GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:
Bài 12 Cầu Nguyện - Chúa Giêsu Gương Mẫu
Tác động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu bởi thế là việc tham dự vào một cuộc cầu nguyện chung với dân chúng,
một việc cầu nguyện của thành phần dân đến lãnh nhận phép rửa,
một việc cầu nguyện thống hối, cho thấy hết mọi người đều nhìn nhận mình là một tội nhân.
Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với dân của mình, Người luôn cầu nguyện với chúng ta: bao giờ cũng thế.
Chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình, chúng ta luôn cầu nguyện với Chúa Giêsu.
Người không ở bên bờ bên kia - "Ta là người công chính, còn các ngươi là tội nhân" -
để tạo nên cái khác biệt và khoảng cách giữa Người với thành phần bất tuân phục,
thế nhưng Người nhúng chân của Người xuống cùng một giòng nước thanh tẩy.
Bởi thế, nếu trong giờ cầu nguyện tối mà chúng ta cảm thấy uể oải và trống rỗng,
như thể chúng ta cảm thấy đời sống này hoàn toàn vô bổ,
thì chính lúc ấy chúng ta cần phải van xin cho việc cầu nguyện của Chúa Giêsu trở thành của chúng ta...
Xin hãy phó mình cho Người, để Người có thể cầu nguyện cho chúng ta.
Xin chào anh chị em thân mến,
Hôm nay, trong buổi triều kiến này, như chúng ta đã làm trong buổi triều kiến chung tuần trước, tôi sẽ đứng ở đây. Tôi muốn xuống chào từng anh chị em, nhưng tôi phải giữ khoảng cách của chúng ta, vì nếu tôi xuống thì cả một đám đông tụ lại chào tôi, và như thế thì trái với các biện pháp, cùng với sự cẩn trọng cần phải giữ để đối phó với "Nàng Covid-19", và có hại cho chúng ta. Bởi thế, xin anh chị em miễn thứ cho tôi, nếu tôi không xuống chào anh chị em: tôi sẽ chào anh chị em từ nơi đây, nhưng tôi ấp ủ anh chị em trong lòng tôi, tất cả anh chị em. Còn anh chị em xin hãy nhớ đến tôi trong lòng và cầu nguyện cho tôi. Từ khoảng cách chúng ta vẫn có thể cầu cho nhau... tôi xin cám ơn anh chị em thông cảm.
Trong cuộc hành trình của các bài giáo lý về cầu nguyện, sau khi duyệt qua Cựu Ước, giờ đây chúng ta đến với Chúa Giêsu. Và là một Chúa Giêsu đã sống đời cầu nguyện. Khởi điểm cho thừa tác vụ công khai của Người diễn ra nơi phép rửa của Người ở sông Jordan. Các vị Thánh ký đều đồng ý về tầm quan trọng cốt yếu của biến cố này. Các vị trình thuật lại tất cả mọi người qui tụ lại trong cầu nguyện ra sao, và nhấn mạnh đến bản chất thống hối rõ ràng của cuộc qui tụ này (see Mk 1:5; Mt 3:8). Dân chúng đến với Thánh Gioan là để lãnh nhận phép rửa hầu được tha tội: nó có tính chất thống hối, hoán cải.
Tác động công khai đầu tiên của Chúa Giêsu bởi thế là việc tham dự vào một cuộc cầu nguyện chung với dân chúng, một việc cầu nguyện của thành phần dân đến lãnh nhận phép rửa, một việc cầu nguyện thống hối, cho thấy hết mọi người đều nhìn nhận mình là một tội nhân. Đó là lý do vị Tẩy Giả muốn cự lại việc làm phép rửa mà nói: "Đáng lẽ Ngài phải rửa cho tôi mà sao Ngài lại đến với tôi?" (Mt 3:14). Vị Tẩy Giả này hiểu rằng đó là Chúa Giêsu. Thế nhưng Chúa Giêsu cứ muốn làm như vậy: tác động của Người là tác động tuân phục ý muốn của Chúa Cha (v.5), một tác động liên kết với thân phận loài người chúng ta. Người cầu nguyện với các tội nhân của dân Chúa. Chúng ta đã biết rõ Chúa Giêsu là một Người Công Chính, Người không phải là một tội nhân. Thế nhưng Người muốn xuống với chúng ta là thành phần tội nhân, và Người cầu nguyện với chúng ta, và khi chúng ta cầu nguyện thì Người ở với chúng ta, cầu nguyện; Người ở với chúng ta vì Người đang ở trên trời, cầu nguyện cho chúng ta. Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với dân của mình, Người luôn cầu nguyện với chúng ta: bao giờ cũng thế. Chúng ta không bao giờ cầu nguyện một mình, chúng ta luôn cầu nguyện với Chúa Giêsu. Người không ở bên bờ bên kia - "Ta là người công chính, còn các ngươi là tội nhân" - để tạo nên cái khác biệt và khoảng cách giữa Người với thành phần bất tuân phục, thế nhưng Người nhúng chân của Người xuống cùng một giòng nước thanh tẩy. Người tác hành như thể Người là một tội nhân. Và đó là những gì cao cả của Thiên Chúa, Đấng đã sai Con của Ngài đến và đã hủy bỏ chính Mình, trở nên như một tội nhân.
Chúa Giêsu không phải là một Vị Thiên Chúa xa cách, và Người không thể như vậy. Việc nhập thể đã cho thấy Người một cách hoàn toàn con người không thể nào tượng tượng nổi. Bởi thế mà khi bắt đầu sứ vụ của mình, Chúa Giêsu dẫn đầu một thành phần hối nhân, như thể Người có trách nhiệm khai thông cho tất cả chúng ta theo Người được can đảm vượt qua. Thế nhưng con đường này, cuộc hành trình ấy, thì khó bước đi; nhưng Người đi trước mở đường. Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo giải thích rằng đó là cái mới mẻ của thời điểm viên trọn. Sách này viết: "Việc cầu nguyện với tính cách con cái của Người, việc cầu nguyện mà Chúa Cha hằng trông đợi nơi con cái của Ngài, cuối cùng đã được thể hiện bởi Người Con duy nhất của Ngài nơi nhân tính của Người, với con người và cho con người" (no. 2599). Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta. Chúng ta hãy nhớ kỹ trong lòng trí của mình điều này là Chúa Giêsu cầu nguyện với chúng ta.
Hôm ấy, ở bờ sông Jordan, do đó mới có toàn thể nhân loại, cầu nguyện bằng những khát vọng khôn xiết của mình. Nhất là thành phần tội nhân, những con người nghĩ rằng họ không được Thiên Chúa yêu thương, những ai không dám bước qua ngưỡng cửa của đền thờ, những ai không cầu nguyện vì họ không coi mình là xứng đáng. Chúa Giêsu đã đến cho hết mọi người, thậm chí cho cả họ nữa, và Người bắt đầu bằng việc đặc biệt liên kết với họ. Người đúng ở trên cùng.
Phúc Âm Thánh Luca đặc biệt nhấn mạnh đến bầu khí cầu nguyện trong khi diễn ra phép rửa của Chúa Giêsu: "Bấy giờ khi mà tất cả dân chúng lãnh nhận phép rửa, và khi mà Chúa Giêsu cũng lãnh nhận phép rửa, rồi đang cầu nguyện thì trời đã mở ra" (3:21). Bằng việc cầu nguyện, Chúa Giêsu mở cửa các tầng trời, và Thánh Linh ngự xuống từ chỗ mở ra ấy. Thế rồi từ trên cao có tiếng tuyên bố sự thật tuyệt vời này: "Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con" (v.22). Câu nói đơn giản này bao gồm một kho tàng bao la; nó giúp chúng ta có thể trực giác thấy một cái gì đó nơi thừa tác vụ của Chúa Giêsu, cũng như nơi tâm can của Người, luôn hướng về Chúa Cha. Trong cơn lốc của đời sống và thế giới sẽ lên án Người, ngay cả khi Người phải chịu đựng những cảm nghiệm khốn khó nhất và sầu thương nhất, ngay cả lúc Người không có chỗ dựa đầu (see Mt 8:20), ngay cả khi Người bị hận thù ghen ghét và bách hại ập tới, Chúa Giêsu vẫn không bao giờ tìm nương ẩn nơi bất cứ một nơi nào khác: Người muôn đời ở trong Chúa Cha.
Đó là tính chất cao cả độc đáo nơi việc cầu nguyện của Chúa Giêsu: Thánh Linh chiếm đoạt con người của Người, và tiếng của Chúa Cha chứng thực rằng Người là Người Con yêu dấu, Người Con mà Ngài hoàn toàn được phản ảnh.
Việc cầu nguyện này của Chúa Giêsu trên bờ sông Jordan hoàn toàn có tính cách riêng tư - và cứ thế suốt cuộc đời trần thế của Người - trong khung cảnh Hiện Xuống, trở thành một hồng ân cho tất cả những ai được thanh tẩy trong Chúa Kitô. Chính Người đã chiếm được tặng ân này cho chúng ta, và Người muốn chúng ta cầu nguyện như Người đã nguyện cầu.
Bởi thế, nếu trong giờ cầu nguyện tối mà chúng ta cảm thấy uể oải và trống rỗng, như thể chúng ta cảm thấy đời sống này hoàn toàn vô bổ, thì chính lúc ấy chúng ta cần phải van xin cho việc cầu nguyện của Chúa Giêsu trở thành của chúng ta. "Hôm nay tôi không thể cầu nguyện, tôi không biết phải làm gì nữa: tôi không cảm thấy hứng thú cầu nguyện, tôi cảm thấy mình bất xứng... Vào lúc ấy, chớ gì việc cầu nguyện của quí bạn với Chúa Giêsu là của tôi". Xin hãy phó mình cho Người, để Người có thể cầu nguyện cho chúng ta. Vào lúc ấy Người đang ở trước Chúa Cha, cầu nguyện cho chúng ta, Người là vị chuyển cầu; Người trình lên Chúa Cha các thương tích của Người cho chúng ta. Chúng ta hãy tin tưởng như thế, thật là cao cả. Thế rồi chúng ta sẽ nghe thấy, nếu chúng ta tin tưởng, rồi chúng ta sẽ nghe thấy có tiếng từ trời, to hơn cả tiếng vang lên từ thâm cung của bản thân chúng ta, và chúng ta sẽ nghe thấy tiếng nói này như những lời thì thào êm ái rằng: "Con là người yêu dấu của Thiên Chúa, con là một người con, con là niềm vui của Chúa Cha trên trời". Những âm vang lời của Chúa Cha cho chúng ta, cho từng người chúng ta, cho dù chúng ta có bị tất cả mọi người ruồng bỏ, có là những tội nhân tồi tệ nhất. Chúa Giêsu không xuống nước sông Jordan cho chính mình Người, mà là cho tất cả chúng ta. Chính toàn thể dân Chúa đã đến sông Jordan để cầu nguyện, để xin ơn tha thứ, để lãnh nhận phép rửa thống hối. Và như một thần học gia nói rằng họ tiến đến sông Jordan bằng "một tâm hồn trống rỗng cùng với đôi bàn chân không". Đó là sự khiêm tốn. Cần phải khiêm tốn để cầu nguyện. Người đã mở ra các tầng trời, như Moisen đã rẽ nước Biển Đỏ, nhờ đó tất cả chúng ta có thể vượt qua theo sau Người. Chúa Giêsu đã cống hiến cho chúng ta việc cầu nguyện của Người, đó là việc đối thoại yêu thương của Người với Chúa Cha. Người đã cống hiến nó chúng ta như một hạt giống của Ba Ngôi, mà Người muốn đâm rễ trong cõi lòng của chúng ta. Chúng ta hãy đón nhận tặng ân này, tặng ân cầu nguyện. Bao giờ cũng với Người. Chúng ta sẽ không sai lạc. Xin cám ơn anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL. Nếu
có thể xin nghe chia sẻ theo cảm hứng hơn là đọc lại bài chia sẻ trên