đền Tạ" (Thiên Chúa): "đền tạ những tội Người đã bị xúc phạm.
Theo Hồi Niệm Thứ Bốn của mình, chị Lucia đã cho chúng ta thấy hình ảnh một Phanxicô ngày xưa, ngày trước Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, thích ngồi ở một tảng đá trên đồi cao để thổi sáo, nhưng sau đó đã bỏ thói quen và sở thích lành mạnh của mình này, thậm chí bỏ cả những giây phút chơi đùa vui vẻ hữu ích với chị Lucia và em Giaxinta của mình để tìm chỗ cầu nguyện an ủi Đấng được em gọi là “Chúa Giêsu ẩn thân” của em. Sở dĩ em tự nhiên xu hướng về việc đền tạ và chú ý đến việc đền tạ nhất, đền tạ cả Chúa Giêsu Thánh Thể lẫn Mẹ của Người, là vì em bị cảm kích trước hình ảnh của gương mặt thảm sầu của Mẹ Maria khi Mẹ nói lời kết thúc Biến Cố Thánh Mẫu Fatima cũng là lời làm nên cốt lõi của Sứ Điệp Fatima: “Đừng xúc phạm đến Chúa là Thiên Chúa của chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm đến nhiều lắm rồi”.
Thật ra, theo lời Đức Mẹ nói, việc hiến mình hy sinh chịu mọi đau khổ của 3 Thiếu Nhi Fatima có hai mục đích rõ ràng, đó là, thứ nhất, để đền tạ Thiên Chúa bị tội lỗi xúc phạm, và, thứ hai, để cầu cho tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Thế nhưng, đối với Phanxicô là Thiếu Nhi Fatima chú trọng đến Thiên Chúa hơn các tội nhân, thì mục đích thứ nhất vẫn quan trọng và khẩn thiết hơn. Hồi Ký Lucia 4 thuật lại điều này như sau:
“Ngày kia, con hỏi em: 'Phanxicô, điều nào em thích hơn, an ủi Chúa chúng ta hay
cải hối các tội nhân để không một linh hồn nào phải xuống hoả ngục nữa?'. 'Em
thích an ủi Chúa chúng ta hơn. Chị không để ý đến tháng vừa rồi Đức Mẹ của chúng
ta buồn lắm sao, khi Người nói rằng người ta không được xúc phạm đến Chúa của
chúng ta nữa, vì Ngài đã bị xúc phạm nhiều rồi? Em thích an ủi Chúa chúng ta rồi
mới cải hối các tội nhân để họ đừng xúc phạm đến Ngài nữa.
“Có một lần, con và Giaxinta vào phòng của em, em nói với chúng con: 'Hôm nay đừng nói nhiều nghe vì em nhức đầu lắm đó. Giaxinta nhắc anh: 'Nhưng đừng quên dâng cầu cho tội nhân nghe'. 'Ừ. Nhưng anh phải dâng để an ủi Chúa chúng ta và Đức Mẹ của chúng ta trước đã, rồi sau đó mới dâng cho các tội nhân và Đức Thánh Cha'”.
Vị thánh hay trốn chị Lucia và em Giaxinta để tìm chỗ kín đền tạ Hidden Jesus của ngài bằng chuỗi Kinh Mân Côi
Đền tạ, đối với Phanxicô, cũng như với Giaxinta và Lucia, trước hết ở tại việc hy sinh chịu mọi đau khổ Chúa gửi đến cho. Chị Lucia đã đề cập đến điều này như sau:
“Một ngày kia, khi con tỏ cho em biết rằng con bất hạnh là chừng nào khi bị những tấn công đầu tiên bắt nguồn từ cả trong gia đình lẫn bên ngoài, Phanxicô đã phấn khích con bằng những lời này: 'Không sao đâu! Đức Mẹ đã chẳng nói là chúng ta sẽ phải chịu nhiều đau khổ đó sao, để đền tạ Chúa của chúng ta và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Người, vì tất cả những tội lỗi mà các Ngài phải chịu? các Ngài buồn quá đi! Nếu chúng ta ủi an các Ngài bằng những chịu đựng này thì chúng ta sung sướng biết bao!'”
Riêng trường hợp của em, em đã chịu khổ để đền tạ như được chị Lucia thuật lại như sau:
“Trong khi bị bệnh, em lúc nào cũng tỏ ra vui vẻ và bằng lòng. Có những lần con hỏi em rằng:
- Phanxicô ơi em có đau lắm không?
- Đau lắm chị, nhưng không sao! Em đang chịu khổ để
an ủi Chúa, để rồi sau đó, một thời gian ngắn nữa thôi, em sẽ về trời mà!
- Khi em lên đó rồi, đừng quên xin Đức Mẹ đem chị lên trên ấy sớm nhé.
- Em không xin điều đó đâu! Chị quá rõ là Người chưa muốn chị ở đó mà.
Trước khi em chết 1 ngày, em nói với con rằng:
- Chị coi! Em bệnh quá sức; giờ đây không còn lâu nữa em sẽ về trời.
- Vậy thì em hãy nghe đây. Khi em lên đó rồi, đừng
quên cầu nguyện thật nhiều cho các tội nhân nhé, cho Đức Thánh Cha, cho chị và
cho Giaxinta nữa.
- Vâng, em sẽ cầu nguyện. Thế nhưng, tốt hơn chị hãy
xin Giaxinta cầu nguyện cho những điều này, vì em sợ rằng em sẽ quên mất khi em
được thấy Chúa. Vào lúc ấy em chỉ muốn an ủi Chúa mà thôi”.
Phải, đền tạ, đối với Phanxicô, không những là hy sinh chịu khổ vì Chúa, còn chính là an ủi, là thông cảm với Chúa, Đấng đã bị xúc phạm và tỏ ra buồn sầu.
Phanxicô đã an ủi và thông cảm với Chúa là Đấng Quá Sầu Buồn ở chỗ thích sống gần gũi với Chúa. Đối với em, gần gũi, kề cận với Chúa Giêsu cũng là một việc cần thiết để an ủi Chúa. Do đó, hễ có dịp là Phanxicô tìm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà em gọi là Chúa Giêsu Ẩn Thân. Chị Lucia kể lại rằng:
“Ngày kia, em ra khỏi nhà gặp con… Con bắt đầu đi đến trường, và trên đường đi, con đã nói với các người em họ của con về tất cả những điều này (cầu nguyện cho một người mẹ có đứa con trai bị tố cáo phạm tội có thể bị tù đầy, như bà này đã nhờ chị Têrêsa là chị ruột của Lucia xin Lucia cầu với Đức Mẹ cứu con của bà). Khi chúng con tới Fatima, Phanxicô nói với con rằng:
- Chị ơi! Trong khi chị đi đến trường, em sẽ ở lại với Chúa Giêsu Ẩn Thân, và em sẽ xin Người ban ơn ấy cho.
Tan học, con đến gọi em mà hỏi:
- Em có cầu xin Chúa ban cho ơn ấy không vậy?
- Có, em có cầu nguyện. Xin chị nói với chị Têrêsa rằng anh ấy sẽ được về nhà mấy ngày nữa.
Thật thế, mấy ngày sau, người con trai đáng thương ấy trở về. Vào ngày 13, anh ta và cả nhà đến tạ ơn Đức Mẹ về điều ấy.
Một lần khác, con nhận thấy là, sau khi chúng con đã rời nhà, Phanxicô bước đi rất chậm. Con hỏi em:
- Làm sao vậy. Em hầu như không thể bước đi nổi nữa
rồi!
- Em bị nhức đầu quá đi, em cảm thấy sắp ngã đến nơi rồi nè.
- Vậy thì đừng đi nữa. Em hãy ở nhà đi!
- Em không muốn đâu. Em thích ở trong nhà thờ với Chúa Giêsu Ẩn Thân trong khi chị đi học”.
Đối với Phanxicô, đền tạ chẳng những ở tại việc hy sinh vì Chúa, gần gũi với Chúa, mà còn tránh làm bất cứ điều gì làm mất lòng Chúa nữa.
Căn phòng vị thánh của "Hidden Jesus"
Chị Lucia thuật lại như sau:
“Khi thấy con bối rối và ngờ vực, em khóc và nói: 'Nhưng làm sao mà chị lại có thể cho rằng đó là việc của ma qủi? Chị không thấy là Đức Mẹ và Thiên Chúa ở trong ánh sáng cao vời đó sao? Không có chị làm sao chúng em tới đó được, vì chị là người đối đáp mà'. Đêm đó, sau khi dùng cơm tối, em đến nhà con, gọi con ra hiên nhà mà nói: 'Này! Mai chị không đi thật à?' 'Chị không đi thật mà. Chị đã bảo với các em là chị sẽ không trở lại đó nữa thây'. 'Thế thì xấu hổ thật! Tại sao bây giờ chị lại có thể nghĩ như vậy được? Chị không thấy rằng việc đó không thể nào là việc của ma qủi ư? Thiên Chúa đã buồn sầu vì bao tội lỗi đủ rồi, bây giờ chị không đi, Người lại còn buồn hơn nữa! Thôi, chị nói đi đi!'”
Riêng trường hợp của em, vì chuyên tâm an ủi Chúa, nên em cũng rất sợ làm điều mất lòng Người, như chị Lucia thuật lại như sau:
“Hôm ấy, ngay từ sáng sớm, chị Têrêsa của em đến tìm con.
- Chị hãy mau đến nhà của chúng em! Phanxicô nguy lắm rồi nên em muốn nói với chị điều gì đó.
Con vội vàng mặc quần áo đi ngay. Em xin mẹ em cũng như anh chị em hãy đi ra ngoài, vì em muốn xin con một điều bí mật. Họ đi ra rồi, em nói với con thế này:
- Em sẽ xưng tội để có thể rước Lễ rồi chết. Em xin chị nói cho em biết là chị có thấy em phạm bất cứ một tội nào chăng, rồi chị cũng đi hỏi cả Giaxinta cho em nữa xem nó có thầy em phạm lỗi gì không nhé.
Con trả lời em:
- Em đã không vâng lời mẹ em một ít lần khi bà bảo em ở nhà nhưng em đã bỏ nhà đi với chị hay bỏ đi trốn.
- Đúng thế. Em có nhớ đến nó. Vậy chị đi hỏi Giaxinta xem nó có nhớ điều gì khác nữa không.
Con ra đi, và Giaxinta, sau khi suy nghĩ một chút đã trả lời rằng:
- Xin chị nói với anh ấy rằng, trước khi Đức Mẹ hiện ra với chúng ta, anh ấy đã ăn cắp một xu của bố để mua một hộp nhạc của ông José Marto ở Casa Velha; và có lần bị những đứa con trai ở Aljustrel ném đá vào những đứa khác ở Boleiros, anh ấy cũng đã lấy đá ném họ nữa!
Khi con cho em biết điều em Giaxinta của em nói, em đã trả lời rằng:
- Em đã xưng những điều ấy rồi, nhưng em sẽ xưng lại nữa. Có thể vì những tội này của em mà Chúa đã quá buồn rầy! Cho dù em không chết đi nữa, em sẽ không bao giờ tái phạm những tội này nữa. Em hết sức đau lòng về những tội ấy”.
Chắp tay lại, em đã nguyện rằng: ‘Ôi Chúa Giêsu, xin Chúa tha tội chúng con, xin cứu chúng con khỏi sa hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn’”.
Mộ của vị thánh thiếu nhi Phanxicô ở bên phải (từ dưới lên) trong Đền Thờ Đức Mẹ Mân Côi ở Linh Địa Thánh Mẫu Fatima
Phanxicô chẳng những để ý đền tạ Chúa Giêsu Ẩn
Thân bằng việc hy sinh vì Chúa và gần gũi với Chúa, em còn để ý đến Mẹ Maria
nữa, Đấng mà em cũng gọi là Đấng Quá Sầu Bi.
Hồi Ký Lucia 4 cũng đề cập đến điều này nơi Phanxicô: “Trong khi Giaxinta có vẻ chỉ quan tâm đến một điều là cải hối các tội nhân để cứu các linh hồn cho khỏi sa hỏa ngục, thì Phanxicô lại tỏ ra chỉ nghĩ đến an ủi Đức Mẹ, Đấng mà em cảm thấy quá sầu bi”.
Đối với cả Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà em đều cho là Đấng quá Sầu Buồn, cũng như Giaxinta và Lucia, Phanxicô đã làm mọi sự có thể để hy sinh, như lời Thiên Thần dạy, với ý chỉ mà Đức Mẹ đã dạy các em vào lần hiện ra thứ ba, 13/7/1917: Hãy đọc nhiều lần, nhất là khi các con làm việc hy sinh: 'Ôi Chúa Giêsu, vì yêu Chúa, cho các tội nhân ăn năn hối cải và để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Tuy nhiên, đối với riêng Chúa Giêsu, để đền ạ Chúa, Phanxicô còn tìm dịp ở gần Chúa nữa.
Cũng thế, đối với riêng Đức Mẹ, để đền tạ Người, Phanxicô cũng tìm dịp để lần hạt Mân Côi như Đức Mẹ đã dặn em vào lần hiện ra thứ nhất. Mỗi lần thấy vắng Phanxicô, Lucia và Giaxinta đi tìm gọi, thường thấy Phanxicô đang lẩn trốn đi cầu nguyện một mình, và thấy em giơ tràng hạt lên làm hiệu cho cả hai biết là Phanxicô đang lần hạt đấy.
Ngay từ đầu thế kỷ 20, Thánh Phanxicô Thiếu Nhi Fatima đã tự động, đúng hơn đã được Thần Hứng tác động, biết sử dụng Kinh Mân Côi, liên quan đến Mẹ Maria, để đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể rồi, một đường lối mà mãi cho đến đầu thế kỷ 21, ĐTC Gioan Phaolô II, qua Tông Thư Kinh Mân Côi Trinh Nữ Maria - Rosarium Virginis Mariae, ban hành ngày 16/10/2002, kỷ niệm 24 năm giáo hoàng, hay sang năm thứ 25 giáo triều của mình, mới định nghĩa Kinh Mân Côi, ở khoản 3, là "cùng với Mẹ Maria chiêm ngưỡng dung nhan Chúa Kitô".
Sứ Vụ Fatima Đền Tội (loài người) - Thiếu Nhi Fatima Hiển Thánh Giaxinta.
Nếu Sứ Vụ của Thiếu Nhi Lucia liên quan đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, ở chỗ "làm cho Mẹ được nhận biết và yêu mến", và Sứ Vụ Fatima của Thiếu Nhi Phanxicô liên quan đến Chúa Giêsu Thánh Thể, ở chỗ Đền Tạ Người: "đền tạ những tội Người đã bị xúc phạm", thì Sứ Vụ Fatima của Thiếu Nhi Giaxinta liên quan đến các tội nhân, đến "các linh hồn cần đến LTXC hơn", ở chỗ "cầu cho tội nhân biết ăn năn hoán cải".
Sau đây là những gì, theo tường thuật ở trong Hồi Ký của Chị Lucia, Thiếu Nhi Giaxinta đã nỗ lực thực hiện, theo Sứ Vụ Fatima của mình, trong việc Đền Tội (loài người), "nhất là các linh hồn cần đến LTXC hơn', để "cầu cho tội nhân biết ăn năn hoán cải".
Trong Biến Cố Thánh Mẫu Fatima, nếu hình ảnh Mẹ Sầu Bi vào lần hiện ra cuối cùng 13/10/1917, đã ảnh hưởng đến tâm thần của Thiếu Nhi Fatima Phanxicô, khiến em chuyên chú vào việc đền tạ theo ơn gọi chuyên biệt của em, thì thị kiến hỏa ngục vào lần Mẹ hiện ra thứ ba 13/7/1917, đã làm cho Thiếu Nhi Fatima Giaxinta nhỏ nhất kinh hoàng khiếp đảm hết sức, đến nỗi em đã hăng say khao khát sống ơn gọi chuyên biệt của em là hy sinh “cầu cho tội nhân ăn năn trở lại” cùng Chúa, bằng cách liên lỉ tìm kiếm thực hiện nhiều việc hy sinh với mục đích rõ ràng là để cứu các tội nhân, như chị Lucia thuật lại trong Hồi Ký Thứ Nhất và Thứ Ba của chị.
“Hôm ấy chúng con đang chơi ở chỗ giếng nước con đã đề cập tới. Gần đó, có một cây nho của mẹ Giaxinta. Bà đã cắt một ít chùm để mang lại cho chúng con ăn. Nhưng Giaxinta không bao giờ quên các tội nhân cả. Em nói:
- Chúng ta sẽ không ăn những chùm nho này. Chúng ta hãy dâng hy sinh này để cầu nguyện cho các tội nhân.
Rồi em cầm những trái nho chạy đi cho những trẻ em khác đang chơi trên đường đi. Em trở về mặt mày hớn hở, vì em đã thấy các trẻ em nghèo của chúng con để trao cho họ những trái nho.
Lần khác, bà dì của con gọi chúng con lại để ăn những trái vả bà mang về nhà, và thật sự là những trái ấy ai ăn cũng cảm thấy ngon miệng. Giaxinta hớn hở ngồi xuống bên giỏ trái cây cùng với chúng con rồi cầm trái vả đầu tiên lên. Em gần ăn trái vả này thì sực nhớ lại đã nói:
- Đúng rồi! Hôm nay chúng ta chưa làm được một hy sinh nào cho các tội nhân hết! Chúng ta phải dâng hy sinh này.
Em bỏ trái vả lại giỏ trái cây để thực hiện việc hy sinh; cả chúng tôi cũng bỏ những trái vả vào giỏ để cầu nguyện cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống. Giaxinta đã thực hiện nhiều hy sinh như thế rất là thường, nhưng con xin thôi không kể đến nữa kẻo con sẽ không bao giờ ngừng được.
Đó là cách Giaxinta đã sống hằng ngày của mình cho đến khi Chúa gửi đến cho em chứng bệnh cúm làm em phải nằm yên ở trên giường, cả anh Phanxicô của em cũng bị nữa. Tối hôm trước khi ngã bệnh, em đã nói rằng:
- Em cảm thấy nhức đầu quá đi và rất là khát nước! Thế nhưng em sẽ không uống nước, vì em muốn chịu khổ cho các tội nhân.
Tuy nhiên, Giaxinta đã khá hơn một chút. Em thậm chí đã có thể chỗi dậy và nhờ đó có thể bỏ cả ngày ra ngồi bên giường của Phanxicô. Một lần kia em nhắn con tới gặp em lập tức. Con chạy ngay lại. Em đã nói với con rằng:
- Đức Bà đã đến gặp em. Người bảo cho chúng ta biết rằng chẳng còn bao lâu nữa Người sẽ đến đem anh Phanxicô về trời, và Người hỏi em rằng em có còn muốn hoán cải các tội nhân hay chăng. Em đã nói rằng có. Người bảo em là em sẽ phải đi đến nhà thương, ở đó em sẽ chịu nhiều đau khổ; và em phải chịu khổ để hoàn cải các tội nhân, hầu đền tạ tội lỗi đã phạm đến Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria và vì yêu Chúa Giêsu. Em hỏi Người là chị có đi với em không. Người nói là không, và đó là những gì em cảm thấy khó nhất. Người nói rằng mẹ em sẽ đưa em đi, rồi em sẽ phải ở lại đó một mình!
Nói xong em ngẫm nghĩ một chút rồi thêm:
- Giá chị có thể ở với em nhỉ! Chỗ khó nhất đó là đi không có chị…. Thế nhưng không sao! Em sẽ chịu vì yêu Chúa, để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, để cầu cho các tội nhân cũng như cho Đức Thánh Cha.
Vào lúc người anh của em về trời, em đã tỏ cho anh những lời nhắn gửi này:
- Anh hãy dâng lên Chúa và Mẹ tất
cả tình yêu của em nhé, và thưa với các Ngài rằng em
sẽ chịu khổ bao lâu các Ngài muốn, để cầu
cho các tội nhân ăn năn hối cải cũng như để đền
tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Giaxinta đã hết sức đau khổ trước cái chết của Phanxicô. Em cảm thấy vô cùng thấm thía trong lòng một thời gian dài, đến nỗi nếu có ai hỏi em đang nghĩ gì thì em đáp: ‘Nghĩ về Phanxicô. Tôi hy sinh tất cả để mong gặp lại anh!’ Rồi em rướm nước mắt.
Ngày kia con nói với em rằng:
- Giờ đây chẳng còn bao lâu nữa em sẽ về trời. Thế còn chị thì sao đây!
- Tội nghiệp cho chị! Chị đừng có khóc!
Em sẽ cầu thật nhiều cho chị khi em lên đó.
Phần chị, đó là cách Đức Mẹ muốn
chị phải sống. Nếu Người muốn điều ấy cho
em, em sẽ hân hoan ở lại để chịu đau
khổ hơn nữa cho các tội nhân.
Ngày Giaxinta phải đi nhà thương đã đến. Ở đó em thật sự đã phải chịu đựng rất nhiều. Khi mẹ em đến thăm em, bà hỏi em có cần gì chăng. Em nói rằng em muốn gặp con. Đây không phải là một điều dễ dàng đối với dì của con, song dì cũng đem con đi ngay khi có dịp. Vừa thấy con, em đã hớn hở ôm chầm lấy con, và nói với mẹ của em hãy đi mua đồ và để con lại với em. Con hỏi thăm em có khổ đau nhiều lắm chăng. Em đáp:
- Có chứ. Thế nhưng em dâng tất cả mọi sự để cầu cho các tội nhân cũng như để đền tạ Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Thế rồi, đầy nhiệt tình, em đã nói về Chúa và Đức Mẹ như sau:
- Ôi em yêu thích được chịu khổ vì yêu các Ngài biết bao, chỉ để làm cho các Ngài hài lòng mà thôi! Các Ngài rất yêu thương những ai chịu khổ cho các tội nhân ăn năn cải thiện đời sống.
ĐTC Gioan Phaolô II phong chân phước cho Giaxinta và Phanxicô ở Fatima 13/5/2000
Em được trở về nhà với
cha mẹ em trong một thời gian. Em có một vết thương
lớn ở ngực cần phải được chữa trị hằng
ngày, nhưng em đã chịu đựng không hề phàn
nàn hay tỏ ra một dấu hiệu khó chịu nào. Điều
làm em khó chịu nhất là những cuộc viếng thăm thường
xuyên và những câu hỏi của nhiều người đến thăm em,
những người em không thể nào tránh né được nữa.
- Em cũng dâng cả những hy sinh này nữa để cầu nguyện cho các tôi nhân ơn ăn năn hối cải.
Có lần dì của con xin con một điều “Cháu hỏi xem Giaxinta nghĩ gì khi nó lấy tay ôm mặt bất động một lúc lâu. Dì đã hỏi nó nhưng nó chỉ mỉm cười không nói năng gì”. Con đã hỏi Giaxinta. Em trả lời con như sau:
- Em nghĩ đến Chúa, đến Đức Mẹ, đến các tội nhân, và đến… (em đề cập tới một số điều của Bí Mật). Em thích suy nghĩ.
Một lần nữa, Đức Trinh Nữ lại chiếu cố đến
thăm Giaxinta, để nói với em về những
thánh giá mới cùng những hy sinh mới đang chờ đợi
em. Em đã cho con biết những điều ấy
mà rằng:
- Đức Mẹ bảo em rằng em sẽ đi Lisbon tới một bệnh viện khác; rằng em sẽ không thấy chị nữa, cũng chẳng được thấy cha mẹ em nữa, và sau khi đã chịu nhiều đau khổ, em sẽ chết cô đơn một mình. Thế nhưng Người nói rằng em không cần gì phải sợ hãi, vì chính Người đến đem em về trời.
Em đã ôm ghì lấy con mà khóc:
- Em sẽ không bao giờ được thấy chị nữa! Chị sẽ không đến đó thăm em. Ôi xin chị cầu nguyện nhiều cho em, vì em sẽ bị chết cô đơn một mình!
Giaxinta đã chịu đựng
kinh khủng cho tới ngày em lên đường đi Lisbon. Em cứ gắn
liền lấy con mà khóc nấc lên:
- Em sẽ không bao giờ được
thấy chị nữa! Không bao giờ được thấy mẹ em
nữa, các anh của em nữa, cha của em nữa! Em sẽ không bao giờ được
thấy mọi người nữa! Thế rồi em sẽ chết lủi thủi một
thân một mình.
Một hôm con khuyên em:
- Em đừng nghĩ đến nó nữa.
Em trả lời:
- Hãy để em nghĩ đến nó, vì càng nghĩ em
càng khổ, song em muốn chịu khổ vì yêu Chúa và cho các
tội nhân. Dù vậy, em cũng không sao! Đức Mẹ sẽ đến đó để đưa
em về trời.
Có những lúc em hôn và ôm cây thánh giá mà than lên rằng: “Ôi Chúa Giêsu ơi! Con yêu Chúa, và con muốn chịu khổ thật nhiều vì yêu Chúa”. Em rất thường hay nói rằng: “Ôi Chúa Giêsu! Giờ đây Chúa có thể hoán cải nhiều tội nhân, vì đây thật sự là một hy sinh to lớn!”
Cuối cùng ngày em phải bỏ nhà đi
Lisbon đã đến (21/2/1920). Thật là một
cuộc giã biệt đoạn trường. Em đã ôm
chặt lấy con rất lâu mà khóc nấc lên:
“Chúng ta sẽ không bao giờ được thấy nhau nữa! Xin chị cầu nguyện nhiều cho em cho đến khi em về trời. Bấy giờ em sẽ cầu nguyện cho chị. Chị đừng bao giờ nói Bí Mật ấy cho bất cứ một ai nghe, dù họ có giết chị đi nữa. Chị hãy yêu mến Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria thật nhiều, và hãy kiếm nhiều hy sinh cho các tội nhân”.
ĐTC Phanxicô phong hiển thánh cho chân phước Giaxinta (và Phanxicô) ở Fatima 13/5/2017
Tổng Kết
Căn cứ vào Sứ Vụ Fatima của 3 Thiếu Nhi Fatima thụ khải, ở 3 chiều kích khác nhau, nhưng cũng nhắm đến một đích điểm là Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho phần rỗi của tội nhân, "nhất là các linh hồn cần đến LTXC hơn", chúng ta có thể thấy được thế trận của Đạo Binh Dàn Trận như sau:
1- Vòng tròn tội nhân: "Nhất là các linh hồn cần đến lòng thương xót Chúa hơn", đối tượng của Sứ Vụ Fatima "Đền Tội" (loài người) của Thiếu Nhi Giaxinta;
2- Tâm điểm Thánh thể: "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta", đối tượng của Sứ Vụ Fatima "Đền Tạ" (Thiên Chúa) của Thiếu Nhi Phanxicô;
3- Đường Kính Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, nối liền vòng tròn ngoại biên tội nhân với tâm điểm "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta", vì "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ là nơi cho con nương náu và là đường đưa con đến cùng Thiên Chúa" (Mẹ Maria với Thiếu Nhi Fatima Lucia ngày 13/6/1917).
Vòng tròn "các linh hồn cần đến LTXC hơn"
nhờ "Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria" là đường bán kính dẫn đến
Tâm Điểm "Chúa là Thiên Chúa của chúng ta"!
Xin mời nghe lại bài chia sẻ trên ở cái link dưới đây
Và xin mời theo dõi cả ở 2 TV Shows dưới đây
Fatima - Đạo Binh Thương Xót
Show 1 - https://youtu.be/q0WaJ5tzNx8
Show 2 - https://youtu.be/pEsfgbZrPPM
Khởi viết Chiều Thứ Ba 12/5/2020 và kết bút Sáng Thứ Tư ngày 13/5/2020, Lễ Mẹ Fatima
TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL