GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện
Bài 14 Cầu Nguyện - Chúa Giêsu Giáo Huấn
"Ngài nói quá nhiều về cầu nguyện. Nó chẳng cần thiết"...
Cầu nguyện giống như dưỡng khí của cuộc đời.
Cầu nguyện để chúng ta có được sự hiện diện của Thánh Linh, Đấng luôn dẫn chúng ta tiến bước.
Chính vì thế mà tôi nói nhiều về cầu nguyện.
Giáo huấn của Phúc Âm thật là rõ ràng, đó là chúng ta cần phải cầu nguyện luôn,
ngay cả lúc mọi sự dường như tan vỡ chẳng còn gì,
khi Thiên Chúa như thể câm điếc và như thể chúng ta hoang phí thời giờ....
Trong đời của chúng ta có những lúc tăm tối, và vào những lúc ấy, đức tin chẳng khác gì như là một thứ ảo ảnh.
Không có Chúa Giêsu thì lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ biến thành một nỗ lực loài người,
hầu như lúc nào cũng tiến đến chỗ thất bại.
Thế nhưng Người đã nhận lấy nơi bản thân Người hết mọi lời kêu than, hết mọi lời than vãn,
hết mọi niềm hoan hỉ, hết mọi lời nguyện cầu... hết mọi việc nguyện cầu của nhân loại.
Chúng ta đừng quên rằng Thánh Linh là Đấng cầu nguyện trong chúng ta;
chính Ngài là Đấng dẫn dắt chúng ta cầu nguyện, dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu.
Xin chào anh chị em thân mến,
Chúng ta tiếp tục giáo lý về cầu nguyện. Có người đã nói với tôi rằng: "Ngài nói quá nhiều về cầu nguyện. Nó chẳng cần thiết". Đúng, cầu nguyện là những gì cần thiết. Vì nếu chúng ta không cầu nguyện, chúng ta sẽ không có sức để tiến tới trong đời. Cầu nguyện giống như dưỡng khí của cuộc đời. Cầu nguyện để chúng ta có được sự hiện diện của Thánh Linh, Đấng luôn dẫn chúng ta tiến bước. Chính vì thế mà tôi nói nhiều về cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã cống hiến cho chúng ta tấm gương cầu nguyện liên tục, được thực hiện một cách kiên trì. Việc trao đổi liên lỉ với Chúa Cha, trong thinh lặng cũng như trong tưởng nhớ, là đón bẩy cho tất cả sứ vụ của Người. Các Phúc Âm cũng tường trình về những huấn dụ của Người với các môn đệ, để các vị cũng nhất trí cầu nguyện mà không mệt mỏi. Sách Giáo Lý nhắc lại 3 dụ ngôn trong Phúc Âm Thánh Luca là những dụ ngôn nhấn mạnh đến đặc tính nơi việc cầu nguyện của Chúa Giêsu (khoản 2613).
Trước hết, cầu nguyện cần phải bền bỉ, như con người trong dụ ngôn, khi tiếp đón một người khách bất ngờ đến nhà vào lúc nửa đêm, đi gõ cửa một người bạn mà xin chút bánh. Người bạn ấy trả lời "không!" vì anh ta đã lên giường - thế nhưng người ấy cứ nài nỉ cho đến khi người bạn phải chỗi dạy mà cho người ấy ít bánh (xem Luca 11:5-8). Một yêu cầu bền bỉ. Thế nhưng, Thiên Chúa còn nhẫn nại hơn nữa với chúng ta, và ai gõ cửa một cách tin tưởng và kiên trì chực chờ ở cửa lòng của Ngài sẽ không bị thất vọng. Thiên Chúa bao giờ cũng đáp ứng. Bao giờ cũng vậy. Cha của chúng ta biết rõ những gì chúng ta cần; thái độ kiên định là những gì cần thiết, không phải để tỏ cho Ngài biết hay để thuyết phục Ngài, mà cần thiết để nuôi dưỡng lòng ước muốn và mong đợi nơi chúng ta.
Dụ ngôn thứ hai là dụ ngôn về người đàn bà góa bụa đến xin vị quan tòa minh oan cho mình. Viên quan tòa này là một con người băng hoại, một con người bất chấp luân thường đạo lý, nhưng cuối cùng, cáu tiết lên bởi người đàn bà góa cứ kèo nhèo, ông đã quyết định cho bà được thỏa nguyện (xem Luca 18:1-8)... Vị này nghĩ rằng: "Thế nhưng, tốt hơn nên giải quyết vấn đề này để bà ta khỏi tiếp tục đến quấy rầy ta mãi". Dụ ngôn này làm cho chúng ta hiểu rằng đức tin không phải là một chọn lựa nhất thời, mà là một thái độ can đảm trong việc kêu lên Thiên Chúa, thậm chí dám "tranh cãi" với Ngài, không chiều theo sự dữ và bất công.
Dụ ngôn thứ ba cho thấy một người biệt phái và một người thu thuế lên Đền Thờ cầu nguyện. Người thứ nhất hướng lên Thiên Chúa huyênh hoang khoe khoang công đức của mình; trong khi người kia cảm thấy bất xứng ngay cả việc tiến vào cung thánh nữa. Thiên Chúa không lắng nghe người thứ nhất cầu nguyện, lời cầu của những ai kiêu ngạo, Ngài lại lắng nghe lời cầu nguyện của con người khiêm tốn (xem Luca 18:9-14). Thiếu lòng khiêm nhượng cũng chẳng có vấn đề cầu nguyện thực sự. Chính lòng khiêm nhượng đặc biệt thúc đẩy chúng ta kêu xin nguyện cầu.
Giáo huấn của Phúc Âm thật là rõ ràng, đó là chúng ta cần phải cầu nguyện luôn, ngay cả lúc mọi sự dường như tan vỡ chẳng còn gì, khi Thiên Chúa như thể câm điếc và như thể chúng ta hoang phí thời giờ. Thậm chí tầng trời có đầy tăm tối chăng nữa thì Kitô hữu vẫn không thôi cầu nguyện. Việc cầu nguyện của Kitô hữu vẫn vững mạnh một cách tin tưởng. Có những ngày trong cuộc đời của chúng ta đức tin dường như là một ảo ảnh, một nỗ lực vô bổ. Trong đời của chúng ta có những lúc tăm tối, và vào những lúc ấy, đức tin chẳng khác gì như là một thứ ảo ảnh. Thế nhưng, việc cầu nguyện có nghĩa là chấp nhận ngay cả thứ nỗ lực vô bổ ấy. "Thưa cha, con cầu nguyện mà chẳng cảm thấy gì cả... Lòng con như thể khô khan, cằn cỗi làm sao ấy". Thế nhưng chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong những lúc gay go ấy, những lúc chúng ta chẳng cảm thấy gì. Nhiều vị thánh đã trải qua đêm tối đức tin này và tình trạng yên lặng của Thiên Chúa - khi chúng ta nhận biết thì Thiên Chúa lại chẳng đáp ứng gì - và những vị thánh ấy vẫn đã kiên trì.
Trong những đêm tối đức tin ấy, con người cầu nguyện chẳng bao giờ lẻ loi cô độc. Thật vậy, Chúa Giêsu chẳng những là chứng nhân và là thày dạy cầu nguyện; Người còn hơn thế nữa. Người đón nhận chúng ta vào lời cầu nguyện của Người, nhờ đó chúng ta được cầu nguyện trong Người và nhờ Người. Đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Vì thế mà Phúc Âm mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Cha nhân danh Chúa Giêsu. Thánh Gioan cống hiến những lời này của Chúa như sau: "Bất cứ điều gì các con xin nhân danh Thày, Thày sẽ ban cho, để Cha được hiển vinh nơi Con" (14:13). Sách Giáo Lý giải thích rằng: "niềm tin tưởng rằng các lời thỉnh nguyện của chúng ta sẽ được lắng nghe là vì dựa lời cầu nguyện của Chúa Giêsu" (khoản 2614). Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu cống hiến cánh bay là những gì lời cầu nguyện của loài người bao giờ cũng muốn muốn có được.
Làm sao chúng ta có thể không nhắc lại ở đây những lời của Thánh Vịnh 91, đầy lòng tin tưởng, xuất phát từ một tâm can chỉ biết hy vọng cậy trông hết mọi sự nơi Thiên Chúa: "Ngài sẽ bao bọc bạn bằng cánh cung của Ngài, và bạn sẽ được ẩn náu trong cánh phủ của Ngài; lòng trung thành của Ngài là khiên thuẫn. Bạn sẽ không lo sợ cảnh hãi hùng ban đêm, hay tên bay ban ngày, hoặc cả dịch khí hoành hành ban đêm lẫn ôn thần sát hại ban trưa" (các câu 4-6). Chính ở nơi Chúa Kitô mà lời cầu nguyện huyền diệu này được nên trọn, và nơi Người mới có được tất cả sự thật ấy. Không có Chúa Giêsu thì lời cầu nguyện của chúng ta có nguy cơ biến thành một nỗ lực loài người, hầu như lúc nào cũng tiến đến chỗ thất bại. Thế nhưng Người đã nhận lấy nơi bản thân Người hết mọi lời kêu than, hết mọi lời than vãn, hết mọi niềm hoan hỉ, hết mọi lời nguyện cầu... hết mọi việc nguyện cầu của nhân loại. Chúng ta đừng quên rằng Thánh Linh là Đấng cầu nguyện trong chúng ta; chính Ngài là Đấng dẫn dắt chúng ta cầu nguyện, dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Ngài là tặng ân được Chúa Cha và Chúa Con ban cho chúng ta để duy trì việc gặp gỡ Thiên Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện thì chính Thánh Linh cầu nguyện trong cõi lòng của chúng ta.
Chúa Kitô là tất cả mọi sự cho chúng ta, ngay cả trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Thánh Âu Quốc Tinh đã nói đến điều này bằng một diễn tả khôn ngoan mà chúng ta cũng thấy ở trong Sách Giáo Lý rằng: Chúa Giêsu "cầu nguyện cho chúng ta với tư cách là tư tế của chúng ta, cầu nguyện trong chúng ta như là Vị Thủ Lãnh của chúng ta, và được chúng ta cầu nguyện cùng như là Thiên Chúa của chúng ta. Vì thế, chúng ta hãy nhận thức tiếng nói của chúng ta ở nơi Người và tiếng của Người trong chúng ta" (khoản 2616). Đó là lý do tại sao Kitô hữu cầu nguyện thì chẳng sợ gì hết, họ tin tưởng vào Thánh Linh là Đấng được ban cho chúng ta như là một tặng ân, và là Đấng cầu nguyện trong chúng ta, bằng việc khởi động nguyện cầu. Xin Thánh Linh là Thày Dạy cầu nguyện, dạy chúng ta con đường cầu nguyện ấy.
(Sau bài giáo lý, ĐTC kêu gọi như sau:)
Hôm qua, Bản Tường Trình về trường hợp thê thảm của vị nguyên Hồng Y Theodore McCarrick đã được phổ biến. Tôi xin lập lại lòng gắn có của tôi với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, cùng việc quyết tâm nhổ tận gốc rễ thứ sự dữ này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu