GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC PHANXICÔ - HUẤN TỪ TRUYỀN TIN CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM A
Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỉ. Chúa Giêsu trả lời ma quỉ bằng Lời Chúa, chứ không phải bằng lời của Người...
Hãy cẩn thận nhé: đừng bao giờ đối thoại với chước cám dỗ, đừng bao giờ đối thoại với ma quỉ...
Cám dỗ là một nỗ lực theo đuổi những đường lối khác với những đường lối của Thiên Chúa...
Càng xa cách Thiên Chúa, chúng ta càng cảm thấy mình yếu kém khả năng tự vệ và bất lực trước những trục trặc trầm trọng trong đời.
Xin chào anh chị em thân mến,
Trong Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay này, bài Phúc Âm (xem Mathêu 4:1-11) cho chúng ta biết rằng, sau khi lãnh nhận Phép Rửa ở sông Jordan, Chúa Giêsu "được Thần Linh đưa vào hoang địa để bị ma quỉ cám dỗ" (câu 1). Người dọn mình để bắt đầu sứ vụ của mình trong việc loan báo Nước Trời, và như Moisen cũng như Elia đã thực hiện trong Cựu Ước (xem Xuất Hành 24:18; 1Chư Vương 19:8), Người làm như thế bằng 40 ngày chay tịnh. Người tiến vào "Mùa Chay". Kết thúc của giai đoạn chay tịnh này, tên cám dỗ là ma quỉ đã nhào vô và ba lần tìm cách thử thách Chúa Giêsu. Chước cám dỗ đầu tiên xẩy ra ngay ở sự kiện là Chúa Giêsu đang bị đói, nên hắn mới gợi ý với Người rằng: "Nếu người là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho những hòn đá này trở nên những ổ bánh mà ăn" (câu 3) - một thách đố, thế nhưng Chúa Giêsu đã rõ ràng đáp lại rằng: "Có lời chép là 'Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời phát ra từ miệng Thiên Chúa'" (4:4). Người ám chỉ Moisen khi vị này nhắc nhở dân chúng đang hành trình lâu dài trong sa mạc, một hành trình họ đã thấy được rằng sự sống của họ lệ thuộc vào Lời Chúa (xem Đệ Nhị Luật 8:3).
Sau đó ma quỉ thử lần thứ 2 (các câu 5-6); hắn tỏ ra tinh khôn hơn, ở chỗ cũng trích dẫn Thánh Kinh. Chiến lược là thế này: nếu ngưoi hết sức tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa thì hãy nghiệm chứng quyền năng ấy đi; thật vậy, chính Thánh Kinh đã khẳng định rằng các Thiên thần sẽ nâng đỡ ngươi (câu 6). Thế nhưng, cả ở trong trường hợp này cũng thế, Chúa Giêsu vẫn tỏ ra vững vàng, vì những ai tin tưởng thì đều biết rằng Thiên Chúa không thử thách ai, nên cứ phó mình cho lòng thiện hảo của Ngài. Bởi thế, Chúa Giêsu đã trả lời cho câu Thánh Kinh được Satan dẫn giải một cách máy móc, bằng một câu trích khác: "Cũng có lời chép rằng: 'Ngươi chớ có thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi'" (câu 7).
Sau hết là lần thử thứ 3 (câu 8-9) cho thấy tư tưởng thực sự của ma quỉ, đó là vì Nước Trời đến thì đánh dấu việc hắn bắt đầu bị đánh bại, nên Tên Gian Ác này đã muốn đánh lạc hướng Chúa Giêsu cho khỏi việc Người hoàn thành sứ vụ của Người, bằng cách cống hiến cho Người một nhãn quan theo chiều hướng thiên sai có tính cách chính trị. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã tẩy chay loại trừ thứ ngẫu tượng quyền lực và vinh quang loài người này, và để xua đuổi tên cám dỗ đi, cuối cùng Người nói với hắn rằng: "Satan, hãy đi ngay! Vì có lời chép 'Người phải tôn thờ Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và chỉ phụng vụ một mình Ngài mà thôi" (câu 10). Vào lúc ấy, trung thành với lệnh truyền của Chúa Cha, các Thiên thần ở gần Chúa Giêsu tiến đến phục vụ Người (câu 11). Sự kiện này dạy cho chúng ta một điều là: Chúa Giêsu không đối thoại với ma quỉ. Chúa Giêsu trả lời ma quỉ bằng Lời Chúa, chứ không phải bằng lời của Người. Rất thường xẩy ra trong cơn cám dỗ là chúng ta bắt đầu đối thoại với chước cám dỗ, đối thoại với ma quỉ: "đúng thế, thế nhưng tôi có thể làm điều ấy..., sau đó tôi có thể đi xưng tội, rồi thế này thế nọ..." Đừng bao giờ đối thoại với ma quỉ. Chúa Giêsu thực hiện hai điều với ma quỉ, đó là Người xua đuổi hằn đi, hay, như trong trường hợp này, Người trả lời bằng Lời Chúa. Hãy cẩn thận nhé: đừng bao giờ đối thoại với chước cám dỗ, đừng bao giờ đối thoại với ma quỉ.
Ngày nay Satan cũng đột nhập vào đời sống của con người để cám dỗ họ bằng những gợi ý hấp dẫn; hắn hòa tiếng của hắn với nhiều tiếng khác để tìm cách thuần thục hóa lương tâm. Nhiều sứ điệp xuất hiện từ nhiều phía mời gọi anh chị em hãy "để mình bị cám dỗ" hầu cảm nghiệm thấy cái ly kỳ rộn rã của việc vấp phạm.
Kinh nghiệm của Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng cám dỗ là một nỗ lực theo đuổi những đường lối khác với những đường lối của Thiên Chúa: "Thế nhưng, hãy cứ làm điều này đi, chẳng có sao đâu, rồi Thiên Chúa cũng tha thứ đó mà! Cứ việc hoan hưởng một ngày vui thú..." "Thế nhưng lại có tội!" - "Không, chẳng tội lỗi gì hết". Chúng là những đường lối khác, những đường lối cống hiến cho chúng ta cái cảm quan tự mãn, cảm quan hoan hưởng cuộc đời như là chính nó là cùng đích vậy. Tuy nhiên, tất cả những sự ấy đều là ảo tưởng: chẳng bao lâu chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta càng xa cách Thiên Chúa, chúng ta càng cảm thấy mình yếu kém khả năng tự vệ và bất lực trước những trục trặc trầm trọng trong cuộc sống.
Xin Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đấng đạp nát đầu con rắn, giúp chúng ta trong thời điểm Mùa Chay này biết tỉnh táo trước các chước cám dỗ, không để mình thần phục một thứ ngẫu tượng nào của thế gian này, biết theo gương Chúa Giêsu trong việc chiến đấu chống lại sự dữ, và nhờ đó chúng ta cũng trở thành những kẻ chiến thắng như Chúa Giêsu.
(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC ngỏ lời chào các phái đoàn hành hương như thường lệ, và đồng thời ngài cũng xin cầu nguyện cho tuần tĩnh tâm của Giáo Triều Roma trong Mùa Chay như thông lệ hằng năm, nhưng năm nay ngài không thể tham dự vì hơi bị cảm cúm:)
Tôi cũng xin anh chị em nhớ cầu nguyện cho Tuần Tĩnh tâm của Giáo Triều Roma, được bắt đầu vào buổi tối hôm nay ở Ariccia. Tiếc thay, tôi bị cảm nên không thể tham dự năm nay: tôi sẽ theo dõi các bài giảng từ nơi đây. Tôi liên kết với Giáo Triều và tất cả những ai đang sống những giây phút nguyện cầu, thực hiện Tuần Tĩnh Tâm tại gia.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu