GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội
Bài 4: Vi Khuẩn Kinh Tế Bệnh Hoạn - Chữa Trị: Tặng Ân Hy Vọng Kitô Giáo
Trước cơn dịch bệnh cùng với các hậu quả về xã hội của nó,
nhiều người liều mình bị mất đi niềm hy vọng.
Trong thời điểm bất ổn và thảm thương này,
tôi mời gọi hết mọi người hãy đón nhận tặng ân hy vọng xuất phát từ Chúa Kitô.
Chính Người là Đấng giúp chúng ta chèo chống
để vượt qua những cơn giông tố bão bùng bệnh hoạn, chết chóc và bất công này,
những gì không phải là phán quyết cuối cùng đối với định mệnh tối hậu của chúng ta.
Những triệu chứng bất bình đẳng này cho thấy một chứng bệnh về xã hội;
nó là một thứ vi khuẩn xuất thân từ một nền kinh tế bệnh hoạn.
Chúng ta cần phải nói giản dị là nền kinh tế này bệnh hoạn.
Nó đã bị bệnh. Nó bệnh hoạn.
Nó là hoa trái của tình trạng tăng trưởng kinh tế mất cân bằng
- tình trạng tăng trưởng mất cân bằng là bệnh hoạn -
bất chấp những giá trị nhân bản cốt yếu.
Khi nỗi ám ảnh chiếm hữu và thống trị
tỏ ra loại trừ hằng bao nhiêu triệu con người không có được những sản vật căn bản;
khi kinh tế cùng với tình trạng bất cân bằng về kỹ thuật xẩy ra
thì cơ cấu xã hội bị rạn nứt;
và khi tình trạng lệ thuộc vào mức tiến bộ vật chất vô giới hạn đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta,
thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn.
Không, đó là những gì lo ngại. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn!
Xin chào anh chị em thân mến,
Trước cơn dịch bệnh cùng với các hậu quả về xã hội của nó, nhiều người liều mình bị mất đi niềm hy vọng. Trong thời điểm bất ổn và thảm thương này, tôi mời gọi hết mọi người hãy đón nhận tặng ân hy vọng xuất phát từ Chúa Kitô. Chính Người là Đấng giúp chúng ta chèo chống để vượt qua những cơn giông tố bão bùng bệnh hoạn, chết chóc và bất công này, những gì không phải là phán quyết cuối cùng đối với định mệnh tối hậu của chúng ta.
Bệnh dịch này đã phơi bày ra và làm trầm trọng hóa các vấn đề về xã hội, trên hết là vấn đề bất bình đẳng. Một số người có thể làm việc ở nhà, trong khi nhiều người khác lại bất khả. Một số trẻ em, bất chấp khó khăn, vẫn có thể tiếp tục được học hành, trong khi đó rất nhiều em khác lại đột nhiên bị trở ngại việc học hành của mình. Một số các quốc gia quyền lực có thể tung tiền để giải quyết cuộc khủng hoảng này, thì cuộc khủng hoảng này lại có nghĩa là cầm cự nợ nần trong tương lai đối với các quốc gia khác.
Những triệu chứng bất bình đẳng này cho thấy một chứng bệnh về xã hội; nó là một thứ vi khuẩn xuất thân từ một nền kinh tế bệnh hoạn. Chúng ta cần phải nói giản dị là nền kinh tế này bệnh hoạn. Nó đã bị bệnh. Nó bệnh hoạn. Nó là hoa trái của tình trạng tăng trưởng kinh tế mất cân bằng - tình trạng tăng trưởng mất cân bằng là bệnh hoạn - bất chấp những giá trị nhân bản cốt yếu. Trong thế giới ngày nay, một ít người giầu có sở hữu còn hơn cả toàn thể phần còn lại của nhân loại nữa. Tôi muốn lập lại điều này để giúp chúng ta suy nghĩ: một ít người giầu, một nhóm nhỏ, sở hữu của cải còn hơn tất cả phần còn lại của loài người. Đó là những gì thuần thống kê. Đó là một thứ bất công vang đến tận trời cao!Đồng thời, kiểu mẫu của nền kinh tế này còn tỏ ra lãnh đạm đối với tình trạng bị phá hoại xẩy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta nữa. Ngôi nhà chung của chúng ta không được chú ý chăm sóc. Chúng ta đang tiến đến chỗ cận kề với những gì là vượt quá nhiều hạn mức của hành tinh tuyệt vời của chúng ta, với các hậu quả trầm trọng bất khả cứu vãn: từ tình trạng bị mất đi tính chất đa dạng về sinh thể học, cùng với tình trạng thay đổi khí hậu, đến tình trạng mực nước dâng lên, và tình trạng hủy hoại các khu rừng ở miền nhiệt đới. Tình trạng bất bình đẳng về xã hội, và tình trạng suy thoái về môi sinh là những gì đi với nhau và có cùng một nguồn cội (see Encyclical, Laudato Si’, 101), đó là thứ tội muốn chiếm hữu và muốn thống trị anh chị em của mình, muốn chiếm hữu cũng như muốn thống trị thiên nhiên tạo vật và chính Thiên Chúa nữa. Thế nhưng, nó lại không phải là dự án đối với việc tạo dựng.
"Ngay từ ban đầu Thiên Chúa đã ký thác trái đất, cùng với những nguồn nhiên liệu của nó, cho vai trò quản trị chung của nhân loại, để họ chăm sóc chúng" (Catechism of the Catholic Church, 2402). Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta để làm chủ trái đất này, nhân danh Ngài (see Gen 1:28), canh tác nó và gìn giữ nó như là một khu vườn, khu vườn của hết mọi người (see Gen 2:15). "Nếu 'việc canh tác' đây ám chỉ việc vun trồng, cầy bừa hay lao công, thì 'việc gìn giữ' có nghĩa là chăm sóc, bảo vệ, canh chừng và bảo trì" (LS, 67). Thế nhưng, hãy coi chừng, đừng dẫn giải điều này như là một thứ a carte blanche muốn làm gì thì làm với trái đất này. Không phải thế. Giữa chúng ta và thiên nhiên tạo vật có "một mối liên hệ về trách nhiệm hỗ tương" (ibid). Một mối liên hệ về trách nhiệm hỗ tương giữa chúng ta và thiên nhiên tạo vật. Chúng ta lãnh nhận từ tạo vật và chúng ta có phận sự trả lại. "Mỗi một cộng đồng có thể hưởng những gì là tốt lành của trái đất này, bất cứ những gì cần thiết để tồn tại, thế nhưng, họ cũng có nhiệm vụ bảo vệ trái đất này nữa" (ibid). Cần phải có qua có lại.
Thật vậy, trái đất này "đã ở ngay trước chúng ta đây và nó đã được ban cho chúng ta" (ibid), nó đã được Thiên Chúa ban "cho toàn thể nhân loại" (CCC, 2402). Và vì thế chúng ta có nhiệm vụ phải bảo đảm rằng các thứ hoa trái của nó cần phải vươn tới hết mọi người, chứ không phải chỉ có một ít người nào đó thôi. Đó là yếu tố chính yếu nơi mối liên hệ của chúng ta với các thứ sản vật của trái đất này. Như các Nghị Phụ Công Đồng Chung Vaticanô II đã nhắc nhở: "Con người cần phải coi những sự vật bên ngoài họ sở hữu hợp pháp chẳng những như là của mình mà còn như của chung, ở chỗ, chúng cần phải được làm ích cho chẳng những họ mà còn cho cả những người khác nữa" (Pastoral Constitution Gaudium et spes, 69). Thật vậy, "quyền sở hữu đối với bất cứ của cải nào làm cho sở hữu chủ của nó trở thành một kẻ quản thủ của Đấng Quan Phòng, ở việc làm cho nó sinh lợi và mang lại lợi ích cho các người khác nữa" (CCC, 2404). Chúng ta là thành phần quản trị viên các thứ sản vật, chứ không phải là thành phần chủ nhân ông. Thành phần quản trị viên. "Đúng thế, nhưng sản vật này là của tôi": quả thật là của bạn đấy, nhưng bạn chỉ quản trị nó thôi, chứ không được sở hữu nó một cách vị kỷ cho chính bản thân bạn.
Để bảo đảm những gì chúng ta sở hữu đều mang lại giá trị cho chung cộng đồng, thì "thẩm quyền chính trị có quyền lợi và nghĩa vụ phải điều hành những công việc làm hợp pháp về quyền lợi sở hữu cho công ích" (ibid, 2406 / See GS, 71; S. John Paul II, Encyclical Letter Sollicitudo rei socialis, 42; Encyclical Letter Centesimus annus, 40.48). "Sự phụ thuộc của sản vật riêng tư cho mục đích chung của sản vật, [...] là một qui luật vàng về vấn đề hành sử xã hội, và là nguyên tắc đầu tiên của toàn bộ cấp trật về đạo lý và xã hội" (LS, 93 / See S. John Paul II, Encyclical Letter Laborem exercens, 19).
Của cải và tiền bạc là những phương tiện có thể phục vụ sứ mệnh của chúng. Tuy nhiên, chúng ta lại dễ dàng biến chúng thành cùng đích, cho cá nhân hay cho tập thể. Khi điều này xẩy ra thì các thứ giá trị thiết yếu về nhân bản bị ảnh hưởng. Con người nhân linh homo sapiens bị méo mó và trở thành những loại con người kinh doanh homo œconomicus - theo một ý nghĩa tai hại - một loại người vị kỷ, tính toán và thống trị. Chúng ta quên rằng, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và tương tự như Thiên Chúa, chúng ta là những hữu thể xã hội, sáng tạo và liên kết với một khả năng yêu thương vô tận. Chúng ta thường quên điều ấy. Thật vậy, trong số tất cả mọi loài, thì chúng ta là những hữu thể hợp tác với nhau nhất, và chúng ta triển nở thành cộng đồng, như rõ ràng được tỏ hiện nơi cảm nghiệm của các thánh nhân. Một câu nói theo tiếng Tây Ban Nha tác động tôi viết lên câu này. Câu nói đó là “Florecemos en racimo, como los santos”: chúng ta triển nở thành cộng đồng, như được tỏ hiện nơi cảm nghiệm của các thánh nhân.
Khi nỗi ám ảnh chiếm hữu và thống trị tỏ ra loại trừ hằng bao nhiêu triệu con người không có được những sản vật căn bản; khi kinh tế cùng với tình trạng bất cân bằng về kỹ thuật xẩy ra thì cơ cấu xã hội bị rạn nứt; và khi tình trạng lệ thuộc vào mức tiến bộ vật chất vô giới hạn đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta, thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn. Không, đó là những gì lo ngại. Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn! Bằng ánh mắt gắn chặt vào Chúa Giêsu (see Heb 12:20), và bằng niềm tin tưởng rằng tình yêu của Người đang hoạt động qua cộng động các môn đệ của Người, chúng ta cần phải cùng nhau hoạt động, hy vọng sẽ mang lại một điều gì đó khác biệt hay tốt hơn. Niềm hy vọng Kitô giáo, được bắt nguồn nơi Thiên Chúa, là cái neo của chúng ta. Nó tác động ý muốn chia sẻ, bằng cách kiên cường sứ vụ của chúng ta là thành phần môn đệ của Chúa Kitô, Đấng đã chia sẻ tất cả mọi sự với chúng ta.
Các cộng đồng Kitô giáo tiên khởi đã ý thức được điều ấy. Họ đã sống ở những thời khắc khó khăn, như chúng ta đây. Hãy nhớ rằng họ đã trở nên một lòng một trí, họ đã đặt tất cả sản vật họ có làm của chung, nhờ đó họ minh chứng cho ân sủng dồi dào của Chúa Kitô nơi họ (see Acts 4:32-35). Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Thứ dịch bệnh này đang đang đẩy chúng ta vào cuộc khủng hoảng. Thế nhưng, chúng ta hãy nhớ rằng sau bất cứ một cuộc khủng hoảng nào, con người ta không còn như trước nữa. Chúng ta ra khỏi cuộc khủng hoảng ấy tốt hơn, hay tệ hơn. Đó là sự chọn lựa của chúng ta. Sau cuộc khủng hoảng này, chẳng lẽ chúng ta sẽ tiếp tục guồng máy kinh tế bất công xã hội, cùng với việc suy giảm chăm sóc cho môi sinh, cho tạo vật, cho ngôi nhà chung của chúng ta hay sao? Chúng ta hãy nghĩ về điều ấy. Chớ gì các cộng động Kitô hữu của thế kỷ 21 này phục hồi lại thực tại này - đó là chăm sóc cho tạo vật và công bằng xã hội, cả hai đi với nhau... - có thế chúng ta mới minh chứng cho cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô. Nếu chúng ta chăm sóc các thứ sản vật được Đấng Tạo Hóa ban cho chúng ta, nếu chúng ta biết đặt tất cả những gì chúng ta có làm của chung, nhờ đó không ai bị thiếu thốn, thì chúng ta thực sự làm cho hy vọng vươn lên trong việc tái sinh một thế giới lành mạnh và bình đẳng hơn. Để kết thúc, chúng ta hãy nghĩ về các con trẻ. Hãy đọc các bản thống kê mà xem: biết bao nhiêu là con trẻ ngày nay đang chết đói, vì việc phân phối giầu có không tốt, vì guồng máy kinh tế như tôi đã đề cập đến trên đây; và biết bao nhiêu là trẻ em ngày nay không được học hành gì hết, cũng vì lý do ấy. Chớ gì hình ảnh trẻ em thiếu thốn vì đói khổ và thiếu giáo dục này giúp chúng ta ý thức được rằng sau cuộc khủng hoảng này chúng ta cần phải trở nên tốt đẹp hơn. Xin cám ơn anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi
tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu
Tóm Lược Bài Giáo Lý hôm nay:
1- Trước cơn dịch bệnh cùng với các hậu quả về xã hội của nó, nhiều người liều mình bị mất đi niềm hy vọng. Trong thời điểm bất ổn và thảm thương này, tôi mời gọi hết mọi người hãy đón nhận tặng ân hy vọng xuất phát từ Chúa Kitô.
2- Bệnh dịch này đã phơi bày ra và làm trầm trọng hóa các vấn đề về xã hội, trên hết là vấn đề bất bình đẳng.... Những triệu chứng bất bình đẳng này cho thấy một chứng bệnh về xã hội; nó là một thứ vi khuẩn xuất thân từ một nền kinh tế bệnh hoạn.
3- Trong thế giới ngày nay, một ít người giầu có sở hữu còn hơn cả toàn thể phần còn lại của nhân loại nữa... Đồng thời, kiểu mẫu của nền kinh tế này còn tỏ ra lãnh đạm đối với tình trạng bị phá hoại xẩy ra cho ngôi nhà chung của chúng ta nữa.
4- Tình trạng bất bình đẳng về xã hội, và tình trạng suy thoái về môi sinh là những gì đi với nhau và có cùng một nguồn cội, đó là thứ tội muốn chiếm hữu và muốn thống trị anh chị em của mình, muốn chiếm hữu cũng như muốn thống trị thiên nhiên tạo vật và chính Thiên Chúa nữa.
5- "quyền sở hữu đối với bất cứ của cải nào làm cho sở hữu chủ của nó trở thành một kẻ quản thủ của Đấng Quan Phòng, ở việc làm cho nó sinh lợi và mang lại lợi ích cho các người khác nữa". Chúng ta là thành phần quản trị viên các thứ sản vật, chứ không phải là thành phần chủ nhân ông.
6- Khi nỗi ám ảnh chiếm hữu và thống trị tỏ ra loại trừ hằng bao nhiêu triệu con người không có được những sản vật căn bản; khi kinh tế cùng với tình trạng bất cân bằng về kỹ thuật xẩy ra thì cơ cấu xã hội bị rạn nứt; và khi tình trạng lệ thuộc vào mức tiến bộ vật chất vô giới hạn đe dọa ngôi nhà chung của chúng ta, thì chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn.
7- Chớ gì các cộng động Kitô hữu của thế kỷ 21 này phục hồi lại thực tại này - đó là chăm sóc cho tạo vật và công bằng xã hội, cả hai đi với nhau... - có thế chúng ta mới minh chứng cho cuộc Phục Sinh của Chúa Kitô.
Theo thông báo của phủ giáo hoàng hôm Thứ Tư 26/8/2020 thì từ Thứ Tư mùng 2/9/2020, các buổi Triều Kiến Chung Thứ Tư hằng tuần sẽ bắt đầu được tham dự, với sự tuân thủ các qui định phòng chống dịch bệnh của chính quyền dân sự, và diễn ra ở sân của Tông Dinh San Damasco. Các buổi Triều Kiến Chung này, vì còn ít và ở một nơi nhỏ hơn Quảng Trường Thánh Phêrô mà không cần phải ghi danh và có vé tham dự như trước đây. Ngỏ vào Sân San Damasco này là qua Cửa Đồng (The Bronze Door) ở vòng trụ của Quảng Trường Thánh Phêrô. Cho dù 9:30 sáng mới bắt đầu, nhưng có thể đến từ 7:30 sáng.