GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Diễn Từ Chúc Mừng Giáng Sinh Giáo Triều Roma 2020
tại Sảnh Đường Benediction vào Thứ Hai 21/12/2020
Dẫn nhập
Theo người tuyển dịch này thì:
Về nội dung, trong bài chúc mừng Giáng Sinh Giáo Triều Roma ngày Thứ Hai 21/12/2020 này, ĐTC Phanxicô muốn nhấn mạnh đến tình trạng khủng hoảng bất khả tránh, như đại dịch covid-19 hiện nay, nhưng nếu biết lợi dụng, thì nó sẽ như trường hợp của hạt lúa miến không thể nào không mục nát mới có thể sinh muôn vàn hoa trái, một trường hợp khủng hoảng (crisis), có tính cách khách quan, khác hẳn với trường hợp xung khắc (conflict), như rượu cũ với bình mới, như vải cũ với áo mới, hay như lúa tốt với cỏ lùng trong ruộng, có tính cách chủ quan, thì bao giờ cũng gây ra hậu quả tiêu cực và tai hại.
Về hình thức, bài nói gồm có 10 đoạn, nhưng chính yếu là nửa phần sau, từ đoạn 6 đến hết đoạn 10. Bởi thế, chỉ xin được tuyển dịch bài nói đa số những lời của ngài ở 5 đoạn cuối, với một số câu tiêu biểu và quan trọng ở 5 đoạn trên.
1- Việc hạ sinh của Chúa Giêsu Nazarét là mầu nhiệm của một cuộc hạ sinh nhắc nhở chúng ta rằng "con người, mặc dù cần phải chết, được sinh ra không phải để chết, mà là để bắt đầu" [1] ....
2- Khi chiêm ngưỡng mầu nhiệm Nhập Thể, trước con trẻ nằm trong máng cỏ (cf. Lk 2:16), nhưng chiêm ngưỡng cả Mầu Nhiệm Vượt Qua, trước Đấng tử giá nữa, chúng ta mới thấy được vị trị thích đáng của chúng ta là ở chỗ chẳng phòng thủ, khiêm tốn và không tự phụ...
3- Đây là một Giáng Sinh của dịch bệnh, của cuộc khủng hoảng về sức khỏe, về kinh tế, về xã hội và thậm chí về cả giáo hội nữa, một cuộc khủng hoảng đang hoành hành toàn thế giới bất kể ở đâu. Cuộc khủng hoảng này không còn là một chuyện bàn luận và thẩm định chung nữa; mà là một thực tại ai cũng cảm thấy. Dịch bệnh này đã là một thời điểm thử thách và thử nghiệm, thế nhưng nó cũng là một cơ hội quan trọng để hoán cải và lấy lại thực chất...
4- Theo sự quan phòng thần linh thì vào chính thời điểm khó khăn này mà tôi đã có thể viết bức Thông Điệp Fratelli Tutti về đề tài tình huynh đệ và mối thân hữu xã hội.... "Tôi ước mong rằng, trong thời đại của chúng ta đây, bằng việc nhìn nhận phẩm giá của từng người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng toàn cầu về tình huynh đệ... Vậy chúng ta hãy mơ tưởng, như là một gia đình nhân loại duy nhất, như là thành phần đồng lữ hành có cùng một xác thịt, như con cái của cùng một trái đất là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang lại cho tất cả anh chị em những gì là phong phú từ niềm tin cùng với các xác tín của mình, bằng tiếng nói của mỗi người chúng ta" (đoạn 8).
5- Cuộc khủng hoảng về dịch bệnh này là thời điểm thích hợp để vắn tắt suy tư về ý nghĩa của một cuộc khủng hoảng, những suy tư có thể giúp ích cho tất cả chúng ta. Một cuộc khủng hoảng xẩy ra là những gì ảnh hưởng đến hết mọi người và hết mọi thứ. Các cuộc khủng hoảng hiện nay ở khắp nơi, cũng như ở hết mọi thời đại lịch sử, bao gồm các thứ ý hệ, chính trị, kinh tế, kỹ thuật, môi sinh và tôn giáo. Khủng hoảng là giây phút cần thiết trong lịch sử của cá nhân cũng như xã hội. Nó xẩy ra như là một biến cố ngoại thường luôn gây ra một cảm giác rối loạn, lo âu, lúng túng và bất định trước những quyết định cần phải thực hiện. Chúng ta thấy điều này nơi nguyên ngữ của động từ Krino: khủng hoảng là một thứ sàng lúa ra khỏi trấu sau mùa gặt. Chính Thánh Kinh cũng đầy giẫy những người "bị sàng lọc", "người bị khủng hoảng", thành phần nhờ bởi chính cuộc khủng hoảng ấy đã đóng vai trò của mình trong lịch sử cứu độ. Abraham... Moisen... Elia... Gioan Tẩy Giả... Phaolô Tarsus... Cuộc khủng hoảng ấn tượng nhất là cuộc khủng hoảng của Chúa Giêsu...
6- Thưa anh chị em, việc suy tư về khủng hoảng này cảnh báo chúng ta khi chúng ta hấp tấp phán xét Giáo Hội về các cuộc khủng hoảng gây ra bởi những gương mù gương xấu trong quá khứ và hiện tại...
Thiên Chúa tiếp tục làm cho các hạt giống của vương quốc Ngài phát triển ở giữa chúng ta. Ở Giáo triều đây, có nhiều người âm thầm làm chứng bằng hoạt động thầm lặng khiêm tốn của mình, không có chuyện xì xèo, không tự đắc, trung tín, chân thành và chuyên nghiệp. Rất nhiều anh chị em như thế đó, xin cám ơn anh chị em. Thời đại của chúng ta có những vấn đề của nó, nhưng nó cũng cho thấy một chứng từ sống động về sự kiện Chúa không bao giờ ruồng bỏ dân Ngài. Chỉ có duy một khác biệt đó là các thứ vấn đề này nọ luôn cấp thời xuất hiện trên báo chí; bao giờ cũng thế, trong khi đó các dấu hiệu hy vọng chỉ may ra được biết đến một cách muộn màng.
Những ai không nhìn vào một cuộc khủng hoảng theo Phúc Âm thì chỉ thực hiện một thứ mổ xẻ thi thể người chết vậy thôi. Họ thấy cuộc khủng hoảng ấy, nhưng không thấy niềm hy vọng và ánh sáng từ Phúc Âm. Chúng ta bị bấn loạn trước các cuộc khủng hoảng không phải chỉ vì chúng ta đã quên nhìn vào chúng theo Phúc Âm dạy, mà vì chúng ta đã quên rằng Phúc Âm là yếu tố đầu tiên đẩy chúng ta đến chỗ khủng hoảng [4]. Nếu chúng ta có thể phục hồi được lòng can đảm và khiêm hạ để chân nhận rằng thời điểm khủng hoảng là thời điểm của Thần Linh, cho dù chúng ta có phải đối diện với những cảm nghiệm tối tăm, hèn yếu, mỏng dòn, mâu thuẫn và lạc loài, chúng ta sẽ không còn cảm thấy chới với nữa. Trái lại, chúng ta vẫn cứ tin tưởng rằng các thứ sắp sửa được mặc lấy một bộ diện mới, chỉ xuất phát từ cảm nghiệm về một ân sủng kín đáo nào đó. "Vì vàng phải được tôi luyện trong lửa, còn những người sáng giá thì phải được thử trong lò ô nhục" (Huần Ca 2:5).
7- Sau hết, tôi tha thiết xin anh chị em đừng lẫn lộn khủng hoảng (crisis) với xung khắc (conflict): Chúng là 2 điều khác nhau. Khủng hoảng thường mang lại một thành quả tích cực, trong khi đó xung khắc bao giờ cũng gây ra bất hòa và đối chọi, một thứ đối kháng thực sự bất khả hòa giải phân loại kẻ khác thành bạn bè yêu thương và thù địch đối chọi. Trong trường hợp xung khắc ấy thì chỉ có một bên là thắng cuộc.
Vấn đề xung khắc bao giờ cũng cố gắng phân biệt phe "lầm lỗi" để mà khinh chê và bêu xấu, với phe "chính trực" để mà bênh vực, như cách thức khêu gợi cái cảm quan (thường có tính cách ma thuật) rằng chúng tôi chẳng có liên hệ gì đến chuyện này chuyện nọ hết. Tình trạng mất mát đi cái cảm quan thuộc về nhau của chúng ta khiến tạo nên hay củng cố những thái độ ưu đẳng với "những bọn này lũ kia", là những gì cổ võ những thứ tâm thức hẹp hòi và bè phái, làm suy yếu đi tính chất đại đồng nơi sứ vụ của chúng ta. "Giữa cuộc xung khắc, chúng ta bị mất đi cái cảm quan của chúng ta về mối hiệp nhất sâu xa của thực tại" (Apostolic Exhortation Evangelii Gaudium, 226).
Khi Giáo Hội được thấy theo chiều hướng xung khắc - bên phải với bên trái, cấp tiến với bảo thủ - Giáo Hội sẽ bị phân mảnh và phân cực, bị làm méo mó và bội phản với bản chất đích thực của Giáo Hội. Trái lại, Giáo Hội là một thân mình bị khủng hoảng liên tục, chính vì Giáo Hội sống động. Giáo Hội không bao giờ trở thành một thân mình bị xung khắc, với kẻ thắng người thua, vì như thế thì Giáo Hội sẽ gây ra hoang mang sợ hãi, trở nên càng cứng cỏi hơn và càng kém đoàn tính hơn, và áp đặt một thứ đồng dạng khác hẳn với sự phong phú và đa dạng được Thần Linh tuôn đổ xuống trên Giáo Hội của Ngài.
Tính chất mới mẻ xuất phát từ khủng hoảng theo Thần Linh không bao giờ là một thứ mới mẻ phản lại với những gì là cổ xưa, mà là một thứ mới mẻ xuất phát từ cái cổ xưa và làm cho cái cổ xưa ấy tiếp tục sinh hoa kết trái. Chúa Giêsu đã cắt nghĩa tiền trình này bằng một hình ảnh đơn sơ mà rõ ràng, đó là: "Hạt lúa miến rơi xuống đất không mục nát đi thì nó vẫn chỉ là một thứ hạt vậy thôi; nhưng nếu nó có bị mục nát đi thì mới sinh nhiều hoa trái" (Jn 12:24). Tình trạng thối đi của hạt giống có tính cách mâu thuẫn, ở chỗ, nó vừa là tận cùng lại vừa là khởi điểm của một cái gì mới mẻ. Nó có thể được gọi vừa "chết và rữa" vừa "sinh và nở", vì cả hai là một. Chúng ta thấy được cái tận cùng, đồng thời ở nơi cái tận cùng ấy lại là một khởi điểm mới đang hình thành.
Theo chiều hướng ấy, tâm trạng chúng ta không muốn chấp nhận khủng hoảng và để cho mình được Thần Linh dẫn dắt ở vào những lúc thử thách là những gì kìm kẹp chúng ta trong trơ trụi và cằn cỗi, hay thậm chí trong xung khắc. Bằng việc che chắn mình cho khỏi bị khủng hoảng là chúng ta cản trở tác động ân sủng của Thiên Chúa là những gì tỏ hiện nơi chúng ta và qua chúng ta... Tất cả những gì là sự dữ, là sai trái, là yếu hèn và thiếu lành mạnh đều trở thành một nhắc nhở mãnh liệt về nhu cầu chúng ta cần phải chết đi cho lối sống, cho cách suy nghĩ và tác hành không phản ảnh Phúc Âm. Chỉ bằng việc chết đi cho một tâm thức nào đó chúng ta mới có thể dọn chỗ cho tính chất mới mẻ được Thần Linh liên tục làm bừng lên trong lòng Giáo Hội. Các Giáo Phụ đã quá biết về điều này, và các vị gọi đó là "metanoia / hoán cải".
8- Hết mọi cuộc khủng hoảng đều chất chứa một đòi hỏi chính đáng là canh tân đổi mới và tiến bước. Nếu chúng ta thực sự mong muốn đổi mới, cho dù chúng ta cần phải can đảm tỏ ra hoàn toàn cởi mở. Chúng ta cần phải không còn nhìn vào việc canh tân của Giáo Hội như là việc lấy vải vá vào chiếc áo cũ, hay chỉ là việc soạn thảo một Tông Hiến mới. Việc canh tân đổi mới của Giáo Hội khác hẳn.
Nó không thể nào là vấn đề vá chỗ này lấp chỗ kia, vì Giáo Hội không phải là một mảnh nào đó nơi y phục của Chúa Kitô, mà là Thân Mình của Người, một Thân Mình bao gồm toàn thể lịch sử (cf. 1 Cor 12:27). Chúng ta không được kêu gọi để thay đổi hay đổi mới Thân Mình của Chúa Kitô - "Chúa Giêsu Kitô vẫn là một hôm qua, hôm nay và muôn đời" (Heb 13:8) - thế nhưng, chúng ta được kêu gọi để mặc cho Thân Minh này bằng một tấm áo mới, nhờ đó mới làm sáng tỏ rằng ân huệ chúng ta có được là từ Chúa, chứ không phải từ chúng ta. Thật vậy, "chúng ta dựng kho tàng này trong những bình sành, để chứng tỏ rằng, quyền năng siêu việt là những gì thuộc về Thiên Chúa chứ không phải chúng ta" (2Cor 4:7). Giáo Hội bao giờ cũng là một bình sành, qúi báu nơi những gì bình sành này chứa đựng, chứ không phải ở bề ngoài của nó... Những ngày này dường như hiển nhiên cho thấy rằng thứ đất sét mà chúng ta được tạo dựng nên đang bị sứt mẻ, hư hại và tan vỡ. Chúng ta lại càng phải nỗ lực hơn nữa, kẻo tính chất mềm yếu của chúng ta biến thành một trở ngại cho việc rao giảng Phúc Âm, hơn là một chứng từ cho tình yêu vô biên mà Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót đã yêu thương chúng ta và tiếp tục yêu thương chúng ta (cf Eph 2:4). Nếu chúng ta ngăn chặn Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót nơi đời sống của chúng ta, thì đời sống của chúng ta sẽ là những gì giả dối, những gì sai lạc.
Trong những lúc khủng hoảng, Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta về các nỗ lực xuất phát từ cuộc khủng hoảng này, mang mầu sắc u ám ngay từ đầu. Nếu ai "xé một miếng vải từ tấm áo mới mà vá vào chiếc áo cũ", thì hậu quả đã rõ đó là họ sẽ xé toạc tấm áo mới ra, vì "miếng vải từ tấm áo mới không hợp với tấm áo cũ". Cũng thế, "không ai lại lấy rượu mới mà đổ vào bầu cũ; nếu họ làm thế thì rượu mới sẽ làm vỡ bầu da và rượu tuôn ra, và bầu da sẽ bị hư hoại. Rượu mới cần phải đổ vào bầu da mới" (Lk 5:36-38).
Ngoài ra, đường lối chính đáng này cũng là cách thức của thành phần "ký lục được huấn luyện cho nước trời", thành phần "như một gia chủ biết lợi dụng những cái cũ mới trong kho tàng của mình" (Mt 13:52). Kho tàng này là Truyền Thống, một truyền thống được Đức Benedict XVI nhắc lại "là giòng sông lưu chuyển liên kết chúng ta với những gì là cội nguồn, một giòng sông lưu chuyển làm cho những gì là cội nguồn hằng được hiện tại hóa, một giòng sông cả dẫn chúng ta đến cửa vĩnh hằng" (Catechesis, 26 April 2006). Tôi nghĩ đến câu nói của một đại nhạc sĩ người Đức: "Truyền Thống là những gì bảo đảm của tương lai, chứ không phải là một thứ bảo tàng viện, một thứ hộp đựng tro cốt". "Cái cũ" ấy là chân lý và ân sủng chúng ta đã được sở hữu. "Cái mới" ấy là những khía cạnh khác của chân lý mà chúng ta dần dần hiểu được... Ngoài ra, không có ân sủng của Thánh Linh, chúng ta thậm chí có thể mường tượng ra một Giáo Hội "đoàn tính", thay vì được tác động bởi mối hiệp thông bởi sự hiện diện của Thần Linh, lại tiến đến chỗ được coi như là một thứ cộng đồng dân chủ khác, được làm nên bởi thành phần đa số và thành phần thiểu số. Chẳng hạn như là một quốc hội, đó không phải là đoàn tính. Chỉ có sự hiện diện của Thánh Linh mới tạo nên được những gì khác biệt thôi.
9- Chúng ta cần phải làm gì khi xẩy ra một cuộc khủng hoảng? Trước hết, hãy chấp nhận nó như là một thời điểm của ân sủng được ban cho chúng ta để nhận thức được ý muốn của Thiên Chúa giành cho từng người chúng ta cũng như cho toàn thể Giáo Hội. Chúng ta cần phải chấp nhận quan niệm thật nghịch lý đó là "khi tôi yếu đuối là lúc tôi dũng mãnh" (2 Cor 12:10)...
Chúng ta không còn giải pháp nào khác cho các thứ vấn đề chúng ta đang trải qua hơn là giải pháp thiết tha cầu nguyện hơn, đồng thời làm tất cả những gì có thể bằng một lòng tin tưởng hơn nữa. Cầu nguyện sẽ giúp cho chúng ta có thể "hy vọng khi không còn hy vọng" (cf. Rom 4:18).
10- Anh chị em thân mến, chúng ta hãy giữ tâm hồn thật bình an và thanh thản, với tất cả nhận thức rằng tất cả chúng ta, khởi đi từ bản thân tôi, chỉ là "những đầy tớ bất xứng" (Lk 17:10), thành phần được Chúa đoái thương. Vì thế, chúng ta cần phải thôi sống xung khắc, và lại cảm thấy chúng ta đang cùng nhau hành trình, sẵn sàng chấp nhận khủng hoảng. Các cuộc hành trình bao giờ cũng bao gồm các động từ chuyển động. Cuộc khủng hoảng tự nó là một thứ chuyển động, thuộc về cuộc hành trình của chúng ta. Mặt khác, khủng hoảng là một lối mòn giả dối dẫn chúng ta đến chỗ sai lạc, bất định, lạc hướng và bị tầu hỏa nhập ma; nó là một thứ phung phí nghị lực và là một cơ hội cho sự dữ. Sự dữ đầu tiên được xung khắc dẫn chúng ta tới, và chúng ta cần phải tránh né, đó là thói xì xèo nọ kia. Chúng ta hãy lưu ý đến nó! Việc nói về thói xì xèo không phải là nỗi ám ảnh của tôi; mà là để vạch mặt chỉ tên một thứ sự dữ đã lọt vào Giáo Triều này. Ở Dinh Thự này có nhiều cửa ra vào và cửa sổ, và nó đột nhập khiến chúng ta trở thành quen thói. Thói xì xèo kìm kẹp chúng ta lại trong một tình trạng miệt mài trầm mặc khó chịu, buồn thảm và ngột ngạt. Nó biến khủng hoảng thành xung khắc. Phúc Âm dạy chúng ta rằng thành phần mục đồng đã tin vào sứ điệp của thiên thần và đã lên đường đến với Chúa Giêsu (cf. Lk 2:15-16). Trái lại, Hêrôđê đóng lòng mình lại trước câu chuyện được các Vị Đạo Sĩ kể và biến cõi lòng khép kín ấy thành những gì là đảo điên và bạo lực (cf. Mt 2:1-16).
Mỗi người trong chúng ta, bất kể vị trí của chúng ta trong Giáo Hội, cần phải tự vấn xem tôi có muốn theo Chúa Giêsu bằng tấm lòng đơn thành của các mục đồng, hay bằng thái độ phòng thủ của Hêrôđê, có muốn theo Người giữa những cơn khủng hoảng hay giữ lấy Người ở những gì là xung khắc.
Xin cho tôi được xin riêng tất cả anh chị em, những người cùng tôi phục vụ Phúc Âm, món quà Giáng Sinh từ việc quảng đại và hết lòng hợp tác của anh chị em trong việc loan báo Tin Mừng, trên hết, cho người nghèo (cf. Mt 11:5). Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có họ mới biết được Thiên Chúa là Đấng đón nhận người nghèo, Đấng hạ mình xuống còn ở cả bên dưới cái khốn cùng của họ nữa, mà lại là Đấng được sai đến từ trên cao. Chúng ta không thấy được dung nhan Thiên Chúa, thế nhưng chúng ta có thể cảm nghiệm thấy dung nhan này, bằng việc Ngài hướng mặt về phía chúng ta, bất cứ khi nào chúng ta tỏ ra tôn trọng tha nhân của chúng ta, tôn trọng những người kêu đến chúng ta trong cơn thiếu thốn của họ [5]. Vì người nghèo là tâm điểm của Phúc Âm. Tôi nghĩ đến những gì được vị giám mục thánh người Ba Tây thường nói, đó là: "Khi tôi tỏ ra quan tâm đến người nghèo thì họ gọi tôi là thánh; thế nhưng khi nào tôi cứ đặt vấn đề tại sao tình trạng quá nghèo khổ cứ còn đó thì họ cho tôi là cộng sản".
Chớ gì đừng có ai cố ý cản trở hoạt động mà Chúa đang hoàn thành vào lúc này đây, và chúng ta hãy xin ơn biết phục vụ một cách khiêm tốn, để Người có thể lớn lên còn chúng ta thì nhỏ lại (cf. Jn 3:30).
Tôi gửi đến từng người trong anh chị em cũng như tất cả anh chị em, cùng gia đình và bạn hữu của anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi. Xin cám ơn anh chị em, cám ơn anh chị em về công việc của anh chị em, cám ơn anh chị em rất nhiều. Và xin làm ơn tiếp tục cầu nguyện cho tôi, để tôi có thể can đảm tồn tại trong cơn khủng hoảng. Chúc Mừng Giáng Sinh! Cám ơn anh chị em.
(ĐTC ban phép lành)
[2] Ibid., p. 247.
[3] Address at the Ecumenical and Interreligious Meeting with Young People, Skopje, North Macedonia (7 May 2019): L’Osservatore Romano, 9 May 2019, p. 9.
[4] “Many of his disciples, when they heard it, said, ‘This is a hard saying; who can listen to it?’ But Jesus, knowing in himself that his disciples murmured at it, said to them, ‘Do you take offense at this?’” (Jn 6:60-61). Yet it was only on the basis of that crisis that a profession of faith could spring up: “Lord, to whom shall we go? You have the words of eternal life” (Jn 6:68).
[5] Cf. E. LEVINAS, Totalité et infini, Paris, 2000, 76.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu