GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2020

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật III Mùa Vọng

 

Pope Francis during his Sunday Angelus

 

Lời mời gọi hân hoan là đặc tính của Mùa Vọng,

ở chỗ niềm đợi trông việc hạ sinh của Chúa Giêsu là những gì làm chúng ta cảm thấy hân hoan...

Chúa càng gần đến với chúng ta thì chúng ta càng cảm thấy hân hoan;

càng xa Người chúng ta càng cảm thấy buồn khổ. Đó là một qui luật cho Kitô hữu.

 

Pope Francis gives the Angelus address on Dec. 8, 2020. Credit: Vatican Media.

 

Vị Tẩy Giả này là chứng nhân tiên khởi của Chúa Giêsu,

bằng lời nói và bằng việc hiến ban sự sống của mình.

Tất cả các Phúc Âm đều đồng ý cho thấy rằng

ngài đã hoàn trọn sứ vụ của ngài bằng việc xác nhận Chúa Kitô là Đấng Thiên Chúa sai, được các Tiên Tri loan báo....

Ngài đã không giây phút nào chiều theo xu hướng lôi kéo chú ý của dân chúng về bản thân ngài,

ngài luôn hướng mình về Đấng đã phải đến.

 

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Lời mời gọi hân hoan là đặc tính của Mùa Vọng, ở chỗ niềm đợi trông việc hạ sinh của Chúa Giêsu là những gì làm chúng ta cảm thấy hân hoan, giông giống như lúc chúng ta đợi trông một người chúng ta rất thương mến nào đó đến viếng thăm, một người bạn chúng ta đã lâu ngày không gặp, một người thân thuộc của chúng ta... Chúng ta đang ở trong tình trạng ngưỡng vọng hân hoan. Và chiều kích hân hoan này đặc biệt tỏ hiện hôm nay đây, Chúa Nhật Thứ Ba, một Chúa Nhật mở ra với lời huấn dụ của Thánh Phaolô: "Anh em hãy luôn hoan hỉ trong Chúa" (Entrance Antiphon; cf. Phil 4:4, 5). "Hãy hoan hỉ!" Niềm vui Kitô giáo. Mà đâu là lý do cho niềm vui này? Đó là "Chúa đã gần đến" (v.5). Chúa càng gần đến với chúng ta thì chúng ta càng cảm thấy hân hoan; càng xa Người chúng ta càng cảm thấy buồn khổ. Đó là một qui luật cho Kitô hữu. Một triết gia kia có lần đã nói đại khái như thế này: "Tôi không hiểu ngày nay người ta tin tưởng ra sao nữa, vì những ai bảo rằng họ tin tưởng mà mặt mũi lại cứ như đưa đám vậy. Họ không làm chứng về niềm vui Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô". Đúng thế, nhiều Kitô hữu đã mang bộ mặt ấy, một bộ mặt đưa đám, một bộ mặt u sầu... Thế nhưng Chúa Kitô đã sống lại! Chúa Kitô yêu thương anh chị em! Mà anh chị em lại không vui hay sao? Chúng ta hãy thử nghĩ một chút mà xem và hãy tự vấn: "Tôi có hân hoan vì Chúa đang ở gần với tôi, vì Chúa yêu thương tôi, vì Chúa đã cứu chuộc tôi hay chăng?"

Phúc Âm theo Thánh Gioan hôm nay cho chúng ta thấy - ngoài Đức Mẹ và Thánh Giuse - một nhân vật Phúc Âm là con người đầu tiên và trọn vẹn nhất đã cảm thấy niềm trông đợi Đấng Thiên Sai và niềm vui nhìn thấy Ngài đến: dĩ nhiên chúng ta đang nói đến Thánh Gioan Tẩy Giả (cf. Jn 1:6-8, 19-28).

Vị Thánh ký đã long trọng giới thiệu ngài như thế này: "Có một người được Thiên Chúa sai... Ngài đã đến để làm chứng, làm chứng cho ánh sáng" (vv.6-7). Vị Tẩy Giả này là chứng nhân tiên khởi của Chúa Giêsu, bằng lời nói và bằng việc hiến ban sự sống của mình. Tất cả các Phúc Âm đều đồng ý cho thấy rằng ngài đã hoàn trọn sứ vụ của ngài bằng việc xác nhận Chúa Kitô là Đấng Thiên Chúa sai, được các Tiên Tri loan báo. Thánh Gioan là vị lãnh đạo thời của ngài. Danh tiếng của ngài đã lan khắp Giudea và hơn thế nữa, tới tận Galilea. Thế nhưng ngài đã không giây phút nào chiều theo xu hướng lôi kéo chú ý của dân chúng về bản thân ngài, ngài luôn hướng mình về Đấng đã phải đến. Ngài thường nói rằng: "Đấng đến sau tôi là Đấng giây giầy của Người tôi cũng chẳng đáng cởi nữa" (v.27). Ngài liên lỉ nhấn mạnh đến Chúa. Như Đức Mẹ luôn tập trung vào Chúa: "Các anh hãy làm những gì Người bảo các anh làm". Chúa bao giờ cũng là trọng tâm, là chính yếu. Các Thánh nhân bao chung quanh ngài, hướng về Chúa. Ai không cho thấy Chúa thì cũng không phải là người thánh thiện gì! Đó là điều kiện đầu tiên cho niềm vui Kitô giáo, tức là hãy hạ mình xuống để Chúa chính yếu. Đây không phải là những gì chán ghét, vì Chúa Giêsu mới thực sự là chính yếu; Người là ánh sáng cống hiến trọn vẹn ý nghĩa cho đời sống của hết mọi con người nam nữ được sinh vào trần gian này. Tương tự như cái động lực yêu thương vậy, nó đưa tôi ra khỏi bản thân mình, không phải là để đánh mất bản thân tôi, mà là để lại được thấy nó, trong khi tôi trao tặng bản thân tôi, trong khi tôi tìm kiếm thiện ích cho người khác.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã thực hiện một hành trình dài để làm chứng cho Chúa Giêsu. Cuộc hành trình hân hoan này không phải là kiểu đi dạo trong vườn. Nó cần phải làm việc để luôn có được niềm vui. Thánh Gioan đã bỏ lại tất cả vào thời trẻ trung của mình để theo đuổi Thiên Chúa trên hết, để hết lòng hết sức lắng nghe Lời của Người. Thánh Gioan đã rút lui vào trong sa mạc, trút bỏ tất cả những gì là nông nổi phù du, để được tự do hơn theo chiều gió Thánh Linh. Dĩ nhiên, có một đặc đặc tính cá thể của ngài là những gì độc đáo, bất khả tái diễn; mọi người không được huấn dụ noi theo. Thế nhưng, chứng từ của ngài là những gì mô mẫu cho những ai muốn tìm kiếm ý nghĩa cho đời sống của mình cùng với niêm vui chân thực. Vị Tẩy Giả này đặc biệt là mẫu gương cho những ai trong Giáo Hội được kêu gọi loan báo Chúa Kitô cho người khác: họ chỉ có thể làm việc ấy chỉ bằng việc tách lìa bản thân mình cũng như khỏi trần tục, đừng lôi kéo dân chúng theo mình mà là hướng họ về Chúa Giêsu.

Niềm vui là ở chỗ đó, ở chỗ qui hướng về Chúa Giêsu. Và niềm vui phải là đặc tính nơi đức tin của chúng ta. Trong những lúc tăm tối, niềm vui nội tâm này, niềm vui biết rằng Chúa ở với tôi, Chúa ở với tôi, Chúa đã sống lại. Chúa! Chúa! Chúa! Đó là tâm điểm của đời sống chúng ta, và là tâm điểm nơi niềm vui của chúng ta. Hôm nay chúng ta hãy suy nghĩ xem tôi đang tác hành ra sao? Tôi có phải là một con người hân hoan biết cách truyền đạt niềm vui là Kitô hữu chăng, hay tôi luôn giống như những con người buồn thảm, như đã được nhắc tới, có bộ mặt đưa đám? Nếu tôi không có được niềm vui nơi đức tin của tôi, tôi không thể nào làm chứng, và người ta sẽ nói rằng: "Nếu tin tưởng mà lại quá buồn thảm thì thà đừng tin tưởng"

Giờ đây, bằng việc nguyện Kinh Truyền Tin, chúng ta thấy được tất cả những điều ấy hoàn toàn được hiện thực nơi Đức Trinh Nữ Maria: Mẹ đã âm thầm trông đợi Lời cứu độ của Thiên Chúa; Mẹ đã đón nhận Lời Chúa; Mẹ đã lắng nghe Lời Chúa; Mẹ đã thụ thai Lời Chúa. Nơi Mẹ, Thiên Chúa trở nên cận kề. Đó là lý do tại sao Giáo Hội xưng tụng Mẹ là "nguồn vui của chúng ta - Cause of our joy"

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2020/documents/papa-francesco_angelus_20201213.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu