GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Giảng Lễ Chúa Kitô Vua
Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta "bản liệt kê quà tặng" của Người
cho bữa tiệc cưới đời đời mà Người muốn chia sẻ với chúng ta trên trời.
Những quà tặng này là các việc làm của lòng thương xót, những việc làm nên sự sống đời đời của chúng ta.
Chúng ta đừng bỏ đi các mộng mơ cao cả của chúng ta.
Chúng ta đừng ổn thỏa chỉ với những gì chúng ta cần thôi.
Chúa không muốn chúng ta hạn hẹp hóa chân trời của chúng ta,
hay cứ đậu lại bên lề đường của cuộc sống.
Người muốn chúng ta kiên trì và hân hoan đua chạy đến các đích điểm cao cả.
Chúng ta vừa nghe đoạn Phúc Âm của Thánh Mathêu là đoạn ngay trước cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô. Trước khi tuôn đổ hết tình yêu của Người ra cho chúng ta trên thập tự giá, Chúa Giêsu đã chia sẻ những ước muốn cuối cùng của Người. Người nói với chúng ta rằng, sự thiện chúng ta làm cho một trong những người anh chị em hèn mọn nhất - dù đói khát hay khách lạ đang thiếu thốn cần thiết, dù là bệnh nạn hay tù ngục - là chúng ta làm cho Người (cf Mt 25:37-40). Như thế là Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta "bản liệt kê quà tặng" của Người cho bữa tiệc cưới đời đời mà Người muốn chia sẻ với chúng ta trên trời. Những quà tặng này là các việc làm của lòng thương xót, những việc làm nên sự sống đời đời của chúng ta. Mỗi một người trong chúng ta có thể tự vấn xem: Tôi có thực hành những việc làm ấy chăng? Tôi có làm bất cứ điều gì đó cho ai đang thiếu thốn cần thiết không? Hay tôi chỉ làm ích cho những người thân yêu của tôi, cùng các bạn bè thân hữu với tôi thôi? Tôi có giúp đỡ ai không thể bù đắp lại cho tôi hay chăng? Tôi có là bạn hữu của một người nghèo nào đó hay chăng? Còn nhiều câu hỏi tương tự chúng ta cần phải tự vấn. Chúa Giêsu nói cùng anh chị em rằng: "Ta ở đó. Ta đang đợi chờ các người ở đó, nơi các người ít nghĩ tới, và có lẽ thậm chí còn không muốn nhìn tới nữa, đó là nơi người nghèo". Ta ở đó, nơi mà thứ tâm thức đang thịnh hành chủ trương đời sống tốt đẹp nếu nó tốt đẹp cho tôi, thì ít mong rằng Ta ở đó. Ta ở đó. Chúa Giêsu cũng nói những lời này cùng các bạn nữa, hỡi bạn trẻ, khi các bạn đang cố gắng hiện thực hóa những mộng mơ trong đời của các bạn.
Ta ở đó. Chúa Giêsu đã nói đến điều này nhiều thế kỷ trước, cho một người lính trẻ. Chàng là một thanh niên 18 tuổi chưa được rửa tội. Ngày kia chàng đã thấy một người nghèo đang ăn xin nhưng chẳng nhận được gì cả, vì "hết mọi người đều đi ngang qua". Con người trẻ này, "khi thấy những kẻ khác không biết động lòng thương, đã hiểu rằng con người nghèo khổ ấy ở đó là vì chàng. Tuy nhiên, chàng lại chẳng có gì trong người, ngoài bộ quân phục. Chàng đã cắt chiếc áo khoác của mình làm đôi để choàng vào thân con người nghèo khổ ấy, và chàng đã nghe thấy người ấy nói rằng: "Martin, con đã lấy áo choàng này mà bao phủ Ta" (cf. SULPICIUS SEVERUS, Vita Martini, III). Thánh Martin là chàng trẻ tuổi đó. Ngài đã có được giấc mơ ấy, vì bất ngờ ngài đã tác hành như một con người công chính trong bài Phúc Âm hôm nay.
Các bạn trẻ thân mến, anh chị em thân mến, chúng ta đừng bỏ đi các mộng mơ cao cả của chúng ta. Chúng ta đừng ổn thỏa chỉ với những gì chúng ta cần thôi. Chúa không muốn chúng ta hạn hẹp hóa chân trời của chúng ta, hay cứ đậu lại bên lề đường của cuộc sống. Người muốn chúng ta kiên trì và hân hoan đua chạy đến các đích điểm cao cả. Chúng ta không được dựng nên để mộng mơ về các thứ ơn gọi hay về cuối tuần, mà là để làm cho các mơ mộng của Thiên Chúa thành hiện thực trên trần gian này. Thiên Chúa đã làm cho chúng ta có khả năng mộng mơ, để chúng ta có thể ôm ấp vẻ đẹp của đời sống. Các công việc của lòng thương xót là những công việc đẹp nhất trong đời. Chúng ở ngay tâm điểm của các giấc mơ cao cả của chúng ta. Nếu các bạn và anh chị em mơ về một thứ vinh quang thực sự, không phải là thứ vinh quang của thế giới qua đi đây, mà là vinh quang của Thiên Chúa, thì đó là đường lối cần phải theo đuổi. Hãy đọc lại đoạn Phúc Âm hôm nay mà suy nghĩ. Vì các việc làm của lòng thương xót là những gì làm vinh quang Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác. Hãy cẩn thận nghe đây: các việc làm của lòng thương xót là những gì làm vinh quang Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác. Cuối cùng thì chúng ta cũng sẽ chỉ bị phán xét về các việc làm của lòng thương xót mà thôi.
Tuy nhiên, chúng ta sẽ bắt đầu ra sao đây để hiện thực hóa các mộng mơ cao cả của chúng ta? Bằng các chọn lựa cao cả. Bài Phúc Âm hôm nay cũng nói với chúng ta về điều này nữa. Thật vậy, trong cuộc chung thẩm, Chúa sẽ phán xét chúng ta về những chọn lựa chúng ta đã thực hiện. Ngài dường như chẳng phán xét gì hết, chỉ phân rẽ chiên ra khỏi dê thôi, nghĩa là tùy theo chúng ta là tốt hay xấu. Ngài chỉ rút ra những thành quả từ những chọn lựa của chúng ta thôi, làm sáng tỏ chúng và tôn trọng chúng. Chúng ta cần phải thấy đời sống là một thời gian để thực hiện những chọn lựa thiết thực, quyết liệt, vĩnh hằng. Những thứ chọn lựa tầm thường mang lại một đời sống tầm thường; những chọn lựa cao cả mang lại những gì là cao cả cho đời sống. Thật vậy, chúng ta trở nên những gì chúng ta chọn lựa, tốt hơn hay tệ hơn. Nếu chúng ta muốn ăn cắp, thì chúng ta trở nên tên trộm. Nếu chúng ta chọn nghĩ về bản thân mình, thì chúng ta lấy mình làm chính. Nếu chúng ta chọn ghen ghét, chúng ta sẽ giận dữ. Nếu chúng ta muốn bỏ giờ ra cho chiếc điện thoại thông minh, chúng ta sẽ nghiện nó. Trái lại, nếu chúng ta chọn Thiên Chúa, thì hằng ngày chúng ta lớn lên trong tình yêu của Ngài, và nếu chúng ta chọn yêu thương người khác chúng ta sẽ được hạnh phúc thật. Vì vẻ đẹp nơi những chọn lựa của chúng ta đều lệ thuộc vào tình yêu thương. Xin hãy nhớ điều ấy, vì nó thực sự là như vậy: vẻ đẹp nơi những chọn lựa của chúng ta đều lệ thuộc vào tình yêu thương. Chúa Giêsu biết rằng nếu chúng ta co mình lại, và dửng dưng lãnh đạm, chúng ta tiếp tục bị bất toại, nhưng nếu chúng ta hiến mình cho người khác, chúng ta trở thành tự do thanh thoát. Vị Chúa của sự sống muốn chúng ta được tràn đầy sự sống, và Người cho chúng ta biết cái bí quyết sống này, đó là chúng ta muốn sở hữu nó, bằng việc trao tặng nó đi. Đó là một qui luật sống: chúng ta muốn sở hữu nó, cả ở đời này lẫn đời sau, bằng việc trao tặng nó đi.
Thật vậy, có những chướng ngại vật khiến cho các chọn lựa của chúng ta trở nên khó khăn: nỗi sợ hãi, tình trạng không an toàn, có quá nhiều vấn nạn bị tắc nghẽn... Tuy nhiên, tình yêu thương đòi chúng ta vượt ra ngoài những sự ấy, chứ đừng cứ ngẫm nghĩ tại sao đời sống lại cứ thế, và mong chờ những câu trả lời rơi xuống từ trời. Câu trả lời đã sẵn có đó rồi, đó là ở chỗ chính ánh mắt của Chúa Cha là Đấng yêu thương chúng ta và là Đấng đã sai Con của Ngài đến với chúng ta. Không, tình yêu thương thúc đẩy chúng ta vượt ra ngoài cái tại sao, thay vào đó là câu hỏi cho ai, nghĩa là vượt qua từ vấn nạn "Tại sao tôi đang sống đây?" đến "Tôi đang sống cho ai đây?" Từ "Tại sao điều này lại xẩy đến cho tôi?" đến "Ai có thể giúp tôi đây?" Cho ai? Không phải cho bản thân tôi! Đời sống đầy những chọn lựa chúng ta thực hiện cho bản thân mình: học gì đây, có những người bạn nào, mua nhà nào được, theo đuổi các sở thích hay những thú vui nào đây. Chúng ta có thể phí thời gian để nghĩ về bản thân mình, không hề thực sự bắt đầu yêu thương. Alessandro Manzoni đã cống hiến một lời khuyên như thế này: "Chúng ta cần phải nhắm tới, hơn là ở chỗ làm cho hay để thành khá, nhờ thế cuối cùng chúng ta mới tiến đến chỗ thậm chí trở nên tốt hơn trước" (I Promessi Sposi [The Betrothed], Chapter XXXVIII).
Chẳng những các thứ ngờ vực và vấn nạn là những gì có thể làm hao mòn đi nhũng thứ chọn lựa cao cả và quảng đại, mà còn cả những thứ chướng vật khác nữa. Chủ nghĩa say sưa hưởng thụ có thể phủ lấy cõi lòng của chúng ta, bằng những sự nông cạn phù phiếm. Tình trạng mê mệt với khoái thú dường như là đường lối duy nhất để thoát khỏi những vấn đề, nhưng nó lại chỉ trì hoãn chúng thôi. Thái độ gắn chặt với các thứ quyền lợi của chúng ta, có thể dẫn chúng ta đến chỗ lơ là trách nhiệm của chúng ta với người khác. Thế rồi, còn cả một lầm lẫn lớn lao về tình yêu thương nữa, thứ tình yêu còn hơn cả các thứ cảm xúc mãnh liệt, mà chỉ là một trao ban, một chọn lựa và là một hy sinh. Nghệ thuật để chọn lựa một cách tốt đẹp, nhất là ngày nay, có nghĩa là không tìm kiếm sự chuẩn nhận, không rơi vào một ý hệ hưởng thụ làm mất đi tính chất nguyên tuyền, và không chiều theo xu hướng sùng bái những cái dáng vẻ bề ngoài. Việc chọn lựa cuộc sống nghĩa là chống lại thứ "văn hóa sa thải", cùng với ước muốn có được "hết mọi sự ngay lúc này", để hướng đời sống của chúng ta đến đích điểm trời cao, đến các mộng mơ của Thiên Chúa. Việc chọn lựa sự sống nghĩa là sống, và chúng ta được sinh ra để sống, chứ không chỉ tồn tại vậy thôi. Như một người trẻ giống các bạn, Chân Phước Pier Giorgio Frassati đã nói đến điều ấy: "Tôi muốn sống, chứ không chỉ tồn tại"
Mỗi ngày, chúng ta đối diện với nhiều thứ chọn lựa trong lòng chúng ta. Tôi muốn cống hiến cho các bạn và anh chị em lời khuyến cuối cùng để giúp các bạn chọn lựa cách tốt đẹp. Nếu chúng ta nhìn vào bản thân mình, chúng ta có thể thấy hai vần nạn rất khác nhau xuất hiện. Một vấn vạn là "Tôi có cảm thấy hứng làm hay chăng?" Vấn nạn này chứng tỏ những gì là lệch lạc, vì nó cho thấy điều thực sự đáng kể đó là nghĩ về bản thân mình, và về vui thú nơi những gì chúng ta ước muốn, cùng với các động lực thực hiện. Vấn nạn được Thánh Linh gieo vào tâm can của chúng ta là một vấn nạn rất khác biệt, không phải là "Tôi có cảm thấy hứng làm hay chăng?" mà "Đâu là cái tốt nhất cho bạn?" Đó là điều chọn lựa chúng ta cần phải hằng ngày thực hiện: tôi có cảm thấy hứng làm hay chăng hay đâu là cái tốt nhất cho tôi? Điều nhận thức nội tâm này có thể mang lại, một là các thứ chọn lựa phù phiếm, hai là những quyết định làm nên cuộc đời của chúng ta - nó lệ thuộc vào chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu mà xin Người ban cho chúng ta lòng can đảm để chọn lựa những gì tốt nhất cho chúng ta, giúp chúng ta có thể theo người trên con đường yêu thương. Nhờ đó chúng ta mới khám phá thấy được niềm vui. Hãy sống, chứ đừng chỉ tồn tại.
(Cuối lễ, ĐTC ngỏ lời chào và hướng về Ngày Giới Trẻ Thế Giới như sau:)
Cuối Thánh Lễ đây, tôi thân ái chào tất cả anh chị em hiện diện và tất cả những ai theo dõi chúng ta qua truyền thông. Tôi đặc biệt chào giới trẻ Panama và Bồ Đào Nha, được đại diện bởi hai phái đoàn đại biểu, mà chốc nữa đây sẽ tham dự vào nghi thức quan trọng, là chuyền Thánh Giá và ảnh Đức Mẹ Bảo Hộ Dân Thánh Roma - Salus Populi Romani, những biểu hiệu của các Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Đây là một thời khắc quan trọng trong hành trình dẫn chúng ta tới Lisbon vào năm 2023.
Khi chúng ta đang sửa soạn cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới liên lục địa tới đây, tôi cũng xin đổi mới lại việc cử hành ngày này ở các Giáo Hội địa phương. 35 năm sau ngày thiết lập Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sau khi lắng nghe các ý kiến khác nhau, cùng tham vấn Phân Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống, là phân bộ đặc trách thừa tác vụ giới trẻ, tôi đi đến quyết định là, bắt đầu từ năm tới, việc cử hành Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở cấp giáo phận được chuyển từ Chúa Nhật Lễ Lá sang Chúa Nhật Chúa Kitô Vua. Tâm điểm của việc cử hành này vẫn là Mầu Nhiệm Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc Nhân Trần, như Thánh Gioan Phaolô II, vị khởi xướng và là quan thày Ngày Giới Trẻ Thế Giới, luôn nhấn mạnh.
Giới trẻ thân mến, hãy la lên bằng đời sống của các bạn rằng Chúa Kitô hằng sống, Chúa Kitô hiển trị, Chúa Kitô là Chúa! Nếu các bạn giữ thinh lặng, tôi nói cho các bạn biết rằng chính các cục đá này sẽ vang tiếng lên! (cf. Lk 19:40).
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu