CÔNG GIÁO VIỆT NAM

 

2020

 

 

Giáo Hội Hiện Thế: Dấu Chỉ Thời Đại

 

 Từ Công Đồng Chung Vaticanô II tới nay

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL




Nếu gắn bó với Giáo Hội nói chung và vị chủ chiên tối cao, vị thừa kế Thánh Phêrô (Successor of Peter), và đồng thời cũng là vị đại diện Chúa Kitô (Vicar of Christ), trên trần gian ở từng thời đại của mình, chúng ta sẽ thấy được vị thế Giáo Hội đang đứng ở đâu và chiều hướng Giáo Hội đang đi về đâu trong giòng lịch sử của thế giới loài người, nhất là vào giai đoạn lịch sử đầy những biến đổi và biến động chưa từng thấy sau hai Thế Chiến I (1914 - 1918) và Thế Chiến II (1939 - 1945). 

Giáo Hội đang đứng ở đâu và Giáo Hội đang đi về đâu?


Thật vậy, là Kitô hữu, một chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô là Giáo Hội, chúng ta không thể lơ là với Giáo Hội của mình, với gia đình của mình, đến độ chẳng biết chuyện gì xẩy ra trong nhà của mình, hay biết chỉ biết lơ mơ, vì không trực tiếp theo dõi, mà chỉ qua truyền thông, báo chí, phát thanh, phát hình, youtube, email, text v.v., thậm chí còn dễ chiều theo những tuyên truyền cực đoan hợp với chủ trương duy truyền thống hay duy cấp tiến của mình, đến độ còn tiếp tay tuyên truyền và công khai hợp sức chống phá vị đương kim giáo hoàng của mình, nấp dưới chiêu bài có vẻ thật là chính đáng đó là để bênh vực Giáo Hội Chúa Kitô. 

Như thể, bất cứ vị giáo hoàng nào cũng phải hợp với ý nghĩ thiển cận và ý thích chủ quan của mình mới là giáo hoàng thật, bằng không, tất cả chỉ là giáo hoàng giả, tức là giáo hoàng nào cũng phải được họ chỉ định mới thành và mới thật, chứ không phải được mật nghị hồng y bầu lên, và dù có được bầu theo đúng qui định của Giáo Hội, cũng bị họ công khai và trắng trợn truất phế, nếu vị giáo hoàng nào đó không chịu tuân theo đúng chủ trương "Công giáo" chính qui, chính cống, chính xác, chính trực của họ v.v. 

Thế nhưng, bất chấp quyền lực của hỏa ngục đang hung dữ và dữ dội tấn công Giáo Hội chưa từng có, nhất là trong thời đại tân tiến ngày nay, nhất là từ sau 2 Thế Chiến I và II vào tiến bán Thế Kỷ 20, một cuộc tấn công gọng kìm, cả từ bên ngoài, bằng các phương tiện truyền thông đại chúng đã trở nên quá thông dụng và nhanh chóng, lẫn từ bên trong lòng Giáo Hội, bởi chính phần tử của Giáo Hội, đặc biệt là thành phần chức phẩm và trí thức, chúng vẫn chẳng những không thể nào làm gì được Giáo Hội, trái lại, chúng còn vô tình góp phần giúp cho Giáo Hội càng trở thành dấu chỉ thời đại rạng ngời hơn bao giờ hết, cho thấy Chúa Kitô thực sự đang ở cùng Giáo Hội cho đến tận thế (x. Mathêu 28:20). 

Đúng thế, lịch sử thế giới gắn liền với lịch sử của Giáo Hội, hay ngược lại cũng vậy, nếu không muốn nói, một cách chính xác hơn, thế giới lệ thuộc vào Giáo Hội, như thân xác với linh hồn, và Giáo Hội cần phải làm sao để chi phối thế giới và làm chủ thế giới, bằng thẩm quyền thiêng liêng của mình. Không phải chỉ ở những lần vị giáo hoàng đóng vai lương tâm cố vấn cho các chính trị gia trên thế giới tìm đến triều kiến ngài, hay ở vai trò làm cố vấn cho cơ quan Liên Hiệp Quốc, thay vì là một thành viên chính thức của cơ quan quốc tế này, có quyền bỏ phiếu quyết nghị như các quốc gia thành viên khác, dù hội đủ tư cách là một Quốc Đô Vatican - The Vatican State, mà là bằng chính tinh thần chứng nhân trung thực và sống động của mình, tức là bằng "đức tin tỏ hiện qua đức ái" (Galata 5:6).

"Hồn ở trong xác thế nào, thì các Ki-tô hữu sống giữa thế gian cũng thế. Linh hồn ở khắp các chi thể thế nào thì các Ki-tô hữu cũng ở mọi thành thị trên thế giới như vậy. Linh hồn ở trong thân xác nhưng không do thân xác, thì các tín hữu cũng ở trong thế gian nhưng không bởi thế gian. Linh hồn vô hình được gìn giữ trong thân xác hữu hình, thì người ta nhìn thấy các Ki-tô hữu sống trong thế gian, nhưng không thấy lòng đạo đức của họ. Xác thịt thù ghét và gây chiến với linh hồn, dù linh hồn không làm hại gì cho xác thịt, mà chỉ ngăn không cho nó hưởng lạc thú ; thế gian cũng ghét các Ki-tô hữu như vậy, dù họ không gây thiệt hại gì cho nó, mà chỉ chống lại các lạc thú. Linh hồn yêu thân xác, nhưng thân xác và các chi thể lại ghét linh hồn ; các Ki-tô hữu cũng yêu những kẻ ghét mình. 

"Linh hồn bị giam giữ trong thân xác, nhưng thật ra chính linh hồn lại chứa đựng thân xác; các Ki-tô hữu cũng bị giam giữ trong thế gian như trong tù, nhưng chính họ lại chứa đựng thế gian. Linh hồn bất tử ở trong nhà tạm phải chết; các Ki-tô hữu sống giữa những thực tại hay hư nát như khách lữ hành, đang khi đợi chờ sự bất hoại trên thiên quốc. Nhờ ăn uống kham khổ, linh hồn nên tốt hơn; nhờ chịu cực hình, các Ki-tô hữu ngày thêm đông số. Thiên Chúa đã đặt họ vào tình trạng như thế, thì họ không nên trốn tránh". (Phụng Vụ Kinh Sách Thứ Tư Tuần V Phục Sinh / From a letter to Diognetus Nn. 5-6; Funk, 397-401)


Nếu lật lại lịch sử, qua các giáo triều của những vị giáo hoàng từ Công Đồng Chung Vaticano II (11/10/1962 - 8/12/1965) đến nay, chúng ta có thể thấy được Giáo Hội đang đứng ở đâu và đang đi về đâu?


Giáo Hội đang đứng ở đâu?

Căn cứ vào giáo huấn của Công Đồng Chung Vaticano II, công đồng chung thứ 21 của Giáo Hội, nhất là vào 2/4 Hiến Chế chính yếu về Giáo Hội, một liên quan đến tín lý về Giáo Hội là "Ánh Sáng Chư Dân - Lumen Gentium", và một liên quan đến mục vụ của Giáo Hội là "Vui Mừng và Hy Vọng - Gaudium et Spes", thì Giáo Hội đang ở trong thế giới ngày nay, như Ánh Sáng Chư Dân, để mang Vui Mừng và Hy Vọng đến cho nhân loại càng ngày càng văn minh tân tiến hơn, về cả khoa học lẫn kỹ thuật, và càng ngày càng văn hóa nhân bản hơn, về cả tự do lẫn nhân quyền. Vì Giáo Hội cảm thấy mình bất khả phân ly với thế giới nhân loại, trái lại, phải hòa đồng nên một với thế giới, theo chiều hướng Nhập Thể của Thiên Chúa, sống như con người, để cứu độ con người. Đó là lý do, Giáo Hội đã công khai bày tỏ mối liên hệ mật thiết giữa Giáo Hội với thế giới loài người như sau:

"Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được qui tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại" (Hiến Chế Gaudium et Spes, 1).

The Register Archives: Vatican II begins its historic journey



Giáo Hội đang đi về đâu?

Nếu Giáo Hội đang đứng ở đâu là do chính toàn thể Giáo Hội, qua hàng giáo phẩm hoàn vũ của Giáo Hội, nơi Công Đồng Chung Vaticano II, xác định vị trí của Giáo Hội, thì Giáo Hội đang đi về đâu lại diễn tiến theo từng giáo triều của các vị giáo hoàng thời đại từ đó đến nay. Không cần phân tích dài dòng thêm phức tạp và khó nắm bắt, theo người viết thì chúng ta chỉ cần nhắm vào một sự kiện nào nổi bật nhất trong từng thời giáo hoàng là thấy ngay, sau đó liên kết lại với nhau là thấy ngay chiều hướng Giáo Hội đang đi về đâu để cùng Giáo Hội theo đuổi thôi.

Faith in Modern Times (1800 A.D. to Now) A HISTORY OF THE CATHOLIC ...


Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII (5 năm: 28/10/1958 - 3/6/1963)

Vị giáo hoàng thứ 261 kế vị Thánh Phêrô, vị giáo hoàng khởi động chính Công Đồng Chung Vaticanô II, chủ trương cởi mở với thế giới, như công đồng ngài triệu tập đã khai triển theo cùng chiều hướng của ngài.

Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI
(15 năm: 21/6/1963 - 6/8/1978)

Vị giáo hoàng thứ 262 kế vị Thánh Phêrô, vị giáo hoàng chủ sự Công Đồng Chung Vaticano II kể như hầu hết công đồng này, vị giáo hoàng đầu tiên bắt đầu đích thân đi sâu vào lòng thế giới, bằng các chuyến tông du của mình, và chuyến đầu tiên đến với thế giới Ấn giáo ở Ấn Độ cuối năm 1964 (2-5/12). Ngài đã áp dụng tinh thần cởi mở và vào đời của chung công đồng, theo gợi ý của riêng vị tiền nhiệm Gioan XXIII.

Trong giáo triều 15 năm của ngài, có nhiều việc canh tân Giáo Hội, điển hình nhất là việc ngài thiết lập Thượng Nghị Giám Mục Thế Giới ngày 15/9/1965, trước khi công đồng bế mạc gần 3 tháng. Trong 7 Bức Thông Điệp của ngài, có 3 thông điệp nổi tiếng: Thông điệp đầu tiên là Giáo Hội của Người - Ecclesiam Suam (6/8/1964), Thông điệp thứ 5 là Phát Triển Các Dân Tộc - Populorum Progresso (26/3/1967), và Thông điệp thứ 7 là Sự Sống Con Người - Humanae Vitae (25/7/1978). Vị giáo hoàng này đã mở Năm Đức Tin (1967-1968), lần đầu tiên trong Giáo Hội, để mừng kỷ niệm 1900 năm Hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô Tử Đạo ở Roma, đồng thời cũng để chấn chỉnh cuộc khủng hoảng đức tin ngay sau công đồng chung.


Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I
(33 ngày: 26/8/1978 - 28/9/1978)

year of three popes - 1978 Pope Paul VI, John Paul I and John Paul ...

Vị giáo hoàng thứ 263 kế vị Thánh Phêrô, chỉ phục vụ Giáo Hội duy có 33 ngày ngắn ngủi, như thể đóng vai trò chuyển tiếp cho vị giáo hoàng lấy cùng tông hiệu Gioan Phaolô như ngài.


Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
(26 năm: 16/10/1978 - 2/4/2005)

The extraordinary year of three popes in 1978 - BBC News

Vị giáo hoàng thứ 264 kế vị Thánh Phêrô, phục vụ Giáo Hội dài thứ 3 trong lịch sử Giáo Hội, với 26 năm rưỡi, sau Thánh Phêrô dài thứ nhất, với 34 năm, từ sau Chúa Giêsu chết năm 3 tuổi, cho tới năm ngài tử đạo vào khoảng năm 67 (33-67), và Chân Phước Giáo Hoàng Piô IX dài thứ hai với 31 năm (1846 - 1878). Vị giáo hoàng bất ngờ đến từ một nước cộng sản Đông Âu ở Balan này, không phải giáo hoàng Ý quốc sau 455 năm, mở màn cho 2 vị kế nhiệm cũng ngoài Ý quốc, theo chiều hướng Giáo Hội trong thế giới ngày nay của chính công đồng chung Vaticanô II, một chiều hướng bao gồm các quốc gia khác ngoài Ý quốc. Ngài là vị giáo hoàng tông du nhiều nhất, 104 chuyến. Ngài là vị giáo hoàng triết gia nhân bản, tranh đấu cho nhân quyền, bắt đầu từ chính quê hương Balan của ngài vào 6/1979. Thành quả về lịch sử trần thế liên quan đến việc can thiệp theo thẩm quyền giáo hoàng của ngài, cũng như liên quan đến việc can thiệp của Trời Cao nơi vai trò giáo hoàng của ngài, từ Thánh Mẫu Fatima ở Bồ Đào Nha cũng như từ Lòng Thương Xót Chúa ở Balan, đó là biến cố Đông Âu sụp đổ bất ngờ, toàn toàn bất bạo động đúng như chủ trương của Giáo Hội, vào cuối năm 1989, bắt đầu từ Balan, sau đó là biến cố Nước Nga Trở Lại ngày 25/12/1991.

Biến cố nổi bật nhất trong nội bộ Giáo Hội của ngài nói riêng và trong thế giới Kitô giáo nói chung, đó là Đại Năm Thánh 2000, một Đại Năm Thánh đã được ngài long trọng cử hành chưa từng thấy trong Giáo Hội, với 2 giai đoạn sửa soạn, mỗi giai đoạn 3 năm: giai đoạn sửa soạn xa (1994-1997) và giai đoạn sửa soạn gần (1997-1999): Năm 1997 dâng kính Chúa Kitô, Năm 1998 dang kính Chúa Thánh Thần, và Năm 1999 dâng kính Chúa Cha. Để bế mạc Đại Năm Thánh 2000 này, ngài đã ban hành Tông Thư "Ra Chỗ Nước Sâu - Duc in Altum", nhấn mạnh đến cả hai chiều kích truyền giáo và nội tâm, vì chỉ có sống nội tâm sâu xa thân mật với Chúa, bằng đức tin và cầu nguyện, mới có thể bắt được nhiều cá trong sứ vụ truyền giáo mà thôi. Đó là lý do, trong những năm cuối đời của mình, ngài đã mở những năm về cầu nguyện, như Năm Mân Côi 2002-2003, Năm Thánh Thể 2004-2005, và loạt bài giáo lý cho buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần của ngài về Thánh Vịnh, một loạt bài giáo lý còn đang dang dở và đã được hoàn tất bởi vị kế nhiệm.


Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI (8 năm: 19/4/2005 - 28/2/2013)

ASK | Writings of three popes reveal a lesson from the Holy Spirit ...

Vị giáo hoàng thứ 265 kế vị thánh Phêrô, vị giáo hoàng thần học gia về Thánh Kinh, với bộ tác phẩm 3 cuốn là "Giêsu Nazarét" nổi tiếng, một bộ tác phẩm 2 cuốn mà ngài đã phải bòn từng giây từng phút để viết dọc suốt giáo triều của ngài, kẻo không kịp theo tuổi già sức yếu của ngài, được xuất bản vào năm 2007 (tập 1), 2011 (tập 2) và 2012 (tập 3). Trong giáo triều 8 năm của ngài, để giải quyết cuộc khủng hoảng đức tin trong Giáo Hội, ngài đã mở Năm Đức Tin (2012-2013), và ngài đang biên soạn 1 Thông Điệp về đức tin, trong bộ 4 thông điệp về 3 thần đức tin cậy mến Chúa yêu người, theo chiều hướng "ra chỗ nước sâu" của vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II: Thông điệp đầu tay là "Thiên Chúa là tình yêu - Deo Caritas est", Thông điệp thứ hai là "Niềm Hy Vọng Cứu Độ - Spe Salvi" (2005), Thông điệp thứ 3 là "Yêu Thương trong Chân Lý -Caritas in Veritate" (2007), Thông điệp thứ 4 là "Ánh Sáng Đức Tin - Lumen Fidei" (2013), bức thông điệp cuối cùng cho và trong Năm Đức Tin của ngài, thế nhưng lại được hoàn tất bởi vị giáo hoàng kế nhiệm Phanxicô sau khi ngài bất ngờ thoái vị vào cuối tháng 2/2013, và đã được vị giáo hoàng kế nhiệm hoàn tất cùng ban hành ngày 29/6/2013.

Ngoài ra, trong giáo triều của vị nguyên tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin thâm niên (1981-2005), hầu như suốt giáo triều của vị giáo hoàng tiền nhiệm Gioan Phaolô II, ngài còn thực hiện một việc liên quan đến đức tin của nội bộ Kitô giáo nữa, đó là thiết lập Hội Đồng Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa, vào năm 2010, một cơ quan lo việc tái Phúc Âm hóa ở những đất nước đã từng được gieo vãi đức tin, nhất là ở thế giới Kitô giáo Tây phương, đặc biệt là châu lục vốn được gọi là cái nôi của Kitô giáo là Âu Châu, mà nay đã và đang sống phản đức tin hay mất đức tin. Ngài đã mở Năm Đức Tin (2012-2013), nhâp dịp kỷ niệm mừng 1950 năm tử đạo của hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, để củng cố đức tin trong giai đoạn đức tin đang bị khủng hoảng chung trong Giáo Hội, nhất là bị phá sản ở thế giới Kitô giáo Tây phương, đến độ đang cần phải và cần được tân truyền bá phúc âm hóa.


Đức Giáo Hoàng Phanxicô
(13/3/2013 - ?):

3 Popes in 1 picture: Pope John Paul II Pope Benedict XVI and Pope ...What Next? 3 Popes' Political Principles | The Gregorian Institute ...

Vị giáo hoàng thứ 266 kế vị Thánh Phêrô, vị giáo hoàng lấy tông hiệu Phanxicô, vị thánh sáng lập Anh Em Hèn Mọn ở Ý quốc và vào thời trung cổ, một vị thánh sống tinh thần nghèo khó tuyệt đối sát nghĩa Phúc Âm nhất, được Chúa sai đi "xây lại nhà" của Ngài là Giáo Hội bấy giờ, một vị giáo hoàng nổi bật về lòng thương xót và mục vụ đối với người nghèo, luôn luôn đề cao người nghèo và bênh vực người nghèo, vị giáo hoàng chủ trương "một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo" (Tông Huấn Niềm vui Phúc Âm - 198).

Ngài chủ trương, từ thời vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II đến thời của ngài là thời điểm thương xót, như ngài khẳng định với hàng giáo sĩ Roma ngày 6/3/2014, và vì thế, Giáo Hội chẳng những cởi mở mà còn phải xông pha, như một bệnh viện lưu động hay bệnh việc dã chiến, để có mặt tại chỗ hay để đi thật xa, đến tận những vùng biên về cả địa lý lẫn nhân bản, để phục vụ và cứu chữa anh chị em mình đang bị đầy những thương tích về cả thể lý, tâm lý, luân lý và đạo lý. Biến cố nổi bật nhất trong giáo triều của ngài, có thể là suốt cả giáo triều của ngài nữa, dù không biết giáo triều của ngài kéo dài bao nhiêu năm, đó là biến cố ngài mở Năm Thánh 2016 ngoại lệ về Lòng Thương Xót, một Năm Thánh chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội, và thiết lập Ngày Thế Giới Người Nghèo, vào Chúa Nhật 33 thường Niên hằng năm.
 
Vatican II: Theme of Canonizations | Salt and Light Catholic Media ...


Giáo Hội đang đi ra chỗ nước sâu
!

Như thế, nhìn chung, căn cứ vào những điểm chính yếu của từng giáo triều giáo hoàng từ Công Đồng Chung Vaticano II tới nay, chúng ta có thể mau chóng thấy ngay được vấn đề Giáo Hội đang đi về đâu là như thế này: Giáo Hội đang đi ra chỗ nước sâu! Ở chỗ vừa truyền giáo vừa sống nội tâm: "Giáo Hội đang đi ra" đây là đang thực thi sứ vụ truyền giáo đặc biệt đối với người nghèo, và "chỗ nước sâu" đây là chính lòng thương xót, vì chỉ có lòng thương xót mới có thể qui tụ hay thu hút được nhiều cá, nhờ đó mới bắt được nhiều cá mà thôi.

Đúng vậy, lòng thương xót chính là nội tâm, là chỗ nước sâu của Giáo Hội, một Giáo Hội gắn bó thân mật với Chúa Kitô, như cành nho dính liền với cây nho để nhờ đó sinh muôn vàn hoa trái (xem Gioan 15:1-2,4), nhờ đó mới phản ảnh Chúa Kitô. Và đó là lý do chúng ta thấy đã có những Năm đặc biệt được các vị giáo hoàng mở ra trong Giáo Hội từ sau Công Đồng Chung Vaticanô II tới nay:

Năm Đức Tin (lần 1) 1967-1968 thời Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI;
Năm Cứu Chuộc (1983-1984), Đại Năm Thánh 2000, Năm Mân Côi (2002-2003) và Năm Thánh Thể (2004-2005) thời Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II;
Năm Đức Tin (lần 2) 2004-2005 thời Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI;
Năm Thương Xót 2016 thời Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trong 7 Năm đặc biệt này, dọc thời gian nửa thế kỷ, kéo dài chỉ có 49 năm này (1967-2016), trung bình cứ 7 năm lại có một năm đặc biệt được một vị giáo hoàng mở ra cho Giáo Hội hoàn vũ cử hành, đã có 2 Năm Đức Tin. Bởi vì, Giáo Hội không thể truyền giáo nếu yếu kém đức tin, hay bị trầm trọng khủng hoảng đức tin, đến như mất đức tin, thậm chí phản đức tin nơi các phần thể của mình. Trong cuộc Chung Thẩm (Phúc Âm Thánh Mathêu 25), chúng ta bị phán xét về bác ái yêu thương, về lòng thương xót, nhưng thật ra là về chính đức tin, không thấy mà tin, mà làm hay bỏ: "con có thấy Chúa đâu" (Mathêu 25:39,44).

Bởi thế, để có thể tỏ hiện đức ái trọn hảo nơi hoạt động tông đồ và sứ vụ truyền giáo, bằng đời sống chứng nhân trung thực và sống động về Chúa Kitô, Giáo Hội thật sự là cần phải về nguồn của mình là đức tin nguyên thủy của mạc khải thần linh, phải tái truyền bá Phúc Âm hóa bản thân, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã thành lập Hội Đồng Tòa Thánh đặc trách vụ Tân Truyền Bá Phúc Âm Hóa vào năm 2010, tức là phải "ra chỗ nước sâu" của lòng tin tưởng (trust), một lòng tin hợp với và cần cho lòng thương xót, chẳng những qua các hoạt động bác ái xã hội của chính lòng thương xót Kitô giáo, mà còn qua cả những sinh hoạt âm thầm nguyện cầu và chuyển cầu của những tâm hồn tin tưởng vào lòng thương xót Chúa.

Duc in Altum- An Invitation to “Go Deeper” – Duc in Altum

Theo chiều hướng Giáo Hội đang đi ra chỗ nước sâu như vậy, đi từ chỗ đức tin vào thực tại thần linh chân thật được mạc khải trong Thánh Kinh, đến lòng tin vào lòng thương xót Chúa trong hoạt động tông đồ mục vụ, chúng ta nên cùng nhau ôn lại những giáo huấn của 2 vị giáo hoàng gần chúng ta nhất, hậu công đồng chung Vaticano II, hiện đang còn sống: đó là Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, những giáo huấn về 2 chiều kích đức tin và cầu nguyện, những bài giáo lý về đức tin truyền thống của cả 2 vị, và những bài giáo lý về cầu nguyện với lòng tin tưởng vào lòng thương xót Chúa cũng của của hai vị giáo hoàng cùng thời này.

Pope Francis meets Pope Emeritus Benedict XVI in first for Vatican ...

1- Loạt bài giáo lý về đức tin, theo Kinh Tin Kính, liên quan đến chân lý đức tin, được bắt đầu từ giáo triều Đức Thánh Cha Biển Đức XVI (18/10/2012 - 13 bài), và được tiếp nối và kết thúc ở giáo triều Đức Thánh Cha Phanxicô (11/12/2013 - 25 bài, tất cả là 38 bài về đức tin nơi Kinh Tin Kính).

2- Loạt bài giáo lý về lòng tin, theo khuôn mẫu Thánh Kinh, liên quan tới việc nguyện cầu và chuyển cầu, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI bắt đầu loạt 40 bài giáo lý về cầu nguyện (chưa xong thì sang loạt bài về đức tin cho Năm Đức Tin) của ngài, từ ngày mùng 4/5/2011 cho tới 26/9/2012, và Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu loạt bài giáo lý về cầu nguyện nữa, bắt đầu từ ngày 6/5/2020, và đang tiếp tục hướng dẫn chúng ta hiện nay, trong đó có một số bài trùng hợp giữa hai vị giáo hoàng, nhưng lại được khai triển khác nhau, rất hay.

Bởi vậy,
bắt đầu từ Thứ Tư tuần này, mùng 8 tháng 7 năm 2020
, ngày trong tuần vốn có buổi triều kiến chung (general audience), được các vị giáo hoàng lợi dụng để hướng dẫn giáo lý cho cộng đồng dân Chúa, nhất là trong Tháng 7 là tháng nghỉ hè, không có các bài giáo lý hằng tuần, chúng ta cùng nhau hằng ngày ôn lại toàn bộ các bài giáo lý về cả đức tin lẫn lòng tin: loạt bài giáo lý về đức tin, theo Kinh Tin Kính, liên quan đến chân lý đức tin, và giáo lý về lòng tin, theo khuôn mẫu Thánh Kinh, liên quan đến việc nguyện cầu và chuyển cầu, nhờ đó, chúng ta mới có thể theo đúng hay bắt kịp chiều hướng Giáo Hội của chúng ta đang đi, đó là hướng Giáo Hội đang đi ra chỗ nước sâu!
 

  Duc In Altum – Put Out Into the Deep - Catholic Stand

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

Lễ Thánh Maria Goretti, 6/7/2020

 

 

From: TDCTT NKN text
Date: Tue, Jul 7, 2020 at 11:05 AM
Subject:
To: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Cảm ơn anh Tinh về bài Giáo hội hiện thế. 
Em đã forward cho những người đang chống phá DGH mà họ lại tưởng rằng mình đang quan tâm lo lắng cho Giáo hội 🙏🏻