GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

ĐTC PHANXICÔ - GIẢNG LỄ

 

CỬ HÀNH NĂM THỨ 24 NGÀY ĐỜI THÁNH HIẾN TU TRÌ

 

 THỨ BẢY NGÀY 1/2/2020

 

"Mắt tôi đã được nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài"

 

Pope Francis celebrates Mass for the Feast of the Presentation of the Lord Feb. 1, 2020. Credit: Daniel Ibanez/CNA.

 

giữa tất cả mọi người ở đền thờ hôm ấy, chỉ có một mình ông đã thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế.

 

Pope Francis presides of Vigil Mass for World Day for Consecrated life

 

Đời sống tu trì là cái nhãn quan này. Nghĩa là thấy những gì thật là chính yếu trong đời

 

 

Khởi điểm là ở chỗ biết cách nhìn thấy được ân sủng.

 

 

"Mắt tôi đã được nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài" (Luca 2:30). Đó là những lời của ông Simeon, vị được Phúc Âm cho biết là một con người đơn thuần: "công chính và đạo hạnh" theo như bản văn viết như thế (câu 25). Tuy nhiên, giữa tất cả mọi người ở đền thờ hôm ấy, chỉ có một mình ông đã thấy Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Ông đã thấy gì chứ? Một con trẻ: một con trẻ nhỏ bé, mềm yếu, đơn sơ. Thế nhưng, nơi Người ông đã thấy ơn cứu chuộc, vì Thánh Thần đã giúp ông nhận ra nơi hài nhi mới sinh bé mọn ấy "Đức Kitô của Chúa" (câu 26). Khi ẵm bế Người trên đôi cánh tay của mình, nhờ đức tin, ông cảm nhận được rằng nơi Người Thiên Chúa đang hoàn thành những lời hứa của Ngài. Thế nên, ông, Simeon, bấy giờ có thể ra đi bằng an, vì ông đã thấy ân sủng đáng giá hơn cả sự sống (cf. Thánh Vịnh 63:4), và chẳng còn cần phải trông đợi gì nữa.

Cả anh chị em nữa, anh chị em thánh hiến thân mến, anh chị em là những con người nam nữ đơn thuần, thành phần đã thấy được một kho tàng còn quí báu hơn bất cứ thiện hảo trần thế nào. Và vì thế anh chị em đã bỏ lại những gì quí báu, như các thứ sở hữu, như lập gia đình. Tại sao anh chị em lại làm như vậy? Vì anh chị em cảm thấy phải lòng Chúa Giêsu, anh chị em đã nhìn thấy hết mọi sự trong Người, và bị ánh mắt của Người thu hút, anh chị em đã bỏ đi những gì còn lại. Đời sống tu trì là cái nhãn quan này. Nghĩa là thấy những gì thật là chính yếu trong đời. Nghĩa là đón nhận tặng ân Chúa bằng đôi cánh tay rộng mở, như ông Simeon. Đó là những gì con mắt của những con người nam nữ tận hiến thấy được, ở chỗ ân sủng của Thiên Chúa đã tuôn đổ vào bàn tay của họ. Con người tận hiến là người hằng ngày nhìn mình mà nói: "Tất cả đều là tặng ân, tất cả đều là ân sủng". Anh chị em thân mến, chúng ta không xứng đáng với đời sống tu trì; nó là một tặng ân yêu thương chúng ta đã nhận lãnh.

"Mắt tôi đã được nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài". Đây là những lời chúng ta lập lại vào Giờ Kinh Phụng Vụ Đêm. Chúng ta tiến đến chỗ kết thúc ngày sống ở những lời này, khi thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa, ơn cứu độ của con từ Chúa mà có, tay con trống không chẳng có gì mà là đầy những ân sủng của Chúa". Khởi điểm là ở chỗ biết cách nhìn thấy được ân sủng. Khi nhìn lại, khi ôn lại chuyện đời của mình và thấy được ở đó tặng ân trung thành của Thiên Chúa, ở chẳng những trong những giây phút trọng đại của đời sống, mà còn trong cả những gì là mỏng dòn và yếu hèn, trong những gì là tầm thường của chúng ta nữa. Tên cám dỗ, ma quỉ tập trung vào những gì là "nghèo khó" của chúng ta, vào bàn tay trống rỗng của chúng ta: "Qua tất cả nhưng năm này ngươi chẳng khá hơn tí nào, người chẳng đạt được những gì người khả đạt, chúng không để cho ngươi làm những gì ngươi muốn làm, ngươi chưa từng trung tín, ngươi chẳng có khả năng chi..." v.v. Mỗi người chúng ta đều biết câu chuyện này và biết rất rõ những lời lẽ ấy. Chúng ta thấy được cái thật nơi điều ấy một phần nào thôi, nên chúng ta trở lại với những ý nghĩ và cảm giác đánh lạc hướng chúng ta. Thế là chúng ta liều mình đánh mất đi những gì chúng ta chất chứa, mất đi tình yêu nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta và hiến mình cho chúng ta, ngay cả trong cảnh nghèo nàn của chúng ta. Thánh Giêrônimô đã hiến dâng lên Chúa rất nhiều và Chúa mong muốn hơn nữa. Ngài thưa cùng Chúa rằng: "Thế nhưng, lạy Chúa, con đã hiến dâng lên Chúa hết mọi sự, hết mọi sự rồi, con còn thiếu gì khác nữa chăng?" "Tội lỗi của con, tình trạng bần cùng của con, hãy hiến dâng cho Ta tình trạng nghèo khổ của con". Khi chúng ta gắn mắt vào Ngài là chúng ta hướng chúng ta đến ơn tha thứ của Ngài, những gì canh tân đổi mới chúng ta, và chúng ta được lòng trung tín của Ngài bảo đảm. Hôm nay chúng ta có thể tự vấn xem: "Tôi đã hướng mắt về ai, về Chúa hay về bản thân mình?" Ai cảm nghiệm được ơn Chúa thì trước hết có thể khám phá thấy được chất khử trùng đối với những gì là bất tin tưởng cũng như với cái nhìn vào sự vật theo chiều hướng trần gian.

một thứ khuynh hướng làm lu mờ đời sống tu trì, đó là nhìn các sự vật theo chiều hướng trần gian. Điều này bao gồm cả việc không còn nhìn thấy ơn Chúa như là một tác lực trong đời sống nữa, để rồi đi tìm kiếm những gì thay thế ơn Chúa, như một chút tiếng tăm, một cảm xúc ủi an, sau cùng là làm những gì tôi muốn. Thế nhưng, một khi đời sống tận hiến không còn xoay quanh ơn Chúa nữa thì nó tập trung vào chính nó. Nó đánh mất đi cái đam mê của nó, nó trở thành lầm lì, ứ đọng. Và chúng ta biết rằng những gì xẩy ra sau đó: chúng ta bắt đầu đòi hỏi chỗ đứng của mình, các thứ quyền lợi của mình, chúng ta để cho mình bị lôi kéo vào những đồn đoán nhảm nhí và vu khống, chúng ta bất mãn bởi hết mọi điều gì nhỏ mọn không được như ý mình, và chúng ta tuôn là một chuỗi kinh cầu than vãn - than vãn - về những người anh chị em của chúng ta, về cộng đồng của chúng ta, về Giáo Hội, về xã hội. Chúng ta không còn thấy Chúa trong tất cả mọi sự nữa, mà chỉ thấy tính chất năng động của thế giới này, và cõi lòng của chúng ta trở nên sơ cứng. Thế rồi chúng ta trở thành những tạo vật của thói quen, của thực dụng, trong lúc nội tâm của chúng ta gia tăng tâm trạng buồn thảm và bất tin tưởng dẫn đến chỗ thoái lui. Đó là những gì ánh mắt thế gian dẫn tới. Thánh Teresa Mẹ đã có lần nói với chị em của mình rằng: "khốn cho nữ tu nào cứ lập đi lập lại những lời này: 'họ đã đối xứ với tôi một cách bất công', khốn cho nữ tu ấy!"

Để có được một thứ nhìn đúng đắn về đời sống, chúng ta hãy xin để làm sao biết nhận thấy ơn Chúa đối với chúng ta, như ông Simêon. Phúc Âm nói 3 lần rằng ông thân thiết với Thánh Linh, Đấng ở trên ông, soi động ông, tác động ông (cf. các câu 25-27). Ông đã sống thân tình với Thánh Linh, với tình yêu thương của Thiên Chúa. Nếu đời sống tận hiến tiếp tục trung thành với tình yêu đối với Chúa, thì nó thấy được vẻ đẹp. Nó thấy rằng đức khó nghèo không phải là một thứ nỗ lực khổng lồ, mà là một thứ tự do cao cả hơn do Thiên Chúa ban cho chúng ta và những người khác như là một kho tàng thực hữu. Nó thấy rằng đức trong sạch không phải là những gì cằn cỗi khổ hạnh, mà là cách thức để yêu thương phi sở hữu. Nó thấy rằng đức tuân phục không phải là một thứ kỷ luật, mà là cuộc chiến thắng đối với những gì là chao đảo hỗn độn của chúng ta, theo đường lối của Chúa Giêsu. Tại một trong những miền bị chấn động bởi động đất ở Ý quốc - trong đang khi nói về đức thanh bần và đời sống chung ở đây - có một đan viện Biển Đức bị tàn phá nên các nữ tu ở đó được một đan viện khác mời đến ở với họ. Thế nhưng, chỉ ở đó một thời gian ngắn: họ không cảm thấy vui, họ nghĩ đến đan viện của họ, đến dân chúng ở đó. Cuối cùng, họ đã quyết định trở về với đan viện của họ bấy giờ chỉ là hai cái nhà lưu động. Thay vì sống ở trong đan viện to tát và thoải mái; họ như là những con ruồi bay đến đó, tất cả cùng đến đó, nhưng lại vui ở nơi cảnh khó nghèo của mình. Sự kiện này mới xẩy ra vào năm ngoái. Đó là một điều mỹ lệ!

"Mắt tôi đã được nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài". Simeon nhìn thấy hài nhi Giêsu nhỏ bé, tầm thường, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, và ông đã nhận mình là một người đầy tớ. Thật vậy, ông thân thưa: "Lạy Chúa, giờ đây xin để cho tôi tớ Chúa ra đi bằng an" (câu 29). Những ai thấy các sự vật như Chúa Giêsu thấy thì biết cách sống để phục vụ. Họ không đợi kẻ khác khởi động mà chính họ vươn mình ra tìm kiếm tha nhân, như ông Simeon đã tìm kiếm Chúa Giêsu trong đền thờ. Đâu là nơi tha nhân của mình được tìm thấy trong đời tận hiến? Vấn đề được đặt ra là: tha nhân của mình được tìm thấy ở đâu? Trước hết ở nơi cộng đồng của mình. Cần phải xin ơn biết cách tìm kiếm Chúa Giêsu nơi những người anh chị em chúng ta được ban cho. Và đó chính là nơi chúng ta bắt đầu đem đức ái ra thực hành: ở nơi anh chị em sống, bằng việc đón nhận những anh chị em trong cảnh bần cùng của họ, như ông Simeon đã đón nhận Chúa Giêsu hiền lành và nghèo khổ. Ngày nay, rất nhiều người thấy nơi những người khác chỉ là những gì là ngãng trở và rắc rối. Chúng ta cần có một ánh mắt tìm kiếm tha nhân của chúng ta, ánh mắt mang những ai xa cách lại gần kề hơn. Những con người nam nữ tu sĩ, sống theo gương của Chúa Giêsu, được kêu gọi để mang ánh nhìn của họ vào thế giới, một ánh mắt cảm thương. Câu được lập lại trong Phúc Âm về Chúa Giêsu là "Người động lòng thương". Đó là việc Chúa Giêsu cúi mình xuống trên từng người chúng ta .

"Mắt tôi đã được nhìn thấy ơn cứu độ của Ngài". Cặp mắt của ông Simeon đã thấy ơn cứu độ vì chúng trông đợi ơn này (cf. câu 25). Chúng là những con mắt đợi trông, tràn đầy hy vọng. Chúng trông chờ ánh sáng và sau đó đã thấy ánh sáng của các dân nước (cf. câu 32). Chúng là những con mắt già đời, nhưng bừng bừng niềm hy vọng. Ánh mắt của những con người sống đời tận hiến chỉ có thể là ánh mắt của niềm hy vọng. Biết hy vọng ra sao. Khi nhìn chung quanh thì dễ bị mất niềm hy vọng: những gì không xẩy ra, tình trạng sa sút ơn gọi... Luôn có khynh hướng nhìn theo chiều hướng trần gian, cái nhìn trống rỗng niềm hy vọng. Thế nhưng chúng ta hãy nhìn vào Phúc Âm và nhìn ông Simeon và bà Anna: họ là những vị lão thành, lẻ loi cô độc, thế nhưng họ không đánh mất đi niềm hy vọng, vì họ tiếp tục hiệp thông với Chúa. Anna "đã không rời khỏi đền thờ, ngày đêm thờ phượng bằng chay tịnh và nguyện cầu" (câu 37). Cái bí quyết ở ngay chỗ này, đó là đừng bao giờ tách mình ra khởi Chúa, Đấng là nguồn mạch của niềm hy vọng. Chúng ta trở thành mù quáng nếu chúng ta không nhìn vào Chúa hằng ngày, nếu chúng ta không tôn thờ Người. Tôn thờ Chúa.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa về tặng ân đời tận hiến, và xin Ngài một lối nhìn mới, biết nhìn thấy ân sủng, biết tìm kiếm tha nhân của mình, biết hy vọng. Thế rồi cả mắt của chúng ta nữa cũng được nhìn thấy ơn cứu độ.

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200201_omelia-vitaconsacrata.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu