GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
Mục Lục Năm 2008, 2009, 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Bát Phúc: Bài 6
Phúc cho ai biết xót thương...
Chúng ta thực sự là một con nợ và chúng ta cần được thương xót!
Tất cả chúng ta đều nợ nần. Tất cả. Nợ với Thiên Chúa là Đấng rất bao dung, và với anh chị em...
Tất cả chúng ta đều "khiếm khuyết" trong đời sống.
Chính cái nghèo nàn này của chúng ta đã trở thành một động lực để tha thứ!...
Nỗi khốn nạn và tình trạng thiếu công chính của chúng ta trở thành một cơ hội hướng bản thân mình về nước trời,
về một mức độ rộng lớn hơn, mức độ của Thiên Chúa, đó là lòng thương xót.
Lòng thương xót không phải là chiều kích duy nhất giữa các chiều kích khác,
mà là chính tâm điểm của đời sống Kitô hữu: chẳng có Kitô giáo nếu thiếu lòng thương xót.
Nếu tất cả Kitô giáo chúng ta không dẫn chúng ta đến lòng thương xót, thì chúng ta đã lầm đường lạc lối mất rồi,
Xin chào anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta tập trung vào mối phúc thứ 5, đó là: "Phúc cho những ai biết thương xót, vì họ sẽ được xót thương" (Mathêu 5:7). Có một tính chất đặc biệt ở mối phúc hạnh này, đó là mối phúc hạnh duy nhất mà cả ngọn lẫn nguồn phúc hạnh đều trùng hợp với nhau ở chỗ thương xót. Những ai thực thi thương xót thì sẽ được xót thương, họ sẽ trở thành "thương xót".
Đề tài về tính cách hỗ tương của việc tha thứ này chẳng những ở nơi mối phúc hạnh này, mà còn tái diễn trong Phúc Âm. Làm sao lại khác đi được chứ? Thương xót là chính cõi lòng của Thiên Chúa! Chúa Giêsu nói: "Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha" (Luca 6:37). Bao giờ cũng hỗ tương như thế. Thư của Thánh Giacôbê viết rằng: "Lòng thương xót luôn vượt thắng phán quyết" (2:13).
Thế nhưng, trên hết mọi sự vẫn là ở nơi Kinh Lạy Cha, kinh chúng ta nguyện rằng: "Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha cho những kẻ có nợ với chúng con" (Mathêu 6:12); và vấn đề này là điều tóm lại duy nhất ở khúc cuối: "Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em". (Mathêu 6:14-15; cf Catechism of the Catholic Church , 2838)
Có 2 điều bất khả phân ly, đó là việc tha thứ được cống hiến và việc tha thứ được nhận lãnh. Thế nhưng, nhiều người cảm thấy khó khăn bởi họ không thể tha thứ. Rất nhiều lần bị sự dữ phạm đến quá lớn đến độ tha thứ như thể leo lên một ngọn núi rất cao, cần một nỗ lực khổng lồ; nên người ta nghĩ rằng không thể nào thực hiện nổi, điều ấy không thể nào xẩy ra. Sự kiện hỗ tương thương xót này cho chúng ta thấy rằng chúng ta cần phải đảo ngược quan niệm. Tự mình chúng ta bất khả, cần phải có ơn Chúa, chúng ta cần phải xin ơn này. Thật vậy, nếu mối phúc thứ năm này hứa hẹn là được xót thương, và trong Kinh Lạy Cha chúng ta xin được tha nợ, thì có nghĩa là chúng ta thực sự là một con nợ và chúng ta cần được thương xót!
Tất cả chúng ta đều nợ nần. Tất cả. Nợ với Thiên Chúa là Đấng rất bao dung, và với anh chị em. Mỗi người đều biết rằng họ không làm cha hay làm mẹ, làm chàng rể hay cô dâu, làm anh hay chị, như họ cần phải là. Tất cả chúng ta đều "khiếm khuyết" trong đời sống. Chúng ta biết rằng cả chúng ta nữa đã làm những gì sai trái, bao giờ cũng có một cái gì đó bị thiếu nơi sự thiện chúng ta cần phải thực hiện.
Thế nhưng, chính cái nghèo nàn này của chúng ta đã trở thành một động lực để tha thứ! Chúng ta đều mắc nợ, và nếu, như chúng ta đã nghe ngay từ đầu, chúng ta sẽ bị đong bằng chính đấu chúng ta đong cho người khác (xem Luca 6:38), thì chúng ta cần phải nới rộng cái đấu đong mà tha thứ các thứ nợ nần, tha thứ. Hết mọi người cần phải nhớ rằng họ cần tha thứ, cần được thứ tha, cần nhẫn nại; đó là bí quyết của lòng thương xót, ở chỗ nhờ tha thứ mà được thứ tha. Thế nên Thiên Chúa đi trước chúng ta và tha cho chúng ta trước (xem Roma 5:8). Nhờ nhận được ơn tha thứ của Ngài, mà về phần mình, chúng ta có thể thứ tha. Bởi thế, nỗi khốn nạn và tình trạng thiếu công chính của chúng ta trở thành một cơ hội hướng bản thân mình về nước trời, về một mức độ rộng lớn hơn, mức độ của Thiên Chúa, đó là lòng thương xót.
Lòng thương xót của chúng ta từ đâu mà có? Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: "Các con hãy xót thương, như Cha của các con là Đấng thương xót" (Luca 6:36). Anh chị em càng chấp nhận tình yêu của Chúa Cha thì anh chị em càng yêu thương (cf.CCC, 2842). Lòng thương xót không phải là chiều kích duy nhất giữa các chiều kích khác, mà là chính tâm điểm của đời sống Kitô hữu: chẳng có Kitô giáo nếu thiếu lòng thương xót [xem St. John Paul II, Enc. Dives in misericordia (30 November 1980); Bolla Misericordae Vultus (April 11, 2015); Lett. Ap. Misericordia et misera (20 November 2016)]. Nếu tất cả Kitô giáo chúng ta không dẫn chúng ta đến lòng thương xót, thì chúng ta đã lầm đường lạc lối mất rồi, vì lòng thương xót là đích điểm duy nhất thật sự của hết mọi hành trình tu đức. Nó là một trong những hoa trái tuyệt vời nhất của đức ái (cf. CCC, 1829).
Tôi nhớ rằng đề tài này đã được chọn ngay từ buổi Nguyện Kinh Truyền Tin đầu tiên mà tôi cần phải nói, với tư cách là Giáo Hoàng: lòng thương xót. Điều này vẫn còn gây ấn tượng sâu xa nơi tôi, như là một sứ điệp mà tôi, với tư cách là Giáo Hoàng, bao giờ cũng cần phải cống hiến, một sứ điệp hằng ngày cần đến là lòng thương xót. Tôi nhớ rằng, hôm ấy, tôi cũng có cả một thái độ "không biết xấu hổ" sao ấy, khi quảng cáo một tác phẩm về lòng thương xót, vừa được xuất bản của Đức Hồng Y Kasper. Hôm ấy tôi cảm thấy mạnh mẽ đến độ đó là sứ điệp tôi cần phải công bố, với tư cách là Giám Mục Roma: xin thương xót, thương xót, thứ tha.
Lòng thương xót của Thiên Chúa là sự giải phóng của chúng ta và là hạnh phúc của chúng ta. Chúng ta sống trong lòng thương xót và chúng ta không thể đủ sức hiện hữu nếu thiếu lòng thương xót: lòng thương xót là khí để thở. Chúng ta quá nghèo nàn ở nơi thân phận của mình, nên chúng ta cần tha thứ, vì chúng ta cần được thứ tha. Xin cám ơn anh chị em!
(Sau bài giáo lý, ĐTC nói tiếp về tình trạng Đại Dịch Covid-19 ở Ý như sau:)
Tôi xin kêu gọi các vị Giám Mục Ý quốc, những vị, trong tình trạng khẩn trương về sức khỏe này, đã phát động giây phút nguyện cầu cho toàn thể đất nước đây. Hết mọi gia đình, hết mọi tín hữu, hết mọi cộng đồng tôn giáo: tất cả hiệp nhất với nhau trong tinh thần vào ngày mai, lúc 9 giờ tối, lần hạt Mân Côi, theo Mầu Nhiệm ánh sáng. Tôi sẽ đồng hành với anh chị em từ nơi đây. Xin Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, là sức lực của bệnh nhân, dẫn chúng ta đến dung nhan rạng ngời và biến hình của Chúa Giêsu Kitô, cũng như đến với Trái Tim của Mẹ, Đấng chúng ta hướng về bằng việc cầu Kinh Mân Côi, dưới ánh mắt yêu thương của Thánh Giuse, Vị Quản Gia của Thánh Gia và của gia đình chúng ta. Chúng ta xin ngài đặc biệt chăm sóc cho gia đình của chúng ta, nhất là thành phần bệnh nhân và những ai đang chăm sóc bệnh nhân, như các vị y sĩ, ý tá, tình nguyện viên, những con người liều mạng để phục vụ như thế.