GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô Giảng Lễ và Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Phêrô và Phaolô
June 29 2020 Holy Mass on the Solemnity of Sts. Peter a
(chúng ta có thể xem lại Thánh Lễ ở cái link trên đây)
Vào ngày Lễ Hai Vị Tông Đồ của Thành Đô này, tôi muốn chia sẻ với anh chị em 2 chữ chính, đó là hiệp nhất và tiên tri.
Hiệp nhất. Chúng ta đang cùng nhau cử hành mừng lễ 2 cá thể rất khác biệt nhau: Thánh Phêrô, một tay chài lưới đánh cá suốt ngày với thuyền bè và lưới cá, và Thánh Phaolô, một nhân vật Biệt Phái trí thức giảng dạy trong hội đường. Khi các vị thực hiện sứ vụ thì Thánh Phêrô giảng dạy người Do Thái, và Thánh Phaolô giảng dạy dân ngoại. Và khi đường lối của các vị chéo nhau, các vị có thể gay gắt tranh luận với nhau, như Thánh Phaolô đã thẳng thắn công nhận ở một trong những bức thư của ngài (xem Galata 2:11). Tóm lại, các vị là hai con người rất khác nhau, tuy nhiên các vị đã coi nhau như huynh đệ, như đã từng xẩy ra trong các gia đình gắn bó với nhau, nơi cũng thường xẩy ra những tranh cãi mà vẫn yêu thương nhau. Tuy nhiên, tính cách gắn bó liên kết Thánh Phêrô với Thánh Phaolô không xuất phát từ các khuynh hướng tự nhiên, mà là từ Chúa. Người không truyền cho chúng ta phải nên giống như nhau, mà là yêu thương nhau. Người là Đấng duy nhất liên kết chúng ta, chứ không làm cho tất cả giống như nhau. Người hiệp nhất chúng ta lại với nhau nơi các thứ khác biệt của chúng ta.
Bài Đọc 1 hôm nay đưa chúng ta tới nguồn mạch của mối hiệp nhất này. Bài Đọc này thuật lại cho thấy Giáo Hội phôi thai trải qua thời điểm khủng hoảng ra sao: nào là Herode giận dữ, nào là bách hại bùng nổ dữ dội, nào là Tông Đồ Giacôbê bị sát hại. Bấy giờ Thánh Phêrô bị tống giam. Cộng đồng dường như vô chủ, hết mọi người cảm thấy lo cho mạng sống của mình. Tuy nhiên, ở vào lúc thê thảm ấy lại không có ai trốn chạy, không ai nghĩ đến việc cứu lấy người của mình, không ai bỏ rơi người khác. Tất cả lại đều liên kết trong nguyện cầu. Nhờ cầu nguyện, họ lấy được sức mạnh, nhờ nguyện cầu, mối hiệp nhất đã trở nên mãnh liệt hơn bất cứ mối đe dọa nào. Bản văn viết rằng: "trong khi Thánh Phêrô bị giam nhốt, thì Giáo Hội đã thiết tha cầu cùng Chúa cho ngài" (Tông Vụ 12:5). Hiệp nhất là hoa trái của cầu nguyện, vì cầu nguyện đã giúp cho Thánh Linh có thể can thiệp vào, hướng cõi lòng đến hy vọng, thu ngắn khoảng cách và liên kết chúng ta lại với nhau ở những lúc khó khăn.
Chúng ta hãy để ý tới môt điều khác, đó là ở vào lúc thê thảm ấy, không ai phàn nàn trách móc sự dữ của Herode cùng với việc bách hại của ông. Không ai đã chửi rủa Herode - và chúng ta đã quá quen với việc chửi rủa những ai hữu trách. Thật là vô bổ, thậm chí là chán ngắt cho những Kitô hữu nào mất giờ than van trách móc thế gian, xã hội, về hết mọi điều không đúng. Những thứ phàn nàn trách móc chẳng thay đổi được gì hết. Chúng ta hãy nhớ rằng phàn nàn trách móc là cánh cửa phụ khép chúng ta lại trước Thánh Thần, như tôi đã nói vào Chúa Nhật Hiện Xuống. Trước hết là chuộng thân (narcissism), thứ hai là chán chường (discouragement), thứ ba là yếm thế (pessimism). Chuộng thân khiến anh chị em liên lỉ ngắm nhìn mình trong gương; chán chường dẫn đến chuyện phàn nàn trách móc, và yếm thế nghĩ rằng hết mọi sự đều đen tối và ảm đạm. Ba thái độ này là những gì đóng cửa ngăn chặn Thánh Linh. Kitô hữu không phải là những người qui trách; trái lại họ cầu nguyện. Trong cộng đồng bấy giờ đâu có ai nói rằng: "Nếu Thánh Phêrô cẩn thận hơn thì chúng ta đã không bị ở trong tình trạng này". Không một ai. Nói theo kiểu loài người thì đã có các lý do để phê bình chỉ trích Thánh Phêrô, thế nhưng lại chẳng có ai hết. Họ không phàn nàn trách móc Thánh Phêrô; họ cầu nguyện cho ngài. Họ không nói về Thánh Phêrô sau lưng ngài; họ nói cùng Thiên Chúa. Hôm nay chúng ta có thể đặt vấn đề xem: "Chúng ta có đang bảo vệ mối hiệp nhất của chúng ta, mối hiệp nhất của chúng ta trong Giáo Hội, bằng lời cầu nguyện hay chăng?" "Chúng ta có đang cầu nguyện cho nhau hay chăng?" Cái gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta cầu nguyện nhiều hơn và ít phán nàn trách móc hơn, nếu chúng ta có một cái lưỡi trầm lắng hơn? Những gì tương tự như thế đã xẩy ra cho Thánh Phêrô ở trong ngục tù: giờ đây cũng như bấy giờ, có rất nhiều cửa khép kín đã được mở ra, có rất nhiều xiếng xích ràng buộc đã bị đứt mất. Chúng ta sẽ cảm thấy lạ lùng bỡ ngỡ, như người nữ tỳ vừa trông thấy Thánh Phêrô ở cổng đã không mở cổng ra cho ngài, trái lại, đã chạy vào lại bên trong, bàng hoàng trước niềm vui được thấy lại Thánh Phêrô (xem Tông Vụ 12:10-17). Chúng ta hãy xin ơn biết cầu nguyện cho nhau. Thánh Phaolô đã thúc giục Kitô hữu hãy cầu nguyện cho hết mọi người, nhất là cho những ai cai trị (xem 1Timotheu 2:1-3). "Thế nhưng, vị thống đốc này thì...", kèm theo nhiều tĩnh từ gì đó. Tôi sẽ không đề cập đến chúng, vì đây không phải là lúc và là nơi để đề cập đến những thứ tĩnh từ chúng ta đã được trực tiếp nghe thấy chống lại những ai cai trị. Hãy để cho Thiên Chúa phán xét họ; chúng ta hãy cầu cho những ai đang cai trị! Chúng ta hãy cầu nguyện: vì họ cần được cầu nguyện. Đó là công việc Chúa ủy thác cho chúng ta. Chúng ta có đang thực thi không vậy? Hay chúng ta chỉ biết nói, chửa rủa và chẳng làm gì hết? Thiên Chúa mong muốn rằng khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cũng nghĩ đến cả những ai không nghĩ như chúng ta nghĩ, những ai đóng ầm cửa lại trước mặt chúng ta, những ai chúng ta cảm thấy khó thứ tha. Chỉ có cầu nguyện mới có thể tháo cởi những xiếng xích, như đã xẩy ra cho Thánh Phêrô; chỉ có nguyện cầu mới mở đường cho mối hiệp nhất mà thôi.
(Đoạn tiếp theo ĐTC nói đến mối hiệp nhất liên quan đến vị tân Trưởng Hồng Y Đoàn và các vị tân TGM năm 2019, cũng như với Đức Thượng Phụ Danh Dự Chính Thống Giáo vốn tham dự mừng Giáo Hội Roma vào lễ 2 Thánh Phêrô và Phaolô này nhưng bất khả vì covid-19).
