CÔNG GIÁO VIỆT NAM
2020
Chúa nhật Lòng Thương Xót A
Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
ĐTGM Ngô Quang Kiệt
Chúa nhật II
Phục Sinh, Giáo hội mừng kính Lòng Thương Xót của Chúa. Chúa bày tỏ Lòng Thương
Xót trước sự khốn cùng của con người. Trong đại dịch Covid-19 con người đang bộc
lộ sự khốn cùng của mình.
Con người
khốn cùng vì không thể tự bảo vệ. Con corona virus không buông tha ai. Kẻ yếu
cũng như người khoẻ. Già chẳng khác gì trẻ. Giầu không hơn gì nghèo.
Thường dân quan quyền cũng như nhau. Lạc
hậu. Tiên tiến. Nông thôn. Thành thị. Ai cũng có thể chết.
Con người
khốn cùng vì không tìm ra thuốc chữa trị. Bao nhiêu công trình nghiên cứu. Bao
nhiêu loại thuốc quý hiếm. Bao nhiêu phương pháp điều trị. Tất cả đều bó tay.
Không gì tiêu diệt được con siêu vi khuẩn bé nhỏ này.
Con người
khốn cùng vì biết bao trí tuệ loài người phút chốc trở nên tầm thường. Bao ngàn
năm văn minh tiến bộ giờ đây thảm bại trước con siêu vi khuẩn vô cùng bé nhỏ.
Đường phố vắng tanh. Trường học đóng cửa. Chợ búa không ai mua bán. Sân vận động
cỏ mọc rêu phong. Nhà thờ vắng tiếng kinh cầu. Xe cộ ngừng chạy. Máy bay ngừng
bay. Sang trọng như du thuyền Diamond Princess và vũ khí tối tân như hàng không
mẫu hạm Theodore Roosevelt cũng bị con corona virus hạ gục.
Con người
khốn cùng vì chợt nhận ra chính mình đang tàn phá sự sống. Khi con người rút lui
thì trời xanh hơn. Nước trong hơn. Chim hót líu lo. Khí hậu trong lành. Thiên
nhiên thoát khỏi con người trở về với vẻ xinh đẹp tốt lành của nó. Phải chăng
con người đang sai lầm. Thay vì xây dựng lại huỷ hoại. Nền văn minh này đi về
đâu?
Con người
khốn cùng vì chợt nhận ra đã bỏ quên những điều chính yếu để chạy theo những gì
phụ thuộc. Đuổi theo những ảo ảnh chóng qua. Đánh mất những giá trị vĩnh cửu.
Thiên Chúa là nguồn gốc sự sống, nhưng con người chỉ biết đi tìm phần ngọn. Linh
hồn là vĩnh cửu nhưng con người chỉ biết gìn giữ những gì chóng qua. Tha nhân là
món quà đã biến thành đối thủ cạnh tranh đấu đá. Gia đình là tổ ấm lại trở thành
quán trọ.
Thế giới hôm
nay giống như một con bệnh khổng lồ. Bị cướp đánh giở sống giở chết. Đang nằm
rên la bên vệ đường. Thế giới hôm nay như một bãi chiến trường người chết nằm la
liệt. Thế giới hôm nay như một thân thể mang đầy thương tích. Thế giới đang cần
đến Lòng Thương Xót.
Hôm nay Chúa
Kitô Phục Sinh đã hiện đến bày tỏ Lòng Thương Xót. Chúa cho các môn đệ xem vết
thương. Vết thương là bằng chứng tình yêu thương.
Chúa cho ta
xem vết thương để cho thấy Chúa đang chịu thương tích với ta. Chúa đang cùng đau
đớn khổ sở với ta. Thế giới này là thân thể Chúa. Những vết thương của thế giới
vẫn hằn trên thân thể Chúa. Chính Chúa mang lấy những vết thương của ta. Chúa
chịu thương tích vì ta.
Chúa mang lấy
vết thương của ta vì Chúa là Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót của Chúa tồn tại
đến muôn đời. Nên phục sinh rồi, Chúa vẫn mang những vết thương.
Tôma đòi kiểm
tra vết thương của Chúa. Vết thương minh chứng tình yêu đích thực. Chỉ có Chúa
mới chịu mang thương tích vì ta. Vì Chúa yêu ta đến chết vì ta. Đây là đòi hỏi
hợp lý, nên Chúa bằng lòng cho Tôma xem vết thương. Không những cho xem, Chúa
còn mời Tôma hãy xỏ ngón tay vào lỗ đinh và đặt bàn tay vào vết thương cạnh sườn
Chúa. Đặt tay vào vết thương để cảm nhận đau thương. Để cảm nhận tình thương. Để
biết xót thương.
Trong đại
dịch Covid hôm nay, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đặt tay vào vết thương của
anh chị em đang đau khổ. Để cảm nhận nỗi đau của họ. Để hiệp thông với họ. Đáp
lại lời mời gọi của Chúa, ta thấy Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt tay vào vết
thương của thế giới. Nên ngài cảm nhận được nỗi đau. Nên ngài đã nhiều lần ứa
lệ. Noi gương Đức Thánh Cha, nhiều hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân,
y bác sĩ, thiện nguyện, đã đặt tay vào và đã cảm nhận được nỗi đau của các nạn
nhân. Trong số đó phải kể đến Đức hồng y Charles Muang Bo, Đức tổng giám mục
Bergamo. Đặc biệt hai linh mục Alberto Debbi và Anton Phạm hữu Tâm. Riêng cha
Tâm đã tình nguyện đến New York, tâm dịch của Mỹ. Và phục vụ tại ICU, chăm sóc
các bệnh nhân ở giai đoạn cuối cùng.
Đặt tay vào
vết thương. Đó là vàng phải thử trong lửa để nên tinh tuyền. Đó là đức tin phải
thanh luyện để đạt tới vinh quang. Như thư Phêrô dạy ta.
Chúa phô bày
vết thương để mời gọi ta hãy vào ẩn náu trong vết thương của Chúa. Vết thương
của Chúa sẽ che chở ta khỏi mọi thương tích tật nguyền. Như lời Chúa hứa với
thánh nữ Faustina: “Hai luồng sáng xuất
phát từ nơi sâu thẳm Lòng Thương Xót dịu dàng của Ta, vào lúc Trái Tim đớn đau
của Ta bị ngọn giáo xẻ ra…Phúc cho kẻ nào biết náu thân nơi đó” (299).
Đã thấy những
mong manh của kiếp người. Thấy sự phù du của nền văn minh. Thấy những sai lầm
của con người chạy theo những điều phụ thuộc. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở lại
những điều cốt yếu. Hãy noi gương các tín hữu thời sơ khai: “Tất
cả các tín hữu để mọi sự làm của chung…Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên
cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui
vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến”. Đó chính là thực
hành Lòng Thương Xót của Chúa.
Ta vui mừng
vì thấy Lòng Thương Xót của Chúa thể hiện qua việc các nước giúp đỡ lẫn nhau.
Việt nam đã gửi nhiều khẩu trang và y trang bảo hộ cho những nước đang cần. Và
thật cảm động nhiều nơi tổ chức các cây ATM gạo giúp những người thiếu thốn. Tại
các giáo phận như Long xuyên đã trợ giúp các người bán xổ số trong thời gian
thất nghiệp. Các nhà thờ như Thái hà, Giang xá tại Hà nội đã
tặng gạo cho những gia đình thiếu thốn.
Lòng Thương
Xót của Chúa thật vô biên vô lượng. Đau khổ càng nhiều, Lòng Thương Xót càng
lớn. Như Chúa hứa với thánh nữ Faustina:
Ta sẽ đổ cả một đại dương Lòng Thương Xót xuống cho thế giới. Chúa cũng
truyền cho thánh nữ: Hãy nhận chìm mọi
người trong đại dương sâu thẳm Lòng Thương Xót của Ta.
Hãy ẩn mình
trong vết thương của Chúa để hưởng Lòng Thương Xót. Hãy băng bó vết thương của
thế giới bằng sống Lòng Thương Xót. Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể chữa lành
vết thương. Chỉ có Lòng Thương Xót mới cứu vãn được thế giới. Như Chúa đã hứa
với thánh nữ Faustina: Mọi người sẽ được
cứu thoát, sẽ được sống khi trở về với suối nguồn Lòng Thương Xót của Chúa.
From: thanh kham
Date: Fri, Apr 17, 2020 at 2:57 PM
Subject: Re: PVLC Bát Nhật Phục Sinh - Thư 7
To: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Thế giới sẽ được cứu thoát nhờ Lòng Thương Xót
Hãy tìm đến ẩn náu trong vết thương của Chúa
Hãy cảm nhận nỗi đau của tha nhân
Hãy sống Lòng Thương Xót
Thế giới sẽ được chữa lành
nqk
From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Fri, Apr 17, 2020 at 5:59 PM
Subject: Re: PVLC Bát Nhật Phục Sinh - Thư 7
To: thanh kham
Trọng kính Đức Tổng,
Một lần nữa, thay mặt độc giả vẫn hân hoan theo dõi từng bài của Đức Tổng, con
xin được hết lòng tri ân cảm tạ Đức Tổng về những gì Đức Tổng vẫn tiếp tục gửi
bài chia sẻ cho chúng con, như những lời thì thầm của một vị chủ chiên, hưu
trí ở một đan viện thanh vắng và thanh thoát, nhắn nhủ chúng con về những điều
căn cốt chính yếu trong cuộc sống mau qua tạm gửi của hành trình đức tin này,
như chính ĐTC Phanxicô vẫn lập đi lập lại, nhất là trong Mùa Đại Dịch Covid-19
hiện nay.
Nếu ĐTC Gioan Phaolô là vị giáo hoàng đã hoàn thành một sứ vụ tông đồ lưỡng
diện, bao gồm cả Thánh Mẫu Fatima lẫn LTXC thế nào, thì hôm nay, qua bài viết
mới nhất của Đức Tổng đây, con cũng thấy nơi Đức Tổng như vậy, về cả Mẹ Fatima
lẫn LTXC. Trong loạt bài "Giả Dối và Lừa Đạo là Dấu Hiệu của Ngày Cùng Tháng
Tận" con biên soạn và phổ biến cho chung cộng đồng dân Chúa, từ Thứ Hai Tuần
Thánh 6/4 tới Thứ Bảy Bát Nhật Phục Sinh 18/4, con cũng kết hợp cả hai chiều
kích bất khả phân ly và bất khả thiếu này, LTXC và Thánh Mẫu Fatima, rất quan
trọng và khẩn cấp cho Mùa Đại Dịch Civid-19 hiện nay, cũng như sau này. Xin Đức
Tổng cầu cho con.
Con cao tấn tĩnh