CÔNG GIÁO VIỆT NAM
2020
Sống Đức Tin Mâu Thuẫn
đức tin dỏm, đức tin mộng du...
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh,
BVL
Tại sao Thánh Phêrô, vừa tuyên xưng đức tin theo đúng
mạc khải thần linh: “Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
(Mathêu 16:16), thì ngay sau đó chẳng bao lâu, ngài đã bị chính Đấng ngài tuyên
xưng chính xác lại thậm tệ quở rách: “Đồ Satan, hãy xéo đi, đừng có mà cám
dỗ Ta, vì ngươi chỉ nghĩ theo kiểu trần gian, không theo chiều hướng của Thiên
Chúa” (Mathêu 16:23)?
Xin thưa, đó
Đúng thế, câu tuyên xưng của vị trưởng tông đồ đoàn
Phêrô này quả thực là một sự thật bất khả sai lầm hay là một thực tại thần linh
về một Nhân Vật Lịch Sử tên là Giêsu Nazarét, cần phải tin mới được cứu độ và
mới có thể làm chứng về Người. Thế nhưng, đồng thời sự thật “Thày là Đức
Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống này” còn là một mầu nhiệm mà tự mình trí
khôn loài người không thể thấu triệt và dễ dàng chấp nhận. Bởi nó vượt lên trên,
hơn là ngược lại, với lý lẽ lập luận thấp hèn của trần gian.
Thật vậy, lập luận trần gian theo lý trí thiển cận và
hạn hẹp của tông đồ Phêrô không phải là hoàn toàn vô lý, trái lại rất có lý và
chí lý nữa là đàng khác. Ở chỗ: đã là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
thì không ai có thể làm gì được – Ngài không thể chịu khổ và chịu chết một cách
bất khả chấp và hoàn toàn bất xứng như vậy! Ngoài ra, lập luận này của vị trưởng
tông đồ Phêrô xuất phát từ lòng trọng kính mến yêu của mình đối với Vị Sư Phụ vô
cùng cao cả của mình, và do đó nó là một biểu lộ hết sức tốt đẹp và đáng khen
nữa. Thế mà tại sao lại bị quở trách quá ứ là thậm tệ như thế chứ?
Xin thưa, vì chính cảm nghiệm đức tin của ngài về mạc
khải thần linh, cũng là mầu nhiệm đức tin nơi ngài, khác nhau, ở chỗ cảm nghiệm
đức tin của ngài chưa đạt tới mức độ cần có của mầu nhiệm đức tin, một mầu nhiệm
đức tin phản ảnh thần trí siêu việt của Thiên Chúa, là những gì thuộc thượng
giới, vượt lên trên tâm thức tự nhiên của con người thuộc hạ giới. “Thày là
Đức Kitô, Con Thiên Chúa” chẳng những là một chân lý cứu độ, một thực tại
thần linh, mà còn là một mầu nhiệm đức tin.
Ở
chỗ, “Đức Kitô” này, theo ý định vô cùng khôn ngoan và toàn năng của
Thiên Chúa là Đấng đã sai Người, cần phải tỏ mình ra là “Con Thiên Chúa hằng
sống”, không phải chỉ bằng quyền năng trừ quỉ và chữa lành, hay bằng cách
biến hình hiển linh trên núi và vinh quang tiến vào Thành Giêrusalem, mà còn
phải và chính yếu phải bằng cả một cuộc Vượt Qua từ khổ giá tới phục sinh của
Người nữa, để mới thực sự chứng tỏ tất cả
lòng thương xót vô
cùng của Cha toàn thiện ở trên trời, qua bản tính nhân loại của “Đức Kitô”
thắng vượt tất cả tội lỗi của loài người cùng với sự chết là hậu quả gây ra bởi
tội lỗi, nhờ đó loài người tạo vật tội nhân vô cùng khốn nạn có thể tin vào Ngài
mà được cứu độ, được sự sống đời đời là hiệp thông thần linh với Thiên Chúa.
Đời sống đức tin của Kitô hữu cũng có những lúc mâu
thuẫn như vậy và hơn vậy nữa, bởi lập luận của tông đồ Phêrô còn có lý và ngài
còn có lòng, còn chúng ta thật là vô lý và nghịch lý, bất công và quá vị kỷ nữa.
Điển hình nhất là những trường hợp sau đây:
1-
Trong khi chúng ta tin
Thiên Chúa là Cha hằng yêu thương chúng ta, là Đấng Quan Phòng Thần Linh, toàn
thiện, toàn ái, vô cùng khôn ngoan, thế mà khi xẩy ra những đau khổ thử thách,
trái ý mình, nhất là khi mình cố gắng sống đạo đức tốt lành và hăng say hoạt
động tông đồ, chúng ta lại cảm thấy bị Chúa đối xử bất công, lại trách móc Chúa,
lại buông bỏ theo Chúa và phục vụ Chúa!
2-
Trong khi chúng ta sợ bị
Chúa bỏ rơi, trái lại, muốn được Ngài yêu thương, ấy thế mà chúng ta lại sợ bị
Ngài yêu và không dám để cho Ngài yêu, mỗi khi Ngài muốn thanh tẩy chúng ta bằng
những đau khổ thử thách để chúng ta trở nên tinh tuyền hơn, hầu xứng đáng được
hiệp thông thần linh với Ngài hơn và càng sinh nhiều hoa trái hơn, như cành nho
đã sinh trái lại càng sinh trái hơn (xem Gioan 15:2)!
3-
Trong khi chúng ta xin
Chúa ban cho chúng ta ơn khiêm nhượng, biết hạ mình xuống trước mặt mọi người,
thế mà khi Chúa ban ơn khiêm nhượng cho chúng ta, bằng một cái tát của anh chị
em chúng tan gay trước mặt mọi người, hay bằng một lời chửi rủa chê trách của
anh chị em chúng ta, là chúng ta liền đáp trả kiểu “mắt đền mắt, răng đền rằng”,
chứ không vui lòng chấp nhận như Chúa ban ơn khiêm nhượng cho mình!
4-
Trong khi chúng ta tỏ lòng
thương xót thành phần nạn nhân bị sát hại, bởi bất cứ tội ác kinh hoàng nào
trong xã hội, mà chúng ta biết được qua truyền thông hay nghe nói, nhưng lại tỏ
ra hận thù ghen ghét đến độ muốn cho phạm nhân gây ra tội ác ghê tởm cho nạn
nhân ấy phải chết cho đáng tội của họ, thì không biết lòng thương xót của chúng
ta như thế nào, trong khi phạm nhân là con chiên lạc cần đến LTXC hơn!
5-
Trong khi chúng ta liên
tục bất tuân ý Chúa, bằng các lần phạm tội của chúng ta, dù vô tình hay cố ý, mà
chúng ta lại bắt Chúa phải theo ý chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu xin Ngài bất cứ
điều gì, nhất là khi chúng ta, hay người thân yêu của chúng ta, đang chịu gian
nan khốn khó, thậm chí gây ra bởi chính tội lỗi của họ hay của chúng ta, và
chúng ta kêu trách Chúa, thậm chí bỏ Chúa vì Ngài không ban ơn như ý cho chúng
ta!
6-
Trong khi chúng ta muốn
được cứu độ mà lại không quan tâm đến phần rỗi khẩn thiết của anh chị em chúng
ta, bay chết mặc bay, ai có linh hồn người ấy lo, ai phạm tội thì đáng sa hỏa
ngục, một thái độ chứng tỏ chúng ta coi việc Thiên Chúa xuống thế làm người là
để cứu độ một mình chúng ta, và nhất là khi chúng ta vì bất chấp phần rỗi của
tha nhân mà coi ơn cứu độ vô cùng cao quí của Chúa trở thành vô ích nơi các linh
hồn hư đi chẳng có giá trị gì đối với chúng ta!
7-
Trong khi chúng ta hằng
ngày đi thờ đi lễ, đọc kinh cầu nguyện, hằng tuần chay tịnh, hằng tháng xưng
tội, hằng năm tĩnh tâm, thế mà ai động đến chúng ta một tí là biết tay chúng ta,
chúng ta phản công liền, không tha thứ cho họ, thậm chí chúng ta còn cho mình là
đạo đức tốt lành, khinh chê những ai khô khan tội lỗi, nói hành nói xấu họ,
không cảm thấy cái đau của LTXC để hy sinh cầu nguyện cho họ trở lại.
8-
Trong khi chúng ta không
muốn bị người khác xét đoán và phê bình chỉ trích thì lại thích xét đoán và phê
bình chỉ trích anh chị em mình; trong khi chúng ta cũng là tội nhân như ai mà
lại muốn ném đá những ai sa ngã phạm tội; trong khi chúng ta bị cái rằm thành
kiến và ghen ghét tị hiềm mà chúng ta lại ngứa mắt về một chút lỗi lầm của anh
chị em, đôi khi lại là chính những gì chúng ta tự tạo nên trong đầu về họ mà
thôi.
9-
Trong khi chúng ta khen
tặng các Thánh Tử Đạo là được “phúc” tử đạo mà chẳng bao giờ chúng ta xin được
“phúc” tử đạo như các ngài, chỉ xin những thứ bị Chúa chúc dữ: “khốn cho các
ngươi là những kẻ giấu có… no đủ…. vui cười… đươc khen tặng” (Luca 6:24-25), và
chẳng bao giờ xin những phúc Chúa hứa ban: “nghèo khó… đói khát… khóc than… bị
nguyền rủa” (Luca 6:24-25).
10-
Trong khi chúng ta hôn
kính Thánh giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, nhưng lại nhăn mặt lắc đầu khi Thánh Giá
được Chúa gửi đến cho chúng ta. Trong khi Chúa Kitô đã phải chịu khổ nạn và tử
giá mới cứu chuộc được chúng ta, chúng ta lại chỉ muốn hưởng thụ và gặp mọi may
lành để được vào Nước Trời và làm chứng cho Chúa Kitô, mà lại cảm thấy Người là
ma quái khi Người vác Thánh Giá đến viếng thăm chúng ta.
11-
Trong khi chúng ta tìm đến
với Chúa và theo Chúa, thế nhưng khi một đấng bậc nào đó được chúng ta yêu
thích, cảm phục hay tôn sùng bị giáo quyền cảnh báo và kỷ luật thì chúng ta quay
ra chống đối và nói phạm đến giáo quyền đại diện Chúa dẫn dắt cộng đồng dân
Chúa; thậm chí chúng ta tin tưởng vào những nhân vật chúng ta chưa hề biết để
chống lại chính Giáo Hoàng là đầu của chúng ta.
12-
Trong khi chúng ta thực
hiện những tác động, được cho là xuất phát từ Thánh Linh, Đấng đến để làm chứng
về Chúa Kitô với Giáo Hội và qua Giáo Hội (xem Gioan 15:26-27;16:13-15), nhưng
chính một số tác động ấy Chúa Kitô là Đấng được xức dầu Thánh Linh và tràn đầy
Thánh Linh, luôn làm theo tất cả mọi tác động của Thánh Linh, lại chẳng bao giờ
làm, và chẳng có Phúc Âm nào ghi lại những tác động như thế.
13-
Trong khi chúng ta nguyện
danh Cha cả sáng thì lại toàn làm cho mình được biết đến; trong khi chúng ta
nguyện nước Cha trị đến thì lại coi trần gian hơn Nước Chúa; trong khi chúng ta
nguyện ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời thì lại thích làm việc của
Chúa theo ý mình; trong khi chúng ta xin lương thực hằng ngày thì lại làm giầu
bao nhiêu có thể; trong khi chúng ta xin tha nợ chúng con thì lại không tha nợ
cho anh chị em mình; trong khi chúng ta xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ thì
lại không tránh dịp tội.
Tóm lại, khi chúng ta sống đức tin mâu thuẫn, thứ đức tin dỏm, đức tin rẻ tiền... thì chẳng khác gì chúng ta sống Kitô giả, như pharisiêu: giả hình, nhị trùng, mộng du, say rượu, sói đội lối chiên (xem Mathêu 7:15)!
Xin nghe bài giảng của ĐTC Phanxicô về thành phần chứng nhân sống đức tin ở cái link dưới đây:
DTCPhanxico-BaiGiangLeThanhPheroPhaolo.2019.mp3
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL
Thứ Bảy 24/8/2019 tại
Khóa LTXC XXXXII – 2019 GP Rochester New York