Chữ thứ hai là tiên tri. Hiệp nhất và tiên tri. Các vị Tông đồ này được Chúa Giêsu thử thách. Thánh Phêrô đã nghe thấy Chúa Giêsu đặt vấn đề: "Các con cho rằng Thày là ai?" (xem Mathêu 16:15). Lúc ấy ngài nhận ra rằng Chúa không hứng thú nơi những gì người khác nghĩ, mà là nơi quyết định bản thân của thánh Phêrô trong việc theo Người. Đời sống của Thánh Phaolô đã được biến đổi sau khi Chúa Giêsu tương tự thử thách ngài: "Saolê, Saolê, tại sao ngươi lại bách hại Ta?" (Tông Vụ 9:4). Chúa đã động chạm đến tận cốt lõi của Thánh Phaolô, chứ không phải chỉ quật ngài xuống đất trên đường đến Damasco, Người đã xua tan cái ảo tưởng đạo đức khả kính của Thánh Phaolô. Thành quả đó là một saolê kiêu hãnh thành một Phaolô, một danh xưng có nghĩa là "nhỏ bé". Những thử thách này cùng với những đảo đời ấy xuất phát từ các lời tiên báo: "Con là Phêrô, và Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày trên đá ấy" (Mathêu 16:18); và với Thánh Phaolô: "Người là dụng cụ Ta tuyển chọn để xưng danh của Ta trước Dân ngoại cùng các vua chúa và con cái Israel" (Tông Vụ 9:15). Lời tiên báo được xuất phát bất cứ khi nào chúng ta để mình cho Thiên Chúa thử thách chúng ta, chứ không phải là lúc chúng ta quan tâm đến chuyện làm sao để giữ cho hết mọi sự được yên ổn và trong tầm kiểm soát của chúng ta. Những gì tiên báo không xuất phát từ những ý nghĩ của tôi, từ tấm lòng khép kín của tôi. Nó được bộc phát khi chúng ta để Chúa thử thách chúng ta. Khi Phúc Âm lật ngược lại những gì là vững chắc thì mới xẩy ra những gì tiên báo. Chỉ có người nào mở lòng ra cho những việc lạ lùng của Thiên Chúa mới có thể trở thành tiên tri mà thôi. Đó là Thánh Phêrô và Phaolô, những vị tiên tri hướng đến tương lai. Thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên bố rằng Chúa Giêsu là "Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16). Thánh Phaolô, vị đã coi cái chết trước mắt như thế này: "Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy" (2Timotheu 4:8).
Ngày nay, chúng ta cần lời tiên tri, tiên tri thật sự cơ: không phải là những kẻ khoác lác hứa hẹn những gì bất khả, mà là những chứng thực cho thấy Phúc Âm là những gì khả dĩ. Điều cần thiết ở đây không phải là những thứ vở tuồng lạ lùng. Tôi cảm thấy buồn khi tôi nghe có người nói rằng "Chúng tôi muốn có một Giáo Hội tiên tri". Được lắm. Thế nhưng, anh chị em đang làm gì thế, nhờ đó Giáo Hội có thể trở thành tiên tri chứ? Chúng ta cần những cuộc sống chứng tỏ cho thấy phép lạ của tình yêu Thiên Chúa. Không phải là sức mạnh mà là vững mạnh. Không phải là ba hoa mà là cầu nguyện. Không phải là phát ngôn mà là phục vụ. Anh chị em muốn có một Giáo Hội tiên tri phải không? Vậy thì hãy ra tay phục vụ và hãy thầm lặng nhé. Đừng lý thuyết mà là chứng thực. Chúng ta không trở nên giầu có, mà là yêu thương người nghèo. Chúng ta không tích lũy cho mình, mà là dấn thân cho người khác. Đừng tìm kiếm những gì thế gian ưng ý, cảm thấy thoải mái với hết mọi người - ở đây chúng ta muốn nói: "sống thoải mái với Chúa và với ma quỉ", thoải mái với hết mọi người -; không, đó không phải là tiên tri. Chúng ta mong thấy niềm vui của thế giới tương lai. Không có những thứ dự án mục vụ nào tốt đẹp hơn là những thứ mục vụ vốn có hiệu năng của chúng, như thể chúng là các thứ bí tích vậy; không phải là các dự án mục vụ hiệu năng ấy. Chúng ta cần đến các vị mục tử cống hiến cuộc đời của mình: những con ngưòi say mê Thiên Chúa. Đó là cách thức Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã giảng dạy về Chúa Giêsu, như những con người mến yêu Thiên Chúa. Khi bị đóng đanh, Thánh Phêrô không nghĩ đến bản thân mình, mà là đến Chúa của mình, và coi mình không đáng chết như Chúa Giêsu, đã xin được đóng đanh ngược. Trước khi bị lấy thủ cấp, Thánh Phaolô chỉ nghĩ đến việc hiến dâng sự sống của ngài; ngài đã viết rằng ngài muốn được "đổ máu làm lễ tế" (2Timotheu 4:6). Đó là tiên tri. Không phải là những thứ ngôn từ. Đó là tiên tri, thứ tiên tri đã làm thay đổi lịch sử.
Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu đã nói tiên tri với Thánh Phêrô rằng: "Con là Đá và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày". Chúng ta cũng có một lời tiên tri tương tự như thế. Lời này được thấy ở trong cuốn Thánh Kinh cuối cùng, ở đó Chúa Giêsu hứa hẹn với những chứng nhân trung thực của Người "một tên gọi mới được viết trên một tảng đá trắng" (Khải Huyền 2:17). Như Chúa đã biến Simon thành Phêrô thế nào, thì Người cũng đang kêu gọi mỗi người chúng ta, để làm cho chúng ta trở thành những viên đá sống động, để kiến thiết một Giáo Hội canh tân và một nhân loại đổi mới. Bao giờ cũng có những kẻ phá hoại mối hiệp nhất và dập tắt lời tiên tri, nhưng Chúa vẫn tin vào chúng ta và Người hỏi anh chị em rằng: "Con có muốn trở thành một kiến thiết viên hiệp nhất hay chăng? Con có muốn trở thành một tiên tri của nước Thày trên trái đấy này hay chăng?" Thưa anh chị em, chúng ta được Chúa Giêsu thách đố đó, và hãy can đảm thưa Người rằng: "vâng, con muốn!" nhé
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo
nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Phêrô và Phaolô
Xin thân ái chào anh chị em.
Hôm nay chúng ta cử hành mừng lễ hai vị thánh quan thày của Roma là Tông Đồ Phêrô và Phaolô. Thật là một ân huệ khi đích thân chúng ta đang cầu nguyện ở nơi đây, gần nơi Thánh Phêrô đã tử đạo và được chôn táng. Tuy nhiên, phụng vụ hôm nay nhắc lại một giai thoại hoàn toàn khác hẳn, đó là mấy năm trước đó Tông Đồ Phêrô được giải thoát cho khỏi sự chết. Ngài đã bị tống giam, ngài đã ở trong ngục tù, và Giáo Hội, lo cho sự sống của ngài, đã không ngừng cầu cho ngài. Thế rồi một vị thiên thần đã đến giải thoát ngài khỏi ngục tù (xem Tông Vụ 12:1-11). Thế nhưng, cả những năm sau đó nữa, khi Tông Đồ Phêrô đang bị tù ở Roma, Giáo Hội chắc chắn đã cầu nguyện. Tuy nhiên, trong trường hợp ấy, ngài vẫn không thoát chết. Vậy thì tại sao lúc đầu ngài thoát đưọc thử thách, rồi sau đó lại không?
Bởi vì có một cuộc hành trình nơi đời sống của Thánh Phêrô có thể soi chiếu cho đường lối của riêng chúng ta. Chúa đã ban cho ngài nhiều ơn, và giải thoát ngài khỏi sự dữ: Người cũng làm như thế với cả chúng ta nữa. Thật vậy, chúng ta thường đến với Người chỉ vào những lúc cần thiết để xin được trợ giúp. Thế nhưng, Thiên Chúa thấy xa hơn và mời gọi chúng ta đi xa hơn, trong việc tìm kiếm chẳng những các ân huệ của Người, mà còn tìm gặp Người là Chúa của các ân huệ nữa; hãy ký thác cho Người chẳng những các thứ vấn đề của chúng ta, mà còn ký thác cả đời sống của chúng ta cho Người. Nhờ đó, cuối cùng thì Người mới có thể ban cho chúng ta ân huệ cao cả nhất, đó là ân huệ hiến tặng sự sống. Đúng thế, hiến ban sự sống. Cái quan trọng nhất trong đời đó là biến sự sống thành tặng ân. Điều này đúng với hết mọi người: cha mẹ với con cái của mình, và con cái với cha mẹ già của mình. Đến đây thì chúng ta nghĩ đến nhiều người già, bị gia đình họ bỏ rơi, như thể - tôi dám nói - như thể các vị là thứ đồ sa thải. Đó là thảm cảnh của thời đại chúng ta: tình trạng lẻ loi cô độc của người già. Sự sống của con cái và của cháu chắt không được cống hiến như là một tặng ân cho người già. Việc trao tặng bản thân mình đối với những ai lập gia đình, cũng như những ai sống đời tận hiến tu trì; nó đúng ở khắp mọi nơi, ở nhà cũng như chỗ làm, với hết mọi người gần gũi với chúng ta. Thiên Chúa muốn làm cho chúng ta tăng trưởng ở nơi việc tặng ban: chỉ có thế chúng ta mới trở thành cao cả. Chúng ta tăng trưởng nếu chúng ta hiến mình cho người khác. Hãy nhìn vào Thánh Phêrô: ngài đã không trở thành một vị anh hùng, vì ngài đã được thoát khỏi ngục tù, mà vì ngài đã hiến mạng sống mình ở nơi đây. Tặng ân của ngài đã biến một nơi hành quyết thành một chốn mỹ miều của niềm hy vọng mà chúng ta đang chứng kiến thấy đây.
Đó là những gì chúng ta xin cùng Thiên Chúa: chẳng những ân huệ một thời mà là ân huệ một đời. Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy chính cuộc đối thoại đã biến đổi cuộc đời của Thánh Phêrô. Ngài đã nghe thấy Chúa Giêsu hỏi ngài rằng: "Các con cho cho rằng Thày là ai?" Ngài đã trả lời rằng "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Chúa Giêsu nói tiếp: "Phúc cho con, hỡi Simon, con Giona" (Mathêu 16:16-17). Chúa Giêsu nói "phúc cho con", theo chữ nghĩa, có nghĩa là hạnh phúc. Con có phúc vì con đã tuyên xưng như vậy. Hãy lưu ý nhé: Chúa Giêsu nói Con có phúc cho Phêrô, vị đã tuyên xưng Người "Thày là Thiên Chúa hằng sống". Đâu là cái bí quyết của một cuộc sống hạnh phúc? Nhận biết Chúa Giêsu, thế nhưng Chúa Giêsu là Vị Thiên Chúa sống động, chứ không như là một pho tượng. Vì việc nhận biết Chúa Giêsu là nhân vật cao cả trong lịch sử không quan trọng; cũng chẳng quan trọng gì khi cảm nhận được những gì Người nói hay làm; điều quan trọng đó là vị trí của Người trong đời của tôi, vị trí tôi đặt Người trong lòng của tôi. Chính ở tại chỗ này mà Tông Đồ Simon nghe thấy Chúa phán: "Con là Đá, và trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày" (câu 18). Ngài không được gọi là "Phêrô", là "đá", vì ngài là một con người vững chắc và đáng tin. Không, ngài sẽ gây nhiều lầm lỗi sau đó, ngài không đáng tin cậy, ngài sẽ vấp phải nhiều lầm lỗi; thậm chí ngài tiến đến chỗ chối bỏ vị Sư Phụ này nữa. Thế nhưng, ngài đã muốn xây dựng cuộc đời của ngài trên Chúa Giêsu là đá; chứ không - như bản văn chép - "trên huyết nhục", tức là trên bản thân mình, trên các khả năng của ngài, mà là trên Chúa Giêsu (xem câu 17), Đấng là đá. Chúa Giêsu là tảng đá trên đó chàng Simon đã trở thành viên đá. Chúng ta có thể nói như vậy về Tông Đồ Phaolô, vị đã hoàn toàn hiến mình cho Phúc Âm, coi tất cả mọi sự khác là vô giá trị, để chiếm được Chúa Kitô.
Hôm nay, trước các vị Tông Đồ này, chúng ta có thể tự vấn xem: "Còn tôi, tôi đã sắp xếp cuộc đời của tôi như thế nào? Tôi có chỉ nghĩ đến nhu cầu một thời hay tôi tin rằng nhu cầu thực sự của tôi là Chúa Giêsu, Đấng làm cho tôi trở thành một tặng ân? Tôi đang xây dựng cuộc đời của tôi ra sao, xây trên các năng lực của tôi hay trên Vị Thiên Chúa hằng sống?" Xin Đức Mẹ, Đấng đã ký thác hết mọi sự cho Thiên Chúa, giúp chúng ta biết lấy Ngài làm nền tảng cho từng ngày sống, và xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta, nhờ đó, với ơn Chúa giúp, chúng ta có thể biến đời sống của chúng ta trở thành một tặng ân trao tặng.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo
nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu