GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:

 

Bài 20 Cầu Nguyện Tạ Ơn

 

Pope Francis at the general audience of 30 December, 2020.

 

Cầu nguyện tạ ơn bao giờ cũng được khởi đi từ chỗ ấy,

từ chỗ nhận thức rằng ân sủng đi trước chúng ta.

Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta biết suy nghĩ;

chúng ta được yêu thương trước khi biết yêu thương;

chúng ta được mong muốn trước khi lòng chúng ta biết ước muốn.

 

Pope Francis speaks during a general audience in the library of the Apostolic Palace. Credit: Vatican Media.

 

Lời "cám ơn" mà chúng ta cần phải liên tục nói này,

những lời cám ơn mà Kitô hữu chia sẻ với hết mọi người ấy,

được gia tăng trong việc gặp gỡ Chúa Giêsu.

 

 

Tất nhiên, tất cả 10 người trong họ đều sung sướng vì bệnh nạn của họ đã được chữa lành,

giúp họ có thể chấm dứt thứ phong tỏa bó buộc khôn cùng tình trạng họ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng.

Thế nhưng, trong số họ, có một người đã cảm thấy một niềm vui hơn nữa,

đó là ngoài niềm vui được chữa lành còn niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu nữa.

Anh ta không chỉ được giải phóng khỏi sự dữ, mà bấy giờ còn có được niềm tin tưởng rằng mình được yêu thương.

 

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Hôm nay, tôi muốn tập trung vấn đề cầu nguyện vào việc tạ ơn. Tôi thấy được cái mấu chốt của vấn đề này ở một trình thuật của Thánh Ký Luca. Trong khi Chúa Giêsu đang hành trình thì có 10 người phong cùi tiến đến van xin Người rằng: "Lạy Thày Giêsu, xin thương đến chúng tôi!" (17:13). Chúng ta biết rằng những ai bị phong cùi thì không phải chỉ chịu đựng về thể lý mà thôi, còn bị loại trừ về phương diện xã hội và tôn giáo nữa. Họ bị tẩy chay. Chúa Giêsu đã không tỏ ra tránh lánh việc gặp gỡ họ. Đôi khi Người vượt lên trên những thứ giới hạn theo áp đặt của lề luật, và đã chạm đến, ôm lấy và chữa lành bệnh nhân - những hành động đáng lẽ không được làm. Trong trường hợp này thì không hề có giao chạm. Từ một khoảng cách, Chúa Giêsu đã mời gọi họ đi trình diện cho các vị tư tế (v.14), những vị được lề luật chỉ định để chứng nhận tình trạng được chữa lành đã xẩy ra. Ngoài ra Chúa Giêsu không còn nói gì nữa. Người đã lắng nghe lời nguyện cầu của họ, Người đã nghe thấy tiếng kêu xin thương xót của họ, và Ngài đã lập tức bảo họ đến với các vị tư tế.

Mười người bị phong cùi này đã tin tưởng, họ không cứ ở lại đó cho đến khi họ được chữa lành, không: họ đã tin tưởng và liền đi ngay, để rồi trong khi họ đang đi đường thì họ được chữa lành, tất cả 10 người trong họ. Bởi thế, các vị tư tế đã có thể chứng thực tình trạng được chữa lành của họ, và cho phép họ được trở về với cuộc sống bình thường như trước. Thế nhưng, vấn đề quan trọng xẩy ra ở ngay chỗ này, đó là chỉ có một người trong nhóm của họ, trước khi đến với các vị tư tế thì đã quay trở lại để tạ ơn Chúa Giêsu và chúc tụng Thiên Chúa về ơn ban. Chỉ duy có một người, còn chín người kia tiếp tục tiến bước. Chúa Giêsu cho biết đó là một người Samaritano, loại người "lạc đạo" đối với người Do Thái thời bấy giờ. Chúa Giêsu nhận định về những người kia như thế này "không có một ai trong họ trở lại chúc tụng Thiên Chúa, ngoại trừ con người ngoại lai này?" (17:18). Trình thuật này thật tác động.

Có thể nói trình thuật này phân chia thế giới ra làm đôi: những ai không biết ơn và những người biết ơn; những người nhận được hết mọi sự như thể nó là của họ, và những ai đón nhận hết mọi sự như là ơn ban, là ân sủng. Sách Giáo Lý dạy rằng: "hết mọi biến cố và nhu cầu đều có thể trở thành lời hiến dâng tạ ơn" (n. 2638). Cầu nguyện tạ ơn bao giờ cũng được khởi đi từ chỗ ấy, từ chỗ nhận thức rằng ân sủng đi trước chúng ta. Chúng ta đã được nghĩ đến trước khi chúng ta biết suy nghĩ; chúng ta được yêu thương trước khi biết yêu thương; chúng ta được mong muốn trước khi lòng chúng ta biết ước muốn. Nếu chúng ta biết nhìn cuộc sống như thế thì "việc tạ ơn" trở thành một lực đẩy của ngày sống chúng ta. Biết bao lần chúng ta thậm chí quên cả ngỏ lời "cám ơn".

Đối với Kitô hữu chúng ta thì tạ ơn là danh xưng được gán cho Bí Tích chính yếu nhất đó là Thánh Thể. Thật vậy, tiếng Hy Lạp này chính là tạ ơn, eucharist: tạ ơn. Kitô hữu, cũng như tất cả mọi tín hữu, đều chúc tụng Thiên Chúa về tặng ân sự sống. Việc sống trên hết là việc đã lãnh nhận. Việc sống trên hết là việc đã lãnh nhận: đã nhận được sự sống! Tất cả chúng ta được sinh ra là vì ai đó muốn chúng ta có sự sống. Đó mới chỉ là điều đầu tiên trong một chuỗi dài về các thứ nợ nần chúng ta gánh chịu trong đời. Những thứ nợ nần của lòng biết ơn. Trong đời sống của chúng ta, không phải chỉ có một người nhìn đến chúng ta một cách nhưng không, bằng ánh mặt tinh tuyền. Bình thường những con người ấy là những thày cô, giáo lý viên, những con người thực hiện vai trò của họ vượt lên trên và vượt ra ngoài những gì đòi hỏi họ làm. Họ gợi lên lòng biết ơn nơi chúng ta. Ngay cả tình bạn hữu cũng là một tặng ân, những gì chúng ta luôn cần phải tạ ơn.

Lời "cám ơn" mà chúng ta cần phải liên tục nói này, những lời cám ơn mà Kitô hữu chia sẻ với hết mọi người ấy, được gia tăng trong việc gặp gỡ Chúa Giêsu. Các Phúc Âm đều chứng thực rằng Khi Chúa Giêsu băng ngang qua, thì Ngưòi thường hay khơi lên niềm vui và lời chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa nơi những ai Người gặp. Các trình thuật Phúc Âm đầy những con người cầu nguyện đã được mạnh mẽ chạm tới, bởi Đấng Cứu Thế đến với họ. Cả chúng ta cũng được kêu gọi để tham dự vào niềm hân hoan bao la ấy. Câu chuyện về 10 người phong cùi được chữa lành cũng gợi lên như thế. Tất nhiên, tất cả 10 người trong họ đều sung sướng vì bệnh nạn của họ đã được chữa lành, giúp họ có thể chấm dứt thứ phong tỏa bó buộc khôn cùng tình trạng họ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng. Thế nhưng, trong số họ, có một người đã cảm thấy một niềm vui hơn nữa, đó là ngoài niềm vui được chữa lành còn niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu nữa. Anh ta không chỉ được giải phóng khỏi sự dữ, mà bấy giờ còn có được niềm tin tưởng rằng mình được yêu thương. Đó là cái then chốt, ở chỗ, khi anh chị em cám ơn ai đó, tạ ơn, là anh chị em bày tỏ niềm tin tưởng rằng anh chị em được yêu thương. Đó là một bước tiếng cả thể ở chỗ có được niềm tin tưởng rằng anh chị em được yêu thương. Đó là việc khám phá về tình yêu thương như là một thứ năng lực chi phối thế giới này - như Dante đã nói: Tình Yêu là những gì "khiến mặt trời cùng các tinh tú xoay vần" (Paradise, XXXIII, 145). Chúng ta không còn là thành phần lang thang bất định đây đó nữa, không, chúng ta có nhà ở, chúng ta cư ngụ nơi Chúa Kitô, để rồi từ "nơi cư trú" đó, chúng ta chiêm ngắm phần còn lại của thế giới đang hiện lên càng vô cùng mỹ miều trước mắt chúng ta. Chúng ta là thành phần con cái của tình yêu thương, chúng ta là anh chị em của tình yêu thương. Chúng ta là những con người nam nữ biết tạ ơn.

Thế nên, thưa anh chị em, chúng ta hãy tìm cách để luôn lưu ngụ nơi niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu. Chúng ta hãy vun trồng niềm hân hoan vui vẻ. Ma quỉ, ngược lại, sau khi đã lừa đảo chúng ta - bằng bất cứ chước cám dỗ nào - bao giờ cũng lưu lại trong chúng ta những gì là buồm thảm và lẻ loi cô độc. Nếu chúng ta ở trong Chúa Kitô, thì không có vấn đề tội lỗi hay đe dọa nào có thể từng ngăn cản chúng ta tiếp tục hân hoan hành trình, cùng với nhiều đồng bạn hành trình khác.

Trên hết đó là chúng ta đừng quên tạ ơn: nếu chúng ta là những con người ấp ủ sống lòng tri ân thì chính thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn, cho dù chỉ một chút xíu, thế nhưng cũng đủ để truyền đạt một chút niềm hy vọng. Thế giới này cần đến niềm hy vọng. Với lòng tri ân, bằng thói quen nói lời cám ơn, chúng ta truyền đạt một chút niềm hy vọng. Hết mọi sự đều liên kết với nhau và hết mọi sự đều liên hệ với nhau, và ai cũng cần phải làm những gì có thể nơi bản thân mình. Đường lối dẫn đến hạnh phúc là con đường được Thánh Phaolô diễn tả ở cuối các bức thư của ngài, đó là "Hãy liên lỉ cầu nguyện, hãy tạ ơn trong hết mọi hoàn cảnh; vì đó là ý muốn của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô đối với anh em. Đừng dập tắt Thần Linh" (1Thes 5:17-19). Đừng dập tắt Thần Linh, một dự phóng tuyệt vời biết bao của đời sống! Đừng dập tắt Thần Linh là Đấng ở trong chúng ta, dẫn chúng ta đến chỗ tri ân cảm tạ. Xin cám ơn anh chị em.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2020/documents/papa-francesco_20201230_udienza-generale.html

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu