GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

Bài 16 Cầu Nguyện - Giáo Hội Sơ Khai

 

Pope Francis gives the blessing at the end of the General Audience

 

Những bước đi đầu tiên của Giáo Hội trên thế giới này được điểm tô bằng việc nguyện cầu...

 một Giáo Hội chủ động, một Giáo Hội tiến bước, nhưng lại là một Giáo Hội qui tụ lại nguyện cầu,

cho thấy những gì là nền tảng và động lực cho hoạt động truyền giáo.

 

Pope Francis speaks during a general audience in the library of the Apostolic Palace. Credit: Vatican Media.

 

4 đặc tính thiết yếu của đời sống Giáo Hội:

Thứ nhất là lắng nghe giáo huấn của các vị tông đồ;

thứ hai là bảo toàn mối hiệp thông với nhau; thứ ba là bẻ bánh; và thứ bốn là cầu nguyện.

Họ nhắc nhở chúng ta rằng việc hiện hữu của Giáo Hội chỉ có ý nghĩa khi Giáo Hội chặt chẽ liên kết với Chúa Kitô,

tức là, liên kết với cộng đồng, với Lời Người, với Thánh Thể và với nguyện cầu

 

Hết tất cả mọi sự trong Giáo Hội phát triển ở ngoài "những thứ phối hợp này" đều không có nền tảng...

Giáo Hội không phải là một cái chợ; Giáo Hội không phải là một nhóm người kinh doanh làm ăn đủ thứ...

Không có bốn thứ phối hợp ấy, Giáo Hội trở thành một thứ xã hội loài người, một đảng phái chính trị - đa số, đa số -

các thứ thay đổi được thực hiện như thể Giáo Hội là một công ty, tùy theo đa số hay thiểu số...

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Những bước đi đầu tiên của Giáo Hội trên thế giới này được điểm tô bằng việc nguyện cầu. Những bản văn của các vị tông đồ, cùng với trình thuật quan trọng nơi Sách Tông Vụ, cống hiến cho chúng ta hình ảnh về một Giáo Hội chủ động, một Giáo Hội tiến bước, nhưng lại là một Giáo Hội qui tụ lại nguyện cầu, cho thấy những gì là nền tảng và động lực cho hoạt động truyền giáo. Hình ảnh về Cộng Đồng Jerusalem thuở ban đầu là điểm qui chiếu cho hết mọi cảm nghiệm Kitô giáo khác. Thánh Luca đã viết ở trong Tông Vụ rằng: "Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng" (2:42). Cộng đồng này đã kiên tâm cầu nguyện.

 Chúng ta thấy ở đấy 4 đặc tính thiết yếu của đời sống Giáo Hội: Thứ nhất là lắng nghe giáo huấn của các vị tông đồ; thứ hai là bảo toàn mối hiệp thông với nhau; thứ ba là bẻ bánh; và thứ bốn là cầu nguyện. Họ nhắc nhở chúng ta rằng việc hiện hữu của Giáo Hội chỉ có ý nghĩa khi Giáo Hội chặt chẽ liên kết với Chúa Kitô, tức là, liên kết với cộng đồng, với Lời Người, với Thánh Thể và với nguyện cầu - đường lối chúng ta liên kết bản thân chúng ta với Chúa Kitô. Việc giảng dạy và giáo lý là những gì làm chứng cho các lời nói và việc làm của Vị Sư Phụ; việc liên lỉ tìm cầu mối hiệp thông huynh đệ là những gì bảo vệ chúng ta khỏi vị kỷ và phân lập; việc bẻ bánh là những gì làm nên bí tích về sự hiện diện của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Người sẽ không bao giờ vắng mặt - nhất là nơi Thánh Thể, Người ở đó. Người sống động và tiến bước với chúng ta. Sau hết, cầu nguyện là lúc giao tiếp với Chúa Cha, nơi Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần.

Hết tất cả mọi sự trong Giáo Hội phát triển ở ngoài "những thứ phối hợp này" đều không có nền tảng. Để nhận thức xem một trường hợp nào đó, chúng ta cần phải tự vấn về 4 thứ phối hợp này: trong trường hợp ấy như thế nào với bốn thứ phối hợp ấy - việc giảng dạy, việc liên lỉ tìm kiếm mối hiệp thông huynh đệ, tức bác ái yêu thương, việc bẻ bánh, tức đời sống Thánh Thể, và việc cầu nguyện. Bất cứ trường hợp nào cũng cần phải được thẩm định theo chiều hướng của những thứ phối hợp này. Bất cứ cái gì không thuộc về những thứ phối hợp ấy đều thiếu tính cách giáo hội, không phải là giáo hội.

Chính Thiên Chúa là Đấng đã thiết lập Giáo Hội, chứ không phải là những việc ồn ào ầm ỉ. Giáo Hội không phải là một cái chợ; Giáo Hội không phải là một nhóm người kinh doanh làm ăn đủ thứ. Giáo Hội là công cuộc của Thánh Linh, Đấng Chúa Giêsu đã sai đến với chúng ta để qui tụ chúng ta lại với nhau. Giáo Hội chính là công cuộc của Thần Linh nơi cộng đồng Kitô hũu, bằng đời sống của cộng đồng này, với Thánh Thể, trong nguyện cầu.... bao giờ cũng thế. Hết tất cả mọi sự mọc lên ở bên ngoài những thứ phối hợp ấy đều thiếu mất nền tảng, chẳng khác gì như nhà xây trên cát vậy (see Mt 7:24-27).

Chính Thiên Chúa là Đấng đã thiết lập Giáo Hội, chứ không phải là những việc ồn ào ầm ỉ. Lời của Chúa Giêsu mới là những gì làm cho các nỗ lực của chúng ta được trọn vẹn ý nghĩa. Chính bằng lòng khiêm tốn mà chúng ta xây dựng tương lai thế giới. Có những lúc tôi cảm thấy hết sức buồn khi thấy một cộng đồng thiện chí nhưng lại lạc lối, vì nghĩ rằng Giáo Hội được xây dựng bằng những cuộc gặp gỡ, như thể Giáo Hội là một đảng phái chính trị nào đó. "Nhưng, đa số, đa số, nghĩ sao về vấn đề này, vấn đề nọ... Đó là như thể một thứ Nghị Hội, thứ đường lối hội nghị chúng ta cần phải theo..." Tôi tự hỏi: "Thế thì Thánh Linh ở đâu? Cầu nguyện ở chỗ nào? Tình yêu thương cộng thông như thế nào? Thánh Thể ra sao?" Không có bốn thứ phối hợp ấy, Giáo Hội trở thành một thứ xã hội loài người, một đảng phái chính trị - đa số, đa số - các thứ thay đổi được thực hiện như thể Giáo Hội là một công ty, tùy theo đa số hay thiểu số...

Thế nhưng ở đó chẳng có Thánh Linh. Sự hiện diện của Thánh Linh thực sự được bảo đảm bởi bốn thứ phối hợp ấy. Để thẩm định xem một trường hợp có tính cách giáo hội hay phi giáo hội, chúng ta hãy tự vấn về bốn thứ phối hợp này: đời sống cộng đồng, cầu nguyện, Thánh Thể... xem đời sống có đang phát triển theo bốn thứ phối hợp này hay chăng. Nếu không thì cũng chẳng có Thánh Linh, mà nếu không có Thánh Linh thì chúng ta là một tổ chức mỹ miều, nhân bản, làm các việc lành, việc thiện, việc tốt... thậm chí là một đảng phái giáo hội, cứ nói như thế đi. Thế nhưng lại không phải là Giáo Hội.

Chính vì lý do này mà Giáo Hội không phát triển bằng những điều ấy: Giáo Hội không phát triển bằng dụ giáo, như bất cứ công ty nào, Giáo Hội phát triển bằng tính cách hấp dẫn. Và ai là người sẽ tạo nên những gì là hấp dẫn đây? Thánh Linh. Chúng ta đừng bao giờ quên lời của Đức Benedict XVI: "Giáo Hội không tăng tiến bằng việc dụ giáo mà bằng sức hấp dẫn". Nếu thiếu mất Thánh Linh, Đấng thu hút con người đến cùng Chúa Giêsu thì Giáo Hội không có ở đó. Có thể là một câu lạc bộ thân hữu tốt đẹp, tốt lành, đầy những thiện chí, thế nhưng không phải là Giáo Hội, không phải là đoàn tính.

Có đọc Tông Vụ chúng ta mới khám phá ra các cuộc qui tụ cầu nguyện có thể trở thành một mãnh lực thúc đẩy ra sao trong việc truyền bá phúc âm hóa, những qui tụ giúp cho những ai tham dự thực sự cảm nghiệm thấy sự hiện diện của Chúa Giêsu và được Thần Linh đụng chạm. Các phần tử thuộc cộng đồng tiên khởi này - dầu sao thì cũng luôn áp dụng cho cả chúng ta ngày nay nữa - đã cảm thấy rằng trình thuật về cuộc hội ngộ với Chúa Giêsu đã không ngưng hẳn ở vào giây phút Thăng Thiên, mà vẫn tiếp tục trong đời sống của họ. Trong việc tái trình thuật những gì Chúa đã nói và đã làm - khi lắng nghe Lời Chúa - trong khi cầu nguyện để được hiệp thông với Người, thì hết tất cả mọi sự đều trở thành sống động. Cầu nguyện làm lan tỏa ánh sáng và hơi ấm, đó là tặng ân của Thần Linh được ưu ái ban cho họ.

Ví thế mà Sách Giáo Lý đã chất chứa một diễn tả rất sâu xa. Đó là: "Chúa Thánh Thần... Đấng nhắc lại mầu nhiệm Chúa Ki-tô cho Hội Thánh đang cầu nguyện, cũng dẫn đưa Hội Thánh vào Chân Lý trọn vẹn và khởi hứng những mẫu kinh mới để diễn tả mầu nhiệm khôn dò thấu về Chúa Ki-tô, Đấng đang hoạt động trong cuộc sống, trong các bí tích và trong sứ vụ của Hội Thánh" (2625). Công việc của Thần Linh trong Giáo Hội đó là nhắc nhớ chúng ta về Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói: Ngài sẽ dạy các con và nhắc nhở các con. Sứ vụ của Ngài là nhắc nhớ về Chúa Giêsu, chứ không phải như là một thứ thực hành tưởng nhớ.

Thành phần Kitô hữu, khi tiến bước trên con đường sứ vụ truyền giáo, thì tưởng nhớ đến Chúa Giêsu khi họ làm cho Người hiện diện một lần nữa, và  họ được "thúc đẩy" từ Người, từ Thánh Linh, trong việc tiến bước, trong việc phục vụ. Bằng việc cầu nguyện, Kitô hữu trầm mình vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, mầu nhiệm về Đấng yêu thương từng người, về vị Thiên Chúa mong muốn Phúc Âm được rao giảng cho hết mọi người. Thiên Chúa là Thiên Chúa cho hết mọi người, và nơi Chúa Giêsu hết mọi bức tường phân cách hoàn toàn bị sụp đổ: như Thánh Phaolô đã nói, Người là sự bình an của chúng ta, tức "Người là Đấng làm cho cả hai chúng ta nên một" (Eph 2:14). Chúa Giêsu đã tạo nên mối hiệp nhất, mối hiệp nhất.

Như thế thì đời sống của Giáo Hội sơ khai đã theo một nhịp điệu nhất trí liên tục các việc cử hành, các lời thỉnh nguyện chung, những thời khắc cầu nguyện chung riêng. Chính Thần Linh là Đấng đã ban sức mạnh cho các vị giảng dạy, những vị đã mở đầu hành trình, và là những vị vì kính mến Chúa Giêsu đã chèo lái trên biển cả, đã phải đương đầu với các thứ hiểm nguy, đã chấp nhận những gì là nhục nhã ê chề.

Thiên Chúa là Đấng cống hiến tình yêu, Thiên Chúa đòi hỏi tình yêu. Đó là cội nguồn mầu nhiệm của tất cả đời sống tín hữu. Bằng cầu nguyện, các Kitô hữu tiên khởi - và cả chúng ta cũng vậy, thành phần hậu sinh ở các thế kỷ sau đó - tất cả chúng ta đều sống cùng một cảm nghiệm. Thần Linh là Đấng tác động hết mọi sự. Và hết mọi Kitô hữu nào không sợ giành giờ cầu nguyện đều có thể thấm thía những lời của Tông Đồ Phaolô "sự sống mà giờ đây tôi sống trong xác thịt này là tôi sống bởi niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi" (Galata 2:20).

Cầu nguyện làm cho anh chị em nhận thấy như vậy. Chỉ trong thinh lặng tôn thờ chúng ta mới cảm thấy tất cả sự thật của những lời ấy. Và chúng ta cần phải lấy lại cái cảm giác tôn thờ này. Hãy tôn thờ, tôn thờ Thiên Chúa, tôn thờ Chúa Giêsu, tôn thờ Thần Linh. Cha, Con và Thần Linh: hãy tôn thờ. Trong thinh lặng. Việc cầu nguyện tôn thờ là việc cầu nguyện giúp cho chúng ta nhận biết Thiên Chúa như khởi nguyên và là cùng đích của tất cả Lịch Sử. Những lời cầu nguyện này là ngọn lửa sống động của Thần Linh, Đấng ban cho chúng ta quyền lực để làm chứng và để truyền giáo. Xin cám ơn anh chị em.


http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20201125_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu