GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm A
Xin chào anh chị em thân mến!
Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật tuần này (xem Mt 16:13-20) trình thuật về giây phút Tông đồ Phêrô tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai cũng là Con Thiên Chúa. Việc tuyên xưng của vị Tông đồ này được gợi lên bởi chính Chúa Giêsu, Đấng muốn dẫn các môn đệ của Người đến một bước quyết liệt trong mối liên hệ của các vị với Người. Thật vậy, tất cả cuộc hành trình của Chúa Giêsu với những ai theo Người, nhất là với Nhóm 12, đó là một cuộc hành trình giáo huấn đức tin của họ. Trước hết, Người hỏi các vị rằng: "Dân chúng bảo Con Người là ai?" (câu 13). Các vị Tông đồ thích nói về dân chúng, như tất cả chúng ta vậy. Chúng ta thích những gì là đồn đoán. Nói về người khác không phải là những gì quá khó khăn, và đó là lý do tại sao chúng ta thích nói; cho dù là "chỉ trích trách móc" kẻ khác. Trong trường hợp ở đây lại là quan điểm về đức tin cần được biết, chứ không phải là vấn đề đồn đoán nào đó, nên Người mới hỏi: "Người ta bảo Con Người là ai?" Các môn đệ dường như tranh nhau để tường trình với các ý nghĩ khác nhau, cho đến độ khác biệt lớn lao. Các vị đã nêu lên các ý nghĩ như vậy. Chính yếu thì vẫn chỉ là vấn đề Đức Giêsu Nazarét được dân chúng cho là một vị tiên tri nào đó (câu 14).
Bằng câu hỏi thứ hai, Chúa Giêsu đụng chạm đến chính bản thân của các vị: "Thế nhưng còn các con thì sao?... Các con cho Thày là ai?" (câu 15). Tới đây, chúng ta dường như thấy được một giây phút thinh lặng, như thể mỗi một người hiện diện bấy giờ được kêu gọi để nhập cuộc, trong việc tỏ ra lý do tại sao các vị theo Chúa Giêsu; bởi thế mà, thật là hợp lý khi xẩy ra một chút lưỡng lự như vậy. Như thể tôi hỏi anh chị em bây giờ rằng: "Đối với anh chị em thì Chúa Giêsu là ai vậy?" thì chắc chắc sẽ xẩy ra một chút do dự nào đó. Người môn đệ Simon đã đưa họ ra khỏi vòng vây, bằng việc lên tiếng giõng dạc tuyên xưng rằng: "Thày là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (câu 16). Câu trả lời này, thật là trọn vẹn và sáng suốt, không xuất phát từ những thôi thúc nơi ngài, cho dù là quảng đại mấy chăng nữa - một Phêrô rộng lượng - mà là hoa trái của một đặc ân từ Cha trên trời. Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã nói rằng "Điều này không phải là do huyết nhục tỏ ra cho con đâu" - tức là bởi văn hóa, bởi những gì con đã học hỏi, không, nó không phải là những gì tỏ ra cho con như thế. Điều ấy được tỏ ra cho con "bởi Cha Thày ở trên trời đó" (câu 17). Việc tuyên xưng Chúa Giêsu là một ơn được Chúa Cha ban cho. Việc tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng Cứu Chuộc, là một ơn chúng ta cần phải kêu xin: "Lạy Cha, xin ban cho con ơn biết tuyên xưng Chúa Giêsu". Đồng thời, Chúa Giêsu nhìn nhận câu đáp tức thời của môn đệ Simon theo tác động của ân sủng, nên đã trịnh trọng nói thêm rằng: "Con là Phêrô, Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày trên đá ấy, và cửa Hỏa ngục sẽ không thể nào làm gì được" (câu 18). Bằng việc khẳng định này, Chúa Giêsu làm cho môn đệ Simon nhận thức được ý nghĩa của cái tên mới được Người đặt cho ngài là "Phêrô", ý nghĩa đó là đức tin được ngài mới tỏ ra đó là "thứ đá" vững chắc được Con Thiên Chúa muốn sử dụng để xây Giáo Hội của Người trên đó, tức là xây lên một cộng đồng dân Chúa. Và Giáo Hội này luôn tiến lên trên nền tảng đức tin của Tông đồ Phêrô, một đức tin được Chúa Giêsu nhìn nhận, và là một đức tin khiến ngài trở thành vị lãnh đạo Giáo Hội.
Ngày nay, chúng ta nghe thấy Chúa Giêsu đặt câu hỏi này với từng người chúng ta: "Phần con, con nói Thày là ai?" Thày là ai với từng người chúng ta. Hết mọi người trong chúng ta cần phải cống hiến một câu trả lời không phải theo lý thuyết, mà là một câu trả lời của đức tin, tức là của đời sống, vì đức tin là cuộc sống! "Đối với con thì Chúa là...", rồi sau đó tuyên xưng Chúa Giêsu. Một câu trả lời mà cả chúng ta nữa, như các vị môn đệ tiên khởi, cần phải lắng nghe trong nội tâm của mình tiếng của Chúa Cha, hòa âm với những gì được Giáo Hội, hợp với Thánh Phêrô, tiếp tục tuyên xưng. Đó là một vấn đề ý thức Chúa Giêsu là ai đối với chúng ta: Người có là tâm điểm của đời sống chúng ta hay chăng, Người có là đích điểm dấn thân của chúng ta trong Giáo Hội, việc dấn thân của chúng ta trong xã hội hay chăng. Chúa Giêsu Kitô là ai đối với tôi đây? Chúa Giêsu Kitô là ai đối với anh, với chị, với anh chị em...? Một câu trả lời chúng ta cần phải đáp lại hằng ngày.
Thế nhưng, xin hãy nhận thức rằng: thật là bất khả châm chước và đáng khen khi mà việc chăm sóc mục vụ của cộng đồng chúng ta phục vụ đối với nhiều hình thức nghèo khổ và khủng hoảng. Đức ái bao giờ cũng phải là cao độ của hành trình đức tin, của tầm mức đức tin trọn hảo. Thế nhưng, chúng cần phải là những hoạt động của tình đoàn kết, những hoạt động của đức ái chúng ta thực hiện, không làm cho chúng ta trệch khỏi mối liên kết với Chúa Giêsu. Đức ái Kitô giáo không phải chỉ là những gì thuần yêu thương nhân bản, mà là, một đàng nó nhìn vào người khác bằng ánh mắt của chính Chúa Giêsu, đàng khác, nó nhìn thấy Chúa Giêsu trên dung nhan của người nghèo. Đó là đường lối thực sự của đức ái Kitô giáo, lấy Chúa Giêsu là tâm điểm, bao giờ cũng thế. Xin Mẹ Maria Rất Thánh, vị có phúc vì đã tin, là vị hướng dẫn và là mô phạm của chúng ta trên con đường của đức tin (faith) nơi Chúa Giêsu, và làm cho chúng ta nhận thức được rằng lòng tin tưởng (trust) vào Người là những gì cống hiến trọn vẹn ý nghĩa cho việc bác ái của chúng ta, cũng như cho tất cả đời sống của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu