GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm A
Việc vâng lời không phải ở chỗ thưa "vâng" hay "không", mà là luôn hành động...
Chúa Giêsu muốn vượt ra ngoài một thứ tôn giáo được hiểu như là một thứ thực hành có tính cách bề ngoài và theo thói quen tập tục, không tác dụng gì tới đời sống và thái độ của con người ta, một thứ tôn giáo nông nổi, thuần "nghi thức", theo nghĩa xấu của từ ngữ này.
Chúa Giêsu không nói rằng những người thu thuế và gái điếm là gương mẫu sống, mà như thể "được Ân Sủng ưu ái".
Tôi muốn nhấn mạnh đến chữ "ân sủng". Ân Sủng.
Vì việc hoán cải bao giờ cũng là một ân sủng. Một thứ ân sủng được Thiên Chúa ban cho bất cứ ai cởi mở và trở về với Ngài.
Người anh gây ấn tượng nhất, không phải vì anh ta nói" không" với cha của mình,
mà là vì "cái không" của anh ta đã được anh ta hoán thành "có", anh ta đã thống hối.
Thiên Chúa nhẫn nại với từng người chúng ta: Ngài không mệt mỏi, Ngài không bỏ sau khi xẩy ra "cái không" của chúng ta;
Ngài để chúng ta được tự do, ngay cả việc chúng ta tách mình khỏi Ngài và gây ra các thứ lầm lỗi.
Xin chào anh chị em thân mến!
Ở đất nước của tôi, chúng tôi nói rằng "gương mặt tươi trong bầu khí xấu". Với "gương mặt tươi" này tôi xin chào anh chị em!
Bằng việc giảng dạy của mình về Vương Quốc của Thiên Chúa, Chúa Giêsu chống lại tính chất tôn giáo không bao gồm đời sống con người, một tính chất tôn giáo không chất vấn lương tâm và trách nhiệm trước những gì là lành dữ. Điều này cũng được chứng tỏ ở dụ ngôn hai người con trong Phúc Âm Thánh Mathêu (cf.21:28-32). Để đáp lời mời gọi của người cha đi làm vườn nho, người con thứ nhất bốc đồng đáp lại "không, con không đi", rồi sau đó hối hận mà đi; trái lại, người con thứ hai liền trả lời rằng "vâng, thưa bố" mà thực sự lại không làm thế, không đi. Việc vâng lời không phải ở chỗ thưa "vâng" hay "không", mà là luôn hành động, là vun sới vườn nho, là làm cho Vương Quốc của Thiên Chúa trị đến, là hành thiện. Bằng thí dụ đơn giản này, Chúa Giêsu muốn vượt ra ngoài một thứ tôn giáo được hiểu như là một thứ thực hành có tính cách bề ngoài và theo thói quen tập tục, không tác dụng gì tới đời sống và thái độ của con người ta, một thứ tôn giáo nông nổi, thuần "nghi thức", theo nghĩa xấu của từ ngữ này.
Những tay phô trương nơi tính chất tôn giáo "mặt tiền" bị Chúa Giêsu tẩy chay này, ở vào thời đó là "các trưởng tế và các vị kỳ lão" (Mt 21:23), thành phần, theo lời khiển trách của Chúa, sẽ bị qua mặt trong Vương Quốc của Thiên Chúa bởi "những người thu thuế và gái điếm" (xem câu 31). Chúa Giêsu nói với họ rằng: "Những người thu thuế, tức là các tội nhân, và những thứ gái điếm vào Vương Quốc của Thiên Chúa trước các ngươi". Chúng ta không được căn cứ vào lời khẳng định này mà nghĩ về những ai không tuân theo các giới luật của Thiên Chúa, những ai không tuân giữ luân lý, rằng tốt lắm, "thế thì những ai đi Nhà Thờ đều tệ hơn chúng ta". Không, đó không phải là giáo huấn của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không nói rằng những người thu thuế và gái điếm là gương mẫu sống, mà như thể "được Ân Sủng ưu ái". Tôi muốn nhấn mạnh đến chữ "ân sủng". Ân Sủng. Vì việc hoán cải bao giờ cũng là một ân sủng. Một thứ ân sủng được Thiên Chúa ban cho bất cứ ai cởi mở và trở về với Ngài. Thật vậy, những con người này, khi lắng nghe giáo huấn của Ngài, đã tỏ ra thống hối và thay đổi cuộc đời. Chúng ta hãy nghĩ đến Mathêu chẳng hạn. Thánh Mathêu, nhân vật đã là một tên thu thuế, một tay phản bội quê hương của mình.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, người anh đầu gây ấn tượng nhất, không phải vì anh ta nói" không" với cha của mình, mà là vì "cái không" của anh ta đã được anh ta hoán thành "có", anh ta đã thống hối. Thiên Chúa nhẫn nại với từng người chúng ta: Ngài không mệt mỏi, Ngài không bỏ sau khi xẩy ra "cái không" của chúng ta; Ngài để chúng ta được tự do, ngay cả việc chúng ta tách mình khỏi Ngài và gây ra các thứ lầm lỗi. Việc nghĩ đến sự nhẫn nại của Thiên Chúa thật là tuyệt vời! Chúa bao giờ cũng đợi chờ chúng ta; Ngài luôn ở bên chúng ta để giúp đỡ chúng ta; thế nhưng, Ngài tôn trọng tự do của chúng ta. Ngài nóng lòng chờ đợi tiếng "vâng" của chúng ta, để lại đón nhận chúng ta vào vòng tay thân phụ của Ngài, và làm cho chúng ta tràn đầy lòng thương xót vô biên bất tận của Ngài. Niềm tin vào Thiên Chúa đòi chúng ta hằng ngày phải cải cách việc chúng ta chọn lựa sự lành hơn là sự dữ, chọn chân lý hơn là những gì giả dối, chọn yêu thương tha nhân hơn là vị kỷ. Những ai biết biến cải việc chọn lựa này, sau khi trải quả tội lỗi, sẽ được ở những vị trí đầu trong Nước Trời, nơi cảm thấy vui mừng vì một tội nhân hoán cải hơn là chín mươi chín kẻ công chính không cần hoán cải (xem Lk 15:7).
Thế nhưng, việc hoán cải, việc thay đổi cõi lòng, là một tiến trình, một tiến trình thanh tẩy chúng ta khỏi những thứ cứng cỏi nông cạn về luân lý. Có những lúc nó là một tiến trình đớn đau, vì không có con đường nên thánh nào mà lại không có một hy sinh nào đó, và không xẩy ra trận chiến thiêng liêng. Chiến đấu cho sự thiện; chiến đấu để không sa chước cám dỗ; thực hiện những gì chúng ta có thể về phần của chúng ta, để tiến tới chỗ sống trong an bình và niềm vui của các Mối Phúc Thật. Đoạn Phúc Âm hôm nay đặt ra vấn đề về lối sống nơi cuộc đời Kitô hữu, một lối sống không được làm nên bởi những thứ mơ mộng và những cảm hứng tuyệt vời, mà là những quyết tâm cụ thể, để luôn cởi mở bản thân của mình hơn trước ý muốn của thiên Chúa cũng như trước tình yêu thương với anh chị em của chúng ta. Thế nhưng, quyết tâm này, cho dù là quyết tâm cụ thể nhỏ mọn nhất, cũng không thể thực hiện được nếu thiếu ân sủng. Hoán cải là một ân sủng chúng ta luôn phải xin Chúa: "Lạy Chúa, xin ban cho con ơn biết cải tiến. Xin ban cho con ơn trở thành một Kitô hữu tốt lành".
Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta biết dễ dậy trước tác động của Thánh Linh. Ngài là Đấng làm tan ra những gì là cứng cỏi của cõi lòng, và giúp cho cõi lòng biết ăn năn thống hối, nhờ đó chúng ta chiếm được sự sống và ơn cứu độ như Chúa Giêsu hứa ban.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu