GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

ĐTC PHANXICÔ - GIẢNG LỄ

 

CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN NGÀY 23/2/2020

 

Trong chuyến thăm viếng mục vụ của ngài ở Bari miền Nam Ý quốc,

sau khi ngài gặp gỡ các vị giám mục ở Miền Địa Trung Hải, nơi liên quan đến thành phần tỵ nạn và di dân

 

yêu thương kẻ thù

 

Pope Francis waves from the popemobile in Bari, Italy Feb. 23, 2020. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

Các con hãy yêu thương các kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những ai bách hại các con.

Đó là những gì mới mẻ của Kitô giáo. Đó là những gì khác biệt của Kitô giáo...

Lệnh truyền của Người không phải chỉ là một thách đố; nó là chính cốt lõi của Phúc Âm...

Người muốn chúng ta thực hiện tính chất thái quá của đức ái / extremism of charity

 

 

Đừng lo lắng đến vấn đề ác tâm của người khác, về những ai nghĩ xấu về anh chị em.

Trái lại, hãy bắt đầu vì kính mến Chúa Giêsu mà giải giới cõi lòng của mình.

Vì đối với những ai kính mến Thiên Chúa thì không có kẻ thù trong lòng họ....

Đó là cuộc cách mạng của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng cả thể nhất trong lịch sử:

từ chỗ hận thù ghen ghét kẻ thù của chúng ta đến chỗ yêu thương thù địch của chúng ta; từ chỗ tôn sùng than van trách móc đến văn hóa trao tặng

 

 

1582454257639.JPG

 

Sự dữ chỉ có thể khống chế bởi sự thiện. Đó là cách Ngài đã cứu chúng ta: không phải bằng gươm giáo mà bằng thập tự giá.

Yêu thương và tha thứ là sống như một kẻ chiến thắng. Chúng ta sẽ thua nếu chúng ta bênh vực đức tin bằng sức mạnh...

một Kitô hữu không thể nào tác hành như những người môn đệ bấy giờ thoạt đầu rút gươm ra sau đó lại tẩu thoát.

Không, vấn đề giải quyết không phải là rút gươm ra phạm đến kẻ khác, hay là thẩu thoát cho khỏi thời điểm chúng ta đang sống.

 

 

Chúa Giêsu đã trích luật cũ: "Mắt đền mắt, răng đền răng" (Mt 5:38; Ex 21:24). Chúng ta biết những gì luật này muốn nói, đó là khi ai đó lấy gì của bạn thì bạn lấy lại cái như vậy từ họ. Thứ luật trả đũa này thực sự là một dấu hiệu của tiến bộ, vì nó đã ngăn cản việc trả đũa quá trớn. Nếu ai đó tác hại đến bạn, thì bạn có thể trả đũa họ ở cùng một mức độ; bạn không thể làm một điều gì đó tệ hơn thế. Chấm dứt vấn đề ở đó, bằng một trao đổi công bằng, là một bước tiến vậy.

 

Thế nhưng, Chúa Giêsu còn đi xa hơn luật này, ở chỗ: "Nhưng, Thày bảo các con là đừng cự lại với kẻ dữ" (Mt 5:39). Chúa ơi, sao lại vậy chứ? Nếu một ai đó nghĩ xấu về tôi, nếu một ai đó làm hại tôi, thì tại sao tôi lại không trả đũa họ ở cùng một mức độ chứ? "Không", Chúa Giêsu nói như thế. Bất bạo động. Không tác hành một cách bạo động.

 

Chúng ta có thể nghĩ rằng giáo huấn của Chúa Giêsu có một ý đồ nào đó; cuối cùng thì kẻ gian ác sẽ chừa bỏ thôi. Thế nhưng, đó không phải là lý do Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu thương ngay cả những ai làm hại chúng ta. Vậy thì đâu là lý do của nó chứ? Lý do đó là Chúa Cha, Cha của chúng ta, tiếp tục yêu thương hết mọi người, ngay cả khi tình yêu thương của Ngài không được đền đáp. Chúa Cha "làm cho mặt trời mọc lên cho kẻ dữ và người lành, cùng làm mưa xuống trên kẻ công chính lẫn kẻ bất lương" (câu 45). Trong bài đọc 1 hôm nay, Người bảo chúng ta rằng: "Các ngươi phải thánh hảo vì Ta, Chúa của các người, là thánh" (Levi 19:2). Nói cách khác: "Các ngươi hãy sống như Ta, hãy tìm kiếm những gì Ta tìm kiếm". Đó chính là những gì Chúa Giêsu đã làm. Người không chỉ tay vào những ai lầm lẫn lên án Người và khiến họ chết một cách ác độc, nhưng Người đã giang rộng cánh tay cho họ ở trên thập tự giá. Người đã tha thứ cho những ai đóng đanh vào cổ tay của Người (xem Luca 23:33-34).

 

Nếu chúng ta muốn làm môn đệ của Chúa Kitô, nếu chúng ta muốn xưng mình là Kitô hữu, thì đó là đường lối duy nhất. Được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta được kêu gọi để thương yêu đáp lại; được thứ tha, chúng ta được kêu gọi để tha thứ; được tình yêu chạm tới, chúng ta được kêu gọi thương yêu không đợi cho kẻ khác yêu thương; được ưu ái cứu độ, chúng ta được kêu gọi đừng tìm kiếm phúc lợi nơi việc lành chúng ta làm. Anh chị em có thể nói ngay rằng: "Thế nhưng Chúa Giêsu đã đi quá xa! Người thậm chí còn dạy rằng: 'Các con hãy yêu thương các kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những ai bách hại các con' (Mt 5:44). Chắc hẳn Người nói như thế là để kéo chú ý của dân chúng thôi, chứ Người không thể nào lại thực sự muốn nói như vậy". Tuy nhiên, thực sự là hoàn toàn ngược lại. Ở đây Chúa Giêsu không nói một cách mâu thuẫn ngược ngạo hay sử dụng những thứ uyển chuyển mỹ miều về câu nói. Người muốn nói thẳng ra và rõ ràng. Người trích lại luật xưa và trịnh trọng nói với anh chị em rằng: "Thế nhưng Thày nói cùng các con là các con hãy yêu thương những thù địch của mình". Lời Người nói là những lời cố ý và đích thực như thế.

 

Các con hãy yêu thương các kẻ thù của các con và cầu nguyện cho những ai bách hại các con. Đó là những gì mới mẻ của Kitô giáo. Đó là những gì khác biệt của Kitô giáo. Cầu xin và yêu thương, đó là những gì chúng ta phải làm; không chỉ đối với những người yêu thương chúng ta, đối với bạn hữu của chúng ta hay nhân dân của chúng ta. Tình yêu của Chúa Giêsu thì vô biên giới hay bất chấp trở ngại. Chúa muốn chúng ta dám có một tình yêu thương bất chấp giá phải trả. Vì mức độ của Chúa Giêsu là yêu thương vô độ. Biết bao nhiêu lần chúng ta đã bỏ qua đòi hỏi này, khi tác hành như hết mọi người khác! Tuy vậy, lệnh truyền của Người không phải chỉ là một thách đố; nó là chính cốt lõi của Phúc Âm. Nếu chúng ta quan tâm đến lệnh truyền yêu thương đại đồng này, chúng ta không thể nào chấp nhận những thứ bào chữa hay giảng dạy những thứ cẩn trọng khéo léo. Chúa không tỏ ra cẩn trọng; Người không chấp nhận những gì là thỏa hiệp. Người muốn chúng ta thực hiện tính chất thái quá của đức ái / extremism of charity. Nó là thứ duy nhất của một đức ái thái quá: cái thái quá của tình yêu thương.

 

Các con hãy yêu thương kẻ thù của mình. Chúng ta hãy cố gắng lập lại những lời này cho chính bản thân chúng ta, và áp dụng chúng với những ai đối xử tệ với chúng ta, những ai gây phiền hà cho chúng ta, những ai chúng ta thấy khó chấp nhận, những ai gây rắc rối cho tình trạng thanh thản của chúng ta. Các con hãy yêu thương kẻ thù của mình. Chúng ta cũng cần phải tự vấn mình xem: "Tôi đang thực sự quan tâm đến những gì ở trên đời này? Đến những ai thù nghịch của tôi, hay đến những ai không thích tôi? Hoặc đến việc yêu thương?" Đừng lo lắng đến vấn đề ác tâm của người khác, về những ai nghĩ xấu về anh chị em. Trái lại, hãy bắt đầu vì kính mến Chúa Giêsu mà giải giới cõi lòng của mình. Vì đối với những ai kính mến Thiên Chúa thì không có kẻ thù trong lòng họ.

 

Việc thờ phượng Thiên Chúa thì ngược lại với thứ văn hóa hận thù ghen ghét. Và thứ văn hóa hận thù ghen ghét này bị đánh đấu bởi việc đối chọi với thứ sùng bái than van trách móc. Biết bao nhiêu lần chúng ta than van trách móc về những gì chúng ta thiếu thốn, về những gì sai xẩy! Chúa Giêsu biết được tất cả những gì không có tác dụng. Người biết được bao giờ cũng có ai đó không ưa chúng ta. Hoặc ai đó làm cho đời sống của chúng ta khốn khổ. Tất cả những gì Người xin chúng ta làm đó là cầu nguyện và yêu thương. Đó là cuộc cách mạng của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng cả thể nhất trong lịch sử: từ chỗ hận thù ghen ghét kẻ thù của chúng ta đến chỗ yêu thương thù địch của chúng ta; từ chỗ tôn sùng than van trách móc đến văn hóa trao tặng. Nếu chúng ta thuộc về Chúa Giêsu thì đó là con đường chúng ta được kêu gọi để tiến bước!

 

Thế nhưng anh chị em có thể phản đối rằng: "Tôi biết tính chất cao cả của lý tưởng này, thế nhưng đó lại không phải thực sự là những gì về đời sống! Nếu tôi yêu thương và tha thứ thì tôi sẽ không thể nào tồn tại trên thế gian này, nơi mà lý lẽ của quyền lực là những gì thắng cuộc, và là nơi người ta dường như chỉ quan tâm đến bản thân mình". Bởi thế mà lý lẽ của Đức Giêsu, cách thức Người nhìn sự vật, là lý lẽ của thành phần thua cuộc? Trước con mắt của thế gian thì thật là như thế, nhưng trước con mắt của Thiên Chúa thì lại là lý lẽ của kẻ thắng cuộc. Như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta trong bài đọc 2: "Đừng ai tự lừa dối mình... Vì sự khôn ngoan của thế giới này là những gỉ ngu dại trước Thiên Chúa" (1Cor 3:18-19). Thiên Chúa thấy được những gì chúng ta không thấy. Thiên Chúa biết làm sao để thắng. Ngài biết rằng sự dữ chỉ có thể khống chế bởi sự thiện. Đó là cách Ngài đã cứu chúng ta: không phải bằng gươm giáo mà bằng thập tự giá. Yêu thương và tha thứ là sống như một kẻ chiến thắng. Chúng ta sẽ thua nếu chúng ta bênh vực đức tin bằng sức mạnh.

 

Chúa sẽ lập lại với chúng ta những lời Người đã nói với Thánh Phêrô trong Vườn Nhiệt rằng: "Hãy xỏ gươm của con vào vỏ" (Gioan 18:11). Trong Vườn Nhiệt của ngày hôm nay, trong thế giới lãnh đạm và bất công của chúng ta, một thế giới dường như đang chứng thực cho nỗi khắc khoải của niềm hy vọng, thì một Kitô hữu không thể nào tác hành như những người môn đệ bấy giờ thoạt đầu rút gươm ra sau đó lại tẩu thoát. Không, vấn đề giải quyết không phải là rút gươm ra phạm đến kẻ khác, hay là thẩu thoát cho khỏi thời điểm chúng ta đang sống. Vấn đề giải quyết là theo đường lối của Chúa Giêsu, ở chỗ chủ động yêu thương, yêu thương một cách khiêm hạ, yêu thương "cho đến cùng" (Gioan 13:1).

 

Anh chị em thân mến, hôm nay Chúa Giêsu, bằng tình yêu vô hạn của Người, cất đi cái ngăn trở nơi nhân tính của chúng ta. Cuối cùng, chúng ta có thể tự vấn rằng: "Chúng ta có thể thực hiện như thế hay chăng?" Nếu đích điểm là những gì bất khả thì Chúa đã không muốn chúng ta cố gắng vươn tới đó. Bằng nỗ lực riêng của mình thì khó mà chiếm đạt; đó là một ơn ban chúng ta cần phải van xin. Hãy xin Thiên Chúa ban cho sức mạnh để yêu thương. Hãy thưa cùng Ngài rằng: "Lạy Chúa, xin giúp con yêu thương, xin dạy con tha thứ. Con không thể tự mình làm nổi, con cần đến Chúa". Thế nhưng, chúng ta cũng cần xin ơn để có thể thấy được người khác không phải là những trở ngại và là những thứ rắc rối, mà là những người anh chị em cần được yêu thương. Biết bao lần chúng ta cầu nguyện để được giúp đỡ và các ân ban cho chúng ta, nhưng hiếm thấy biết bao chúng ta xin cho biết cách yêu thương! Chúng ta cần thường xuyên cầu xin ơn sống cái chính yếu của Phúc Âm để thực sự trở thành Kitô hữu. Vì "trong đêm tối của cuộc đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu thương" (Saint John of the Cross, Sayings of Light and Love, 57).  

 

Hôm nay, chúng ta hãy chọn yêu thương, bằng mọi giá, thậm chí có phải lội ngược giòng. Chúng ta đừng chấp nhận ý nghĩ của trần gian này, hay chấp nhận sống nửa vời. Chúng ta hãy chấp nhận thách đố của Chúa Giêsu, thách đố của đức ái. Bấy giờ chúng ta mới là những Kitô hữu thực sự và thế giới của chúng ta sẽ trở nên nhân bản hơn.

https://www.vaticannews.va/en/pope/news/2020-02/pope-s-homily-during-mass-in-bari-full-text.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu