GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:
Bài 9 Cầu Nguyện - Elia: Sống Đời Cầu Nguyện
Hôm nay chúng ta hãy trở lại loạt bài giáo lý về cầu nguyện
đã bị gián đoạn bởi loạt bài giáo lý về việc chăm sóc cho thiên nhiên vạn vật...
Chúng ta hãy gặp gỡ một trong những nhân vật có sức thúc bách nhất trong toàn bộ Thánh Kinh, đó là tiên tri Elia
Thánh Kinh trình bày Elia như là một con người có đức tin kết tinh:
chính tên của ngài có nghĩa "Giavê là Thiên Chúa", chất chứa những gì bí ẩn nơi sứ vụ của ngài...
Biểu hiệu của ngài là lửa, hình ảnh về quyền năng thanh tẩy của Thiên Chúa.
Dung nhan của Thiên Chúa được ngài nhắm tới khi ngài bước đi.
Ngài tiến đến tột đỉnh nơi cảm nghiệm phi thường ấy,
khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho tiên tri Elia ở trên núi
Xin chào anh chị em thân mến,
Hôm nay chúng ta hãy trở lại loạt bài giáo lý về cầu nguyện đã bị gián đoạn bởi loạt bài giáo lý về việc chăm sóc cho thiên nhiên vạn vật, và giờ đây chúng ta tái tấu; và chúng ta hãy gặp gỡ một trong những nhân vật có sức thúc bách nhất trong toàn bộ Thánh Kinh, đó là tiên tri Elia. Ngài vượt cả ra ngoài thời điểm hạn hẹp của mình nữa, và chúng ta còn có thể thấy sự hiện diện của ngài nơi một số tình tiết ở Phúc Âm. Ngài đã cùng Moisen hiện ra với Chúa Giêsu vào lúc Biến Hình (cf. Mt 17:30). Chính Chúa Giêsu ám chỉ về ngài khi khen tặng chứng từ của Thánh Gioan Tẩy Giả (cf Mt 17:10-13).
Trong Thánh Kinh, Elia đột nhiên xuất hiện, một cách bí ẩn, từ một ngôi làng nhỏ hoàn toàn hẻo lánh (cf. 1 Kings 17:1); để rồi cuối cùng ngài ra khỏi khấu trường trước ánh mắt của người môn đệ Elisa, trên một cỗ xe ngựa bốc lửa đưa ngài về trời (cf. 2 Kings 2:11-12). Bởi thế, ngài là một con người không có nguồn gốc rõ ràng, nhất là lại chẳng có kết thúc, được cất về trời: vì thế mà việc ngài trở lại như một vị tiền hô đã được mong đợi trước khi Đấng Thiên Sai đến. Bởi vậy mà dân chúng đã trông đợi việc Elia trở lại.
Thánh Kinh trình bày Elia như là một con người có đức tin kết tinh: chính tên của ngài có nghĩa "Giavê là Thiên Chúa", chất chứa những gì bí ẩn nơi sứ vụ của ngài. Ngài sẽ cứ tên của ngài mà sống cho đến hết cuộc đời của ngài: một con người nguyên tuyền, không một tí thỏa hiệp nào. Biểu hiệu của ngài là lửa, hình ảnh về quyền năng thanh tẩy của Thiên Chúa. Ngài là người đầu tiên bị thử thách, và ngài cứ vẫn trung kiên. Ngài là mẫu gương cho tất cả mọi con người sống niềm tin, dù có trải qua cám dỗ và khổ đau vẫn không thôi sống lý tưởng đời mình.
Việc cầu nguyện là sinh lực liên lỉ nuôi dưỡng cuộc sống của ngài. Vì thế mà ngài là một trong những nhân vật thân thương nhất đối với truyền thống đan tu, đến độ một số đã nhận ngài là cha thiêng liêng của đời sống tận hiến cho Thiên Chúa. Elia là con người của Thiên Chúa, vị đóng vai bênh vực thượng quyền của Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, ngài cũng bị vẫn còn những yếu đuối mỏng dòn của mình. Khó lòng mà nói cảm nghiệm nào hữu ích nhất đối với ngài sau đây: việc đánh bại các tay tiên tri giả trên Núi Carmêlô (cf. 1 Kings 18:20-40), hay tâm trạng bối rối ngài cảm thấy ngài "chẳng hơn gì các vị cha ông của mình" (see 1 Kings 19:4). Trong tâm hồn của những con gười cầu nguyện thì cảm quan về tình trạng yến hèn của họ thì quí hơn những lúc họ cảm thấy hỉ hoan, khi đời sống của họ là một chuỗi vinh thắng và thành công. Điều ấy luôn xẩy ra trong việc cầu nguyện: có những lúc chúng ta cảm thấy lâng lâng, thậm chí đầy phấn khởi, khi cầu nguyện, và có những lúc cầu nguyện lại đớn đau, khô cằn, thách đố. Cầu nguyện là như thế đó: hãy để mình được Thiên Chúa ôm ấp, và cũng hãy để cho mình bị tấn công bởi những tình huống khó chịu, thậm chí bởi các thứ cám dỗ. Đó là một thực tại được nhắc đến trong nhiều ơn gọi thánh kinh, ngay cả trong Tân Ước nữa; chẳng hạn như trường hợp của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Đời sống của hai vị này cũng như thế nữa: có những lúc hoan hỉ và cũng có những lúc xuống tinh thần, những lúc khổ đau.
Elia là một con người sống đời chiêm niệm, đồng thời cũng sống đời hoạt động nữa, bận rộn với các thứ biến cố xẩy ra trong thời của ngài, có khả năng đối đầu với vua chúa hoàng hậu sau khi họ sát hại Nabốt để chiếm vườn nho của ông này (cf. 1 Kings 21:1-24). Chúng ta cần biết bao có những tín hữu, những Kitô hữu nhiệt thành, có tấm lòng can đảm của tiên tri Elia trước những con người tác hành có trách nhiệm về hành chính, khi dám lên tiếng nói rằng "Không được làm điều ấy! Điều ấy là sát nhân!" Chúng ta cần đến tinh thần của tiên tri Elia. Ngài chứng tỏ cho chúng ta thấy rằng không được có vấn đề nửa vời trong đời sống của những ai cầu nguyện: một con người đứng trước nhan Chúa và tiến đến với những người anh chị em được Chúa sai đến. Cầu nguyện không phải chỉ là việc khóa mình lại với Chúa để làm cho linh hồn mình hiện lên mỹ miều: không, đó không phải là cầu nguyện, đó là ngụy cầu nguyện. Cầu nguyện là một cuộc đối diện với Thiên Chúa, để mình được Ngài sai đi phục vụ anh chị em của mình. Chứng cớ của việc nguyện cầu đó là tình yêu thực sự đối với tha nhân. Và ngược lại: thành phần tín hữu hoạt động trên thế giới sau khi đã trầm lắng và nguyện cầu; bằng không, hành động của họ là những gì bốc đồng, nó chẳng có ý thức gì, nó dục tốc bất đạt. Thành phần tín hữu tác hành như vậy là họ thực hiện rất nhiều thứ bất chính, bởi họ không cầu nguyện cùng Chúa trước, để nhận thức được những gì họ cần phải làm.
Các trang Thánh Kinh cho thấy rằng đức tin của tiên tri Elia cũng có tiến bộ, ở chỗ ngài đã phát triển trong việc nguyện cầu, ngài hoàn hảo nó từng chút một. Dung nhan của Thiên Chúa được ngài nhắm tới khi ngài bước đi. Ngài tiến đến tột đỉnh nơi cảm nghiệm phi thường ấy, khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho tiên tri Elia ở trên núi (cf. 1 Kings 19:9-13). Thiên Chúa đã tỏ mình ra không phải ở nơi bão tố, không phải ở nơi động đất hay ở nơi lửa thiêu, mà là ở nơi "một âm thanh thì thào nho nhỏ" (v.12). Hay đúng hơn, có bản dịch diễn tả rõ về cảm nghiệm ấy như thế này: ở nơi một luồng âm vang thinh lặng. Đó là cách Thiên Chúa tỏ mình ra cho Elia. Chính nhờ cái dấu hiệu bé mọn này mà Thiên Chúa thông truyền với tiên tri Elia, một con người vào lúc ấy là một vị tiên tri trốn ẩn bất an. Thiên Chúa đã đến để gặp gỡ một con người mệt mỏi, một con người nghĩ rằng mình thua ở hết mọi chiến tuyến, và với luồng gió thoảng nhẹ ấy, bằng luồng âm vang thinh lặng ấy, Thiên Chúa trả lại cho cõi lòng này tình trạng trầm lắng và bình an.
Đó là câu chuyện về Elia, nhưng nó như thể viết ra cho tất cả chúng ta nữa. Có những buổi tối, chúng ta có thể cảm thấy mình vô dụng và cô độc. Thế rồi lời cầu nguyện xẩy ra và gõ vào cửa lòng của chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể thu lượm được một góc nào đó nơi chiếc áo khoác của tiên tri Elia, như người môn đệ Elisa của ngài được một nửa tấm áo ấy. Ngay cả khi chúng ta làm một điều gì đó sai trái, hay chúng ta cảm thấy mình bị đe dọa và kinh hãi, khi chúng ta quay về với Thiên Chúa trong nguyện cầu, chúng ta sẽ lấy lại được tình trạng thanh thản và an bình như là một phép lạ vậy. Đó là những gì chúng ta thấy được ở nơi gương của tiên tri Elia.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo
nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Biệt chú: Bài giáo lý về cầu nguyện hôm nay là bài thứ 9 trong loạt bài ĐTC Phanxicô đã bắt đầu hướng dẫn cộng đồng dân Chúa từ ngày mùng 6 tháng 5/2020, cho tới cuối tháng 6 là bài thứ 8 về Moisen cầu nguyện, chưa hết loạt bài này, thì sau tháng hè của ngài là tháng 7/2020, bắt đầu vào đầu tháng 8, ngài cảm thấy cần phải hướng dẫn một loạt bài giáo lý khác khẩn thiết hơn: 9 bài Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội, cho tới hết tháng 9, 2 tháng liền, để rồi sang đầu Tháng 10/2020, ngài trở lại loạt bài giáo lý về cầu nguyện, với bài thứ 9 về tiên tri Elia cầu nguyện.